09/06/2017 11:32 GMT+7

Khi nhiều giờ vàng phim Việt trên truyền hình bị 'xóa sổ'

HOÀNG LÊ
HOÀNG LÊ

TTO - Sau 10 năm phát triển mạnh mẽ, hai năm trở lại đây phim truyền hình Việt đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn.

Từ trái qua: đạo diễn Đỗ Thanh Hải, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng và diễn viên Hoàng Dũng chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: H.Lê
Từ trái qua: đạo diễn Đỗ Thanh Hải, đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng và diễn viên Hoàng Dũng chia sẻ tại hội thảo - Ảnh: H.Lê

Với điều kiện làm phim còn khá nghiệp dư và một đội ngũ nhân lực ở tất cả mọi khâu vừa thiếu vừa yếu như Việt Nam, mà còn phải gồng mình trong cuộc đua marathon “nhà nhà làm phim, người người làm phim, cả nước làm phim” như thời gian qua, hệ lụy tất yếu sẽ dẫn đến thực trạng hiện nay của phim truyền hình Việt. 

Đạo diễn Nguyễn Quốc Hưng - phó giám đốc Hãng phim truyền hình TFS 

Trong khuôn khổ Telefilm 2017, hội thảo Phim truyền hình Việt Nam: Xu thế và thách thức do Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) tổ chức đã diễn ra chiều 8-6, mổ xẻ nhiều vấn đề phim truyền hình Việt gặp phải.

Giờ phim Việt biến mất

Thực trạng mà đạo diễn Quốc Hưng nói rằng "Khán giả không cần “ăn” nhiều nữa mà họ đang chọn lọc để tìm kiếm những món ăn tinh túy nhất. Vì thế cần những nhà đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp" cũng là câu chuyện của chính Đài truyền hình TP.HCM (HTV).

Năm 2005, HTV đã khai trương giờ vàng phim Việt, nhưng giờ đây không còn giữ được vị thế của mình khi các giờ phim bị co cụm lại hoặc chuyển hướng sản xuất.

Cụ thể, giờ phim Việt lúc 17h30 trên kênh HTV9 đã xóa sổ, thay vào đó là phim Hàn Quốc và Nhật Bản.

Giờ phim lúc 13h, 20h trên HTV7 chuyển thành phim sitcom.

Và không chỉ riêng HTV, giờ phim Việt lúc 19h trên THVL1 sau một thời gian cũng tạm ngưng. Kênh VTV9 cũng ngưng luôn giờ phim Việt lúc 20h.

Có nhiều lý do cho sự xóa sổ này: kịch bản phim quá kém, lòng vòng và thiếu điểm nhấn; diễn viên chạy sô quá nhiều nên diễn thiếu cảm xúc, không thuộc thoại, thậm chí lẫn lộn lời thoại từ phim này đến phim khác; đạo diễn gặp áp lực về thời gian, kinh phí nên phim phải quay nhanh, chắp vá...

Ở góc nhìn diễn viên, NSND Hoàng Dũng cũng chỉ ra rằng: “Nhiều hãng phim đã chọn ca sĩ, người mẫu vào phim vì cần ngoại hình, sự nổi tiếng nhưng có người vào vai không hợp, góp phần làm phim giảm chất lượng”.

Người phán xử - một phim truyền hình đang được chú ý hiện nay
Người phán xử - một phim truyền hình đang được chú ý hiện nay

Cần chuyên nghiệp từ mọi mặt

Hai từ “chuyên nghiệp” được nhắc nhiều tại hội thảo.

Ông Đỗ Thanh Hải, giám đốc VFC, cho biết trong cuộc khảo sát diễn ra cuối năm 2016 do VFC thực hiện, đáng mừng có đến 42% khán giả vẫn chọn xem phim truyền hình (phim Việt lẫn phim ngoại) thường xuyên.

Cũng theo khảo sát, khi xem phim truyền hình, điều khán giả quan tâm nhất vẫn là chất lượng phim, sau đó là diễn xuất của diễn viên rồi mới đến nhan sắc...

Gần đây, một bộ phim truyền hình đang thu hút khán giả là Người phán xử.

Lý giải cho sự thành công này, ông Đỗ Thanh Hải cho rằng về mặt khách quan, do một thời gian dài phim truyền hình khá nhàm chán, mặt khác các thể loại chương trình giải trí khác cũng đang xuống dốc nên khán giả muốn tìm kiếm một điều gì đó mới mẻ.

Về chủ quan, bộ phim này được thực hiện chuyên nghiệp từ việc đầu tư rất kỹ kịch bản đến việc tuyển chọn diễn viên với mục đích duy nhất là tạo nên cú hích để kéo khán giả trở lại.

Một êkip làm phim là những người trẻ được cọ xát với cách làm phim nước ngoài cũng là một lý do để phim thành công.

Và theo như tiết lộ của ông Hồ Trọng Hữu, phó giám đốc VFC, Người phán xử cũng như các phim khác của VFC đang được sản xuất bằng công nghệ hiện đại, chuyên nghiệp. Vì thế hình ảnh, âm thanh các phim được nâng lên rõ rệt.

Một vấn đề cũng được đề cập trong hội thảo là làm thế nào để phát triển phim truyền hình trong giai đoạn Internet bùng nổ như hiện nay.

Ông Shinichi Mishiro - nhà sản xuất Đài truyền hình TBS, từng hợp tác với VTV trong sản xuất phim Người cộng sự, game show Sakuke - nhấn mạnh:

Trong sự phát triển của mạng xã hội, không chỉ phim truyện mà tất cả sản phẩm truyền hình cần được chú ý trong việc quảng bá bằng việc đưa lên website, Facebook...

Mạng xã hội không chỉ làm công việc truyền bá mà còn có sự tương tác với khán giả để lắng nghe sự phản hồi của họ.

Nếu làm tốt điều này, phim truyền hình sẽ thu hút thêm một lượng khán giả lớn. Ở Việt Nam, có lẽ mới chỉ có VFC gần đây mới phát huy khá tốt thế mạnh này.

Triển lãm quốc tế Phim và công nghệ truyền hình Việt Nam - Telefilm 2017 diễn ra tại TP.HCM từ ngày 8 đến 10-6.

Năm nay có 250 gian hàng của 150 đơn vị trong và ngoài nước tham gia triển lãm. Ngoài hội thảo Phim truyền hình Việt Nam:

Xu thế và thách thức, ngày 9-6 hai hội thảo khác tiếp tục diễn ra là Đẩy mạnh an toàn môi trường trực tuyến và bảo vệ sự toàn vẹn của thương hiệu, Tương lai phát triển truyền hình trên Internet tại Việt Nam.

HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên