Chấm dứt thời “có xin mới cấp”
Phóng to |
Ca sĩ Ánh Tuyết - người gắn bó với dòng nhạc xưa - trình diễn các ca khúc của Phạm Duy, Văn Cao và Đoàn Chuẩn trong đêm nhạc Nghìn trùng xa cách tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Nhiều ca sĩ than hiện rất khó tìm được các ca khúc mới hay, phù hợp với phong cách, chất giọng lẫn dòng nhạc mình theo đuổi. Do vậy, các ca khúc nhạc xưa, nhạc sáng tác trước năm 1975 và tại hải ngoại là một giải pháp.
Những giọng ca trữ tình như Quang Dũng, Quang Linh, Đình Nguyên, Xuân Phú, Ánh Tuyết, Vi Thảo... đều gặp nhiều khó khăn trong việc chọn lựa lẫn xin phép ca khúc để ra các album nhạc trữ tình. Thế nhưng hầu hết đều cố gắng chờ đợi việc cấp phép để có được những album như ý. Như Quang Dũng mới đây, sau album Tình ca Phạm Duy đã tiếp tục xin cấp phép và chờ để thực hiện album Tình ca Ngô Thụy Miên cùng với nhạc sĩ Võ Thiện Thanh.
Hầu hết những giọng ca của dòng nhạc trẻ: Thanh Lam, Mỹ Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Phương Thanh, Lam Trường, Đức Tuấn, Đan Trường, Tùng Dương, Đoan Trang, Hiền Thục, Phương Linh... cũng tìm về “vốn quý” nhạc xưa để thực hiện các album có những ca khúc mà mình hay ba mẹ mình yêu thích một thời và để làm mới mình. Vậy nên khi được hỏi về việc “giúp” Cục Nghệ thuật biểu diễn thu thập các ca khúc để cấp phép, hầu hết các ca sĩ đều vui mừng và “bật mí” đã có sẵn một danh sách “ấp ủ” để gửi.
Ca sĩ Ánh Tuyết - người rất tâm huyết với dòng nhạc tiền chiến - cho hay cách đây khoảng bốn tháng chị đã chủ động gửi Cục Nghệ thuật biểu diễn một danh sách gần 2.000 ca khúc xưa đầy đủ nhạc và lời chưa được cấp phép, trong đó có nhiều bài hay ca ngợi tình yêu quê hương đất nước mà chị cùng một vài người bạn sưu tầm được. Khi đọc bài viết đưa tin cục sẽ chủ động trong việc cấp phép, Ánh Tuyết đã rất vui cho rằng đây là một động thái tích cực, đáng hoan nghênh của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Và chị cũng đang chờ đợi những bài hát trong danh sách mà chị đã thu thập, gửi cho cục sớm được cho phép phổ biến rộng rãi trở lại.
Ông Đặng Phú Hải - quản lý và là nhà sản xuất của ca sĩ Đức Tuấn - cũng quan tâm đến thông tin này. Ông Hải cho rằng chính gia đình các tác giả sẽ là nơi lưu giữ tương đối đầy đủ các tác phẩm của cha ông họ. Vì vậy, Cục Nghệ thuật biểu diễn hoặc sở văn hóa - thể thao và du lịch các tỉnh thành nên gửi công văn đề nghị đến các gia đình tác giả nếu thật sự lưu tâm đến kho tàng các nhạc phẩm vượt thời gian này. Bản thân ông Hải cũng là người yêu những giai điệu và ca từ đẹp đẽ của dòng nhạc xưa nên ông cũng có sẵn một danh sách những ca khúc mà mình muốn được nghe hát một cách chính thức trở lại. “Tôi sẽ rất sẵn lòng gửi những ca khúc này khi có yêu cầu” - ông Hải khẳng định.
Trong khi đó ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - hạnh phúc cho biết mới đây (9-1), Cục Nghệ thuật biểu diễn đã cấp phép cho phổ biến lại tám ca khúc da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Cánh đồng hòa bình, Đồng dao hòa bình, Người mẹ Ô Lý, Nước mắt cho quê hương, Đôi mắt nào mở ra, Dựng lại người dựng lại nhà, Ta thấy gì đêm nay, Chờ nhìn quê hương sáng chói (trong đó có bốn ca khúc sẽ được giới thiệu trong đêm nhạc kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mang chủ đề Đóa hoa vô thường - diễn ra vào ngày 31-3 tại khu hồ bán nguyệt - Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM).
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh cũng bộc bạch nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã sáng tác hơn 600 ca khúc và hiện có hơn 300 ca khúc sáng tác trước năm 1975 vẫn chưa được cấp phép hoặc chưa từng được công bố. Mỗi khi làm chương trình nhạc Trịnh, gia đình mới ngồi soạn lại các ca khúc này để xin phép. Vì vậy sáng 12-3, khi đọc được thông tin trên Tuổi Trẻ, gia đình rất phấn khởi và sẽ gửi những ca khúc hay viết về đất nước, cuộc đời và thân phận con người chưa được phổ biến rộng rãi này đến Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Không nên hứa hẹn nữa “Những bài hát ca ngợi quê hương, đất nước, tình yêu hay khát vọng của con người có chất lượng nghệ thuật thì phải cho phép phổ biến”. Việc này tôi cho là cần phải được xúc tiến nhanh. Đã đến lúc không nên hứa hẹn nữa. Vì trên thực tế về mặt pháp lý, một khối lượng lớn những bài hát trước 1975 chúng ta chưa cấp phép, nhưng các bài hát đó đã và đang được hát, được nghe rộng rãi, đã thu hút và cũng đã đi sâu vào đời sống, gắn liền vói tâm tư tình cảm, với những ký ức, kỷ niệm của người dân. Đừng để quá lâu nữa sự thiệt thòi này đè lên tâm tư nguyện vọng của những nghệ sĩ, những người làm văn hóa nghệ thuật và công chúng yêu âm nhạc trong nước. Những nguyên tắc cứng nhắc cần gạt bỏ để sớm không làm sai lệch cách nhìn của công chúng, của những thế hệ kế tiếp và sẽ không mất đi vốn liếng trong kho tàng lịch sử âm nhạc Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta nên có được chừng nào thì duyệt từng ấy ca khúc chứ không nên chờ đợi góp nhặt đủ số lượng rồi mới lập hội đồng xét duyệt. Chờ đợi thì biết bao giờ mới đủ?... Và sẽ có hàng trăm ngàn lý do chưa đủ... Theo tôi, trước mắt nếu chúng ta chưa hệ thống được thì tạm thời cứ cho thông báo số lượng ca khúc đã cấp phép (các hãng sản xuất có những hồ sơ lưu trữ). Và sắp tới, nếu xét cấp cho ca khúc nào, ta nên thông báo liền lên những phương tiện truyền thông. Ca sĩ ÁNH TUYẾT |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận