17/08/2016 10:45 GMT+7

Hạ giải toàn bộ chùa Cầu - Hội An để trùng tu

HOÀNG DUY - QUỐC HẢI
HOÀNG DUY - QUỐC HẢI

TTO - Đó là quan điểm và giải pháp được gần 120 nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý Việt Nam và Nhật Bản đưa ra tại hội thảo quốc tế trùng tu chùa Cầu Hội An.

*** Error ***
Chùa Cầu qua thời gian đã xuống cấp và hiện đang quá tải vì khách du lịch - Ảnh: QUỐC HẢI 

Hội thảo do tỉnh Quảng Nam tổ chức ngày 16-8 tại Hội An.

Chùa Cầu - biểu tượng của khu phố cổ Hội An, di sản văn hóa thế giới - đang đứng trước nguy cơ xuống cấp với áp lực ngày càng nặng nề. Hằng ngày chùa Cầu đón tiếp lượng lớn khách tham quan, với trung bình 4.000 lượt khách/ngày.

Cùng với đó, dưới cầu là sự biến chuyển của dòng chảy khe Ồ Ồ tại điểm chùa Cầu và môi trường ẩm ướt của sông nước. Do vậy các mố cầu, trụ cầu bị nứt, nhiều cột, vì kèo hư hỏng, mục ruỗng.

Ngoài ra, chùa Cầu nằm ngay vùng rốn lũ Hội An, nơi có dòng chảy mạnh nên khi có lũ lụt, nguy cơ mất an toàn của di tích càng cao.

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu nhấn mạnh chùa Cầu đã đến lúc cần được trùng tu gấp nhưng trước khi hạ giải phải được tư liệu hóa, tin học hóa một cách khoa học, bài bản; phải xây dựng dự án tổng thể về trùng tu trên tinh thần tôn trọng dấu ấn các thời kỳ để phát huy giá trị di sản; về phương pháp phải ứng dụng công nghệ hiện đại.

Còn với giáo sư Tomoda Hiromichi (Trường đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản), chùa Cầu là biểu tượng của mối quan hệ hữu hảo Việt - Nhật. Vì vậy góp sức cùng với việc trùng tu chùa Cầu là một điều vinh dự.

Giáo sư khẳng định: “Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia Nhật Bản sang Hội An để tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng các phương án khả thi nhất. Có thể sử dụng những camera tiên tiến để chụp hình lại những cấu kiện trên mái và chúng tôi sẽ dựng thành phim 3D, dựa trên kỹ thuật in 3D hiện đại để có thể phục hồi nguyên trạng”.

Về những băn khoăn xung quanh việc hạ giải, ông Trần Đình Thành - phó cục trưởng Cục Di sản - cho biết hạ giải là việc bình thường nhưng phải hết sức cẩn trọng vì đây là công trình đặc biệt.

Nhiều ý kiến cho thấy ở Việt Nam đã có một số di tích được hạ giải để trùng tu nhưng vẫn đảm bảo tính chân xác như đình Chu Quyến, Phu Văn Lâu...

Ông Lê Văn Thanh - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - chủ trì hội thảo kết luận: “Quan điểm chung của các đại biểu là hạ giải toàn bộ để trùng tu chùa Cầu, nhưng phải có sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế, đi đôi với áp dụng kỹ thuật hiện đại để đảm bảo tính nguyên gốc của di tích đặc biệt này... Việc trùng tu sẽ được triển khai trong khoảng thời gian 2017-2020”.

Chùa Cầu còn gọi là cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 1990. Chùa Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 17. Qua khoảng 400 năm tồn tại, chùa Cầu được tu bổ lớn 7 đợt và nhiều lần tu bổ nhỏ, lần trùng tu gần đây nhất là năm 1996.

HOÀNG DUY - QUỐC HẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên