Theo đó, tấm bia được làm bằng đá xanh nguyên khối, có bề ngang là 32cm, cao 67cm và dày 10 cm. Dù bị vùi sâu dưới lớp đất đá nhưng bên ngoài tấm bia còn khá nguyên vẹn.
Phần chốt bia không bị hư hại. Vị trí tìm thấy tấm bia mộ cách địa điểm nghi là vị trí của lăng mộ cũ hơn 50m.
Mặt trước của tấm bia này được khắc 13 chữ Hán còn khá rõ nét.
Theo ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế, cho biết 13 chữ được khắc trên tấm bia đá có nghĩa là “Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị Thụy Thục Thuận Chi Mộ”.
Qua những chữ Hán ghi trên bia đá, ông Hải khẳng định đây là tấm bia đặt trên mộ của vợ một ông vua triều Nguyễn, có thể là vợ của vua Tự Đức.
Tấm bia đá xanh có khắc “Tiền Triều Tài Nhân Cửu Giai Lê Thị Thụy Thục Thuận Chi Mộ” - Ảnh: NHẬT LINH |
Lý giải điều này, ông Hải nói rằng “Tài Nhân” là danh vị của một vị phi - tức vợ thứ của vua trong cung cấm. “Tài Nhân Cửu Giai” là bậc thấp thứ 9, cũng là bậc thấp nhất và cơ bản nhất của một phi tần triều Nguyễn.
“Theo như nội dung trên bia, đây là mộ của một vị phi họ Lê. Nhưng có phải là vợ của vua Tự Đức hay không thì cần phải nghiên cứu thêm.” ông Hải nói.
Ông Hải cũng nói thêm rằng do là lăng mộ của một vị phi cấp thấp nên quy mô khá nhỏ, không bằng diện tích lăng bà Học Phi - vợ của vua Tự Đức ở cách đó không xa.
Sau khi tìm thấy tấm bia mộ, đại diện Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đã tiến hành khoang vùng ngôi mộ bị vùi lấp. Mọi công việc san ủi mặt bằng để làm bãi đỗ xe cũng đã được dừng lại để phục vụ công tác khám nghiệm.
Vị trí nghi là nơi đặt mộ của vợ vua Tự Đức bị san lấp - Ảnh: NHẬT LINH |
Ông Tôn Thất Viễn Bào, chủ tịch Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc, cho biết dù ngôi mộ bị vùi lấp không phải của bà Mỹ phi nhưng việc công ty TNHH Chuỗi Giá Trị hủy hoại, tàn phá ngôi mộ cổ như vậy là không thể chấp nhận được.
“Những người con, người cháu trong dòng họ Nguyễn Phước chúng tôi rất tức giận và đau xót trước việc làm trên. Chúng tôi sẽ làm việc với tất cả các cơ quan chức năng có liên quan để làm rõ trách nhiệm về vấn đề này.” ông Bào nói.
Còn ông Nguyễn Quốc Tuấn, giám đốc Công ty TNHH Chuỗi Giá Trị, cho biết trước khi tiến hành thi công, công ty đã cho di dời tất cả các ngôi mộ vô chủ trên bãi đất làm bãi đỗ xe.
“Những ngôi mộ vô chủ được chúng tôi cho cất bốc, di dời phần hài cốt về cùng một vị trí tập trung, có sổ sách ghi lại rõ ràng và hiện vẫn còn nguyên vẹn. Phần bị vùi lấp trên mặt bằng chỉ là phần lăng, mộ thôi.” ông Tuấn nói.
Trả lời câu hỏi tại sao khi san ủi mặt bằng, đơn vị thi công không thông báo với chính quyền địa phương việc có lăng mộ cổ trên diện tích đất đang thi công thì ông Tuấn nói rằng không rõ, có lẽ do ngôi mộ cổ không lớn.
Cơ Quan chức năng đang lập biên bản vụ việc - Ảnh: NHẬT LINH |
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Hà, chánh thanh tra Sở Văn hóa, thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết trước mắt sẽ lập biên bản việc tìm thấy tấm bia đá tại khu vực nghi là lăng của vợ vua Tự Đức.
Tấm bia này tạm thời sẽ giao lại cho chính quyền địa phương bảo vệ nhằm phục vụ công tác thẩm định trong thời gian tới.
“Chúng tôi sẽ làm việc với các bên liên quan trong thời gian sớm nhất để làm rõ trách nhiệm vụ việc này thuộc về ai và xử lý theo pháp luật.” ông Hà nói.
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, nhiều người dân sống gần khu vực lăng vua Tự Đức, (phường Thủy Xuân, TP Huế) phản ánh với Tuổi Trẻ việc lăng mộ bà Mỹ Phi vợ vua Tự Đức bị một đơn vị dùng máy ủi san lấp để làm bãi đỗ xe.
Theo đó, khu vực mà người dân cho rằng có lăng mộ bà Mỹ Phi bị san lấp nằm trên một quả đồi, đối diện với lăng của vua Tự Đức và rộng 17.000m2.
Một người dân cho biết trước đó lăng mộ của bà này nằm ngay trong khu vực bãi đất bị san lấp, cách lăng bà Học Phi hơn 30m. Ngôi lăng này có diện tích khoảng 45m2. Lăng được xây bằng đá và vôi vữa, có cổng hình vòm, phần tường cao khoảng 3-4m.
Khi thấy ngôi mộ cổ bị máy xúc san ủi, nhiều người dân đã đến can ngăn đơn vị thi công nhưng không được.
Tấm bia mộ nghi của vợ vua Tự Đức được tìm thấy chiều 24-6 - Ảnh: NHẬT LINH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận