26/02/2007 18:52 GMT+7

Thơ tình Paul Eluard (Kỳ I)

HUỲNH PHAN ANH
HUỲNH PHAN ANH

TTO - Paul Eluard (1895-1952) là một sứ giả thi ca đúng nghĩa của nước Pháp, là nhà thơ mà cuộc đời và sự nghiệp thi ca mãi mãi gắn bó và hợp nhất thành một huyền thoại không ngừng tỏa sáng dù ông đã từ giã chúng ta non nửa thế kỷ.

TPaJdNqR.jpgPhóng to
Chân dung nhà thơ Paul Eluard
TTO - Paul Eluard (1895-1952) là một sứ giả thi ca đúng nghĩa của nước Pháp, là nhà thơ mà cuộc đời và sự nghiệp thi ca mãi mãi gắn bó và hợp nhất thành một huyền thoại không ngừng tỏa sáng dù ông đã từ giã chúng ta non nửa thế kỷ.

Với Eluard, không thể tách nghệ thuật ra khỏi con người, thơ khỏi người thơ. Người ta không thể sống một đàng và làm nghệ thuật một nẻo, bởi cuộc sống người nghệ sĩ trước tiên là một bản văn gốc với đầy đủ thi pháp riêng của nó mà nghệ thuật là một phản ánh trung thành và trung thực.

Nói cách khác người ta không thể làm nên bất luận một thứ nghệ thuật nào đúng nghĩa nếu trước tiên không biến bản thân cuộc đời mình thành một tác phẩm mà từng chi tiết có thể soi sáng, lý giải bản thân tác phẩm hơn bất luận một phương pháp phê bình nào dù khoa học và cao siêu tới đâu.

Liệu người ta có thể lĩnh hội đầy đủ tiếng thơ vô tận và linh thiêng của Holderlin, kẻ đón bắt những nhịp điệu thăm thẳm của vũ trụ, nếu quên đi mười năm nở rộ của thiên tài Holderlin cũng là mười năm suy sụp, trầm uất, điên loạn của nhà thơ “bị sét đánh” này để rồi 36 năm còn lại của cuộc đời hoàn toàn chìm đắm trong niềm im lặng của cơn điên khi mọi nhịp cầu với thế giới bên ngoài đã gãy. Liệu Nguyễn Du có đơn giản viết nên Truyện Kiều nếu bản thân ông không là một tâm thức đầy ải, đoạn trường qua bao chìm nổi, tang thương của cuộc đời và thế sự.

Dường như những người nghệ sĩ - nhất là trong địa hạt thi ca, điều này đáng được tìm hiểu sâu hơn - tạo nên một sự nghiệp để đời đều có một tiểu sử ngang tầm với tác phẩm, đúng hơn là họ đã đi qua cuộc đời này, dù nhanh như một ánh sao băng, nhưng dấu vết họ không xóa nhòa, không lặp lại bởi bất luận một ai và ánh sáng cuộc đời này chừng như không còn như trước nữa.

Không phải tình cờ mà Eluard trở thành một nhà thơ tiêu biểu được lắng nghe, yêu mến, trân trọng không riêng gì đối với người đọc mà cả đối với thế hệ các nhà thơ đương thời, đặc biệt các nhà thơ trẻ vẫn tìm đến với ông như một người cùng thời ở phía trước. Không riêng gì trên đất nước ông mà ở khắp nơi trên địa cầu này ông luôn có những con người đồng cảm, chia sẻ với ông ưu tư và hy vọng.

Ở Việt Nam từ nhiều thập kỷ trước người đọc đã quá quen thuộc với tên ông qua những bài thơ bất hủ như Tự do (Liberté), Giới nghiêm (Couvre–feu)… nóng bỏng chất trữ tình chiến đấu. Người ta yêu thơ ông có lẽ vì thơ ông gần gũi, giản dị, trong suốt với những từ thân quen mỗi ngày, với những hình ảnh dễ đón bắt. Người ta đọc thơ ông để thấy tình yêu đáng yêu hơn, cuộc sống đáng sống hơn và con người đáng gần hơn.

Ông là nhà thơ của tình yêu? Của tình bè bạn? Của ý thức dấn thân?... Tất cả đều đúng nhưng không đúng riêng rẽ, tách rời, mà cùng lúc đúng, đồng thời đúng. Tôi muốn nói Paul Eluard là một nhà thơ toàn diện, và thơ ông là một tổng thể nhất quán, một dòng liên tục mà từng bài thơ dù dài, dù ngắn, từng tập thơ qua các thời kỳ là thành phần tan biến vào cái toàn thể, đã là cái toàn thể đó. Sự nghiệp ông dàn trải trong 40 năm thật ra chỉ làm nên một thực thể thơ, một hiện tại thơ độc nhất bất khả phân.

Cho nên tìm Paul Eluard không gì bằng ngược dòng tìm lại Paul Eluard với nguồn cảm hứng ban đầu, với những dòng thơ thứ nhất, tất cả dường như đã định đoạt cả một đền đài thơ cứ cao lên mãi. Tìm lại những thiếu niên thuở ấy, đáng yêu biết mấy những tâm hồn thiếu niên vụng dại với những rung động đầu đời đã là một phiên bản thu nhỏ của những hồn thơ lớn sau này. Paul Eluard và trước đó, Arthur Rimbaud và Lautréamont, dường như đã bị tiếng sét của thơ ngay từ lứa tuổi ngu ngơ dưới bầu trời buồn thiu của tuổi học trò. Gọi là tiếng sét có đúng không khi mà những chàng thiếu niên đó đã sớm già đi trước tuổi, đã tự bao giờ trò chuyện ăn nằm với thơ.

Chính tại thành phố quê hương Charleville buồn thiu “Không có một quán rượu, một tai nạn ngoài đường”, chàng thiếu niên thiên tài Rimbaud đã hình thành giấc mơ đổi đời của mình không phải trong một cơn điên giả mạo rỗng tuếch mà với ý thức sáng suốt của một nhà thơ thông thái ít ai bì: chàng đã đi qua, đúng hơn đã vượt qua 2.000 năm thi ca, và bao nhiêu bài thơ chàng đã làm trên những bước đi hoang của mình, chân không mỏi và túi không tiền! Tìm về chàng thiếu niên Eluard, người ta không thể không nhắc tới thành phố quê hương của ông, Saint - Denis, tiêu điều với những ống khói nhà máy, những cánh đồng, những hàng cây soi bóng trên làn nước lặng lờ của dòng kinh…

Tuổi thiếu niên buồn nản với những ngày tỉnh lị và tiếp theo, những ngày xa nhà, những ngày nằm bệnh viện trên vùng núi cao với bầu trời lồng lộng, những đồng tuyết mênh mông, rồi những ngày gian khổ trong quân ngũ khi đã là một người lính trẻ tham gia cuộc thế chiến thứ nhất…

Tất cả trở thành chiếc nôi thơ của một chàng trai sớm nếm trải những kinh nghiệm cay đắng của cuộc sống và phận người, sớm khát vọng đổi đời, sớm tìm đến với ngôn ngữ thơ, với hành động thơ như một quyền năng đánh đổ khốn cùng và cô đơn, sớm chuẩn bị cho mình một hành trang tri thức và nghệ thuật cần thiết cho cuộc phiêu lưu chỉ kết thúc ở cuối đời: năm 20 tuổi đã đọc tất cả những nhà thơ cổ điển lẫn hiện đại, chưa kể những nhà văn Anh, Đức, những triết gia duy vật chủ nghĩa. Rồi những dòng thơ, bài thơ, tập thơ đầu tiên như bước ra từ chính thời niên thiếu của ông, như tiếp nối mãi mãi cảm thức khốn khổ cùng hy vọng và mời gọi hy vọng mai đây trở thành hai mặt của một hồn thơ thuần khiết thân thương, gần gũi với từng con người biết yêu, biết sống và chết đúng nghĩa.

Hoa đã héo tàn, hạt đã biệt tămTiết đầu hè đang chờ những đợt sương muối mênh môngNhững ngọn gió và những cánh chim hợp nhất: bầu trời thay đổiTôi thắp lên ngọn lửaMột ngọn lửa để được làm bạn với nóMột ngọn lửa để bước vào đêm tối mênh môngMột ngọn lửa để sống tốt hơn.

igeYRMd1.jpgPhóng to
Paul Eluard thời trẻ
Một tiếng nói ra đời. Đó là hơi thở ấm áp tình người phải chăng đã toát ra từ chính sự đồng cảm trong nỗi khổ, trong tình cảnh hao hụt của kiếp người như nhịp cầu đưa ta tới tha nhân để mỗi người chúng ta cũng có thể là kẻ khác, theo câu nói huyền thoại của Rimbaud (Je est un autre). Năm 1918 đánh dấu sự gặp gỡ với Jean Paulhan sau này trở thành “ông chủ” thực sự của văn đàn và tiếp theo với Tzara, Breton, Aragon, Soupault, với Max Ernst, Picasso, Chirico…: những cuộc hạnh ngộ lịch sử mở đầu một trong những cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất của thế kỷ này mà ảnh hưởng còn đậm nét tới ngày nay.

Là người ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thần bí (triết học, tôn giáo), Eluard sớm trở thành người bạn đồng hành đắc lực của Breton trong việc xây dựng nền tảng vững chắc cho phong trào siêu thực, từ lý thuyết tới thi pháp. Mặc dù thừa nhận ở Breton là một bậc thầy tư tưởng của mình và tính chất siêu thực vẫn xuyên suốt trong thơ ông, Eluard vẫn giữ cho mình một phong cách riêng và vẫn giữ khoảng cách với những phương pháp hoặc thủ pháp cực đoan như lý thuyết về cách viết tự động, một trong những con đường vương giả của thi ca siêu thực.

Tình bạn của Eluard với các họa sĩ đã để lại những dấu mốc quan trọng trong thi ca lẫn hội hoạ như Louis Parrot đã nói: “Hội hoạ chưa bao giờ gắn bó với thi ca như thời kỳ đó khi các nhà thơ vẽ, khi các hoạ sĩ làm thơ”. Đó là thời kỳ các hoạ sĩ siêu thực và các nhà thơ siêu thực gặp nhau trong cùng nỗ lực “giải phóng cái nhìn, kết nối tưởng tượng và tự nhiên, xem tất cả những gì khả hữu là thực tại, đánh đổ tính nhị nguyên của tưởng tượng và thực tại, cho thấy tất cả những gì trí tuệ con người có thể quan niệm được đều phát xuất từ cùng một nguồn cảm hứng, thể hiện cùng một chất liệu với máu thịt của nó và với thế giới vây quanh nó” (Louis Parrot).

Có thể nói Eluard là nhà thơ có những mối quan hệ sâu rộng và mật thiết nhất với các hoạ sĩ hàng đầu thời bấy giờ: thi ca và hội hoạ cùng chia sẻ với nhau, cộng tác với nhau trong khám phá những viễn quan mới, những hướng đi mới, những hình dạng mới. Ông đã viết nhiều bài viết giới thiệu, ca ngợi, nhiều bài thơ đẹp nhất dành cho Picasso, người nghệ sĩ vẫn xem hội hoạ và thi ca có mục tiêu là “chân lý thực tiễn”: “Bàn tay bạn nặng trĩu một cái hạt đang nẩy mầm”. Bởi con người thi sĩ, dù trữ tình, siêu thực hay dấn thân nơi ông vẫn không ngừng tìm tới chân lý thực tiễn, theo công thức của Lautréamont.

Là con người kín đáo với nhiều tâm trạng phiền muộn riêng tư, một ngày đẹp trời của năm 1924, ông đột nhiên biến mất giữa lúc hoạt động nghệ thuật của ông đang sôi nổi, không một lời từ giã vợ con, bạn bè. Chuyến đi lang thang vòng quanh thế giới qua khắp các vùng trời xa lạ đó trong 7 tháng, về sau hầu như không được ông nhắc tới dù trong câu chuyện, dù trong những bài thơ.

Ông nói đó là chuyến đi buồn cười, chẳng lợi ích gì cho thơ! Thật ra đó là một chuyến đào thoát đánh dấu một thời kỳ khủng hoảng của nhà thơ, trong đời riêng, trong tình yêu với Gala mà ông đã cưới 7 năm trước đó, chuẩn bị một bước đi mới, một tầm nhìn mới trong thơ: những bài thơ tình có phần bí ẩn hơn, thần bí hơn, hình ảnh người đàn bà trở thành nguồn cảm hứng thi ca và sự cứu rỗi. Thật ra nhà thơ đã thực hiện chuyến đi kép vòng quanh thế giới cũng như qua khắp các thành phố châu Âu, Luân Đôn, Rome, Athenes, Madrid, Prague…: trong thực tại và trong mơ, khi từng bến bờ xa lạ đều đánh thức những hình ảnh trong kỷ niệm đã lãng quên của nhà thơ, đúng hơn trong kỷ niệm những giấc mơ chỉ mới hé mở một thực tại lờ mờ chờ đợi được nhận diện, bổ sung, hoàn tất. Do đó người ta không lạ gì khi ông kể đã gặp một người đàn bà mà ông đã thấy trong mơ!

Cuộc đời không suôn sẻ. Tình bạn với Breton đến lúc phải đoạn tuyệt, vì quan điểm, mặc dù vẫn còn đó sự trân trọng. Tình yêu của Gala đến lúc phải chia tay. Tập tình yêu thi ca ghi lời đề tặng Gala, nhưng đã xuất hiện một bóng hình khác, Nush, sẽ là người bạn đời của ông suốt 17 năm, cho đến ngày nàng qua đời, và sau đó là Dominique, người đàn bà cuối cùng của đời ông.

Gala, Nush, Dominique: ba tên gọi của một huyền thoại đàn bà trong đời ông cũng như trong thơ ông. Nếu ở Goethe, mỗi người tình là một nấc thang giúp ông vươn tới một kiệt tác mới, thì đối với Eluard, đó là ngưỡng cửa, cánh cửa mở ra cho ông cái vô tận của cuộc đời, của thế giới, của vũ trụ, của thi ca: ông không yêu để làm thơ bởi tình yêu đối với ông cũng là một cách sống, một cách nhìn, một cách đến với thơ, bởi tình yêu không phải là phương tiện, vật sở hữu, nó là cứu cánh, nó là thơ. Tình yêu thi ca: tình yêu chính là thi ca.

“Trái tim tím trên cành, bạn chỉ cần hái”, câu thơ thời niên thiếu, có lẽ là hình ảnh khái quát cả cuộc đời Eluard, một con người dấn thân đúng nghĩa, trọn vẹn: ông đã trải qua hai cuộc thế chiến trong tư cách người chiến sĩ đối đầu với cái chết. Ông là đảng viên đảng Cộng sản. Ông là con người chiến đấu không mệt mỏi trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, cho đất nước, cho con người, cho những giá trị nhân văn cao cả chống lại tất cả các thế lực kiến tạo đổ nát (les bâtisseurs des ruines), “sẵn sàng cho tất cả vì tương lai của tất cả mọi người”, để trái đất mãi “xanh tươi như một quả cam”.

Ngây ngất

Tôi đứng trước phong cảnh đàn bà nàyNhư một đứa trẻ trước lửa Cười mơ hồ và mắt ngấn lệTrước phong cảnh này nơi tất cả lay động trong tôiNơi những tấm gương nhòa đi nơi những tấm gương sáng lênPhản chiếu hai thân xác trần trụi mùa áp mùaTôi có lắm lý do để lạc lõngTrên trái đất không lối đi này và dưới bầu trời không chân trời nàyVà tôi sẽ không quên bao giờNhững chiếc chìa khóa đẹp của những cái nhìn những chiếc chìa khóa con đẻ của chính chúngTrước phong cảnh này nơi thiên nhiên là của tôiTrước ngọn lửa đầu tiênLý do tốt đẹp chính yếuNgôi sao được xác địnhTrên mặt đất và dưới bầu trời ngoài tim tôi và trong tim tôiCái chồi thứ hai chiếc lá xanh lục thứ nhấtPhủ bằng đôi cánh của biểnVà mặt trời ở tận cùng tất cả đến từ chúng ta Tôi đứng trước phong cảnh đàn bà này Như một cành cây trong lửa.

Sẵn sàng cho nụ hôn phục sinh

Anh nghèo nên không thể sống trong ngu muộiAnh phải nghe ngóng và lạm dụngNghe ngóng em khỏa thân và trông thấy em khỏa thânĐể lạm dụng những cơn vuốt ve của emMay mắn hay bất hạnhAnh biết nằm lòng bí mật của emTất cả mọi cánh cửa của vương quốc emVương quốc của đôi mắt của đôi bàn tayCủa đôi bầu vú và của miệng em nơi từng cái lưỡi tiêu tánVà cánh cửa thời gian mở giữa đôi chân emĐóa hoa của những đêm mùa hạ với đôi môi sấm sét Nơi ngưỡng cảnh vật nơi đóa hoa cười và khócTrong khi vẫn giữ màu nhạt của hạt trai chết Trong khi vẫn tặng em trái tim em trong khi vẫn dang đôi chân emEm như biển em đu đưa những vì saoEm là cánh đồng tình yêu em ràng buộc và rẽ phânNhững người tình và những người điênEm là cái đói bánh mì cái khát cơn say cao vờiVà cuộc hôn phối cuối cùng giữa chiêm bao và đức hạnh

HUỲNH PHAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên