03/05/2017 10:24 GMT+7

Khi chuyện bắt nạt, hiếp dâm... nữ sinh tự tử lên phim

D. KIM THOA tổng hợp
D. KIM THOA tổng hợp

TTO - Loạt phim 13 reasons why của kênh truyền hình Netflix kể chuyện một nữ sinh cấp 3 đi đến quyết định tự tử như thế nào đã gây ra những phản ứng trái chiều trong dư luận Mỹ nói riêng và dư luận thế giới nói chung.

Nữ nhân vật chính Hannah Baker (do Katherine Langford đóng) trong phim 13 reasons why - Ảnh: Reuters
Nữ nhân vật chính Hannah Baker (do Katherine Langford đóng) trong phim 13 reasons why - Ảnh: Reuters

Bộ phim 13 reasons why (tạm dịch: 13 lý do vì sao) được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 2007 của nhà văn Jay Asher, bắt đầu phát sóng ngày 31-3 trên kênh truyền hình Netflix.

Hàng loạt cảnh báo về bộ phim

Ngày 1-5, Lifeline - tổ chức cộng đồng chuyên hỗ trợ khủng hoảng, ngăn chặn nạn tự tử ở Úc - đã đề cập tới loạt phim này tại phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh về phòng chống tự tử ở Sydney.

Báo Guardian (Anh) dẫn quan điểm của ông Pete Shmigel - giám đốc điều hành Lifeline - cho rằng 13 reasons why có nguy cơ khiến người khác lầm tưởng tự tử là một "lựa chọn hợp pháp".

Mặc dù đồng ý rằng muốn phòng chống, ngăn ngừa việc tự tử ở người trẻ, người ta sẽ phải nói về nó, không nên coi đó là chủ đề cấm kỵ, nhưng theo ông Pete Shmigel, 13 reasons why đã vượt qua giới hạn trong việc thể hiện các phương tiện và cách thức tự tử ở một bộ phim.

Ông nói: “Khi quý vị bắt đầu nói tới cách thức và phương tiện tự tử, điều đó sẽ trở nên rất nguy hiểm. Với những người đang ở trạng thái dễ tổn thương, tình huống đó sẽ giống như việc quý vị mách nước cho họ cách giải quyết vấn đề. Trong trường hợp này, bộ phim 13 reasons why đã vượt qua ranh giới đó, và điều này là không ích lợi gì”. Trong phim có cảnh một thiếu niên dùng dao lam tự cắt vào cổ tay trong bồn tắm.

Quan điểm của người đứng đầu tổ chức Lifeline không phải không đáng suy nghĩ khi chính trong dư luận Mỹ cũng từng có những cảnh báo tương tự.

Tờ Washington Post dẫn nội dung lá thư trao đổi của ông Robert M. Avossa - chuyên viên giám thị quản lý khối các trường học tại hạt Palm Beach, bang Florida - gửi tới các bậc phụ huynh.

Ông cho biết đã nhận thấy tình trạng gia tăng các hành vi nguy hiểm tại các trường tiểu học và trung học trong khu vực ông phụ trách, trong đó có cả hành vi tự làm tổn thương mình và đe dọa tự sát, sau khi bộ phim 13 reasons why phát sóng.

Trang Variety cũng dẫn cảnh báo của ban giám hiệu Trường Hamilton Wentworth tại Canada trên website của trường về bộ phim vì đã “thi vị hóa hành vi tự tử và thể hiện tiêu cực về các chuyên viên hỗ trợ”.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây của kênh truyền hình Today, một chuyên gia tâm lý học về lứa tuổi vị thành niên còn kêu gọi Netflix gỡ bỏ bộ phim này vì cho rằng “tự tử trong thanh thiếu niên đang là một bệnh dịch”.

Hiệp hội Các nhà tâm lý học quốc gia Mỹ cũng đã phải ban hành thông báo hướng dẫn với các bậc phụ huynh về những vấn đề liên quan tới loạt phim.

Sự thẳng thắn cần thiết?

Trước các ý kiến trái chiều về 13 reasons why, nữ diễn viên, ca sĩ Selena Gomez - nhà đồng sản xuất loạt phim này - chia sẻ quan điểm với Hãng tin AP cho biết cô đã lường trước được phản ứng này vì “đó là một chủ đề không dễ đề cập”, nhưng ngôi sao 24 tuổi này khẳng định cô “thấy mình rất may mắn với những gì bộ phim đang tạo ra được” và “tự hào về nó”.

Chia sẻ với kênh truyền hình Today, nam diễn viên Dylan Minnette (vai Clay Jensen) cho rằng mục đích chính của bộ phim là “bắt đầu những cuộc trao đổi mà chúng tôi nghĩ là cần phải có để đưa những vấn đề này ra ánh sáng và để phơi bày nó một cách trung thực nhất”.

Trong khi đó, tại nhiều trường học Mỹ, nhiều bậc phụ huynh đang thúc giục nhau hãy cùng xem phim với các con mình, nhất là những cô bé, cậu bé đang trong lứa tuổi mới lớn, để phần nào đó thấu hiểu, đồng cảm với những tổn thương thể chất, tinh thần mà rất nhiều khi các con không dễ gì bày tỏ.

Tỉ lệ trẻ vị thành niên tự tử đang ở mức cao nhất tại các nước phát triển. Đã có những quan điểm cho rằng dường như đã tới lúc người ta phải giải quyết chủ đề tự tử ở trẻ vị thành niên bằng cách nói trực diện về nó.

Trước các quan điểm chỉ trích về nguy cơ truyền đi thông điệp sai của loạt phim, người phát ngôn của kênh truyền hình Netflix cho biết họ cũng đã xây dựng một trang web tại địa chỉ 13reasonswhy.info để giúp các khán giả có thể tìm thấy những trợ giúp về sức khỏe tinh thần ngay tại địa phương trong trường hợp cần thiết.

Bộ phim gây “bão”

13 reasons why kể câu chuyện về một cô gái cấp 3 đã tự kết liễu đời mình. Cô tên là Hannah Baker (Katherine Langford đóng). Trước khi tự sát, cô lập kế hoạch tỉ mỉ ghi âm lại 13 đoạn băng, trong đó cô tố cáo những kẻ đã khiến cô đi đến quyết định tự sát.

Bộ phim mô tả vô cùng chân thực, sống động về nạn bắt nạt, hiếp dâm, lạm dụng tình dục trên ghế nhà trường cấp 3. Những vấn nạn đó được thể hiện khéo léo với mức độ tăng dần qua từng tập, được các diễn viên thể hiện xuất sắc.

13 reasons why khi mới ra đã gây ra một “cơn bão” trên toàn thế giới vì mang thông điệp quá nặng ký, khiến bất kỳ đối tượng nào, từ gia đình đến nhà trường hay những cô cậu học sinh cũng cần phải nghĩ xem, liệu chúng ta đang vô tình làm tổn thương ai đó hay không?

Bộ phim mang đến sự bức bối, nặng nề, nhưng đồng thời cũng là lời cảnh tỉnh, cảnh báo cho xã hội khi nạn bạo hành, bắt nạt ở trường học vẫn diễn ra hằng ngày. Và những cái chết thương tâm chưa bao giờ chấm dứt, dù bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

NGUYỄN TUẤN

D. KIM THOA tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên