12/11/2018 11:09 GMT+7

Tình người từ chuyến xe ôm

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Vài ngày trước, trên một trang Facebook ở Đà Nẵng có đăng tải câu chuyện đẹp với hình ảnh người lái xe ôm đẩy một bệnh nhân trên xe lăn ở bệnh viện.

Tình người từ chuyến xe ôm - Ảnh 1.

Ông An chở khách trên đường phố Đà Nẵng - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Câu chuyện thấm đẫm tình người đã nhận được nhiều chia sẻ bày tỏ sự cảm phục.

Ai cũng cần tiền để trang trải, nhưng nhiều lúc mình cũng phải coi đồng tiền nó nhỏ một chút để mà sống với nhau cho ra sống.

Ông An xe thồ

Thương người dưng như máu mủ

Câu chuyện mà facebooker Lâm Nguyễn tình cờ chứng kiến ở Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng có đoạn: "Một bệnh nhân nghèo bị hoại tử chân được người chạy xe ôm chở đến bệnh viện. Người chạy xe ôm sau khi đưa bệnh nhân đến tận bậc thềm cứ tưởng sẽ quay xe ra về, không ngờ bác dắt xe ra gửi, gửi xong quay vô đưa bệnh nhân vào chờ khám.

Có người biết bệnh nhân này nghèo khó nên ngỏ ý trả tiền xe cho bác xe ôm, nhưng bác dứt khoát không nhận mặc dù người trả tiền năn nỉ ỉ ôi, nói rằng bác giúp thì được chứ tiền xăng bác phải nhận. Song bác cứ dứt khoát từ chối.

Khách đi xe liên tục gọi, nhưng bác cứ nói rằng đang bận. Vậy là biết bác mất cả buổi sáng không chở khách cốt chỉ để giúp cho người bệnh nghèo tới nơi tới chốn. Khi bệnh nhân được bác sĩ cho nhập viện, bác xe ôm vẫn chờ làm thủ tục đến 10h30 sáng để đưa người bệnh đến tận giường rồi mới quày quả về...".

Từ câu chuyện tử tế đó, chúng tôi tìm đến Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng Đà Nẵng sau ngày ông N.T.H. - người bệnh nhân nghèo trong câu chuyện - nhập viện.

Cũng ở đây, chúng tôi bắt gặp người chạy xe ôm tốt bụng, ông là Nguyễn Rem (62 tuổi), còn gọi là "ông An xe thồ". Sau khi đưa người khách của mình vào viện ổn định, ông An vẫn thường lui tới động viên, chăm sóc ông H..

Khi được xem những chia sẻ và khen ngợi của cộng đồng mạng về hành động tận tâm của mình, ông An cười ái ngại bảo: "Có gì đâu, ai cũng như tui thôi, vì biết nhà ông H. neo người, ổng lại bệnh, bỏ ổng bơ vơ sao đành lòng".

Những người thăm nuôi bệnh cùng phòng với ông H. cho biết từ sau ngày ông nhập viện, hôm nào ông An cũng ghé qua vài lần. Khi cần gì là ông H. nhấc máy gọi, vài phút sau đã thấy ông An xuất hiện. Ai nhìn cũng tưởng hai người là anh em ruột thịt.

Hỏi ông An vô ra bệnh viện vậy rồi chuyện hành nghề kiếm cơm làm sao, ông An cười bảo: "Ai cũng cần tiền để trang trải, nhưng nhiều lúc mình cũng phải coi đồng tiền nó nhỏ một chút để mà sống với nhau cho ra sống".

Tình người từ chuyến xe ôm - Ảnh 3.

Ông An đẩy ông H. trên chiếc xe lăn ngày nhập viện - Ảnh: L.Nguyễn

Tình bạn già từ những cuốc xe

Ba năm trước, lần đầu tiên ông An nhận cuốc xe thồ đưa ông H. đi khám bệnh, lúc ấy chân ông H. vẫn còn đi lại được nhưng luôn nhăn nhó vì phải chịu đựng cơn đau.

Ông An đoán được nỗi đau đớn mà ông H. phải chịu, nhưng biết khách hàng ngại nói nên ông cũng không gặng hỏi. Nhiều lần sau đó, khi đến tận nhà đưa rước ông H., nhìn gia cảnh ông H. quá khó khăn, người chạy xe ôm chạnh lòng.

"Tui thấy mình may mắn, dù nghề xe ôm có vất vả nhưng ngày kiếm vài cuốc xe vẫn đủ lo cho gia đình. Còn ổng chân đau, mẹ già mù lòa, chị gái bị bệnh tim và tâm thần nhẹ nhưng mỗi khi tui mở lời chỉ nhận tiền xăng đưa rước thôi là ổng từ chối" - ông An nói.

Làm nghề xe ôm đã được hơn 8 năm, ông An không ít lần từ chối nhận tiền của những người khách già cả, khó khăn. Theo lời ông An, gia đình ông H. thuộc diện khó khăn nhất nhì phường Thạch Thang, cả nhà sống nhờ vào khoản tiền trợ cấp hằng tháng.

Lắm bận ông An tạt qua nhà thấy người ta cho gạo nhiều quá, sợ ăn không kịp thì hư, ông lẽo đẽo chở đi bán giúp để gia đình ông H. có thêm tiền mua thức ăn.

Ông An bảo ông H. nghèo thiệt nhưng có nghĩa khí, chẳng bao giờ muốn người khác thương hại mình. Thỉnh thoảng thấy hoàn cảnh ông đáng thương, nhiều người ngỏ ý muốn chụp ảnh để đăng lên mạng kêu gọi hỗ trợ là ông từ chối. "Cũng vì lẽ đó mà tui thương ổng. Đôi khi thấy ổng cố chấp nhưng là người nghĩa khí" - ông An nói.

Vài lần sau ông An cũng có đưa rước ông H. đi mấy bận. Quãng đường dù gần dù xa, nhưng chưa bao giờ ông H. mở lời than vãn. Rồi bất ngờ khi chân đau không thể chịu được nữa, ông H. mới gọi ông An đưa đến bệnh viện.

Những ngày chờ đợi kết quả hội chẩn, người ta thấy hai người đàn ông lầm lũi ngồi đối diện nhau. Hiếm hoi trong đôi ba câu chuyện vu vơ ông An kể khiến ông H. bật cười móm mém.

Ông H. nói: "Vì đau đớn nên nhiều khi tui la rầy, nóng nảy, những khi như thế chú An lảng sang chuyện khác, đợi tui nguôi nguôi lại khuyên nhủ, động viên tui".

Hai hôm trước, kết quả chẩn đoán ông H. bị ung thư xương khiến cả hai chết lặng. Cái nghèo lại gặp cái eo. Không ngăn được ông H. rời bệnh viện, ông An đành lủi thủi chở bạn về nhà.

Giờ đây mỗi ngày sau khi chạy rước khách, ông An lại ghé qua nhà ông H. để thăm. Nhìn người bạn già chìm nghỉm trong thuốc giảm đau, thương ông H. lắm nhưng ông An chẳng thể giúp gì được ngoài động viên ông H. đừng bỏ cuộc.

Thật đáng khâm phục

"Từ khi thấy chú xe ôm bế ông H. vô, rồi mấy hôm sau thấy chú ấy cứ hết mang áo quần, mua đồ ăn lại hỏi han, thủ thỉ, tôi cứ tưởng hai người là anh em ruột.

Có khi ông H. đau chân quá, nổi cáu với chú ấy mà thấy ổng vẫn ân cần chăm sóc. Điều này người thân chăm bệnh như tôi còn sợ không làm được, thật là đáng khâm phục".

Bà Nguyễn Thị Thu (người nhà bệnh nhân cùng phòng với ông H.)

'Trà My trên cát bỏng' tưới mầm tử tế

TTO - Trà My hôm nay không đi trên cát bỏng, mà đi về trên những con đường ở TP.HCM, những chuyến xe, chuyến bay liên tỉnh khắp Việt Nam.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên