Đội Cảnh sát giao thông Tân Túc lập chốt trên đường Nguyễn Văn Linh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sáng 31-5, Ban An toàn giao thông TP.HCM phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) tổ chức sơ kết Chiến dịch tuyên truyền kết hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định tốc độ đối với người điều khiển xe cơ giới đường bộ.
Theo Ban An toàn giao thông TP, trong thời gian thực hiện chiến dịch (từ ngày 20-1 đến 31-3), các đơn vị thuộc Phòng PC67 và cảnh sát giao thông các quận, huyện đã lập biên bản 7.368 trường hợp vi phạm tốc độ.
Trong đó, xe khách vi phạm 180 trường hợp, taxi 49 trường hợp, xe con 2.320 trường hợp, xe tải 1.109 trường hợp. Số vụ vi phạm tốc độ tăng 1.467 trường hợp so với năm 2017.
Tuy nhiên, quá trình xử lý các trường hợp vi phạm tốc độ còn gặp nhiều khó khăn, ý thức tham gia giao thông chưa cao, cố ý chạy quá tốc độ quy định gây nguy hiểm, dễ xảy ra tai nạn.
Không chỉ vậy, một số người còn chống đối, không hợp tác với lực lượng chức năng ảnh hưởng đến thời gian xử phạt.
Nhiều tuyến đường trên địa bàn TP.HCM nhỏ hẹp, giao cắt nhiều, xe đông nên việc xử lý tốc độ công hạn chế.
Ông Nguyễn Ngọc Tường - phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM cho biết trong thời gian tới, đơn vị này sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng chạy quá tốc độ.
Cảnh sát giao thông cần kiên quyết lập biên bản, áp dụng biện pháp ngăn chặn với các trường hợp chống đối.
Đặc biệt, các đơn vị phải nghiên cứu, có đề xuất hình thức xử phạt theo hướng nâng cao mức phạt tiền, kéo dài thời hạn giữ xe, tước giấy phép lái xe.
Tại một số tuyến đường trọng điểm, Sở Giao thông vận tải TP thêm biển báo hạn chế tốc độ để người dân chấp hành.
Trao đổi tại hội nghị, các đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc, Cát Lái, cho biết máy móc bắn tốc độ chưa được đầu tư công nghệ cao, chất lượng hình ảnh kém. Người dân yêu cầu xem hình ảnh sai phạm quá nhiều dẫn tới mất nhiều thời gian xử lý.
Các đội này đề nghị được lập biên bản vi phạm ngay, còn hình ảnh sẽ được lưu lại và cho phép người dân xem khi đóng phạt.
Thượng tá Trần Văn Thương- phó Phòng cảnh sát giao thông đường bộ- đường sắt cho biết sau thông tư 91/2015/TT-BGTVT cho phép tăng tốc trên 12 tuyến đường khiến tình hình vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Do đó, các đội cảnh sát giao thông ở địa bàn huyện Bình Chánh, quận 2, quận 3 cũng đề xuất nên xem xét điều chỉnh tốc độ cho phép phù hợp với thực trạng đường sá.
Về vấn đề này, Phòng Quản lý và khai thác hạ tầng Sở Giao thông vận tải TP.HCM cho rằng các đội cảnh sát giao thông cần đưa ra số liệu cụ thể chứng minh tai nạn gia tăng do vi phạm tốc độ.
Sở Giao thông vận tải TP ghi nhận và sẽ phối hợp kiểm tra lại tình hình tai nạn giao thông trên 12 tuyến đường đã cho phép tăng tốc độ xe cộ. Từ đó, các sở, ngành có phương án tăng, giảm tốc độ lưu thông cho phù hợp nhằm hạn chế vi phạm giao thông, giảm tai nạn giao thông.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận