23/08/2005 20:51 GMT+7

Phan Việt: "Tôi chỉ mới bắt đầu..."

Theo Người viễn xứ
Theo Người viễn xứ

Như thông tin đã đưa: lần đầu tiên trong danh sách các tác giả đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20 lần III 2005 vừa được công bố có sự hiện diện của một cây bút đang học tập, sinh sống ở hải ngoại.

YYa7c9wy.jpgPhóng to

Tác giả Phan Việt người Việt đầu tiên ở hải ngoại đoạt giải thưởng "VH tuổi 20"

Như thông tin đã đưa: lần đầu tiên trong danh sách các tác giả đoạt giải thưởng Văn học tuổi 20 lần III 2005 vừa được công bố có sự hiện diện của một cây bút đang học tập, sinh sống ở hải ngoại.

Đó là Phan Việt hiện đang học tập và làm việc tại Mỹ. Ngay sau khi giải thưởng được công bố, Người Viễn Xứ đã có cuộc trò chuyện với tác giả nữ trẻ này...

* Xin chào tác giả Phan Việt, bút danh Phan Việt của một người xa xứ hẳn có mang ý nghĩa gì đó?

- Tên thật của tôi là Nguyễn Ngọc Hường, sinh năm 1978. Tôi tốt nghiệp Ðại học Ngoại thương Hà Nội năm 2000, rồi sang Mỹ học cao học về ngành truyền thông, sau đó theo học chương trình tiến sĩ về chính sách xã hội ở Chicago. Bút danh Phan Việt thực ra chỉ là một cái tên tôi thích thôi!

* Chị đã từng viết văn, hay đây là tác phẩm đầu tay?

- Trước đây tôi cũng đã viết, nhưng chủ yếu là viết chơi thôi. Thời gian viết nhiều nhất là tôi viết truyện ngắn bằng tiếng Anh, cho báo Việt Nam News, khoảng năm 1997 - 1998. Lúc đó tôi đang học năm thứ 2 đại học nên mục đích viết văn chủ yếu là để học tiếng Anh. Giờ đọc lại những truyện này thấy buồn cười lắm vì nó chẳng giống truyện gì cả. Cho đến rất gần đây, tôi vẫn không hề nghĩ rằng mình sẽ viết văn. Tôi chỉ thực sự viết nghiêm túc hơn từ khoảng cuối năm 2003.

* Vậy tác phẩm đoạt giải Nhì Văn học tuổi 20 lần III được chị viết trong thời gian "nghiêm túc" này, hay có cuộc thi chị mới viết để dự thi?

- Tập truyện dự thi của tôi có 10 truyện ngắn, đa phần trong số đó được viết trong thời gian hơn 1 năm qua. Thực ra tôi cũng không định viết để dự thi. Tôi viết truyện vì thích, ví dụ như Phù phiếm truyện - truyện đầu tiên trong tập sách - được viết trong khoảng có mấy tiếng đồng hồ, để... trêu một người bạn. Tôi viết ngẫu hứng cũng khá nhiều, sau đó thấy có cuộc thi , tôi chọn ra 10 truyện để thi. Lúc xác định là thi, tôi mới bắt đầu chỉnh sửa các truyện đã viết một cách cẩn thận.

* Việc gửi một tập truyện về dự thi từ bên kia đại dương xa xôi hẳn chị có điều gửi gắm? Và hẳn chị phải tin mình đoạt một giải nào đó?

- Nói gửi gắm thì to tát quá. Tôi chỉ là du học sinh thôi. Ai đi thi cũng mong được giải. Tôi rất kỳ vọng, vì với tôi việc dự thi không chỉ là chuyện thi thố, không phải chuyện so sánh mình với người khác. Nó có những ý nghĩa riêng khác với tôi. Khi được chị Kim Tuyến, biên tập viên của Nhà xuất bản Trẻ báo tin mình đoạt giải, tôi rất vui vì lao động của mình đã được ghi nhận. Và cũng tò mò: Ai được giải nhất? (cười).

* Người giành giải nhất cũng là một tác giả nữ, Trần Thị Hồng Hạnh, hiện đang làm báo tại TP.HCM. Chị nói tập truyện có ý nghĩa riêng đối với mình, đó có phải là một mảng đời sống của người Việt xa xứ với nhiều lo toan, thử thách trong đó có chị?

- Khi viết, tôi không mấy quan tâm nó đang nói về ai, mà là việc dùng ai để nói về cái gì. "Ai" chỉ là phương tiện, quan trọng là thông điệp ở phía sau. Tôi nghĩ con người ở đâu cũng có những vấn đề chung, nên những chi tiết trong truyện có thể là về du học sinh, nhưng tinh thần và thông điệp của nó là về con người nói chung (ít nhất là tôi cố gắng như thế). Vả lại, về cơ bản, tôi coi mình là người trong nước vì tôi mới đi học có 5 năm thôi.

* Ban giám khảo đánh giá tập truyện của chị có cái nhìn của người học vấn cao và tiếp xúc với nền văn minh tiên tiến. Vậy còn góc nhìn của người viết, chị thấy mình đã nhìn hết và tải được hết những gì đi qua một phần đời mình chưa?

- Tôi rất cảm kích vì Ban giám khảo dành những lời như vậy cho tập truyện ngắn của tôi. Tôi là người coi trọng tri thức và tự thấy cá nhân tôi đã đi một con đường khá dài để (cố gắng) đến với nó. Còn chuyển tải hết ý? Tôi chỉ mới bắt đầu thôi mà. Thú thực là tôi không hài lòng hoàn toàn với tập truyện gửi đi thi đâu.

Tôi quan niệm một tập truyện ngắn không phải là một phép cộng đơn giản các truyện, nó không phải là việc đặt cạnh nhau các tác phẩm đã viết. Một tập truyện ngắn phải có một tiếng nói thống nhất và xuyên suốt; nó phải khai thác một chủ điểm nào đó một cách triệt để bằng cách nhìn vào các góc khác nhau của chủ đề ấy. Nói theo nghĩa như thế thì 10 truyện ngắn dự thi chưa thật tập trung. Tức là cái tiếng nói chính xuyên suốt mà tôi muốn nó có thì đã không có được một cách thống nhất và đều trong các tác phẩm; có chỗ mạnh, chỗ yếu. Tôi tự biết thế, nhưng bận quá nên không gọt giũa được.

* Nhưng Ban giám khảo nhận xét tập truyện được viết với bút pháp khác lạ...

Nhà văn Lê Văn Thảo, Tổng thư ký Hội nhà văn TP.HCM (giám khảo giải thưởng Văn học tuổi 20 lần III): "Phù phiếm truyện" có cách viết rất hiện đại. Phong cách viết của tác giả này khác hẳn, khác với các tác giả trong nước, do tác giả trải qua một quá trình giao lưu văn hoá.

Đây là tập truyện hay, lạ của một tác giả có học, trình độ cao, có cái nhìn của một người tiếp xúc với nền văn minh tiên tiến.

- Thực ra khi viết tôi không để ý bút pháp. Tôi viết tự nhiên, như là tôi đang tư duy. Tôi chỉ cố gắng nghĩ thật sâu, thật trung thực và diễn đạt bằng hết các chiều sâu ấy, dù phải viết một câu rất dài hoặc một câu ngắn củn. Nó thế này: khi anh đọc, anh có hai quá trình đọc đồng thời, đọc các tín hiệu ngôn ngữ bằng mắt và đọc nghĩa bằng tư duy cộng với cảm giác. Tôi cố gắng viết sao cho khi đọc, người đọc bỏ qua tối đa phần thứ nhất để đọc ngay bằng tư duy và cảm giác.

* Công việc nghiên cứu chính sách xã hội chắc hẳn rất có ích đối với việc viết văn của chị và ngược lại?

- Anh thấy đấy, tôi học mỗi thứ một ít: học ngoại thương ở đại học, học truyền thông trong chương trình thạc sĩ, và giờ học về chính sách xã hội. Học thế cũng có cái dở là chẳng chuyên sâu vào lĩnh vực nào, cho nên để làm nghiên cứu thì không tốt, nhưng để viết văn thì lại tương đối có lợi. Nó giúp tôi có nhiều cách tiếp cận vấn đề hơn. Còn tác dụng ngược thì cũng tùy. Văn phong khoa học khác với văn chương. Nó đòi hỏi tính chính xác cao độ.

* Chị có tìm hiểu đời sống văn học của người Việt mình bên đó?

- Tôi không rõ lắm. Tôi chủ yếu đọc văn học nước ngoài và văn học Việt Nam trong nước. Tôi sang đây du học nên chủ yếu thời gian tôi dùng đọc sách chuyên môn.

* Vậy chị viết văn lúc nào?

- Tôi đi học hàng ngày, làm trợ giảng cho chương trình thạc sĩ và làm việc với các giáo sư trong các dự án nghiên cứu. Tôi cũng làm việc cho tiểu bang Illinois nữa. Tôi viết bất cứ lúc nào có thể.

* Chị sẽ trở về Việt Nam?

- Chồng tôi là kỹ sư tin học, anh ấy là người Hà Nội, sang Mỹ làm việc từ năm 2000. Cả gia đình tôi hiện sống ở Hà Nội. Thế nên, tương lai, tôi sẽ về Việt Nam.

* Xin cảm ơn chị.

Theo Người viễn xứ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên