09/02/2017 22:43 GMT+7

Dở khóc dở cười: Quảng Ninh cũng... khai ấn!

ĐỨC HIẾU
ĐỨC HIẾU

TTO - Đầu năm 2017, Hội Văn học nghệ thuật  (VHNT) tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ khai bút, khai ấn đầu xuân Đinh Dậu. Tuy vậy, xung quanh câu chuyện chiếc ấn do hội này làm ra có quá nhiều tranh cãi...

 

Giấy có ấn triện và phong bao đựng - Ảnh: Đức Hiếu
Giấy có ấn triện và phong bao đựng - Ảnh: Đức Hiếu

Nhiều người đã đặt câu hỏi có nên tiếp tục việc sử dụng chiếc ấn đó cũng như cho phép việc khai ấn những năm sau hay không?

Mếu cười chuyện… dịch ấn

Những năm 2009, việc khai bút bắt đầu được Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh tổ chức như một hoạt động hằng năm, là dịp để các hội viên gặp gỡ, phấn đấu thi đua năm mới và chúc nhau những điều tốt đẹp, thành công.

Đến năm 2014, Hội này bắt đầu đưa việc khai ấn Hội Tao Đàn lồng ghép vào lễ khai bút, tổ chức thường niên ngày 6-1 âm lịch tại khu văn hóa núi Bài Thơ (phường Hồng Gai, TP Hạ Long). Ban đầu, ấn khắc bằng gỗ, sau được thay bằng ấn đồng, dưới mặt ấn có khắc 6 chữ Hán. Xung quanh việc đọc và hiểu nghĩa những chữ này, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng những chữ Hán trên đã không được khắc đúng.

Nhà nghiên cứu Hán - Nôm Nguyễn Tuấn Cường nói, trong khi chữ dịch trên phông của ban tổ chức là: “Hồng Đức hiệu – Tao Đàn hội ” thì trên ấn lại khắc chữ Hồng洪 (lớn) sai thành Hồng 紅 (màu đỏ), chữ Tao 騷 (phong nhã) sai thành chữ Tao 遭 (gặp gỡ), đều là lỗi sai từ đồng âm Hán Việt, thường do tra tự điển để viết chữ.

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đọc nghĩa chiếc ấn này sẽ thành “Đỏ Đức hiệu - Gặp Đàn hội”

Không chỉ vậy, nhiều lỗi sai trên chiếc ấn này cũng được các chuyên gia chỉ ra như dòng chữ "Truyền đăng sơn từ Nhâm Ngọ niên thu quý nguyệt" (đọc sai là do khắc ấn sai thứ tự) ở cạnh bên ấn cũng sai mất từ Quý trong Qúy thu 季 (cuối mùa thu) thành chữ Quý 癸 trong thiên can, năm Giáp Ngọ (2014) bị khắc nhầm thành Nhâm Ngọ . Ngoài ra, chưa kể đến việc các hàng chữ nổi hai bên bị sai thứ tự dẫn đến đọc sai.

Trong văn bản của Hội VHNT báo cáo thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh, chủ tịch Hội Phạm Ngọc Thành lại khẳng định việc khắc các chữ Hồng, Tao như hiện nay là đúng với ý nghĩa: tưởng nhớ tiền nhân, đồng thời là dịp để gặp gỡ, phát huy những giá trị tốt đẹp của tiền nhân, khích lệ phong trào thi đua học tập, sáng tạo, rèn đức, luyện tài… trong mỗi cá nhân.

Ông Thành khẳng định: “Khi đặt vấn đề chế tác ấn cho hoạt động khai bút, khai ấn của hội, một số nhà chuyên môn của Viện Hán Nôm và Viện Lịch sử được tham gia đều cho ý kiến: Không nên sao chép nguyên bản nội dung ấn thời vua Lê Thánh Tông vì như thế sẽ phạm làm giả nguyên tác của Vua mà nên chọn cách thể hiện riêng, vẫn đảm bảo được ý nghĩa và toát lên giá trị truyền thống”

Tuy nhiên, khi phóng viên đặt câu hỏi nguyên tác ban đầu của chiếc ấn này và danh tính những người đã tư vấn của viện nghiên cứu Hán Nôm thì ông Thành đều không trả lời được, nói là “đã quên”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Viện trưởng viện nghiên cứu Hán Nôm cho biết, từ tháng 11-2015 thì viện không cử ai làm việc đó với tư cách của Viện và không biết Hội VHNT Quảng Ninh có văn bản đề nghị viện tư vấn không.

Có nên bỏ ấn và khai ấn?

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc tổ chức khai bút, khai ấn của Hội VHNT Quảng Ninh những năm trở lại đây ngày càng trở nên rình rang, mời nhiều lãnh đạo dự, đóng ấn.

Khác với mục đích ban đầu chỉ là một lễ khai bút của các hội viên thì cơ quan tổ chức đã tự ý nâng tầm hoạt động này lên thành một lễ hội, không nằm trong sự quản lý của Nhà nước, đồng thời có phát ấn miễn phí cho những người dân đến xin.

Ông Nguyễn Trung Hà, trưởng phòng Quản lý di sản, Sở VH&TT tỉnh Quảng Ninh khẳng định, hoạt động khai ấn, khai bút không phải lễ hội nằm trong danh mục các lễ hội được cấp phép của tỉnh. Lễ khai bút 2017, Hội VHNT cũng không gửi hồ sơ về Sở.

Ông Đoàn Đức Chính, hội viên Hội VHNT Quảng Ninh nêu quan điểm: “Trước đây, việc làm ấn không được chủ tịch Phạm Ngọc Thành đưa ra đại hội để lấy ý kiến tất cả mọi người. Còn theo quan điểm của riêng tôi thì không nên tổ chức khai ấn nữa, chỉ nên giữ lại việc khai bút như thời trước đã làm”.

Nhà báo Ngô Mai Phong, người gắn bó với tỉnh Quảng Ninh hàng chục năm cũng bày tỏ: “Khai ấn là một phong tục tốt, truyền thống tốt, nhưng phải đúng là ấn thật, chữ nghĩa đầy đủ với mục đích để lưu niệm. Các nhà học giả cũng đã góp ý nhiều rồi, tôi nghĩ nên hủy bỏ chiếc ấn hiện đang sử dụng và tổ chức khai bút một cách đúng nghĩa. Không thể đem giấy vẽ, cọ vẽ thay thế giấy tuyên, bút lông, đánh trống để người ta khai bút như một cuộc chọi trâu”.

Về trách nhiệm quản lý của cơ quan nhà nước, ông Bùi Quang Nam, Chánh thanh tra Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết, sau khi có thông tin của báo chí, cơ quan chức năng đã yêu cầu Hội VHNT tỉnh báo cáo sự việc. Nếu qua xác minh, làm rõ, đối chiếu việc khai ấn có sai thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Mới đây, Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Ninh đã có công văn số 495 yêu cầu Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh rà soát lại những thông tin báo chí phản ánh về công tác tổ chức lễ khai bút, khai ấn xuân Đinh Dậu 2017. Đồng thời, chấn chỉnh những sai sót và nghiêm túc rút kinh nghiệm, báo cáo về Ban trước ngày 10-2.

Từ những năm sau, việc tổ chức lễ phải có kế hoạch, kịch bản chi tiết, xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tổ chức thực hiện.

ĐỨC HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên