19/01/2016 22:27 GMT+7

​Phạm Công Luận: Tôi viết để sau này con tôi đọc về Sài Gòn

LAM ĐIỀN
LAM ĐIỀN

TTO - Nhiều bạn đọc tại Đường sách TPHCM đã đến tham dự buổi giao lưu gặp gỡ tác giả Phạm Công Luận nhân dịp ra mắt tập 3 bộ sách Sài Gòn - chuyện đời của phố.

Nhà báo, tác giả Phạm Công Luận (trái) đang giao lưu với bạn đọc tại Đường sách tối 19-1 - Ảnh: L.Điền
Nhà báo, tác giả Phạm Công Luận (trái) đang giao lưu với bạn đọc tại Đường sách tối 19-1 - Ảnh: L.Điền

Buổi giao lưu do Phương Nam book tổ chức, bắt đầu vào lúc gần 19g đêm 19-1. 

Và thêm một lần nữa luồng tâm sự về những trải nghiệm với Sài Gòn đã kết nối giữa người viết sách và người đọc sách trong một không gian đầy sách.

Về hành trình tìm chuyện để kể

Tập 3 Sài Gòn - Chuyện đời của phố dày nhất trong 3 tập: 332 trang. Nhà văn, nhà báo Phạm Công Luận cho biết anh bắt tay viết quyển ba ngay khi quyển hai đi in. Và anh mất 9 tháng cho quyển này. Với số trang dày như thế, nhưng anh cho biết “khi viết xong, phải bỏ 50 trang vì dày quá”.

Sài Gòn vẫn còn những đề tài mà người dân lưu giữ trong tầng sâu ký ức.

Một bạn đọc cao tuổi đến sớm ngồi nghe chăm chú, đến phần giao lưu mới đưa tay đề nghị anh Luận viết riêng về chiếc xích lô máy - loại phương tiện giao thông một thời của Sài Gòn nay không còn nữa. “Trẻ con sau này chắc chẳng biết chiếc xích lô máy như thế nào đâu”, ông nói với chút ngậm ngùi.

Mở đầu cho những tâm sự về quá trình tìm tư liệu để viết bộ sách được anh tự nhận là “kể những câu chuyện nho nhỏ của Sài Gòn”, Phạm Công Luận cho biết anh bắt đầu bằng sự tò mò.

“Trước đây tôi sống ở Phú Nhuận, và tò mò rằng ở Sài Gòn người ta sống như thế nào. Có lần tôi gặp một người muốn bán cho tôi 40kg hình ảnh Sài Gòn xưa, gom từ các vựa ve chai. Qua những tấm hình đó, tôi thấy đời sống người Sài Gòn quá phong phú: các cảnh ăn, chơi, chụp hình studio với các phông màu rất đa dạng. Khu Đa kao gọi là khu khá giả, chợ Tân Định là khu nhà giàu… Và khi viết, cũng là tôi tạo điều kiện cho chính mình đi tìm hiểu Sài Gòn.

Còn khi tìm tư liệu là vì muốn làm rõ những câu chuyện còn khuất lấp, như họa sĩ Duy Liêm chẳng hạn, ông này nổi tiếng nhưng không ai biết ông này sinh sống ra sao. Tôi đi tìm, lúc đầu gặp cái hình của ông thôi, sau đó thì có thêm ít tư liệu. Sau đó thì gặp được người con của ông - cũng đang làm họa sĩ. Người này khi biết tư liệu của tôi có được, ông mới bảo rằng những thông tin đó sai cả, và ông này gửi thông tin của chính ba ông cho tôi. Đó là 1 ví dụ.

Tôi còn con nhỏ, tôi vẫn nói với vợ rằng viết về Sài Gòn nơi tôi lớn lên và già đi, để con mình đọc, những câu chuyện này nói với con chưa chắc nó nhớ, thôi thì mình viết để sau này con mình đọc vậy.

Phạm Công Luận

Hay như tư liệu về phòng trà Anh Vũ ở Sài Gòn khoảng năm 1958-59 ở đường đường Phạm Ngũ Lão. Sau khi Pháp rút về nước, đây là phòng trà đầu tiên của Sài Gòn. Ban ngày bán cơm từ thiện, tối là phòng trà. Bán cơm cho giới nghệ sĩ, nhà báo. Phòng trà này có nhạc sĩ Phạm Duy dẫn chương trình. Phương Dung, Khánh Ly và một số ca sĩ khác.

Trên hành trình đó, tôi còn tìm thấy tư liệu, hình ảnh về một quán cơm Việt ở chỗ khoảng địa chỉ 40 Nguyễn Huệ bây giờ. Quán bán cơm ba miền bắc trung nam, có cả ba xị đế, rất hay. Thời đó rất hiếm có quán cơm Việt, chỉ có quán cơm Tây hoặc Tàu. Và đây là lần đầu có quán cơm ba miền đặc sản Việt".

Phục dựng những sinh hoạt đời sống của Sài Gòn bằng những câu chuyện nhỏ

Tham gia dẫn chuyện, MC Minh Đức của Sách Phương Nam cứ tấm tắc về những hình ảnh tư liệu rất giá trị về văn nghệ sĩ một thời với hình ảnh còn rất đẹp, chẳng hạn như ảnh ca sĩ Giao Linh in trong một trang sách… Và tác giả Phạm Công Luận lại bộc bạch về câu chuyện anh làm quen với ông Đinh Tiến Mậu – chủ hiệu ảnh nổi tiếng Viễn Kính, và qua đó được tiếp cận bộ ảnh nghệ sĩ mà ngày trước ông Mậu phóng to treo quảng cáo ở cửa hiệu.

MC Minh Đức giới thiệu ảnh chụp ca sĩ Giao Linh trong quyển Sài Gòn – chuyện đời của phố 3. Ảnh: L.Điền
MC Minh Đức giới thiệu ảnh chụp ca sĩ Giao Linh trong quyển Sài Gòn – chuyện đời của phố 3. Ảnh: L.Điền

Nhiều bạn đọc bị cuốn hút vào những câu chuyện về người viết sách Sài Gòn.

Có bạn đưa tay đặt câu hỏi về khí chất người Sài Gòn từ xưa và nay có gì khác nhau không, có bạn hỏi về những gì làm nên một “hòn ngọc viễn đông” trong lịch sử… Tác giả Phạm Công Luận tự nhận anh không thạo nói về Sài Gòn một cách khái quát, mà “chỉ muốn phục dựng lại những sinh hoạt đời sống của Sài Gòn bằng những câu chuyện nhỏ, nếu ghép vào thì thấy bức tranh toàn cảnh Sài Gòn rộng hơn một chút”.

“Cũng còn một lý do nữa, là tôi còn con nhỏ, tôi vẫn nói với vợ rằng viết về Sài Gòn nơi tôi lớn lên và già đi, để con mình đọc, những câu chuyện này nói với con chưa chắc nó nhớ, thôi thì mình viết để sau này con mình nó đọc vậy. Đó cũng là một ý tôi muốn chia sẻ về những điều tôi viết”, anh Luận chia sẻ.

Những câu chuyện về Sài Gòn cứ muốn kéo dài ra mãi. Nhà báo Phúc Tiến chia sẻ những cảm nhận của anh trong cái nhìn so sánh Sài Gòn với Singapore trên phương diện đồng đại, cũng là một ý tưởng thú vị hứa hẹn sẽ hình thành thêm những trang sách viết về Sài Gòn.

Tác giả Phạm Công Luận tặng chữ ký cho bạn đọc tại buổi ra mắt sách Sài Gòn – chuyện đời của phố 3 - Ảnh: L.Điền
Tác giả Phạm Công Luận tặng chữ ký cho bạn đọc tại buổi ra mắt sách Sài Gòn – chuyện đời của phố 3 - Ảnh: L.Điền
LAM ĐIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên