21/09/2017 09:50 GMT+7

Phải xem lại, nếu bổ nhiệm đúng qui trình mà dân vẫn kêu

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khi thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2017 đã đề nghị tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ.

Phải xem lại, nếu bổ nhiệm đúng qui trình mà dân vẫn kêu - Ảnh 1.

Ủy ban cho rằng làm việc này là "để trả lời dư luận cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng".

Đề xuất trên đây không phải là mới. Còn nhớ năm 2016, khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cập đến việc "tìm người tài chứ không phải tìm người nhà", báo chí cũng nêu nhiều trường hợp "cả họ làm quan", sau đó Bộ Nội vụ đã vào cuộc theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Kết quả kiểm tra tại 9 địa phương được Bộ Nội vụ công bố tháng 2-2017 cho thấy có tổng số 58 trường hợp cán bộ, công chức thuộc dạng "người nhà". 

Thanh tra Bộ Nội vụ cũng công bố các vi phạm trong số này, như vợ Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh là bà Phạm Thị Hà - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn - thiếu trình độ ngoại ngữ B; em trai Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà là ông Phạm Sỹ Quý - giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường - chưa đáp ứng tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính...

Cũng trong năm nay, dư luận còn ồn ĩ chuyện 44/46 công chức Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Hải Dương được bổ nhiệm lãnh đạo. Bộ Nội vụ cũng vào cuộc, kết quả là phát hiện một số sai sót, tồn tại cần chấn chỉnh, nhưng các quyết định bổ nhiệm "cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật".

Thời sự nhất, Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố các vi phạm nghiêm trọng của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh, trong đó có việc sử dụng văn bằng không được Bộ Giáo dục - đào tạo công nhận. 

Bình luận với phóng viên Tuổi Trẻ về việc này, cả nguyên phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức trung ương Lê Quang Thưởng và GS Nguyễn Minh Thuyết đều nêu hoài nghi: tại sao với một ủy viên trung ương như vậy, với bằng cấp như vậy mà vẫn dễ dàng "lọt" qua cửa các cơ quan đề bạt, bổ nhiệm cán bộ?

Vậy, nếu thực hiện đề nghị của Ủy ban Tư pháp để tiến hành tổng kiểm tra công tác bổ nhiệm cán bộ thì nên bắt đầu từ đâu: tiêu chuẩn, bằng cấp, quy trình hay sự trung thực trong kê khai tài sản? E rằng sẽ có không ít câu thở dài khi đề cập đến vấn đề này. 

Những trường hợp bị xử lý như ông Nguyễn Xuân Anh chưa hẳn là nhiều. Còn lại, chắc là vẫn "đúng quy trình", "cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật", "rút kinh nghiệm"... Chỉ nhìn vào trường hợp của ông Phạm Sỹ Quý (đến nay Thanh tra Chính phủ vẫn chưa công bố được kết quả thanh tra tài sản của ông này) thì có thể cảm nhận được sự khó khăn và khó hiểu của vấn đề.

Nhiều ý kiến cho rằng đồng thời với việc tiến hành kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ nhằm phát hiện và xử lý các trường hợp gian lận, thiếu trung thực, không đủ tiêu chuẩn, thì việc đáng để dành nhiều thời gian làm thật kỹ là xem xét lại toàn bộ các quy định về tiêu chuẩn, quy trình tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức hiện nay để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. 

Một khi việc bổ nhiệm cán bộ vẫn được khẳng định là đúng quy trình, quy định mà vẫn gây dư luận xấu, nhân dân không đồng tình, thì nhất thiết phải xem lại tính đúng đắn của quy định, quy trình ấy.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên