10/03/2017 05:00 GMT+7

'Đọc sách buổi sáng, tôi có cảm khoái thanh tẩy'

LÊ HỒNG LÂM
LÊ HỒNG LÂM

TTO - LTS: Thế giới sách kỳ này trích giới thiệu một bài viết đã nhận được sự chia sẻ đồng điệu của nhiều độc giả yêu sách, viết về niềm cảm khái khi đọc sách giấy, lại là những cuốn sách xuất sắc.

​Tôi yêu sách trước và đến với phim sau. Và có dạo phim cho sách vào một xó, nằm cô đơn lạnh lẽo trên giá phủ bụi, bởi tôi yêu sự cuồng nhiệt của sự chuyển động. Phim ảnh là sự chuyển động. Đôi khi xem phim không phải vì thưởng thức chúng nữa mà ta đã quen với sự chuyển động hình ảnh. Cái bầu khí quyển của phim ảnh đã ngấm vào ta.

Nhưng rồi đến một lúc tôi nhận ra là phim ảnh không đủ với tôi, hoặc giả là tôi thèm cái khí quyển của sách vở mà một thời tôi đã từng say đắm trong đó khi bị bế tắc về ngôn ngữ hay diễn đạt một điều gì đó bên trong mình mà phim ảnh - với sự chuyển động liên tục của hình ảnh - không thể thỏa mãn được.

Vậy là tôi tập lại thói quen đọc sách. Cũng không đến mức cưỡng ép bắt buộc. Mỗi sáng thức dậy (tôi dậy khá sớm), vứt điện thoại ở nhà, xách theo một cuốn sách và ra quán cà phê. Ở nhà tôi để sách bất cứ ở đâu tiện tay cầm được.

Trên cái tủ để giày, bàn làm việc, phòng vệ sinh, bàn ăn, bàn sofa, giường, cái bancông có một nhúm cây xanh để uống trà buổi chiều và tiện tay đọc vài trang. Tôi đọc thư giãn, thoải mái và tận hưởng thực sự, không chạy theo phong trào, không vì một cuốn sách đang “hot”.

Tôi đọc theo cảm giác, đọc vì sự tình cờ, đọc vì muốn sắp xếp, liên tưởng ý nào đó cho bài sắp viết. Và phần lớn là đọc lại những cuốn mà tôi từng thích.

Ví dụ như tôi đọc lại Nghe mùi kết thúc chỉ vì xem trailer bộ phim chuyển thể sắp chiếu và có bà Charlotte Rampling đóng vai nhân vật nữ mà tôi nghĩ không ai có thể là lựa chọn tốt hơn. Tôi đọc Alexis Zorba - Con người hoan lạc vì một sáng bỗng thèm hoan lạc, thèm cái cách sống dậm dật phóng túng đã đời của lão già Hi Lạp ấy.

Tôi đọc lại Di sản của mất mát để tận hưởng một bản dịch hay của Nham Hoa nhân tối hôm trước mới xem một bộ phim về Ấn Độ. Tôi đọc lại Bảo tàng ngây thơ của Orhan Pamuk hay Tiếng cười trong bóng tối của Vladimir Nabokov để tận hưởng cái đê mê của những lão già trí thức say đắm với những cơn tơ tưởng ngoại tình và vật vã giữa ký ức và hiện tại, giữa đạo đức và những cơn cực khoái, giữa bổn phận và mê say.

Trong tháng vừa rồi tôi đọc lại Walden - Một mình sống trong rừng của cụ Henry David Thoreau và Đừng mơ từ bỏ sách giấy - cuốn đối thoại triết học và văn chương của hai cụ Jean-Claude Carriere & Umberto Eco. Hai cuốn sách của những bậc thông tuệ, những vị thánh hiền.

Walden là một kiệt tác của Thoreau, nó không chỉ là văn chương mà còn là tiểu luận, ký sự, triết học về đời sống qua những trải nghiệm và tiên nghiệm của Thoreau - một sinh viên tốt nghiệp Đại học Harvard, bỏ vào rừng sống hai năm trong một chòi canh bên cạnh hồ Walden ở vùng New England của nước Mỹ.

Walden là cuốn sách viết về hai năm đó của ông, nhưng nó không đơn giản là tường thuật lại những trải nghiệm đó (dù những trang viết về trải nghiệm của ông đẹp tuyệt vời), mà còn là những tiên nghiệm về đời sống, về con người, về nhận thức cá nhân của một người trí thức trước những bất toàn của đời sống và của chính họ.

Đọc sách của những bậc thông tuệ này buổi sáng có cái cảm khoái của sự thanh tẩy, nhất là sau một đêm ngủ ngon giấc và cơ thể còn đang sạch sẽ chưa nạp cái gì ngoài cà phê để kích thích não. Những người như Thoreau chắc không còn nữa, nhưng đọc đối thoại giữa hai ông Carriere và Eco cũng sướng lắm.

Trong Đừng mơ từ bỏ sách giấy, qua sự dẫn dắt của ông nhà báo Jean-Philippe de Tonnac, hai ông già thông tuệ lõi đời đối thoại đủ các chủ đề khác nhau. Cả một khối lượng kiến thức đồ sộ về xuất bản, về sách in, về tự do, về kiểm duyệt, về sự ngu ngốc, về sáng tạo đều được hai ông đặt lên bàn, đọc vừa bổ não vừa mang lại những tiếng cười sảng khoái bên tách cà phê sáng.

LÊ HỒNG LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên