25/06/2018 10:59 GMT+7

Tổng bí thư: Cuộc chiến chống giặc nội xâm còn chịu sức ép nhiều phía

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng sáng nay 25-6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN - nhấn mạnh như vậy.

Tổng bí thư: Cuộc chiến chống giặc nội xâm còn chịu sức ép nhiều phía - Ảnh 1.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng sáng 25-6 - Ảnh: NAM TRẦN

Trước gần 400 đại biểu gồm các ủy viên Bộ chính trị, ủy viên Trung ương Đảng cùng nhiều lãnh đạo, người đứng đầu các tỉnh, thành phố, bộ, ngành, Tổng bí thư nhấn mạnh đây là hội nghị quan trọng.

Hội nghị không chỉ kiểm điểm việc thực hiện công tác PCTN, bàn phương hướng đến cuối nhiệm kỳ, mà còn nhìn lại 5 năm từ khi thành lập Ban chỉ đạo (BCĐ) trung ương về PCTN với các bước tiến, hạn chế, khó khăn, kinh nghiệm, và đặc biệt là yêu cầu đẩy mạnh cuộc chiến chống giặc nội xâm những năm tới.

Cuộc chiến chống giặc nội xâm còn khó khăn, gian khổ, lâu dài, chịu sức ép từ nhiều phía.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

Theo Tổng bí thư, hội nghị sẽ bàn những công việc thiết thực cụ thể để làm tốt công việc mà nhân dân đang ngóng chờ.

"Tháng 4-2014 tổ chức hội nghị lần thứ nhất, nhưng lần đó chỉ có ý nghĩa mở đường, định hướng. Giờ đến lúc sơ kết vì cuộc chiến này còn khó khăn, gian khổ, lâu dài, chịu sức ép từ nhiều phía. Nó quan trọng là vì thế. Mong sau hội nghị này sẽ có bước chuyển mới, mạnh mẽ, quyết liệt hơn", Tổng bí thư nói.

"Vì thế hầu hết các ủy viên Bộ chính trị, Ban bí thư đều có mặt cùng hơn 100 ủy viên trung ương Đảng. Dư luận mấy hôm nay rất quan tâm và trông chờ tới đây sẽ có những đường hướng gì, có phát triển được nữa không? Vì thế đề nghị sau nghe báo cáo thì thảo luận một cách thiết thực để cuối cùng có kết luận chung để tới đây chúng ta làm tốt, làm hiệu quả".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh hội nghị phải mang bước chuyển mới thì mới gọi là thành công.

Tổng bí thư: Cuộc chiến chống giặc nội xâm còn chịu sức ép nhiều phía - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng sáng 25-6 - Ảnh: NAM TRẦN

Vẫn còn "trên nóng, dưới lạnh"

Theo ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực BCĐ, Trưởng ban Nội chính trung ương, từ năm 2014 đến nay, các cấp ủy đảng đã kiểm tra gần 800.000 đảng viên và gần 200.000 tổ chức đảng, phát hiện hơn 4.390 đảng viên và 2.460 tổ chức đảng vi phạm.

Việc giám sát cũng được thực hiện với hơn 344.560 đảng viên và hơn 116.000 tổ chức đảng, phát hiện 2.190 đảng viên và 1.290 tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm…

Từ đó đã quyết định hoặc đề nghị thi hành kỷ luật nghiêm minh, chính xác, kịp thời tổ chức, cá nhân vi phạm: Từ năm 2014 đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 840 tổ chức đảng và hơn 58.000 đảng viên vi phạm, trong đó có trên 2.700 đảng viên vi phạm về tham nhũng, cố ý làm trái.

Riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã kỷ luật 490 tổ chức đảng và 35.000 đảng viên, trong đó có 1.300 đảng viên bị thi hành kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái.

Điển hình như TP.HCM đã kỷ luật 1.219 đảng viên, cách chức 44, khai trừ 126, đề nghị kỷ luật ủy viên trung ương Đảng, phó bí thư thường trực thành ủy; Nghệ An kỷ luật 2.103 đảng viên, cách chức 67, khai trừ 36; Hà Nội kỷ luật 2.054 đảng viên, cách chức 17, khai trừ 184…

Tổng bí thư: Cuộc chiến chống giặc nội xâm còn chịu sức ép nhiều phía - Ảnh 4.

Ông Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, phó trưởng ban thường trực BCĐ, Trưởng ban Nội chính trung ương - Ảnh: NAM TRẦN

Ông Phan Đình Trạc cũng chỉ ra hạn chế ở công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN hiệu quả chưa cao, chưa tạo sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và người dân về PCTN.

"Vẫn còn tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh PCTN, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm 'chùn bước' những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm 'chậm lại' sự phát triển. 

Trong xã hội vẫn còn tâm lý cần phải hối lộ người có chức vụ, quyền hạn để được thuận lợi trong giải quyết công việc", Trưởng ban Nội chính trung ương lưu ý.

Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xã hội trên một số lĩnh vực vẫn còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn, dễ bị lợi dụng để tham nhũng, nhưng chậm được sửa đổi, bổ sung. Công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, đảng viên để PCTN vẫn còn hạn chế.

"Các loại 'chạy' trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Ở một số bộ, ngành địa phương việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý còn nhiều trường hợp thiếu điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực, bố trí người thân vào vị trí việc làm", ông Phan Đình Trạc nói.

Bên cạnh đó là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", nể nang né tránh, ngại va chạm trong PCTN, tham nhũng "vặt" chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

Vẫn còn tư tưởng lo ngại việc đẩy mạnh PCTN, xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ, đảng viên sai phạm sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm 'chùn bước' những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, làm 'chậm lại' sự phát triển.

Trưởng ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc

Cần loại bỏ những "cây hỏng"

Ông Phan Đình Trạc nhấn mạnh 8 nhiệm vụ, giải pháp, trong đó có tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng; tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN...

"Đảng viên phải gương mẫu hơn quần chúng, cán bộ phải gương mẫu hơn nhân viên, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu", ông Trạc nhấn mạnh và cho rằng cần kiên trì rèn luyện đức tính liêm khiết, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và toàn xã hội.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, tạo hành lang chính trị, pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ, bảo đảm công tác PCTN có hiệu lực, hiệu quả.

"Kỷ luật của Đảng phải nghiêm hơn pháp luật, kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự". 

Xử phạt người trước, răn đe người sau, xử phạt số nhỏ để giáo dục số đông, tuy tố một vụ để cảnh tỉnh cả vùng. Quán triệt và thực hiện phương châm: phòng ngừa giải quyết sớm, "chữa cây bệnh, bỏ cây hỏng" trong kỷ luật của Đảng, ông Phan Đình Trạc lưu ý.

Tổng bí thư: Cuộc chiến chống giặc nội xâm còn chịu sức ép nhiều phía - Ảnh 6.

Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng khai mạc sáng nay 25-6 tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Bên cạnh là tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm soát quyền lực để PCTN. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện sớm, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. 

Khi xảy ra tham nhũng thì phải xử lý kiên quyết, nghiêm minh, kịp thời, đúng quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước, "không có vùng cấm, không có đặc quyền, không có ngoại lệ", và phải "xử lý nghiêm cả những người bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng, can thiệp, ngăn chặn chống tham nhũng".

Ông Phan Đình Trạc cũng nhấn mạnh việc ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

"Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy; khắc phục bằng được những yếu kém trong công tác cán bộ, kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và tập trung vào các dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, quản lý sử dụng đất đai, đầu tư hình thức BT, BOT, cổ phần hóa, thoái vốn; đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, vụ việc tham nhũng, kinh tế đã phát hiện", ông Trạc nói.

Xử phạt người trước, răn đe người sau, xử phạt số nhỏ để giáo dục số đông, tuy tố một vụ để cảnh tỉnh cả vùng.

Trưởng ban Nội chính trung ương Phan Đình Trạc

Từ năm 2014 đến nay các cơ quan tố tụng đã khởi tố 971 vụ án với trên 2.000 bị can; truy tố trên 1.000 vụ án với 2.444 bị can; xét xử 968 vụ án với gần 2.300 bị cáo về các tội tham nhũng.

Riêng các vụ án thuộc diện BCĐ theo dõi, chỉ đạo đến nay đã kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm 35 vụ án với 440 bị cáo với 11 án tử hình cho 10 bị cáo, 20 án chung thân cho 19 bị cáo, 7 bị cáo bị phạt mức tù 30 năm.

Nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm khắc, đúng pháp luật, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao, điển hình như các vụ Vũ Quốc Hảo, Vũ Việt Hùng, Dương Chí Dũng, Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên, Lê Dũng, Châu Thị Thu Nga, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ, vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên mạng Interrnet xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương liên quan đến các ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa…

Gần 500 đại biểu họp bàn về phòng chống tham nhũng Gần 500 đại biểu họp bàn về phòng chống tham nhũng

TTO - Hôm nay (25-6), tại trụ sở Trung ương Đảng, gần 500 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh thành, bộ ngành sẽ tham dự hội nghị toàn quốc về phòng chống tham nhũng.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên