01/03/2015 11:18 GMT+7

Truyện ngắn: Bài thơ tình vào một chiều xuân xưa

Truyện ngắn 1.116 chữ của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Truyện ngắn 1.116 chữ của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

TT - Vào thời xã hội 7.0, những thi sĩ không còn làm thơ bằng ngôn từ nữa. Họ có cách biểu đạt cảm xúc và suy tư qua những tương tác trực tiếp trong đời sống, rất khác với những thi sĩ trong xã hội 2.0 hay 3.0.

Minh họa: Kim Duẩn

Ví dụ như thế này, để bày tỏ sự nhớ nhung, người ta chỉ cần thở vào chiếc điện thoại thông minh, hơi thở sẽ được màn hình cảm ứng giải mã và đưa ra các chỉ số về tọa độ mong ngóng, hàm lượng kỷ niệm, biên độ tương tư.

Người đọc nếu nằm trong mạng lưới được chia sẻ sẽ cảm nhận tâm tình ấy qua các sơ đồ thị giác, những sóng lên xuống, những đồ thị được phổ bằng các dải sắc độ đảm bảo tính chính xác cao về mặt thông điệp.

Một chiều xuân xưa, cháu biết không, đã từng có một chuyện nảy sinh qua một bài thơ.

Bài thơ đó do ông cố ngoại sáng tác trực tiếp trên mạng xã hội. Nó vừa được post[1] lên thì nhận được 117 cái like[2], trong đó có 30 cái like của người quen trong diện like xã giao (gọi là like có qua có lại), 47 cái like thuộc diện đọc lớt phớt và không biết vì sao like, 20 cái like thật sự có đọc (trong số đó 50% không hiểu hết nhưng cảm được phần nào và 50% còn lại chỉ có thể hiểu được vài câu), 19 cái like của thành phần không xác định được và 1 cái like của bà cố ngoại sau này.

Lại nói về bà cố ngoại. Chân bà không dài và nhan sắc cũng chỉ ở mức trung bình khá. Vào thời đó, bà không phải là dân mê thơ. Nhưng lần đầu tiên bà “gục chết” trước thơ ông. Đây quả là một biến động lớn trong lịch sử phát triển tâm lý của bà. Mãi mãi về sau này chưa từng thấy có biến động nào lặp lại tương tự như trên.

Khi đó bà đang buồn. Chắc cháu sẽ thắc mắc khi ông nói tới nỗi buồn? Thời đó, nỗi buồn đã từng có mặt, cháu ạ. Nó hiện diện trên những dòng status[3] của bà cố ngoại.

Những dòng status ngắn chi chít các icon[4] màu xám biểu thị trạng thái u ám bất thường. Nhưng điều gì khiến cho tâm trạng bà cố ngoại trở nên bất thường thì chính bà ấy còn không hiểu, ông làm sao hiểu được.

Ông chỉ cảm giác rằng những cô gái như bà ấy, phía sau nụ cười phúng phính phụng phịu tươi mươi của các bức ảnh selfie[5] là những nỗi trống rỗng của tuổi trẻ khó gọi thành tên, sau những comment[6] đanh đá chua ngoa là đầy rẫy triết lý sự đời nhảm nhí của một thế hệ không biết mình muốn gì, cần gì, đi về đâu trong cuộc đời này.

Điều đó cũng giống như một bài thơ mà đồ thị xúc cảm là một đường thẳng tắp, chạy mãi theo phương ngang, phè phè, chẳng có mảy may gợn sóng.

Một đồ thị xúc cảm rất chung của thứ tuổi trẻ hoang vu.

Và vì như thế nên trời xui đất khiến, bà cố ngoại đã đột ngột tìm đến thơ.

Đó là một chiều mùa xuân, vòm trời nhiều mây xám, gió nhẹ, nhiệt độ ở mức 19OC. Cảnh trí có chút lãng đãng. Sự cố đứt cáp quang trên biển làm cho việc tải hình ảnh trên mạng xã hội chậm chạp.

Sự ì ạch của mạng và sự ủ ê của thời tiết đã dẫn đến một tình huống có tính định mệnh: bà cố ngoại click[7] vào bài thơ của ông cố ngoại, và điều gì đến sẽ phải đến, bà cố ngoại lập tức mê thơ ông cố ngoại.

Bà cố ngoại gây chú ý trên trang mạng xã hội của ông cố ngoại bằng một loạt like đều như mưa. Tất thảy những gì ông cố ngoại viết ra trên đó đều được bà cố ngoại bấm like nhiệt tình và hăng say. Như thể nút like là phương tiện duy nhất để bà cố ngoại chuyển tải xúc cảm rộn ràng, rạo rực khi bắt được tín hiệu từ con tim đồng điệu của ông cố ngoại vậy.

Mà không chỉ like những bài thơ ông cố ngoại viết, bà cố ngoại đã tiến đến một bước rất xa, gần như là cực đoan trong tỏ bày sự mến mộ đơn phương với người chưa từng gặp: like tất cả hình ảnh cho đến các comment của ông cố ngoại ở bất cứ nơi đâu lùng sục được.

Khi yêu, người ta phải chạm được nhau, cháu ạ. Cháu sẽ nói rằng ông cố ngoại sến bà cố luôn, nhưng không sao, sống đến một lúc nào đó, sến, hay nói cách khác những xúc cảm khiến người ta ngây ngất viển vông, nảy sinh hành vi có bề điệu đàng lả lướt một chút thì nào có hề chi, nếu chúng đem đến cho cuộc đời cằn cỗi già nua này chút đỉnh dư vị.

Chiều xuân ấy, ông cố ngoại đã hẹn gặp bà cố ngoại tại quán cà phê ở quận trung tâm thành phố. Bà cố ngoại đã chủ động nắm tay ông cố ngoại và nói một câu mà ông cố ngoại nhớ mãi cho đến bây giờ, sau khi xã hội đã trải qua gần bốn nấc trong cấu hình tiến hóa:

“Anh biết không, nếu không có những bài thơ của anh lúc đó, em đã uống thuốc ngủ tự tử lâu rồi. Mạng chậm như rùa bò, những hình ảnh “so kute”[8] của em có hàng nghìn like đột nhiên biến mất. Boring[9]. Em đã nghĩ tới cái chết... May mà có bài thơ tình của anh kéo em lại với cuộc đời”.

Ông cố ngoại nghe viên kem tan nóng trên đầu lưỡi khi bà cố ngoại nhắm mắt đưa môi lại rất gần. Tình yêu thời 2.0 chuyển sang 3.0 đã bắt đầu như thế.

Vậy nên, nói tóm lại, cháu ơi, nếu cháu tin vào những chỉ số trong bài thơ mới của mình đã chạm vào tần số tâm hồn của một ai đó, nếu cháu cảm nhận được hơi thở phản hồi của một nữ độc giả mộng mơ phả ra từ màn hình điện thoại thông minh, thì sao không thử chuẩn bị cho một cuộc hẹn hò?

Biết đâu ngoài kia có một bờ vai chờ cháu chạm tay vào.

* * *

Ghi chú:

- Bà cố ngoại đã qua đời ít lâu.

- Ở thời 7.0 chỉ số buồn trong thơ vẫn cao và số người làm thơ không giảm.

- Đứa cháu trong truyện ngắn này là một nhà thơ trẻ sắp nổi tiếng.

_________

[1] Đăng, công bố

[2] Lượt yêu thích

[3] Trạng thái

[4] Biểu tượng

[5] Tự chụp

[6] Bình luận trên mạng xã hội

[7] Nhắp chuột

[8] Quá dễ thương

[9] Buồn quá!

Truyện ngắn 1.116 chữ của NGUYỄN VĨNH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: truyện ngắn 1.200