07/09/2016 11:25 GMT+7

Nhà báo Koh Kyoung Tae: Sự thật chữa lành vết thương

THÚY NGA thực hiện
THÚY NGA thực hiện

TTO - Tin nhà báo Koh Kyoung Tae mở triển lãm Chuyện một làng quê: Phong Nhất - Phong Nhị không bất ngờ với nhiều người quen biết ông. 17 năm nay, ông vẫn đi về vùng đất Quảng Nam ấy kiên trì đeo đuổi một công việc nặng nhọc như là khổ sai.

Hình ảnh những người chết trong vụ thảm sát ở Phong Nhất - Phong Nhị được gửi kèm báo cáo điều tra của lính Mỹ. Trong báo cáo, bức ảnh được chú thích: “Một trong những nơi tìm thấy nhiều xác phụ nữ và trẻ em nhất”. Tại đây, hạ sĩ Vaughn (Mỹ) đã chụp ảnh dưới nhiều góc độ khác nhau - Nguồn: Báo cáo điều tra của lính Mỹ

“Những ghi chép dang dở về vụ thảm sát không ngừng quấy rối tôi” - nhân vật mở đầu chuyên trang Đối thoại cùng Tuổi Trẻ nói vậy.

Liệu người lính có thật sự tàn nhẫn đến thế không?

* Sau loạt bài trên Hakyoreh 21 năm 2000, đưa ra ánh sáng trước công luận Hàn Quốc vấn đề thảm sát dân thường của quân đội Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam, điều gì thúc đẩy ông tiếp tục kể về một nỗi đau thảm khốc đến vậy?

- Thứ nhất là nỗi day dứt của tôi về một ghi chép còn dang dở. Trong số hơn 80 vụ thảm sát do quân đội Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh Việt Nam thì vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị còn được lưu trữ tư liệu nhiều nhất, lại là từ những tư liệu của quân đội Mỹ.

Năm 2000 tôi đã đưa tin về vụ thảm sát này, nhưng bản thân luôn nghĩ rằng thời gian thu thập thông tin của mình còn quá ngắn và nghĩ rằng mình có thể thu thập được nhiều bằng chứng hơn từ dân làng. Vì là người đã công bố các tư liệu của quân đội Mỹ liên quan đến Phong Nhất - Phong Nhị nên tôi muốn tiếp tục hoàn thành nó.

Thứ hai là tôi muốn làm rõ mối liên hệ giữa lịch sử Đại Hàn Dân Quốc và câu chuyện Phong Nhất - Phong Nhị. Năm 1968 xảy ra vụ thảm sát cũng là một năm đặc biệt của Hàn Quốc.

Xung đột quân sự giữa Nam và Bắc Hàn nổ ra mạnh mẽ gấp 10 lần trước đó. Lực lượng vũ trang đặc biệt của Bắc Hàn đã vượt qua giới tuyến và tiến sát tới mũi của Nhà Xanh (Dinh tổng thống). Việt Nam đang xảy ra chiến tranh nhưng Hàn Quốc cũng gần với “tình trạng bán chiến tranh”.

Các học giả thời đó từng nhận định: “Hàn Quốc là mặt trận Việt Nam thứ 2”. Tôi muốn cho thế giới thấy rằng vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị chính là hậu quả xuất phát từ tình hình của thế giới nói chung, tình thế của bán đảo Triều Tiên nói riêng, chứ không chỉ đơn thuần là một vụ thảm sát.

Chính vì hai động lực này mà tháng 1-2013, tôi quay lại Phong Nhất - Phong Nhị sau 12 năm và kết cục là tổ chức buổi triển lãm này.

* Trở lại câu chuyện thảm sát kinh hoàng, ông còn có điều gì muốn kể thêm về cái ngày ông thấy được những tài liệu giải mật của quân đội Mỹ năm 2000, 32 năm sau ngày 12-2-1968 ấy ở Phong Nhất - Phong Nhị?

- Điều đầu tiên hiện lên trong đầu tôi lúc đó là vụ thảm sát Gwangju (1980). Bởi hình ảnh của chị Nguyễn Thị Thanh cùng lời chú thích: “Một phụ nữ vẫn còn sống sau khi đã bị vạt đứt hai bên ngực”.

Cuộc nổi dậy Gwangju là biểu tượng của phong trào dân chủ Hàn Quốc. Lính nhảy dù được chính quyền quân sự thời đó biệt phái đến Gwangju để đàn áp cuộc biểu tình, họ dùng bạo lực dã man và xả súng không nhân nhượng vào người dân. Lúc đó có tin đồn rằng một người lính nhảy dù đã chém vào ngực một thiếu nữ trẻ bằng một lưỡi lê.

Trong bài hát Bài hát của tháng 5 tưởng nhớ đến các nạn nhân Gwangju có ghi lại lời đồn đó: “Nhũ hoa thanh tú của em bị cắt lìa như đậu hũ”. Khi vào đại học năm 1985 và xướng lên lời bài hát đó, chỉ tưởng tượng thôi mà tôi đã thấy kinh sợ.

Tôi cũng ôm mối nghi ngờ liệu người lính có thật sự tàn nhẫn đến thế không? Nhưng tôi không ngờ mình lại được thấy cảnh tượng ấy trong một bức ảnh.

Khó khăn lắm tòa soạn chúng tôi mới tìm được tài liệu giải mật của quân đội Mỹ. Sau khi đăng tin trên tạp chí xong, tôi lên đường sang Mỹ. Tôi muốn tìm gặp bằng được hạ sĩ Vaughn - người đã chụp ảnh những xác chết.

Tôi liên lạc với Hội cựu chiến binh Mỹ và được cho biết hạ sĩ đã qua đời, đó là điều đáng tiếc nhất.

* Kể về một sự thật như thế, lúc ấy và cả lúc này ông có chút lo sợ nào không và có e ngại điều gì khi đưa ra công luận một tội ác của chính quân nhân nước mình?

- Như đã biết, sau bài báo của Ku Su Jeong tháng 5-1999 về vụ thảm sát của quân đội Hàn Quốc tại miền Trung Việt Nam, ngày 27-6-2000 hơn 2.000 hội viên thuộc Hội cựu chiến binh nạn nhân chất độc da cam đã đột nhập tòa soạn Hankyoreh đập phá đồ đạc và đánh đập người. Đó là vụ bạo loạn lớn nhất xảy ra kể từ khi tòa soạn báo ra đời.

Cuối năm ngoái và đầu năm nay, tôi cũng đăng tin nhiều lần về chiến tranh Việt Nam khiến các tổ chức cựu chiến binh Hàn Quốc tham chiến Việt Nam tìm đến tòa soạn và phản kháng. Họ yêu cầu đưa tin cải chính nhưng chúng tôi từ chối.

Sau đó, họ đưa đơn lên Ủy ban trọng tài ngôn luận. Tôi đã đến Ủy ban trọng tài ngôn luận và ngồi nói chuyện với đại biểu của quân nhân tham chiến. Ủy ban trọng tài ngôn luận hỏi tôi rằng: “Liệu anh có thể đưa tin phản bác của phía cựu chiến binh một cách nhẹ nhàng hay không?” và tôi từ chối.

Việc có vụ thảm sát trong chiến tranh Việt Nam hay không phải hỏi Chính phủ và Bộ Quốc phòng, chứ không phải hỏi Hội cựu chiến binh tham chiến. Sau đó họ nói rằng hẹn gặp lại tôi ở tòa án, nhưng đến giờ vẫn chưa nghe thấy tin tức gì.

Em chết mà đôi mắt vẫn mở to

* Chiến tranh đã lùi xa, cả nạn nhân - người bị giết - lẫn những kẻ giết người giữa thời loạn lạc đó, tôi nghĩ vậy, đều mang trong mình những vết thương mà thời gian mấy mươi năm dường như cũng chưa phải là dài. Làm sáng tỏ vụ việc, với ông, có phải là cách để chữa lành?

- Tôi hiểu hàm ý câu hỏi. Tôi không có nhiều cơ hội gặp mặt những người gây ra vụ thảm sát, mà muốn vạch trần sự thật. Đặc biệt, không một quân nhân nào thú nhận trách nhiệm của mình rõ ràng về các vụ thảm sát hàng loạt đã xảy ra trong quá trình tác chiến.

Thậm chí sau khi quân đội Mỹ điều tra vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị thì đại tướng Westmoreland - tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam - đã gửi công văn cho tướng Chae Myung Shin - tổng tư lệnh quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam - yêu cầu làm rõ chân tướng vụ thảm sát này.

Sau khi tướng Chae Myung Shin điều tra mang tính hình thức, ông ngụy biện rằng: “Đó là vụ việc do Việt cộng ngụy trang thành lính Hàn Quốc gây ra”. Nhưng ngay cả trung đội trưởng quân đội Hàn Quốc đi vào làng Phong Nhất - Phong Nhị cũng không khẳng định như vậy.

Trong tư liệu của quân đội Mỹ, thời gian quân đội Hàn Quốc tiến vào làng được tiếp nối với thời gian xác chết được phát hiện. Hơn nữa đã có lời làm chứng của rất nhiều nạn nhân và dân làng.

Việc làm sáng tỏ sự thật là một việc rất khó, nhưng tôi nghĩ rằng sự thật rốt cuộc sẽ là một trong những cách chữa lành vết thương.

* Cầm 20 bức ảnh người chết đến tận ngôi làng bị thảm sát, thật lòng, tôi không dám nhìn gần. Nên cứ tự hỏi làm sao những mẹ cha, những con cái, anh em, bạn bè có thể “gặp” lại người thân của mình theo cách như thế?

- Tháng 4-2001, tôi cầm tờ tạp chí có đăng hình nạn nhân tìm đến làng Phong Nhất - Phong Nhị. Trên tạp chí Hankyoreh 21 lúc đó, tên những người chết trong hình vẫn chưa được xác định danh tính.

Tôi không thể nào quên được hình ảnh bà Nguyễn Thị Hoa gào thét kêu lên: “Là chị của tôi” khi nhìn thấy ảnh bìa. Tim tôi thắt lại mỗi lần ai đó xác nhận rằng những người chết trong hình là mẹ, cha, chị, anh, em và hàng xóm của họ.

Tôi không thể tưởng tượng được nỗi lòng của gia đình khi đối diện với hình ảnh của những người thân đã chết sau 33 năm. Tôi chỉ biết lắng nghe câu chuyện của họ. Có người than khóc vô cùng đau đớn, có người rất kích động.

Với một số người, bức hình đó lại là kỷ vật duy nhất của người quá cố. Bà Trần Thị Được là một trong những người như thế, bà không có tấm hình nào khác của con trai Trịnh Chờ.

Chính vì thế khi nhận được tấm hình người chết, bà đã giữ gìn rất kỹ. Đây là bức hình duy nhất của Trịnh Chờ suốt cuộc đời này. Trong hình, em chết mà đôi mắt vẫn mở to.

* Năm 1999, khi Tuổi Trẻ đăng loạt bài về nhà sử học Ku Su Jeong với những điều tra về các cuộc thảm sát của quân đội Nam Triều Tiên, các nhà ngoại giao Hàn Quốc đã bày tỏ lo ngại về sự nguy hiểm mà công dân của họ có thể gặp phải khi du lịch miền Trung, nhưng trên thực tế chắc hẳn ông đã thấy một cách ứng xử khác...?

- Hầu hết người dân miền Trung ở Việt Nam đối xử với tôi rất thân thiện. Đặc biệt, tôi cảm thấy rất ấm lòng khi các cụ bà mà tôi gặp ở Việt Nam đã cho tôi cảm giác rất thân mật và tình cảm giống như các cụ bà Hàn Quốc đối với tôi khi tôi còn bé vậy.

Năm 1999, khi gặp tổng lãnh sự Hàn Quốc tại TP.HCM, tôi nghe nói: “Nếu anh đưa tin này lên thì tình hình du lịch ở miền Trung sẽ trở nên nguy hiểm”, nhưng chuyện đó chưa bao giờ xảy ra. Tấm lòng của người dân miền Trung rất đẹp.

Nhà báo Koh Kyoung Tae cạnh bia tưởng niệm 74 người dân bị thảm sát ở Điện Bàn, Quảng Nam - Ảnh: NVCC
Nhà báo Koh Kyoung Tae cạnh bia tưởng niệm 74 người dân bị thảm sát ở Điện Bàn, Quảng Nam - Ảnh: NVCC

Nhà báo Koh Kyoung Tae (sinh năm 1967) từng giữ chức tổng biên tập tuần báo Hankyoreh 21 - tờ báo đầu tiên ở Hàn Quốc đăng loạt bài về binh lính Hàn Quốc thảm sát dân thường trong chiến tranh Việt Nam.

Ông là một trong những người tiên phong ủng hộ phơi bày sự thật lịch sử này và cùng báo Hankyoreh 21 phát động chiến dịch Thành thật xin lỗi Việt Nam trong xã hội Hàn Quốc kéo dài từ tháng 5-1999 đến tháng 2-2003.

Hiện tại, ông đang đảm nhiệm chức phó tổng biên tập của tòa soạn báo Hankyoreh, đồng thời là ủy viên ủy ban xúc tiến thành lập Quỹ hòa bình Hàn - Việt.

Liên quan đến vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị, bắt đầu từ tháng 5-2000 đến tháng 1-2006, nhà báo Koh Kyoung Tae đã có sáu lần đến Quảng Nam để điều tra, tìm hiểu. Năm 2015, ông đã xuất bản cuốn sách mang tên Ngày 12-2-1968 (NXB Hankyoreh) viết về vụ thảm sát này.

Q.THI

Tài liệu giải mật của quân đội Mỹ

Tư liệu của quân đội Mỹ dày 554 trang trên khổ giấy A4, viết về những hành vi tàn nhẫn của lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc tại thôn Hoàng Châu, tỉnh Quảng Nam (hiện nay có khả năng là xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), thôn Phước Mỹ, huyện Di Xuyên (hiện nay là huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) và làng Phong Nhất - Phong Nhị thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Trong đó tư liệu về vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị khiến 74 dân thường thiệt mạng và 17 dân thường bị thương là nhiều nhất và được đính kèm theo 20 bức hình.

Các tư liệu về vụ thảm sát Phong Nhất - Phong Nhị bao gồm: bản báo cáo người có thẩm quyền của quân đội Mỹ phỏng vấn những người còn sống sót, dân làng và lính Mỹ đi vào làng sau vụ thảm sát của quân đội Hàn Quốc; thư của đại tướng Westmoreland - tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam - gửi cho tướng Chae Myung Shin - tổng tư lệnh quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam - để hỏi về sự tình vụ việc; thư trả lời của tướng Chae Myung Shin và bản báo cáo điều tra riêng của quân đội Hàn Quốc; đơn xin can thiệp của người dân Phong Nhất - Phong Nhị gửi cho ông chủ tịch hạ nghị Việt Nam cộng hòa để yêu cầu bồi thường và làm rõ chân tướng vụ việc (35 gia đình thân nhân ký điểm chỉ) và nội dung đánh giá của quân đội Mỹ về hoạt động của quân đội Hàn Quốc tại tỉnh Quảng Nam.

THÚY NGA thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên