18/01/2017 13:53 GMT+7

Nỡ nào đòi bỏ Tết cổ truyền, Tết của quê hương?

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Cứ đến gần dịp Tết Nguyên đán, trên báo chí và gần đây là mạng xã hội lại nổ ra các cuộc tranh cãi giữa việc nên giữ lại Tết Nguyên đán hay gộp Tết tây và Tết ta vào để tránh lãng phí và tăng năng suất lao động...

Tranh minh họa.
Tranh minh họa.

Cuộc tranh cãi chưa bao giờ ngã ngũ bởi bên nào cũng đưa ra các lý do và dẫn chứng để bảo vệ quan điểm của họ.

Phe ủng hộ ăn Tết tây đa số là các bạn trẻ, những người học ở nước ngoài về hay làm việc trong môi trường đa quốc gia. Trong khi đó phe ủng hộ ăn Tết ta hầu hết là người lớn tuổi, người lao động xa quê hay giới văn nghệ sĩ.

Tất nhiên không phải không có ngoại lệ.

Ví dụ như Giáo sư Võ Tòng Xuân từng đưa ra ý kiến ăn Tết ta theo lịch Tây vào năm 2005 (tức là cách đây đúng một con giáp) gây ra một cuộc tranh luận lớn trên báo chí thời điểm đó.

Và mới đây là ý kiến gây tranh cãi (và thậm chí biến thành một cuộc bút chiến) trên mạng xã hội của cô nhà văn trẻ nào đó về chuyện ăn tết Tây, bỏ Tết ta.

Hùa theo Tây thì nhanh

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất là giới trẻ Việt Nam rất dễ hùa và adua theo những ngày lễ của phương Tây như Valentine, Halloween, Noel và thậm chí là Thanksgiving (Lễ tạ ơn của người Mỹ)… nhưng với những ngày lễ truyền thống của Việt Nam, đặc biệt là Tết Nguyên đán, thì họ lại cho rằng nhiều hủ tục, lắm phiền nhiễu, giảm năng suất lao động và tốn kém.

Thực ra, những ngày lễ tết là những cơ hội để thúc đẩy tiêu thụ và phát triển kinh tế.

Riêng ngày Lễ tình nhân (Valentine’s Day) năm 2016, người Mỹ đã tiêu thụ hết 19, 7 tỷ USD cho quà tặng của các cặp tình nhân. Với các dịp lễ đoàn viên gia đình như Lễ tạ ơn, Giáng sinh và Năm mới, con số tiêu thụ gấp khoảng chục lần.

Người Mỹ rất chịu khó… nghỉ lễ và những dịp nghỉ lễ là cơ hội để họ thúc đẩy việc kinh doanh, mua bán.

Riêng trong mảng điện ảnh, lĩnh vực mà tôi theo dõi sát sao, mỗi năm Mỹ có khoảng hơn chục dịp nghỉ lễ khác nhau và mỗi dịp nghỉ lễ, Hollywood đều có những bộ phim phù hợp để thu hút khán giả, tăng hiệu suất phòng vé.

Việt Nam là một đất nước xuất phát từ nông nghiệp lúa nước, lễ hội cũng khá nhiều và nhiều lễ hội trong số đó biến thành hủ tục, cần thiết phải bỏ và loại trừ. Nhưng với Tết nguyên đán, với tôi, việc gộp nó vào tết Tây là một ý kiến phản văn hóa, phản truyền thống và thậm chí là vô cảm nếu xét theo ý nghĩa nhân văn.

Trong cơn lốc của phát triển kinh tế và chạy theo các giá trị của phương Tây, chúng ta càng ngày càng dễ dàng xem thường và từ bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, bởi nó cũ kỹ, lạc hậu và quê mùa.

Sự cách biệt giàu nghèo và các giá trị văn minh giữa các đô thị lớn và những vùng thôn quê càng ngày càng khác biệt. Những chuyến trở về thăm quê vào mỗi dịp lễ tết dễ khiến giới trẻ rơi vào sự lạc lõng và thậm chí khó chịu khi bị người ở quê sỗ sàng tra vấn về chuyện công danh địa vị, lương thưởng, hay những chuyện riêng tư như chồng con, gia đình.

Đấy là chưa kể sự bất tiện về việc đi lại, vệ sinh cá nhân ở thôn quê lắm lúc khiến những cuộc trở về nhà như những chuyến tra tấn về tinh thần.

Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại

Quê hương là cái neo để giữ chúng ta ở lại với nơi chôn nhau cắt rốn, là tuổi thơ ta lớn lên với bao kỷ niệm, là bố mẹ già hy sinh cả tuổi xuân của họ cho chúng ta có ngày hôm nay, là tình làng nghĩa xóm của những người dân nghèo quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời.

Tết Nguyên đán là dịp để chúng ta trở về, đoàn viên với cả gia đình bên mâm cơm chiều 30, ngửi mùi nhang trầm linh thiêng cúng tổ tiên ông bà trước giờ khắc Giao thừa và hân hoan chào đón năm mới khi thức dậy vào sáng mùng một Tết.

Và hơn cả thế, với tôi, những giá trị và tập tục văn hóa truyền thống của người Việt được gìn giữ và phát huy nhiều nhất trong những ngày Tết cổ truyền.

Từ mâm cơm cúng chiều 30, cúng Giao thừa, Mùng một; từ chuyện xông đất, xuất hành, hái lộc, thăm viếng, chúc tết, mừng tuổi và hóa vàng; từ việc trang trí, dọn dẹp mâm ngũ quả, cây nêu, tranh Tết, câu đối Tết (ở miền Bắc), chưng hoa, ẩm thực ngày Tết đến các lễ hội, tập tục sinh hoạt ngày Tết tưng bừng náo nhiệt…

Những giá trị truyền thống đó, được cha ông gìn giữ từ bao đời và phát huy trong những ngày lễ hội này. Tết, là dịp người Việt được tắm gội trong các tập tục, giá trị văn hóa truyền thống mà người già không cần phải rao giảng hay dạy dỗ cho con cháu, bởi chúng được kế thừa một cách nhuần nhuyễn, bởi chúng đã là bản sắc ăn vào máu chúng ta.

Thử tưởng tượng những tập tục và giá trị truyền thống từ bao đời này được áp dụng vào dịp Tết tây; tôi tin chắc rằng chúng sẽ dần dần biến mất. Bởi các giá trị văn hóa truyền thống luôn cần một không gian, một giá trị tinh thần cốt lõi để thực hành và vận hành chúng. Phá vỡ không gian tinh thần của chúng là phá vỡ những giá trị cơ bản nhất để chúng tồn tại.

Nhưng hơn cả thế, Tết Nguyên đán với tôi là giá trị nhân văn của tình thân gia đình. Những cuộc mưu sinh ở các đô thị lớn khiến hàng triệu người rời bỏ làng quê để ra thành phố mưu sinh và Tết là dịp duy nhất để họ trở về nhà.

Ở Việt Nam, cũng có những làng quê chỉ còn người già và trẻ con, vì người lớn đã đổ xô ra các thành phố lớn để kiếm sống.

Sát công ty tôi trước đây từng có một cặp vợ chồng rời bỏ làng quê Quảng Ngãi để vào Sài Gòn sinh sống. 13 năm sống nhờ vỉa hè bằng một quán cóc tạm bợ bên đường bán nước cam vắt và cà phê; tối về ở nhà trọ tận Bình Tân.

Mỗi năm, họ chỉ có một dịp duy nhất về thăm con và mẹ già vào dịp Tết. Mãi đến sát Tết, hai vợ chồng mới chất đầy lên chiếc xe máy quà cáp và chở nhau về trong đêm để kịp về tới nhà vào chiều 30.

Những ngày Tết với họ là dịp duy nhất để đoàn viên gia đình, chăm sóc mẹ già và dạy dỗ hai đứa con nhỏ. Nỗi lo âu canh cánh trong lòng suốt cả năm vì không được nhìn thấy con lớn lên chỉ được dịu đi vào ngày trong dịp Tết, rồi sau Tết vài ngày lại vật vã chở nhau quay lại Sài Gòn kiếm sống tiếp.

Người phụ nữ bán nước cam ấy từng nói với tôi rằng, “Làm cha mẹ thật khó, ở gần thì không có tiền nuôi con, đi xa kiếm sống thì không có thời gian bên con. Đành phải hi sinh một thứ. Chỉ mong hai đứa con hiểu tấm lòng cha mẹ để chăm học và ngoan ngoãn với bà”.

Mỗi cuộc chia tay để ra đi sau Tết với vợ chồng chị là một cơn mưa nước mắt, giữa vợ chồng chị với hai đứa con; giữa chị với mẹ già. Vào Sài Gòn rồi mà đêm nào cũng nằm khóc, đằng đẳng nghĩ đến 365 ngày bán mặt trên hè phố để mong lại được đoàn tụ với con vào năm sau.

The last train home 

Về Chuyến tàu cuối cùng hay cuộc di dân vĩ đại

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia lớn nhất ở Đông Á ăn Tết Nguyên đán và khá giống nhau về các tập tục truyền thống trong những ngày Tết. 

Trong bộ phim tài liệu Last Train Home (Chuyến tàu cuối cùng) gây tiếng vang và đoạt khá nhiều giải thưởng của đạo diễn Trung Quốc Lixin Fan, đạo diễn trẻ du học từ phương Tây trở về này đã theo chân một cặp vợ chồng từ vùng quê hẻo lánh lên Quảng Châu để làm việc. 

Họ chỉ là một cặp vợ chồng trong số hơn 140 triệu người Trung Quốc (thời điểm bộ phim khởi quay là năm 2006) lên các thành phố lớn để làm việc và Tết là dịp duy nhất để họ trở về nhà. 

Bộ phim cho biết đây là cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử hiện đại của con người. Và cuộc trở về quê vào dịp Tết Nguyên đán của người Trung Quốc cũng được xem là cuộc trở về nhà vĩ đại nhất trong lịch sử của con người. 

Hãy thử tưởng tượng 140 triệu người dân đổ bộ trên các sân ga để tìm kiếm tấm vé trở về nhà. 

Chẳng khác gì một biển người và những cơn sóng người chen chúc và đè bẹp nhau trên các sân ga để kiếm được tấm vé trên chuyến tàu cuối cùng trở về quê hương đoàn tụ với gia đình, cơ hội duy nhất để họ gần gũi với những đứa con của mình.  

 * Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

 

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên