05/10/2006 15:09 GMT+7

Dạ Yến: Bóng đêm của dã tâm và tham vọng

NHÃ ANH
NHÃ ANH

TTO - Sau tất cả tính toan tàn độc, con người vẫn chỉ là những thực thể yếu đuối, mỏng giòn. Có những điều vốn rất bình thường thôi, nhưng xem xong Dạ Yến ta mới giật mình. Dạ Yến tô đậm lại những nét mờ trong luân thường đạo lý mà do quen quá, người ta dường như quên.

MMF8m4SV.jpgPhóng to
Cảnh trong phim Dạ Yến

Dạ Yến cũ mà không cũ. Vì sao nói Dạ Yến cũ? Vì đây là bộ phim biến thể từ Hamlet của Shakespeare, nên hiển nhiên, nó cũ với những ai đã đọc Hamlet. Mặt khác, sau Thập Diện Mai Phục, xem xong phim Dạ Yến ta chợt rút ra một điều, phim Trung Quốc làm theo kiểu Holywood bao giờ cũng có: rừng tre, đồng lau, điệu múa, và quá lạm dụng cảnh giết chóc dã man.

Xét đến những góc quay, có thể thấy rõ đạo diễn Phùng Tiểu Cương vẫn còn hơi “đuối” so với Trương Nghệ Mưu trong cuộc cạnh tranh thầm lặng này.

Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng Dạ Yến không cũ. Biên kịch đã rất thành công trong việc chuyển thể một câu chuyện phương Tây sang một không khí và tinh thần phương Đông. Có lẽ vì tham vọng tranh đoạt quyền lực - đề tài mà bộ phim nói tới - ở bất kì thời điểm và bối cảnh nào thì cũng chỉ mang một bản chất chăng?!

Bộ phim có rất nhiều những chi tiết đắt chứng tỏ sự đầu tư kỹ lưỡng trong khâu kịch bản. Những câu thoại giản dị mà chứa đựng những triết lý sâu sắc, những cử chỉ nhỏ nhặt nhưng có sức gợi hơn bất kì một lời lẽ minh triết nào.

F3vr6Fkf.jpgPhóng to IaWM7fHR.jpg

Chương Tử Di (trái) và Châu Tấn trong phim

Tham vọng trong tình yêu và tham vọng trong cuộc đời đan xen vào nhau, dẫn dắt nhân vật vào những ngõ cùng, không còn đường quay lại. Khán giả ít nhạy cảm sẽ cho rằng bộ phim có nhiều điểm vô lý, như cái chết của Thúc Thúc, hành động của hoàng hậu Uyển Nhi... Nhưng nếu ta cẩn thận rà soát lại mọi diễn biến theo dòng sự kiện, sẽ phải thốt lên đây là một bộ phim cực kỳ đạt, ít ra là trong việc khai thác tâm lý nhân vật.

LzrR7MJB.jpgPhóng to
Những điệu múa trong phim
Ấn tượng còn đọng lại là sự khéo léo của tác giả kịch bản trong việc sử dụng “background” kinh kịch với những điệu múa và mặt nạ trắng cho bộ phim. Khúc Việt Nhân Ca vang lên nghe xót xa cực độ. “Sơn hữu mộc hề - Mộc hữu chi hề - Tâm hữu quân hề - Quân bất tri hề..” (núi có cây, cây có cành, lòng yêu quân vương, ôi, quân vương lại không biết!)

Đêm Dạ Yến làm cho khán giả hơi “hẫng”, vì nó không hoành tráng như sự mong đợi từ đầu bộ phim, nhưng cũng đủ truyền tải thành công ý tưởng “Trăm vạn tính toan không bằng một trái tim trong trắng”. Trong đêm đó, từng người, từng người ngã xuống để trả giá cho tham vọng, tình yêu và hận thù của mình.

Sau tất cả tính toan tàn độc, con người vẫn chỉ là những thực thể yếu đuối, mỏng giòn. Người ta sống vì cái gì? Vì giữ trong lòng một hi vọng. Nếu để cho sân tham bóp chết niềm hi vọng, tình yêu, thì dù có trong tay cả thế giới này, họ cũng sẽ đổ gục. Có ai sống nổi khi lòng họ là một hoang mạc? Đó là điều Dạ Yến muốn nói. Có những điều vốn rất bình thường thôi, nhưng xem xong Dạ Yến ta mới giật mình tự vấn. Dạ Yến tô đậm lại những nét mờ trong luân thường đạo lý mà do quen quá, người ta dường như quên.

Cuối phim, có một chi tiết làm khán giả xôn xao: Ai giết hoàng hậu Uyển Nhi?

Và đó lại là một chi tiết cực kỳ khéo léo của bộ phim. Ai giết thì có gì quan trọng, một khi dã tâm và tham vọng của con người ta còn đó?

NHÃ ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên