27/03/2018 15:53 GMT+7

Top những phát minh mới chống 'bà hỏa'

ĐỒNG LỘC (Theo Popsci, Firerescuemagazine, Drivezing)
ĐỒNG LỘC (Theo Popsci, Firerescuemagazine, Drivezing)

TTO - Trước nguy cơ hỏa hoạn, con người đã nghĩ ra nhiều cách để chống 'bà hỏa', từ bộ đồ chống cháy đến dùng sóng âm, dòng điện để dập lửa.

Video mô phỏng xe cứu hỏa trong tương lai - Video: YOUTUBE

Các nhà khoa học đang nghiên cứu thiết kế những loại phương tiện chữa cháy mới cho tương lai, từ những loại xe có hệ thống bánh nâng đặc biệt để không tốn nhiều diện tích lưu thông, có thể di chuyển trong điều kiện đường xá chật hẹp đến các robot tự hành và máy bay cứu hỏa không người lái (drone) có hiệu quả cao và an toàn hơn.

Dùng sóng âm dập lửa

Sáng chế mới nhất là dùng sóng âm để dập lửa thay cho dùng nước hay hóa chất truyền thống. Ưu điểm của nó là dập lửa mà không gây gây hư hại cho các kiến trúc và vật liệu bị cháy.

Tuy vậy, nó chỉ mới thử nghiệm trên quy mô nhỏ và có nhược điểm là không làm nguội được bề mặt vật bị cháy nên có nguy cơ ngọn lửa sẽ tái bùng phát.

Top những phát minh mới chống bà hỏa - Ảnh 2.

Giải pháp dùng sóng âm chữa cháy - Ảnh: Strikefirstusa

Một phát minh khác có thể là bước đột phá quan trọng trong việc chữa cháy là dùng một luồng dòng điện có định hướng để dập lửa dựa trên nguyên tắc dòng điện làm ngọn lửa thay đổi hình dạng.

Các nhà khoa học Mỹ đã dùng một dòng điện cường độ 600 watt có định hướng chiếu vào một đống lửa lớn và dập tắt được nó. 

Dù chưa hiểu rõ lắm về cơ chế dập lửa của dòng điện, các nhà khoa học cho rằng các phân tử carbon (muội tro) sinh ra từ vật liệu bị cháy bị nhiễm điện và làm mất ổn định sự cháy, do đó làm ngọn lửa bị tắt.

Nếu các thử nghiệm tiếp theo đạt kết quả mỹ mãn, họ sẽ chế tạo một thiết bị phát dòng điện định hướng có công suất 60 watt, nó có kích thước gọn nhẹ để nhân viên chữa cháy có thể đeo trên lưng dùng dập lửa.

Ngoài ra còn có các máy móc thiết bị khác như máy cắt bê tông bằng luồng nước áp lực cao cực mạnh, robot điều khiển từ xa trang bị camera quan sát và cảm biến nhiệt độ, robot chữa cháy tự hành, giám sát khu vực cháy bằng máy bay không người lái để điều phối hoạt động cứu hộ... ngày càng được áp dụng rộng rãi trong lực lượng cứu hỏa các nước tiên tiến.

Robot chữa cháy điều khiển từ xa - Video: YOUTUBE, ĐỒNG LỘC Việt hóa

"Áo giáp" cho lính cứu hỏa

Thời xưa, nhiều ngôi nhà cháy rụi hoàn toàn và không thể cứu người còn kẹt bên trong. Lý do là lực lượng cứu hỏa không có trang phục bảo hộ chuyên dụng để xông vào bên trong dập lửa và cứu người.

Những thập niên đầu thế kỷ 20, trang bị bảo hộ cho họ được cải thiện khá hơn với áo khoác, găng tay và ủng làm bằng cao su, nhưng có nhược điểm là nặng nề và cồng kềnh, khó xoay trở khi thao tác và khả năng chịu nhiệt kém.

Sau Thế chiến II, vấn đề trang phục bảo hộ cho lính cứu hỏa được nhiều nước Âu Mỹ đặc biệt quan tâm và thành lập những tiêu chuẩn bắt buộc cho loại trang bị cá nhân này.

Lớp ngoài của quần áo cứu hỏa phải làm bằng lớp vật liệu không bắt cháy và phải chịu được nhiệt độ 260 độ C trong thời gian 5 phút, lớp giữa thì chống thấm nước và trong cùng là lớp cách nhiệt.

Từ cuối thế kỷ 20 đến nay, với sự phát triển của khoa học và công nghệ, trang phục cứu hỏa được làm bằng những loại vật liệu mới có tính năng bảo vệ cao hơn như Kevlar hay Neomex.

Trang phục bảo hộ thế hệ mới có nhiều loại dùng chuyên biệt cho một mục đích nhất định: chống phóng xạ (dùng trong chữa cháy ở các nhà máy điện hạt nhân), chống hóa chất độc hại (cháy nhà máy sản xuất hóa chất), chống nhiễm khuẩn (cháy ở viện nghiên cứu/nhà máy sản xuất các sản phẩm sinh học)…

Top những phát minh mới chống bà hỏa - Ảnh 4.

Ngày nay lính cứu hỏa được trang bị tốt hơn khi chữa cháy - Ảnh: Peakpx

Từ loại nón bảo hộ đơn giản làm bằng da, rồi bằng plastic hay nhôm và mặt nạ phòng độc cồng kềnh của những thế kỷ trước, hiện nay lính cứu hỏa đã được trang bị loại nón bảo hộ bằng sợi thủy tinh và kính che mặt chịu nhiệt chống vỡ, bình oxy và mặt nạ phòng độc gọn nhẹ hơn, có gắn camera quan sát tích hợp chức năng dò ảnh nhiệt, máy bộ đàm để liên lạc với đồng đội.

Với tiêu chí bảo vệ an toàn tối đa, mỗi lính cứu hỏa đều được đeo một thiết bị an toàn cá nhân PASS. 

Nếu PASS nhận thấy người đeo ở trong tình trạng bất động khá lâu (có thể do ngất xỉu hay gặp tai nạn bất ngờ trong ngôi nhà đang cháy) hoặc bình dưỡng khí mang trên người đeo sắp cạn, lập tức nó sẽ gởi cảnh báo cho Ban chỉ huy ở bên ngoài biết để đưa người vào cứu.

Sắp tới, thiết bị PASS thế hệ mới sẽ tích hợp định vị vệ tinh GPS để cấp chỉ huy có thể theo dõi sự di chuyển của từng nhân viên cứu hỏa. Điều này giúp ích rất nhiều cho sự điều phối khâu dập lửa và ứng cứu kịp thời khi nhân viên cứu hỏa gặp nạn.

Chữa cháy hiệu quả hơn nhờ khoa học

Các nhà khoa học đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu về hỏa hoạn, nhờ đó giúp cho ngành cứu hỏa tìm ra những giải pháp hiệu quả để kiểm soát lưu lượng không khí trong một ngôi nhà đang cháy để khống chế ngọn lửa, cách làm hạ nhiệt độ tốt nhất để ngăn ngừa nguy cơ ngọn lửa tái bùng phát.

Công nghệ thông tin cũng đóng góp rất lớn vào công tác cứu hỏa, một kỹ thuật mới là "Hỗ trợ cứu hỏa dùng dữ liệu cảm biến" (Sensor Assisted Fire Fighting) nạp dữ liệu thu được từ các bộ cảm biến trong cao ốc đang bị cháy vào hệ thống máy tính để dự đoán hướng lan tỏa của ngọn lửa.

Đã có những chương trình vi tính được thiết kế riêng cho ngành cứu hỏa để lập mô hình cháy. Nhờ đó lực lượng cứu hỏa có thể tính toán được sự dịch chuyển của luồng không khí nơi bị cháy, tính dễ bắt lửa của vật liệu xây dựng và nội thất, tốc độ lan tỏa và hướng di chuyển dự kiến của ngọn lửa.

Từ những dữ liệu này, họ đưa ra giải pháp phong tỏa và dập lửa hiệu quả hơn nhiều so với những ước lượng bằng kinh nghiệm và tính toán thủ công như thời xưa.

Cháy chung cư Carina tại Sài Gòn, 13 người chết Cháy chung cư Carina tại Sài Gòn, 13 người chết

TTO - Theo thông tin mới nhất từ lãnh đạo Phòng cháy chữa cháy của TP.HCM, đến 5h20 sáng 23-3, đã có 13 người thiệt mạng và 14 người bị thương trong đám cháy chung cư Carina, phường 16, quận 8, TP.HCM.

Đón đọc kỳ tới: Những thiết bị cứu mạng khi có hỏa hoạn

ĐỒNG LỘC (Theo Popsci, Firerescuemagazine, Drivezing)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên