04/12/2012 05:32 GMT+7

Tôi thoát khỏi bệnh trầm cảm

HƯƠNG HUYỀN
HƯƠNG HUYỀN

TT - Trước khi được chữa “đúng thầy, đúng thuốc”, một thời gian dài tôi mắc nhiều bệnh lặt vặt. Cứ chữa khỏi bệnh này thì bệnh khác xuất hiện. Khi thì nổi mề đay, khi chóng mặt, buồn nôn, khi thì đau tức ngực, khó nuốt như bị nghẹn. Tôi đã đến nhiều bệnh viện để chữa mề đay, rối loạn tiền đình, cơ xương khớp... Ở chuyên khoa nào tôi cũng được xét nghiệm, chụp, chiếu, siêu âm, có nơi còn chụp não nữa. Hầu như mọi chỉ số đều bình thường, việc chữa chạy hầu như không có kết quả.

Nhìn bề ngoài tôi vẫn khỏe mạnh nhưng thực tế nhiều lúc tôi cảm thấy chán mọi thứ. Người nhà bảo tôi bị bệnh giả vờ vì khi bạn bè rủ đi uống cà phê hay mua sắm thì tôi vui vẻ, hoạt bát ngay. Tôi chỉ mệt vô cớ khi ngồi một mình, còn đông vui thì không hề thấy mệt.

Tôi lại đi khám bệnh và may mắn gặp được bác sĩ M.H.- CK II nội thần kinh. Trong lúc khai bệnh, bác sĩ hỏi tôi về công việc, gia đình, cuộc sống... Như được mở lòng, tôi kể hết những bệnh bấy lâu đang mắc phải. Chăm chú nghe, thỉnh thoảng bác sĩ gật đầu cười. Bác sĩ vừa khám vừa giải tỏa những thắc mắc của tôi một cách dễ hiểu và thuyết phục.

Bác sĩ M.H. chẩn đoán tôi bị bệnh trầm cảm và giải thích cặn kẽ cho tôi về căn bệnh “thời đại” này. Bác sĩ yêu cầu tôi trả lời những câu hỏi trắc nghiệm về bệnh trầm cảm như để tôi tự phát hiện bệnh của mình. Khi đến với bác sĩ tôi có cảm giác như đang trò chuyện với một người bạn tâm giao. Tôi thấy người nhẹ nhõm như không hề có bệnh. Bác sĩ động viên tôi uống thuốc một thời gian và tập thể dục đều đặn sẽ mau khỏi bệnh, đừng lo lắng nhiều, cuộc sống sẽ vui tươi trở lại.

Tôi tái khám hằng tuần, rồi hằng tháng. Tôi hết dần đau vai, hết dần mề đay, hết dần chóng mặt... Tôi cũng không còn bị mệt mỏi hay lo lắng, hồi hộp vô cớ như trước nữa.

Theo BS CK II M.H., phần lớn bệnh nhân trầm cảm đến các phòng khám vì tức ngực, khó thở, gặp các rối loạn về tiêu hóa, đồng thời thường xuyên có cảm giác chóng mặt, đau đầu, nhức mỏi toàn thân và không đáp ứng với điều trị thông thường. Thầy thuốc chỉ cần biết lắng nghe, chia sẻ, gợi mở là có thể phát hiện bệnh sớm.

Bác sĩ M.H. cho biết trầm cảm cũng không hẳn là một rối loạn tâm thần. Nó có thể chỉ là một phản ứng bình thường trong một vài biến cố của cuộc sống, một triệu chứng của một số bệnh nội khoa và phản ứng phụ của một số thuốc điều trị.

Có thể phòng bệnh bằng cách sống “chậm” và đơn giản hóa mọi vấn đề, yêu người và yêu mình, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục. Khi nghi ngờ mắc bệnh trầm cảm nên khám đúng chuyên khoa để được điều trị sớm và quan trọng là đủ thời gian”.

HƯƠNG HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên