20/01/2017 08:18 GMT+7

Gộp Tết tây, Tết ta: chuyên gia và những người nổi tiếng nói gì?

TRÀ MY - HOÀNG LÊ
TRÀ MY - HOÀNG LÊ

TTO - Câu chuyện gộp Tết tây, Tết ta một lần nữa lại nóng lên trong những ngày cuối năm. TS Nguyễn Ngọc Thơ có ý kiến của ông và các nghệ sĩ - những người hoạt động suốt mùa Tết nghĩ gì về vấn đề này?

TS Nguyễn Ngọc Thơ, trường ĐHKHXH&NV TP.HCM: tết truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa của nó 

Tôi có quan sát những ý kiến thảo luận trên các diễn đàn và thấy nổi bật có hai luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người cho rằng vẫn phải giữ cái Tết cổ truyền với nhiều lý do, trong đó đặc biệt nhất là ý nghĩa đoàn tụ, tương phùng. 

Tết truyền thống là khoảng thời gian đặc biệt mà con người được sống trong không gian thiêng liêng của sự giao thoa giữa năm cũ và năm mới, giữa người còn sống với tổ tiên đã khuất và giữa các thành viên trong gia đình với nhau, qua đó ôn cố tri tân, khắc ghi và gìn giữ những nét đẹp của truyền thống. 

Đã lâu rồi cái nếp nghĩ năm mới phải bắt đầu từ mùa xuân với cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa nở rộn ràng mang lại tâm thế sẵn sàng cho một chu kỳ sự sống mới. Tất cả những ý nghĩa ấy nằm trong tâm thức, đặc biệt là cái thiêng.

Bên cạnh đó là luồng ý kiến khác của không ít người cho rằng nên suy nghĩ lại vì nếp sống thay đổi, thực hành văn hóa - xã hội cũng có thể thay đổi, miễn sao theo hướng tốt hơn. 

Luồng ý kiến này chủ trương có thể gộp Tết tây, Tết ta lại với nhau thành một dịp vừa hòa nhịp với thế giới hiện đại (phương Tây) trong đó chú trọng nhiều hơn các giải pháp bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống vừa khắc phục những điểm yếu như đứt đoạn về công việc, giao thương quốc tế, hao tốn của cải vật chất xã hội… 

Nói chung luồng ý kiến này cũng bắt nguồn từ cái tâm với đất nước, với sự phát triển của dân tộc. 

Theo tôi, việc gìn giữ văn hóa truyền thống là một nhiệm vụ chung của cả dân tộc, nhiệm vụ ấy không được làm cản trở sự phát triển của đất nước. Mỗi phương án đều có những mặt hạn chế riêng, vậy vấn đề chính là tìm phương án khắc phụ hạn chế tốt nhất có thể.

Mọi hoạt động sống đều có thể biến đổi theo thời gian, có khi tiệm tiến nhưng cũng có khi biến đổi nhanh, nhưng điều quan trọng là không để đánh mất giá trị truyền thống. Do vậy, việc có thay đổi thời điểm ăn tết truyền thống hay không là một việc khách quan, không phải miễn cưỡng mà được. Đến thời điểm nàychúng ta chưa sẵn sàng để gộp hai cái Tết lại với nhau. 

Sở dĩ chưa sẵn sàng là vì nhân dân, dư luận chưa đồng thuận. Nhân dân chưa nhất tề đồng thuận là vì ngày tết truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, ý nghĩa của nó, nhất là nghĩa vụ thiêng liêng của con cháu với ông bà tổ tiên. 

Ngay cả nhiều gia đình muốn đón ông bà, cha mẹ từ quê vào thành phố ăn tết truyền thống nhưng nào ông bà có chịu đâu, vì bàn thờ tổ tiên không thể nguội lạnh trong những thời khắc thiêng liêng nhất trongngày Tết.

Đến một lúc nào đó, khi sự phát triển kinh tế - xã hội đạt đến một mức nhất định, nhu cầu khắc phục những hạn chế của tết truyền thống đạt đến đỉnh điểm và nhất là cộng đồng xã hội đồng thuận với nhau, trong đó cái cốt lõi là mối quan hệ cái thiêng được giải quyết tốt đẹp thì hãy mạnh dạn hơn khi nói về chuyện cộng gộp. 

Tôi đã gặp không ít trí thức người Nhật bày tỏ sự tiếc nuối rằng nước Nhật đã đánh mất đi cái Tết truyền thống của mình bởi đi kèm với nó là nhiều giá trị khác.Chúng ta không nên vội vàng trong vấn đề này, song cũng nên trân trọng những ý kiến cách tân bởi đó là thước đo để biết mức độ sẵn sàng của xã hội đã đến đâu.

Nghệ sĩ Trung Dân: Tệ nạn xã hội, tham nhũng, trì trệ kinh tế, tác phong lao động chưa tốt… đều không phải do Tết 

Nghệ sĩ Trung Dân - Ảnh tư liệu

Những người dựa vào các biến tướng của xã hội để tạo luận điểm và lên tiếng đề xuất bỏ Tết cổ truyền là thiển cận, duy ý chí. Tất cả những điều mọi người nói như tệ nạn xã hội, tham nhũng, làm trì trệ kinh tế hay tác phong lao động chưa tốt… đều không phải do Tết mà ra. Nguyên nhân của vấn đề là ở con người, là do chính chúng ta đang làm tệ. 

Nếu nghỉ Tết dài quá thì có thể cho nghỉ Tết ngắn lại và luật pháp phải được thực thi một cách công bằng từ người lãnh đạo đến người dân. Luật pháp được thể hiện đến từng ngõ ngách trong đời sống thì sẽ giải quyết được tệ nạn. Tôi hy vọng đây là lần cuối cùng chúng ta tranh luận về vấn đề này. Hãy suy nghĩ vào những điều thực tế hơn.

Diễn viên Bình Minh: Lãng phí và giữ Tết cổ truyền không liên quan

Diễn viên Bình Minh - Ảnh tư liệu
Diễn viên Bình Minh - Ảnh tư liệu

Cá nhân tôi nghĩ không có lý do gì để kêu gọi bỏ Tết truyền thống - phong tục đã hằn sâu trong người Việt từ bao đời nay. Mỗi dân tộc trên thế giới đều có Tết của riêng mình, sao người Việt phải phụ thuộc hay ăn Tết của người khác?

Không gì sánh được những giây phút cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng, sự hân hoan chào đón thời khắc chuyển giao năm cũ, năm mới hay cảm giác thiêng liêng khi dọn mâm cơm tươm tất mời ông các cụ về ăn Tết cùng con cháu. Với tôi, một người con xa quê, đó chính là động lực giúp mình vượt qua những lúc khó khăn của một năm vất vả làm việc.

Nhiều người nói Tết cổ truyền dài ngày, gây lãng phí nhưng với tôi, lãng phí hay không là do cách chi tiêu của mỗi người, không thể đổ lỗi vì Tết là lãng phí được. Lãng phí và giữ tết cổ truyền là hai việc không liên quan.

NSƯT Kim Tử Long: Sao lại bỏ cái Tết ông bà để lại?

NSƯT Kim Tử Long - Ảnh tư liệu
NSƯT Kim Tử Long - Ảnh tư liệu

Đối với người Việt chúng ta, Tết cổ truyền là ngày lễ thiêng liêng do ông bà, tổ tiên để lại. Dịp này, nhiều đại sức quán VN tại các nước tổ chức Tất niên rất long trọng và mời anh em nghệ sĩ  đến hát, diễn cho bà con Việt kiều thưởng thức và nhớ về quê hương, cội nguồn. Với nghệ sĩ chúng tôi mà nói, Tết là những ngày mang lời ca, tiếng hát của mình phục vụ khán giả từ vùng sâu, vùng xa đến thành phố và ở cả nước ngoài.

Nếu có gì cần thay đổi thì đó là tìm cách tuyên truyền, vận động để người dân bớt tiêu xài phung phí, nhậu nhẹt say xỉn… Bên cạnh đó, nếu công ty nào không muốn kéo dài kỳ nghỉ Tết thì có thể thỏa thuận yêu cầu người lao động đi làm sớm hơn và trả tiền tăng ca cho họ.

Lương Thế Thành: Mất Tết tức là mất đi truyền thống của cha ông ta

Thúy Diễm và Lương Thế Thành trong buổi ra mắt phim Đời không như là mơ - Ảnh: H.Lê
Thúy Diễm và Lương Thế Thành trong buổi ra mắt phim Đời không như là mơ - Ảnh: H.Lê

Nam diễn viên Lương Thế Thành khá ngạc nhiên khi biết có ý kiến cho rằng nên gộp tết tây và tết ta lại thành một. Anh nói chắc nịch: “Quan điểm của tôi là  nên tách biệt Tết tây và Tết ta vì Tết ta là truyền thống của dân tộc Việt. Mất Tết tức là mất đi truyền thống của cha ông ta từ bao đời nay.”

Và với với nghề diễn viên  thì ngày tết ta lại càng quan trọng vì diễn viên có được thời gian dài để nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe sau một năm cày bừa vất vả. Thành giải thích: “Chúng tôi không có khái niệm ngày nghỉ chủ nhật hay Tết tây  đâu. Chúng tôi quần quật đóng phim diễn kịch suốt. Được nghỉ Tết ta dài ngày  là cơ hội để tôi nghỉ ngơi lấy lại sức lực.”

Thành vui vẻ kể anh quê ở Tiền Giang. Gia đình trước đây có làm nghề  nem và lạp xưởng truyền thống để bán trong ngày tết. Thời gian gần đây, các bà, cô đều yếu nên không làm nữa, chủ yếu  buôn bán ngoài chợ. Nhờ cái tết mà đại gia đình anh có dịp tề tựu và gặp gỡ đầy đủ cháu con. 

Cho đến giờ, nhà Thành vẫn còn giữ lịch trình ngày tết từ năm này sang năm khác: Sáng mùng một con cháu tề tựu cúng tổ tiên, nhận lỳ xì, rồi cả nhà kéo nhau thăm mộ. Mùng hai hay mùng ba mọi người cùng về quê nội Cái Bè (Tiền Giang)  để chúc tết họ hàng. Rất vui vẻ và hạnh phúc, nhất là năm nay, gia đình anh có thêm thành viên mới là  Thúy Diễm.  Theo Thành: “Nếu không có ngày tết thì người thân khó lòng mà gặp nhau vì ai cũng bận rộn cả.”

Nghệ sĩ Xuân Hương: Dân tộc nào cũng có những nét đẹp văn hóa riêng

Nghệ sĩ Xuân Hương - Ảnh tư liệu
Nghệ sĩ Xuân Hương - Ảnh tư liệu

Tết cổ truyền là một nét đẹp văn hóa của người Việt. Những phong tục tập quán không còn phù hợp thì có thể bỏ đi, chắt lọc lại những gì đẹp nhất để gìn giữ. Dân tộc nào cũng có những nét đẹp văn hóa riêng, nếu bỏ hết thì chẳng khác nào bị đồng hóa, không còn nét đặc trưng.

Ca sĩ Dương Triệu Vũ: Giữ Tết cổ truyền nhưng không nên nghỉ quá dài

Ca sĩ Dương Triệu Vũ - Ảnh tư liệu
Ca sĩ Dương Triệu Vũ - Ảnh tư liệu

Ở Mỹ, sau ngày Lễ tạ ơn là Noel rồi đến Tết tây. Đó là dịp mọi người được nghỉ và có những hoạt động mua sắm, kích thích thị trường, tạo nên nguồn thu cho nền kinh tế và tiền thuế cho chính phủ. Những nước có nền kinh tế phát triển như Singapore, Hongkong cũng nghỉ Tết theo lịch âm giống chúng ta đấy thôi. Vì thế, không thể nói việc giữ Tết cổ truyền sẽ làm ảnh hưởng nền kinh tế được.

Tuy nhiên, kỳ nghỉ Tết có thể rút ngắn lại tùy theo chính sách của từng doanh nghiệp, không nên áp đặt cứng nhắc. Bên cạnh đó cũng nên có những khuyến cáo và tăng cường an ninh để người dân ăn Tết an toàn, lành mạnh, tránh tình trạng nhậu nhẹt, say xỉn và những tiêu cực khác.

Ca sĩ Ánh Tuyết: Tết ông bà, tổ tiên để lại chúng ta phải giữ nhưng đừng lạm dụng

Ca sĩ Ánh Tuyết - Ảnh tư liệu
Ca sĩ Ánh Tuyết - Ảnh tư liệu

Theo tôi, Tết cổ truyền là không thể bỏ nhưng thay vì nghỉ quá dài, chúng ta chỉ nên nghỉ đúng ba ngày Tết. Một thực tế là nhiều người lợi dụng những ngày trước, trong và sau Tết để nhậu nhẹt say xỉn, vướng vào các tệ nạn hay củng cố các quan hệ xin - cho, sếp - nhân viên…

Sếp của nhiều công ty thường rất đau đầu dịp này khi người lao động rục rịch nghỉ, không tập trung làm việc. Có người còn đặt sẵn vé về quê khi chưa đến ngày được nghỉ theo quy định. Cái Tết thiêng liêng của ông bà, tổ tiên bao đời để lại, chúng ta phải giữ nhưng đừng lạm dụng nó.

TRÀ MY - HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên