Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng nhận giải Nam ca sĩ được yêu thích nhất Giải thưởng Làn sóng xanh 2010 - Ảnh: Gia Tiến |
"Nhàn cư vi bất thiện"
20 năm ca hát, gia tài hơn 50 album và rất nhiều MV, nếu tính trung bình, mỗi năm Đàm Vĩnh Hưng ra ít nhất 2 album.
Ngay cả thời điểm tình hình băng đĩa chững lại, khả năng thu hồi vốn đầu tư gần như bất khả thi, anh vẫn đều đặn ra đĩa vì "thôi thúc rất lớn trong lòng, mình phải làm cái này, mình phải làm cái kia".
Nếu từng xem Đàm Vĩnh Hưng hát ở những sân khấu dành cho sinh viên hoặc các chương trình không giới hạn thời gian mới thấy anh ham hát đến chừng nào, khán giả cứ yêu cầu bài nào, anh lại hát bài đó đáp ứng, có khi hát đến... 20 bài.
Đàm Vĩnh Hưng cũng là ca sĩ mê làm liveshow nhất nhì làng nhạc Việt với tần suất liveshow bước đều theo năm. 2003 là liveshow Trái tim hát, năm 2004, anh tiếp tục với Giờ H.
Đến năm 2007 và 2008, liveshow Thương hoài ngàn năm và Dạ tiệc trắng gây tiếng vang lớn bằng sự đầu tư âm thanh, ánh sáng mới lạ.
Liveshow Người tình vào năm 2009 cũng ghi nhận sự thành công của Đàm Vĩnh Hưng khi khán phòng vài ngàn người ở TP.HCM và Hà Nội đều chật kín.
Năm 2010, Đàm Vĩnh Hưng thực hiện tiếp liveshow Vũ khúc mùa đông; 2012 là liveshow Số phận, 2014 là Thương hoài ngàn năm 2.
Năm 2016, Đàm Vĩnh Hưng đầu tư bạc tỉ cho Diamond show kỷ niệm 20 năm ca hát.
Những năm không làm liveshow, Đàm Vĩnh Hưng thực hiện các tour từ Bắc chí Nam, có khi vòng quanh các trường ĐH, có lúc hát cho tù nhân ở các trại giam, hát từ thiện ở mái ấm,....
Xem giữa những hoạt động ca hát đó, Đàm Vĩnh Hưng còn làm giám khảo cho nhiều cuộc thi trên truyền hình như Giọng hát Việt (hai mùa), Tuyệt đỉnh song ca, Bước nhảy ngàn cân...
Đàm Vĩnh Hưng nói: "Nhàn cư vi bất thiện. Không cho tôi làm việc ba ngày là tôi đổ bệnh ngay. Hơn nữa, làm nghệ thuật thì dậm chân tại chỗ là… thua. Tôi không cho phép mình ăn mày dĩ vãng". |
Đàm Vĩnh Hưng tham gia nhiều gameshow truyền hình trong vài năm trở lại đây - Ảnh: ĐVH |
Thích trèo cao
"Lắng lại để làm gì?" - đó là câu mà Đàm Vĩnh Hưng hay tự đặt ra cho mình và câu trả lời của anh luôn là: "Không để làm gì cả".
“Tôi có thật sự cần phải nghĩ ngơi, cần phải đi chơi? Không. Bao nhiêu năm nay vẫn vậy, tôi luôn kết hợp những show diễn của mình với các chuyến du lịch, tôi đã quen và chấp nhận điều đó rồi, tại sao phải thay đổi?
“Rảnh rỗi sinh nông nổi”, không có gì làm có khi lại sinh tật. Tại sao mình không dành thời gian thử những điều mới?”, Đàm Vĩnh Hưng nói.
Đó có lẽ cũng là động lực để anh thử nghiệm hết dòng nhạc này đến dòng nhạc khác và “bày ra thật nhiều “món ăn” để khán giả lựa chọn “món” mình thích nhất” như anh nói.
Với chương trình kỷ niệm 20 năm ca hát, Đàm Vĩnh Hưng ví nó như một “ngọn núi cao” mà anh tình nguyện leo trèo để chinh phục. Anh nói: "Hưng không hát một ca khúc hit nào của mình mà mạo hiểm hát những bài hát quốc tế đình đám qua nhiều thập niên".
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong vòng vây khán giả tại live show Thương hoài ngàn năm tối mùng 1 Tết (7-2-2008) - Ảnh: Gia Tiến |
“Nhiều người cứ băn khoăn không biết tôi hát nhạc tiếng Anh thì sẽ như thế nào bởi bạn biết đấy, phát âm chuẩn tiếng Anh đã khó, hát còn khó đến thế nào. Tôi biết giọng hát của mình mạnh và cá tính, hát rock thì dễ, nhưng hát ballad thì phải biết cách tiết chế.
Nhạc tiếng Anh mà hát nặng quá thì rất dễ lộ giọng không chuẩn, do vậy tôi phải học cách hát “nhẹ nhàng” hơn, mới đầu không quen, thấy mình hát “nhẹ nhàng” thì tức cười lắm, nhưng dần cũng quen, từ từ tôi cũng thấy yên tâm.
Tôi nghĩ đây cũng là một khám phá mới, một điều ngạc nhiên mà tôi muốn dành cho khán giả của mình”, Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ.
Can đảm đặt ra thử thách là thế nhưng để làm được, Đàm Vĩnh Hưng nói anh và ekip gần như “điên loạn” vì quá nhiều thứ phải chuẩn bị.
“Có những cuộc họp kéo dài đến 6 tiếng. Tôi không cho phép bản thân mình đứng lại, dậm chân tại chỗ. Cứ chinh phục được ngọn núi này, tôi lại từ “bày” ra núi khác để leo”, Đàm Vĩnh Hưng nói.
Đàm Vĩnh Hưng trong chuyến lưu diễn tại Anh - Ảnh: NVCC |
“Tôi luôn nghĩ về hậu vận”
Tự nhận mình là người biết điều và luôn nghĩ về hậu vận, Đàm Vĩnh Hưng tếu táo bảo: nhiều người vẫn nghĩ mình là “một ai đó” và yêu sách với bầu sô, với các nhà tổ chức.
"Làm cho người khác thương mới khó, chứ làm cho họ ghét thì dễ lắm" - Đàm Vĩnh Hưng trả lời Tuổi Trẻ Online tháng 9-2016. |
Yêu sách để làm gì, để vinh danh, để hãnh diện với ai? Khoảnh khắc hãnh diện đó có ai công nhận không? Hay là mọi người lại cười chê, ném đá, chửi bới? Đặt vai trò mình là ban tổ chức một chương trình, đã phải bỏ tiền, bỏ công mời nghệ sĩ đến hát, vậy mà còn phải hầu hạ, chiều chuộng những điều vặt vãnh nữa thì… chịu sao nổi.
Nhiều lần khi họ huề vốn, tôi cũng không nỡ nhận cát-sê cao, mình nhận ít một chút, để họ còn có lợi nhuận và giữ được tinh thần hứng thú với công việc, lần sau còn tổ chức cho mình biểu diễn nữa.
Tôi muốn khi hết show thì những người từng làm việc chung vẫn dành cho mình những cái nhìn thiện cảm. Làm nghề là tính đường dài…
Nghiệp hát có thể nói là nghề không vốn, tự thân xuất phát từ năng khiếu trời cho, vậy thì việc gì phải căng thẳng, tính toán với nhau từng đồng ,từng cắc làm gì.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản sau này khi vinh quang đã tắt, hào quang không, liệu có sống nổi không khi chẳng còn ai phục vụ những yêu sách của mình?".
>> Xem Đàm Vĩnh Hưng hát Thương hoài ngàn năm:
Kỳ 1: Thợ cắt tóc thành "ông hoàng"
Đàm Vĩnh Hưng - Kỳ 2: "Tôi làm nghiêm túc, bất chấp phán xét"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận