01/06/2009 07:58 GMT+7

Những ước mơ có dịp thành lời

TỐ OANH
TỐ OANH

TT - Người đọc nghẹn lòng, mắt cay sè khi đọc những bài dự thi sáng tác văn học “Ước mơ của em” - cuộc thi dành cho trẻ em kém may mắn do Hội Nhà văn và Nhà Thiếu nhi TP.HCM tổ chức lần đầu tiên.

B2Vb7Zct.gifPhóng to

Nghe sách nói Quà tặng tuổi thơ

FMjvJ0jU.jpgPhóng to
Nguyễn Trí Tính - tác giả đoạt giải nhất thơ - tại mái ấm khiếm thị Nhật Hồng, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T.D

Gọi là cuộc thi sáng tác văn học nhưng như những người thực hiện chia sẻ, những ước mơ trẻ thơ quá chân thật, quá mạnh mẽ, quá thực tế dường như đã không còn chỗ cho văn chương bay bổng. Mỗi bài dự thi là một thước phim sống động, rất thật về những cảnh đời của trẻ em đường phố, mồ côi, khuyết tật, bệnh nhi bệnh hiểm nghèo... Giữa những khó khăn, bất hạnh, vật lộn với mưu sinh, với sự sống và cái chết, những mầm sống ấy vẫn vươn lên, khát khao sống đẹp, sống có ích...

Nơi đó có mẹ, có cha...

Rất nhiều bài dự thi bộc bạch sự khát khao về một mái ấm gia đình. Ai cũng có gia đình, nhưng đối với nhiều bạn nhỏ, gia đình là niềm mơ ước. Nơi đó các em được có mẹ, có cha, có một cuộc sống rất đỗi bình thường.

“Nếu hỏi em điều ước/ Em ước có mẹ cha/ Có mái ấm gia đình/ Thật vui và hạnh phúc” (Điều ước, thơ của Trần Hữu Phước, HS lớp 4 Trung tâm phát huy Bình Thọ, giải khuyến khích). “Nhiều đêm con ngủ một mình/ Bàng hoàng tỉnh giấc mẹ ơi đâu rồi?” (Cơ hàn, thơ của Trần Văn Sơn, nhà nuôi trẻ mồ côi Diệu Giác, giải khuyến khích). “Trong giấc ngủ mẹ ơi có biết/ Con thấy mình nhẹ tựa mây bay/ Gió bên tai như lời ru tha thiết/ Nhấc con lên đặt giữa vòng tay” (chùm thơ Khát vọng + Giấc mơ diệu kỳ của Nguyễn Trí Tính, 18 tuổi, mái ấm khiếm thị Nhật Hồng, giải nhất).

Quà tặng tuổi thơ

Các bài viết đoạt giải cuộc thi “Ước mơ của em” đã được ban tổ chức tập hợp in thành sách Quà tặng tuổi thơ 3 (Nhà xuất bản Hội Nhà Văn). Các bài viết không đoạt giải cũng được trích đăng.

QeiUQ8bw.jpgPhóng to

Mời bạn đọc nghe CD sách nói này tại đây.

Nhìn thấy những đứa trẻ cùng mẹ dắt tay đi mà lòng con lại thèm được một lần nắm tay mẹ như thế. Con chẳng cần gì hết, con chỉ cần mẹ đến đây với con một lần, chỉ một lần thôi con cũng thấy bớt cô đơn của một đứa trẻ bất hạnh” (Văn Thái Bích Trâm, lớp 8, nhà nuôi trẻ mồ côi Diệu Giác).

Hay “Ước gì mẹ con tôi có một căn nhà, không cần to, chỉ cần che mưa che nắng là được và ước gì ba tôi đừng đánh mẹ tôi nữa” (Thu Hằng, mái ấm Hoa Hồng Nhỏ). “Con ước gì ba mẹ con được giảm án về sớm. Và con ước có một căn nhà mơ ước” (Nguyễn Quốc Cường, lớp 3, Trung tâm phát huy Thủ Thiêm).

Phía trước là bầu trời

Toát lên từ các bài dự thi còn là sự mạnh mẽ, không bi lụy, không đầu hàng số phận. Thơ của Nguyễn Trí Tính ở mái ấm khiếm thị Nhật Hồng: “Tôi mơ ước dù chỉ một lần/ Thấy được dáng hình những người thân/ Thấy nụ cười trên môi họ nở/ Nỗi vui mừng trong ánh mắt rưng rưng/Tôi mơ ước chỉ một lần thôi/ Một lần thôi được thấy cuộc đời/ Những sắc màu vô cùng tươi thắm/ Ánh sáng mặt trời tỏa sáng nơi nơi/ Nhưng tôi biết chỉ là vô vọng/ Mắt đã từng chan chứa lệ hồng/ Nhưng tôi đã tiến lên phía trước/ Nuốt đau thương vào tận đáy lòng”.

Không cho phép mình bỏ cuộc, bệnh nhi Trương Ngọc Mỹ (15 tuổi, quê ở An Giang, điều trị tại Bệnh viện Truyền máu - huyết học) viết: “...Giờ đây tôi hầu như đã quen và không đau nữa vì tôi đã quá đau. Tôi đã qua bao lần bơm hóa chất vào người, đã chịu đựng và đã cố gắng. Tôi không được phép ngã xuống và không cho phép mình bỏ cuộc. Tôi sẽ chiến thắng định mệnh, sẽ là người hạnh phúc, sống vui vẻ để chờ đợi... chờ đợi những điều kỳ diệu” (Ước mơ của em, giải ba).

Nhà văn Kim Hài - ban văn học thiếu nhi Hội Nhà văn TP.HCM - tâm sự: “Tôi đã rưng rưng khi chấm bài. Đây là một cuộc thi đặc biệt nhất của Hội Nhà văn từ trước đến nay. Bài dự thi chính là những tiếng nói trẻ thơ mà người lớn phải suy nghĩ, đặc biệt là những người làm cha, làm mẹ. Khuyến khích các em có hoàn cảnh đặc biệt viết cũng là dịp để phát hiện những tài năng viết văn và bồi dưỡng nâng đỡ kịp thời. Cuộc thi lần sau sẽ được mở rộng ra khỏi phạm vi TP.HCM để có thể lắng nghe các em nhiều hơn nữa”.

Cuộc thi kéo dài gần nửa năm (từ tháng 10-2008 đến tháng 3-2009), có 94 bài dự thi thơ và văn từ hơn 30 đơn vị gửi đến. Có những bài viết bằng chữ nổi với những dấu đục lỗ trên bìa cứng, phải có thầy cô chuyển ngữ giùm. Có bài viết khoảng trống nhiều hơn chữ, chỉ có vài gạch đầu dòng, như những ước mơ còn ngơ ngác...

Nhưng dù chưa thành văn, tất cả đều chở đầy những ước mơ rất thật. Để bất kỳ ai đọc thấy cũng bùi ngùi trước những nỗi lòng thơ trẻ, trước những ước mơ mà mỗi đứa trẻ quanh ta âm thầm nuôi dưỡng nay có dịp thành lời.

Niềm tin và hi vọng

Nếu cho tôi cuộc sốngHãy cho tôi hi vọngNếu cho tôi tuổi đờiHãy cho tôi niềm tin

Hi vọng là nắng ấmĐể hoa cúc thêm vàngĐể ruộng đầy lúa chínĐể mùa gặt rộn ràng.

Hi vọng là sắc thắmNhư chiếc lá trên cànhTrải qua bao dông bãoVẫn níu giữ màu xanh.

Niềm tin là ánh sángLà tia chiếu vầng trăngĐánh thức đêm mê ngủCho trống hội về làng.

Niềm tin là tất cảXua đuổi mọi tối tămTrong lòng người thất chíVững bước trước thăng trầm.

Niềm tin và hi vọngNắng ấm cùng sắc màuCho người còn chút vịNgọt bùi trong đắng cay.

____________________________

31 tác phẩm được trao giải

mgwijTNY.jpgPhóng to

Một số gương mặt thí sinh đoạt giải tại cuộc thi sáng tác văn học “Ước mơ của em” - Ảnh: Q.LINH

Lễ trao giải cuộc thi sáng tác văn học “Ước mơ của em” do Nhà Thiếu nhi phối hợp Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức vừa diễn ra sáng 31-5 tại TP.HCM.

31 bài thi tốt nhất đã được chọn trao giải với 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 19 giải tư và khuyến khích cho các thể loại. Trong đó, hai bạn Nguyễn Thị Thủy (Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu) và Nguyễn Trí Tính (mái ấm khiếm thị Nhật Hồng) đã được trao giải nhất cho hai thể loại văn và thơ. Ngoài giải thưởng của ban tổ chức, báo Tuổi Trẻ đã quyết định tặng thưởng cho các bạn đoạt giải với tổng số tiền 19,7 triệu đồng.

_________________________

Một điều duy nhất

“...Ngày trước tôi cũng có một gia đình nhưng chưa hẳn là một tổ ấm vì ba mẹ thường xuyên cãi vã và đánh nhau một cách dữ tợn. Chẳng bao lâu sau mỗi người một ngả, bỏ lại những đứa con với căn nhà xiêu vẹo đứng ở góc vườn. Căn nhà không có người lớn, không có cha, không có mẹ... Hai anh em ôm nhau khóc vì bụng đói và vì bị người ta vô xiết nợ lấy nhà.

Hai anh em chẳng biết ở đâu, đi về đâu. Cứ lang thang lếch thếch ngày này qua ngày nọ mong rằng sẽ gặp mẹ và ba. Trải qua bao nhiêu ngày ăn xó chợ ngủ bờ hè, mặc cho trời lạnh hay gió rét, mặc cho thằng em cứ khóc hoài vì nhớ mẹ nhớ cha. Có những hôm tôi nhìn nó và khóc thầm, tôi cố gắng để nó không biết chứ thật ra tôi cũng nhớ mẹ, nhớ cha đến da diết...

Cuộc sống cứ thế trôi qua, anh em tôi phải kiếm ăn bằng những của nhặt ngoài đường hoặc đứng chờ ở các quán ăn. Khi khách đứng lên là vội đến ăn đồ thừa lại. Có những người chủ thấy chúng tôi liền quát tháo, xua đuổi. Thằng em nghe la giật mình rơi cả tô làm bể tan tành. Thế là hai anh em sợ hãi bỏ chạy thoát thân.

Vào một đêm hè trời nóng bức, khi mọi người đều say giấc ngủ, chúng tôi cũng lăn mình vào nơi vỉa hè để ngủ. Vài chú công an đến lay chúng tôi dậy và hỏi: “Nhà ở đâu để chú chở về?”. Tôi mếu máo thưa: “Chúng con không có nhà”... Sau vài câu hỏi qua lại, các chú đã chở anh em tôi về đồn cho ăn uống, ngủ nghỉ hệt như những đứa con ruột của mình. Đến hôm sau chúng tôi được các chú chở đến làng thiếu niên Thủ Đức, anh em tôi ở lại từ đó cho đến hôm nay.

Vậy là chúng tôi được giở sang một trang đời mới. Chúng tôi được đi học, được các cô chú quan tâm chăm sóc như gia đình, không phải lang thang như những ngày tháng trước. Nhưng nỗi ước mong đi tìm cha mẹ vẫn cứ đau đáu bên lòng. Tôi mong sao các bậc làm cha làm mẹ đừng vì một lý do nào để bỏ những đứa con của mình. Bởi vì không có nỗi bất hạnh nào bằng nỗi bất hạnh bị cha mẹ bỏ rơi...”.

TỐ OANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên