14/05/2016 11:17 GMT+7

Phố biển hiệu xanh đỏ: nỗ lực tìm kiếm trật tự đô thị

XUÂN LONG - V.V.TUÂN ghi
XUÂN LONG - V.V.TUÂN ghi

TTO - Câu chuyện phố Lê Trọng Tấn (Q.Thanh Xuân, Hà Nội) trở thành tuyến phố kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội và cả VN dùng biển quảng cáo chỉ có hai màu xanh - đỏ tiếp tục nhận được nhiều ý kiến - phần lớn bức xúc - của dư luận.

Trên phố Lê Trọng Tấn, từ quán cà phê, bún đậu hay cửa hàng thời trang, điện máy… đều được treo biển hiệu chữ trắng trên nền hai màu xanh - đỏ - Ảnh: V.V.Tuân
Trên phố Lê Trọng Tấn, từ quán cà phê, bún đậu hay cửa hàng thời trang, điện máy… đều được treo biển hiệu chữ trắng trên nền hai màu xanh - đỏ - Ảnh: V.V.Tuân

Tuổi Trẻ tiếp tục ghi nhận ý kiến của các chuyên gia:

* Ông Trần Trọng Hanh (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội):

Cái chung cần thống nhất, cái riêng cần tôn trọng

Với một tuyến phố mới, tôi đánh giá sự nỗ lực của UBND Q.Thanh Xuân và Sở Quy hoạch - kiến trúc trong việc tìm kiếm một trật tự về bộ mặt đô thị.

Tuy nhiên, trong quản lý đô thị, kể cả hình ảnh và mặt bằng luôn là hình chiếu của xã hội trên một lãnh thổ, do đó phải mang tính khách quan, tính đa dạng của văn hóa trong sự thống nhất về quản lý nhà nước.

Từ quan điểm như vậy, tôi cho rằng sự tham gia của cư dân và cộng đồng là rất cần thiết, vì người ta cũng có cái riêng trong cái chung. Còn để sắp đặt nhằm tạo ra sự thống nhất thì đó là kiểu cũ rồi, việc toàn bộ tuyến phố phải làm theo một kiểu thống nhất là điều không phù hợp.

Q.Thanh Xuân, Sở Quy hoạch - kiến trúc nên lắng nghe những ý kiến phản hồi hiện nay, tập hợp, giải trình để có những giải pháp thỏa đáng. Lâu nay việc chỉnh trang đô thị ở Hà Nội thực hiện theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, từ chỉnh trang vỉa hè, cây xanh đô thị. Vì vậy, việc chỉnh trang đô thị dứt khoát phải nhìn từ thực tiễn thì làm mới hay được, còn làm có tính chất phong trào, mang tính chủ quan, duy ý chí thì rất khó thành công.

Việc áp dụng chuẩn về kích cỡ, vị trí, chiều cao có thể còn mang tính phổ cập, nhưng việc áp đặt màu sắc xanh - đỏ không thể mang tính phổ cập, tức là làm xong khó có thể trở thành hình mẫu cho các tuyến phố khác. Và khi không trở thành hình mẫu cho các tuyến phố khác thì không thể nói những thiết kế đó sẽ được đưa vào cuộc sống, mà chỉ là phong trào, không nhân rộng ra được.

* Họa sĩ Vi Kiến Thành (cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm - Bộ VH-TT&DL):

Cần bàn tay của kiến trúc sư trưởng

Theo tôi, ý định xây dựng tuyến phố thí điểm để tạo nên tính thẩm mỹ đô thị là một chủ trương tốt. Nhưng việc xây dựng các phương án thực hiện cụ thể của chủ trương này như việc làm biển hiệu quảng cáo trên phố Lê Trọng Tấn chỉ đúng một nửa, còn một nửa chưa đúng.

Một nửa đúng vì cũng nên có quy định thống nhất về khuôn khổ của tấm biển quảng cáo đó và vị trí treo biển đó như thế nào để làm cho mặt phố sạch sẽ, ngăn nắp. Đây là điều nên làm. Còn một nửa chưa đúng là cơ quan quản lý nhà nước không thể can thiệp vào nội dung cụ thể của biển quảng cáo như màu sắc, bố cục, hình ảnh, kiểu chữ...

Bởi mỗi cửa hàng, mỗi thương hiệu, mỗi doanh nghiệp có những nội hàm mà người ta cần giới thiệu thì họ sẽ có phương án thiết kế bảng biển, bố trí màu sắc, phông chữ khác nhau để gây hiệu quả với khách hàng. Cơ quan chính quyền phải dành quyền đó cho người dân chứ không thể can thiệp vào được.

Hơn nữa, biển hiệu quảng cáo chỉ là một góc của nhiều vấn đề trên mặt phố như kiến trúc mặt trước, màu sắc, sơn tường của từng ngôi nhà... Lâu nay, các đô thị ở VN từ miền núi đến miền xuôi đều không thấy được nét kiến trúc nào mang bản sắc và đặc thù của từng nơi.

Nguyên nhân là bởi các thành phố ở VN rõ ràng đang thiếu một kiến trúc sư trưởng của từng đô thị. Đó sẽ là người vạch ra chiến lược, cũng như hoạch định được thẩm mỹ chung của từng đô thị, để làm sao có được kiến trúc phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, địa hình và có được bản sắc riêng của kiến trúc ở từng tỉnh, thành phố.

* Bà Lê Mai Trang (phó chủ tịch UBND Q.Thanh Xuân):

Sẽ báo cáo thành phố các ý kiến phản hồi

Hiện nay thành phố đã chọn tuyến phố Lê Trọng Tấn là tuyến phố điểm theo hướng đồng bộ về chỉnh trang đô thị. Việc thực hiện đồng bộ trong chỉnh trang xuất phát từ thực tế việc lắp đặt biển hiệu quảng cáo trên các tuyến phố hiện nay không theo nề nếp.

Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung cũng đã nói việc thực hiện chỉnh trang đồng bộ này phải từ cây xanh, thảm cỏ cho đến biển hiệu. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng đã xin ý kiến, khảo sát đối với 151 hộ dân.

Còn trong thực hiện vừa qua, đúng là có những ý kiến phản hồi về vấn đề màu sắc, việc này chúng tôi đang tổng hợp để báo cáo thành phố. Chúng tôi cũng xác định khi triển khai sẽ gặp những ý kiến trái chiều từ phía người dân.

Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ những cái này thành phố đã duyệt, qua thời gian, qua vận động, người dân sẽ thấy được những cái mong muốn của thành phố là chính đáng.

Với tất cả những gì riêng về logo có thương hiệu đã được Nhà nước công nhận, quận hoàn toàn tôn trọng và để các đơn vị đó sử dụng logo và màu sắc theo đúng chứng nhận bảo hộ.

Tuy nhiên với các hộ kinh doanh, quận xác định vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân thực hiện theo hướng sử dụng các màu sắc xanh - đỏ để tạo sự đồng bộ. Riêng về kích thước vẫn phải đúng theo quy định.

*GS Ngô Bảo Châu hoan nghênh nỗ lực làm "đường kiểu mẫu”

XUÂN LONG - V.V.TUÂN ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên