04/02/2018 10:04 GMT+7

TP.HCM dồn sức giải quyết kẹt xe Cát Lái

MAI HOA thực hiện
MAI HOA thực hiện

TTO - Giải pháp căn cơ cho khu vực cảng Cát Lái phát triển là phải sớm điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố, theo giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM.

TP.HCM dồn sức giải quyết kẹt xe Cát Lái - Ảnh 1.

Ông Bùi Xuân Cường - Ảnh: T.TRUNG

Ông Bùi Xuân Cường - giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết sản lượng năm 2017 của cảng Cát Lái là khoảng 59 triệu tấn, vượt khoảng 1,6 lần so với công suất thiết kế theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Nhưng hạ tầng kết nối khu vực cảng chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến tình trạng kẹt xe ở khu vực này.

Ông Cường nói: "Khu vực cảng trên sông Đồng Nai trong đó có cảng Cát Lái được quy hoạch là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1). Vấn đề là chúng ta phải tập trung để đầu tư đồng bộ các loại hình giao thông kết nối để đảm bảo thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt".

* Ngành giao thông đã thực hiện nhiều giải pháp giải quyết kẹt xe ở Cát Lái nhưng tình trạng này vẫn còn trầm trọng, vậy giải pháp căn cơ sẽ là gì, thưa ông?

Giải pháp căn cơ cho khu vực cảng Cát Lái phát triển là phải sớm điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố và tích hợp các quy hoạch ngành có liên quan, định vị rõ vai trò, quy mô khu vực cảng Cát Lái gắn với quy hoạch đô thị, gắn với quy hoạch cảng biển trong toàn vùng, phát triển đồng bộ các loại hình giao thông kết nối, trong đó có đường sắt, đường thủy nội địa để giảm áp lực cho giao thông đường bộ, đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ để thực hiện đúng quy hoạch. 

Tôi nghĩ vấn đề này hoàn toàn có thể giải quyết được.

Mấy năm gần đây TP.HCM cũng đã ưu tiên và tăng tốc đầu tư hạ tầng giao thông khu vực này thông qua hàng loạt dự án. Nhưng dự án giao thông không phải ngày một ngày hai có thể đưa vào sử dụng được, mà cần phải có thời gian, nhất là trong khâu chuẩn bị mặt bằng. Thông thường thời gian trung bình của một dự án nhanh phải 3-5 năm nếu thuận lợi. 

Hiện nay chúng tôi đang thi công nút giao thông Mỹ Thủy, nâng cấp mở rộng đường vành đai 2, mở rộng đường Nguyễn Thị Định, xây dựng đường mới kết nối trực tiếp Tân Cảng ra vành đai 2...

Từ nay tới 30-4, nút giao thông Mỹ Thủy giai đoạn 1, cầu qua đảo Kim Cương kết nối với đường Mai Chí Thọ sẽ đưa vào sử dụng, tình hình giao thông khu vực này sẽ được cải thiện. Các công trình này triển khai đều vượt tiến độ hợp đồng nhưng vẫn còn chậm so với yêu cầu của thực tiễn.

TP.HCM dồn sức giải quyết kẹt xe Cát Lái - Ảnh 2.

Hầm chui vừa đưa vào hoạt động tại vòng xoay Mỹ Thủy, Q.2, TP.HCM - Ảnh: THUẬN THẮNG

* Nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên dời cảng Cát Lái?

Vấn đề ở đây vẫn là bài toán chi phí và lợi ích. Thời gian qua Cát Lái vẫn là cảng được các doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn vì nó có những ưu thế nhất định: giá dịch vụ logistics thuận lợi, chi phí hợp lý, hậu cần trong khu vực cảng tốt hơn là điều kiện quan trọng để có nguồn hàng. Đó là quy luật của thị trường và chúng ta phải tôn trọng. 

Nếu đứng trên góc độ quy hoạch hiện nay thì đây vẫn là một trong 4 khu vực cảng tổng hợp chủ lực của TP.HCM. Và trong tương lai chúng tôi đánh giá rằng vẫn phải tiếp tục giữ vai trò đó để phát huy được những lợi thế có sẵn như luồng hàng hải, luồng tự nhiên rất thuận lợi, hệ thống hạ tầng cầu cảng, rồi hạ tầng giao thông kết nối cũng đã có.

Như vậy thách thức đặt ra là phải phối hợp điều hành như thế nào để cho cảng vẫn phát triển được theo tầm nhìn đã quy hoạch, đồng thời tạo động lực cho đô thị phát triển đồng bộ, không gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực, trong đó cần tách bạch được hệ thống giao thông đường bộ phục vụ cảng và phục vụ đô thị.

Với các cảng biển lớn trên thế giới, việc kết nối các cảng qua hệ thống đường bộ không phải là chủ lực, mà phải qua hệ thống đường sắt chuyên dụng và đường thủy. Chúng ta hoàn toàn có điều kiện làm như vậy cho cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu.

TP.HCM dồn sức giải quyết kẹt xe Cát Lái - Ảnh 3.

Đồ họa: VĨ CƯỜNG

* Vậy TP.HCM có tính toán gì phát triển đường sắt chuyên dụng và đường thủy nội địa để "chia lửa" với đường bộ quanh khu vực này?

Giao thông TP.HCM có một đặc thù là các cảng biển như Cát Lái, sân bay Tân Sơn Nhất nằm sâu trong nội thành. 

Những năm qua, đặc biệt là năm 2017, TP.HCM đã dồn sức giải quyết ùn tắc ở hai khu vực này. Giao thông quanh khu vực Tân Sơn Nhất đã bước đầu tháo gỡ được. Còn khu vực cửa ngõ phía đông thành phố, trong đó có Cát Lái, sẽ là ưu tiên quan trọng nhất để dồn sức trong năm nay.

TP.HCM đang xem xét điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030 tầm nhìn 2050, trong đó đã yêu cầu nghiên cứu có cần thiết bổ sung quy hoạch, đầu tư một tuyến đường sắt chuyên dùng kết nối khu vực cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu với hệ thống đường sắt quốc gia ở Sóng Thần, Dĩ An hay không, đồng thời tập trung dồn sức khai thông các tuyến đường thủy nội địa trên sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, chuyển tải hàng xuất nhập khẩu bằng hệ thống đường thủy nội địa qua các cảng, sà lan, kết nối phục vụ Cát Lái và các cảng khác để giảm áp lực cho đường bộ.

PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng - phó hiệu trưởng Đại học Giao thông vận tải TP.HCM: Đẩy nhanh tiến độ nút giao thông Mỹ Thủy

Các tuyến đường ra vào cảng Cát Lái như Đồng Văn Cống, Nguyễn Thị Định... thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất, sinh hoạt và lưu thông của doanh nghiệp, người dân trong khu vực.

Nguyên nhân là do hiện nay tất cả các loại xe lưu thông vào cảng Cát Lái đều qua hướng vòng xoay Mỹ Thủy khiến khu vực này quá tải. Thậm chí các cổng ra vào cảng dù nằm trên các tuyến đường nhánh nhưng đều phải đi qua đoạn này.

Bên cạnh đó, hệ thống giao thông kết nối từ quận 7 qua đường vành đai 2 về cảng Cát Lái hoặc từ vành đai 2, xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... cũng đều tập trung về vòng xoay Mỹ Thủy.

Do đó TP.HCM cần gấp rút hoàn thành các hạng mục cầu vượt, hầm chui... tại nút giao thông Mỹ Thủy để hoàn thiện hạ tầng tại cửa ngõ phía đông, giải tỏa áp lực xe cộ tại đây.

TS Võ Kim Cương - nguyên phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM: Giảm tàu chở hàng ở Cát Lái

Muốn giảm kẹt xe ở khu vực cảng Cát Lái, cần phải quy hoạch lại giao thông toàn bộ, giảm lượng tàu giao dịch, bốc dỡ hàng ở cảng Cát Lái.

Có thể thấy hạ tầng đường sá xung quanh cảng vẫn chưa đáp ứng được lượng tăng trưởng của hàng hóa ra vào cảng. Trong khi đó, lượng tàu chở hàng tại đây lại ngày càng nhiều.

Giải pháp trước mắt là cần san sẻ lượng hàng sang hai cảng Hiệp Phước và Cái Mép - Thị Vải để giảm ùn tắc giao thông.

Giải pháp làm tuyến đường sắt nối vào cảng Cát Lái sẽ giải quyết được tình trạng kẹt xe và tai nạn giao thông. Vận tải đường sắt nối tiếp với cảng sẽ rất thuận lợi vì đây là loại vận tải khối lượng lớn, an toàn, giải phóng lượng hàng hóa nhanh. Rất thuận lợi cho việc vận chuyển ra các tỉnh miền Trung.

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Đường riêng cho xe container

Xây dựng hầm chui hay cầu vượt chỉ là một trong các giải pháp nhằm giảm kẹt xe trước mắt. Cần quy hoạch và sớm xây tuyến đường dành riêng cho xe đầu kéo container, không thể dùng chung đường đô thị.

Cần tách đường cho xe đầu kéo container để giảm chồng lấn giao thông và tai nạn giao thông. Việc xe đầu kéo vẫn lưu thông chung với các phương tiện khác dễ gây kẹt xe, mất an toàn cho người dân.

Các đô thị lớn trên thế giới đều có đường riêng cho xe container. Ví dụ, xa lộ Hà Nội là đường giao thông nội ô, không được cho xe đầu kéo container đi. Hiện xe đầu kéo vẫn lưu thông chung với các phương tiện khác, như vậy vừa kẹt xe và mất an toàn cho người dân.

Ngoài ra, quy hoạch giao thông khu vực này cần thiết kế riêng tuyến đường sắt từ cảng Cát Lái kết nối vào hệ thống đường sắt quốc gia. Đường sắt là loại vận tải hàng hóa rất tiết kiệm, giảm chi phí vận chuyển, giảm kẹt xe và tai nạn giao thông ở cửa ngõ thành phố.

Ông Trần Doãn Phi Anh - nguyên giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển giao thông vận tải phía Nam: Đường sắt đến cảng biển

Một cảng biển đạt đến công suất xếp dỡ hàng chục triệu tấn hàng hóa/năm trở lên thì phải làm tuyến đường sắt nối đến cảng để giảm tải cho đường bộ.

Trong khi đó, cảng Cát Lái đã đạt công suất khoảng 59 triệu tấn, đã vượt khoảng 1,6 lần so với công suất thiết kế theo quy hoạch đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Hạ tầng kết nối khu vực cảng chưa đáp ứng được yêu cầu, bởi vậy dẫn đến tình trạng kẹt xe gây bức xúc.

Hàng hóa mà không có đường sắt thì áp lực giao thông sẽ đè gánh nặng lên đường bộ. Đến nay, toàn bộ hàng vận chuyển từ Cát Lái về ga Sóng Thần vẫn vận chuyển đường bộ. Do vậy không thể giải tỏa ùn tắc giao thông cho các tuyến đường ở Cát Lái.

Trong quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM quy hoạch tuyến đường sắt từ ga Sóng Thần nối về Tân Cảng - Cát Lái là rất cần thiết.

MAI HOA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên