10/12/2006 23:23 GMT+7

Nghệ sĩ hài Trung Dân: Cần đối xử với nhau tử tế

Theo Phụ nữ TP.HCM
Theo Phụ nữ TP.HCM

Trong vở kịch Chuyện miệt đồng do nghệ sĩ Trung Dân viết, dàn dựng có một chi tiết thú vị: sự có mặt của con khướu. Con khướu xuất hiện vừa như một đạo cụ, vừa như một nhân vật biểu hiện cho cái thú chơi sang của đại gia miệt vườn.

NFur02yX.jpgPhóng to

Khướu im lặng từ đầu cho đến ngày nó trả treo với ông chủ khi ông muốn lừa trên gạt dưới. Ông qua mặt được mọi người nhưng không bịt nổi cái mỏ của nó. Chi tiết thú vị này như một sự “trả ơn” của Trung Dân 16 năm về trước với vở kịch Con vẹt mà từ đó anh đăng đàn kịch nghệ.

* Hồi ấy xem vở Con vẹt (trong Hội diễn sân khấu quần chúng toàn thành tại NVH Thanh niên) dân ghiền kịch xôn xao hỏi nhau không biết “cái tay” cán bộ trong vở là ai mà diễn hay quá. Lúc ấy, anh ở đâu ra vậy?

- Nghệ sĩ Trung Dân: Ở trường Nghệ thuật sân khấu 2. Tôi đang học năm thứ 3 diễn viên thì được rủ về quận Tân Bình “thực tập” với kịch quần chúng. Trong vở kịch đó, tôi đóng vai một cán bộ tham ô, nhưng về nhà là một người cha “thần tượng” của con gái mình.

Con vẹt trong vở của tác giả Trần Văn Hưng được nhân cách hóa như phần thiện trong con người ông ta. Ông cãi nhau với nó là cãi nhau với chính lương tâm mình. Vai diễn đó đã đem lại cho tôi một huy chương vàng và đó cũng là vai diễn đầu tiên của tôi ở bên ngoài nhà trường. Con vẹt ngày ấy đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi nên lần này tôi “chuyển” nó vào trong Chuyện miệt đồng như một cách nhớ ơn nó.

* Nhưng việc Trung Dân trở thành một diễn viên hài được công chúng yêu thích như ngày nay có người nói đúng là chuyện trên trời rơi xuống, vì gia đình anh vốn có truyền thống làm nghề thuốc. Vậy theo anh, sự thành công của anh ở lĩnh vực nghệ thuật là nhờ năng khiếu bẩm sinh hay do lao động?

- Theo tôi là do bẩm sinh. Hồi nhỏ, không hiểu sao cứ mỗi lần nghe tôi kể chuyện là các bạn cười ngặt nghẽo. Sau này, khi nhận một vai nào tôi cũng tìm cách thêm da thêm thịt cho nhân vật, làm cho nhân vật gần gũi nhất với đời thường. Nhân vật gây cười nhưng cười để suy gẫm.

Đúng là gia đình tôi không ai dây mơ rễ má gì với nghệ thuật cả. Ba tôi là dược sĩ tốt nghiệp thời Pháp, làm việc cho đến ngày đất nước thống nhất mới nghỉ. Các anh chị của tôi hầu hết đều làm nghề y, là bác sĩ, dược sĩ. Tôi là con út, học hết cấp 3 thì thi đậu vào lớp dự bị khoa sư phạm ĐH tổng hợp TP.HCM và mới học được một học kì tôi chuyển qua trường Sân khấu vì thấy hợp với mình hơn. Tôi thi một lần là đậu ngay, ra trường đi tấu hài với Hữu Châu, Hữu Nghĩa. Từ năm 2000 đến nay tôi tách ra thành lập nhóm riêng.

rF2np2gD.jpgPhóng to
Trung Dân trong vai thầy Miên, vở Bầu rượu càn khôn
* Chương trình Trên vườn dưới ruộng của anh trên đài TH Bình Dương hình như không còn? Đồng nghiệp nhận xét anh là người “chuyên trị” vai nông dân, nhờ đâu vậy?

- Vì tôi thương người nông dân. Sở dĩ tôi hợp với dạng vai đó vì tôi vốn đã từng sống ở nông thôn. Gia đình tôi có 6, 7ha vườn trái cây trồng cả trăm năm từ hồi còn ông cố tôi. Ngày trước, mỗi năm đến mùa thu hoạch, người ta đếm trái bằng thiên, muôn (ngàn, vạn) và phải chở bằng xe bò vì mỗi cây măng cụt hái được cả trăm trái mỗi ngày, mà hái suốt hơn hai tháng mới hết. Ba má tôi nhờ mấy mẫu cây trái mà nuôi 7 anh chị em tôi ăn học.

Nhưng bây giờ vườn cây đã bị nước thải công nghiệp làm ô nhiễm, sầu riêng chết hết, măng cụt còn cây nhưng không cho trái. Từ nỗi đau của gia đình mình, tôi suy ra những nỗi đau khác của người nông dân nên đã đề xuất đài TH Bình Dương xây dựng chương trình Trên vườn dưới ruộng. Chương trình phát sóng hàng tuần và kéo dài liên tục trong 5 năm với 200 vở kịch ngắn, trong đó hơn phân nửa do tôi viết và dàn dựng.

Từ 6, 7 tháng nay, chương trình bị đứt sóng cho nhà tài trợ rút, còn đồng nghiệp thì chê tiền ít (mà ít thật). Vừa rồi có dịp đi Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… gặp khán giả họ nói buồn khi chương trình bị ngưng và hỏi tôi chừng nào làm lại. Tôi có hứa rằng nếu có nhà tài trợ nào thấy được chương trình đó bổ ích thì tôi sẵn sàng làm lại.

* Khó ai có thể nhịn được cười với những nhân vật của anh như viên thư ký trong Bệnh sĩ, Ba hòm trong Tiếng vạc sành, thầy Miên trong Bầu rượu càn khôn, lí trưởng trong Chuyện làng Ung… Những nhân vật “quái chiêu” của anh gây cười đến chảy nước mắt, vừa mang tính trào phúng vừa vạch áo cho người ta xem chỗ nhược của mình. Nghề nghiệp có đem lại cho anh niềm vui không?

- Xưa nay, hễ có chuyện gì buồn, tôi tới sân khấu là quên hết. Mình tìm thấy sự tâm đắc trong vai diễn và ấm lòng trước tình cảm của khán giả. Nhưng bây giờ nếu có buồn chăng là trong số đồng nghiệp của mình có người diễn từ sân khấu ra tới ngoài đời khiến mình thật thà nên dễ bị vấp ngã. Cuộc sống của một con người coi vậy mà ngắn lắm, nên cần được đối xử với nhau tử tế. Nghệ sĩ với nhau lại cần được tử tế hơn vì nghề đã lắm gian nan rồi.

* Hiện nay anh diễn ở đâu và để bớt buồn, anh làm gì?

- Tôi vừa dựng cho nhà hát kịch TP.HCM hai vở Mùa bông điên điểnChuyện miệt đồng. Cả hai vẫn đang nằm trong kịch mục thường xuyên của nhà hát. Tôi còn hai kịch bản nữa đã viết xong, Góa phụ ngây thơLá sầu đâu, chờ có ai tài trợ là tôi dựng. Đề tài của hai vở này không bao giờ lỗi thời nên chừng nào dựng cũng được.

Mỗi tối, nhóm hài của chúng tôi có vài ba show diễn. Sân khấu nào mời diễn kịch dài, tôi sẵn sàng cộng tác. Ngoài sân khấu, tôi còn có nhiều dự án về du lịch. Tôi chuẩn bị xây khách sạn, làm khu du lịch sinh thái ở miền Tây và trồng cỏ, phong lan để kinh doanh. Ở lĩnh vực này, cơ hội thuận lợi đang đến, nhưng với tôi, sân khấu bao giờ cũng là máu thịt.

Theo Phụ nữ TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên