07/10/2016 14:16 GMT+7

Cascadeur - Kỳ 6: Còn thời cưỡi ngựa bắn cung, hết thời...

ĐỖ TRƯỜNG - TR.N.
ĐỖ TRƯỜNG - TR.N.

TTO - Tiền đóng thế bèo bọt, tương lai bấp bênh, bảo hiểm tai nạn cũng "hồi hộp", thân thể đầy vết thương, nhiều cascadeur - kể cả những người "máu mặt" nhất trong nghề - đã lần lượt "giã từ dĩ vãng".

Một pha đối kháng của cascadeur trên phim trường - Ảnh: NVCC

"Còn thời cưỡi ngựa bắn cung, hết thời xuống ngựa lượm dây thun bắn ruồi..." - đôi khi sau những lần tập luyện hay đóng phim mệt nhoài, các anh em cascadeur cười giỡn với nhau câu nói dân gian trào lộng dí dỏm như vậy.

Từ nhiều năm trước, lần lượt các “cây đa cây đề” trong giới cascadeur bấm bụng mà bỏ nghề, rẽ sang một hướng làm ăn khác với hy vọng đời họ tươi sáng hơn.

Năm 1990 - 1992, Hoàng Triều, Lê Tiến Dũng, Lê Công Thế, Lữ Đắc Long, Thu Vân, Nguyễn Quốc Thịnh…là những người tiên phong thành lập CLB Cascadeur trực thuộc Hội Điện ảnh TP.HCM, được xem là động thái "khai sinh chính thức" nghề cascadeur ở Việt Nam.

"Cascadeur thành lập mang tính tự phát. Thế hệ đàn anh truyền lại thế hệ đàn em và cứ thế" - cascadeur Quốc Thịnh nói. 

Thời gian thấm thoát thoi đưa, nghề cascadeur trải qua hơn 25 năm thăng trầm. Nhiều người chịu không thấu khổ cực và sự "bạc' của nghề, đứt gánh giữa chừng, gác lại đam mê để kiếm tìm kế sinh nhai khác.

Có người ngoài đóng thế còn kiêm luôn vai trò chụp ảnh cho đoàn phim và cộng tác rất tích cực cho báo chí như cascadeur kỳ cựu Lữ Đắc Long (về sau này anh Long từ giã nghề đóng thế và chuyển hẳn sang làm nhà báo). Có người sang tận Ấn Độ học và làm nghề (năm 2005, một đoàn cascadeur Việt Nam gồm 10 người sang Ấn Độ đóng phim Người hai mặt).

Có người quyết trụ lại, tham gia không biết bao nhiêu là bộ phim đủ loại, rồi còn mang tinh túy của nghề truyền dạy cho đàn em, tiếp nhận thêm những "tân binh" và nghề. 

Gặp gỡ những cascadeur nhiều thế hệ, thấy ai nấy đều mang trong mình những vết sẹo thương tích và cả những hồi ức kinh hoàng suýt mất mạng nơi phim trường. Thế nhưng điều thật lạ là họ vẫn giữ được niềm tự hào, tự trọng nghề nghiệp trong ánh mắt, hoặc nở nụ cười lạc quan. 

Võ sư Thu Vân, NSND Lệ Thủy và Kiện tướng Lê Công Thế Kathy Uyên trong phim Bộ ba rắc rối được cascadeur Trúc Như đóng thế trong cảnh lái xe ba gác nguy hiểm - Ảnh: POLY
Võ sư Thu Vân, NSND Lệ Thủy và Lê Công Thế trong một lần quay phim - Ảnh tư liệu

Chúng tôi trò chuyện với ông Lê Công Thế, cascadeur nổi tiếng một thời từng được anh em trong giới gọi vui là “ông hoàng cascadeur đóng quảng cáo”. Ông Thế nhớ lại quyết định "rửa tay gác kiếm" của mình:

“Thời điểm đó, tôi đứng giữa rất nhiều sự lựa chọn. Tuổi tác đã lớn, công việc của cascadeur đồng ra đồng vô không ổn định, miệng đời chê bai coi rẻ nghề nghiệp đóng thế khiến mình tăng dần nỗi tự ái. Tôi nghĩ, thôi gác lại niềm đam mê cho rồi để còn ổn định cuộc sống nữa”.

Giai đoạn những năm 2000, thời kỳ phim ảnh khủng hoảng, đời sống của các nhóm làm phim gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế thị trường mở ra nhiều hướng lựa chọn nghề nghiệp, cũng là thời điểm nhiều anh em cascadeur bị dao động tư tưởng.

“Cuộc sống có nhiều con đường để lựa chọn. Dù đã không còn đi trên con đường mà mình đã góp phần tạo nên nhưng tôi vẫn dõi theo nó từng ngày. Từng sự kiện, từng kỷ lục thành lập, từng cái tên mới được báo chí quan tâm, giới thiệu và cả những đổ vỡ, "bằng mặt không bằng lòng" trong làng cascadeur mình đều nắm hết” - ông Thế chia sẻ.

Vài năm gần đây, phim ảnh bùng nổ. Phim truyền hình quay liền tù tì hết phim này tới phim khác như nấm mọc sau mưa. Phim điện ảnh chiếu rạp có doanh thu nên các nhà đầu tư cũng mạnh tay bỏ tiền làm. Nhờ vậy cascadeur cũng được các đoàn phim thuê mướn đặt hàng nhiều.

Lâu lâu lại có thành viên được dân trong nghề biết đến với những danh hiệu xuất phát từ những pha mạo hiểm ấn tượng của họ trên phim trường được nể nang như "kỷ lục gia nhảy lầu" Bùi Minh Ân, "kỷ lục gia bay xe" Trần Như Thục...

Ông Thế khá hài lòng với sự phát triển của nghề cascadeur hiện nay. Tuy vậy, nhắc đến lối hành xử của giới trẻ trong nghề, ánh mắt người cascadeur kỳ cựu đã giải nghệ chợt buồn.

“Có vẻ cascadeur bây giờ ít đoàn kết và yêu thương như anh em chúng tôi hồi đó. Đạo đức làm nghề cũng bị sứt mẻ rất nhiều. Như chuyện cậu N.T bị giang hồ vây đánh, tôi đã dự báo trước. Giới trẻ cascadeur bây giờ có xíu thành tích, tham gia đóng vài bộ phim là huênh hoang, ra vẻ ta đây diễn giỏi. Không nhiều người biết khiêm tốn, kiên trì học hỏi, rèn nghề và rèn tính cách”.

Năm 2015 đã có một phim truyền hình 30 tập mang tên Tình như vô hình do M&T Pictures sản xuất, đạo diễn Dũng Nghệ, phát trên sóng HTV7 có đề cập về nghề cascadeur, trong đó diễn viên Nhan Phúc Vinh vào vai nhân vật Hoàng Việt - chủ nhiệm một nhóm cascadeur nổi tiếng TP.HCM, Hoàng Phương Anh vào vai Tâm Nhung - nữ cascadeur hay đóng thế giúp cho chị mình Tâm Liên (Hoàng Mai Anh đóng) trở thành diễn viên ngôi sao.
Trúc Như, xuất thân từ nhóm Team X, từng đóng thế Kathy Uyên các cảnh lái xe ba gác nguy hiểm trong phim Bộ Ba Rắc Rối.
Kathy Uyên trong phim Bộ ba rắc rối được cascadeur Trúc Như đóng thế trong cảnh lái xe ba gác nguy hiểm - Ảnh: POLY

Đi qua 25 năm trong nghề, từ thuở khai sinh đến giờ, cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh là người "Mohican cuối cùng" của thế hệ tiên phong còn bám trụ với nghề.

Ông hiện là trưởng nhóm Cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh, nơi đào tạo và quy tụ nhiều tài năng cascadeur tên tuổi như Phi Ngọc Ánh, Trần Như Thục, Kim Dung… Nhóm cascadeur Quốc Thịnh là một trong những nhóm cascadeur uy tín hoạt động bên cạnh các nhóm khác như Hải Long Lan, Tuấn Cầu Mây, Hồ Hiếu, Trí Nguyễn...

"Cascadeur phải diễn sao cho khán giả xem phim thấy rất nguy hiểm nhưng mình diễn lại an toàn. Đã làm cascadeur thì chuẩn bị tâm lý rủi ro. Chúng tôi không quá sợ hãi nguy hiểm, vì tai nạn là cái nghiệp của nghề. Chúng tôi cũng không quá chạnh lòng chuyện lương cao lương thấp, vì tiền bạc anh em có thể đùm bọc nhau. Chỉ tội tiếng đời thì xót xa thương tổn lắm" - Quốc Thịnh nói.

Bí ẩn song sinh
Nhóm Cascadeur Nguyễn Quốc Thịnh đóng trong phim điện ảnh Bí ẩn song sinh - Ảnh: Quốc Thịnh

 

Chúng tôi tạm biệt Quốc Thịnh và rời khỏi nơi tập luyện của nhóm anh quản lý. Ngoài kia phố xá Sài Gòn đang nhộn nhịp người xe. Bên trong khuôn viên, hàng chục cascadeur vẫn âm thầm hăng say tập luyện những đòn thế, các pha đối đầu một người hạ gục 5 người, cách té ngã sao cho không bị chấn thương...

Đã xuất hiện những nhóm cascadeur quy tụ những thành viên rất trẻ và... có thâm niên như Hoàng Thanh Bình - diễn viên đóng thế của nhóm Cascadeur TeamX (TP.HCM) sinh năm 1990, học võ 12 năm và theo nghề... hơn 10 năm. 

Hoàng Thanh Bình tuy trẻ nhưng đã tham gia đóng thế gần 20 bộ phim: Khát vọng Thăng Long, Thiên mệnh anh hùng, Tèo Em, Để Hội tính, Lạc giới, Siêu nhân X... Những người như Bình tiêu biểu cho lớp cascadeur đầy triển vọng cho hôm nay và tương lai.

Ngày mai, dù kỳ cựu (như Quốc Thịnh) hay trẻ trung (như Hoàng Thanh Bình), phận nữ nhi như Phi Ngọc Ánh, Kim Dung, Ngọc Huyền, Lê Thị Phương Thảo...  họ đều nhẹ lòng bước ra phim trường vất vả và sẵn sàng chấp nhận những rủi ro "sinh nghề tử nghiệp". 

Chúng tôi nhớ mãi tiếng Quốc Thịnh nói nhẹ nhàng mà đầy nỗi niềm: "Tôi mong cascadeur được công nhận là một nghề hẳn hoi trong xã hội. Chỉ bấy nhiêu thôi”.

*Xem clip cascadeur Quốc Thịnh tâm sự về nghề:

ĐỖ TRƯỜNG - TR.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên