28/04/2016 08:58 GMT+7

Sách Hồi ức lính: thân thiết đến nhói lòng

LÂM BÌNH thực hiện
LÂM BÌNH thực hiện

TTO - Cầm cuốn sách dầy cộp trên tay, nhà văn Bảo Ninh hơi có một chút xúc động. Nỗi xúc động không thường thấy, nhưng dễ hiểu với một người lính khi nói về đồng đội của một thời đã qua.

Nhà văn Bảo Ninh 
- Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Nhà văn Bảo Ninh - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Cũng hơi có chút hào hứng nữa, khi tác giả của Nỗi buồn chiến tranh chia sẻ về cuốn sách Hồi ức lính của tác giả Vũ Công Chiến:

“Với tôi, năm nay món quà 30-4 quý giá nhất là cuốn sách này đây, của người anh em B3, cựu chiến binh sư đoàn Đồng Bằng. Tôi đọc nó, Hồi ức lính, cảm nhận qua từng trang sách một niềm thân thiết đến nhói đau trong lòng”.

* Ông vừa dùng từ “thân thiết”, có phải vì thấy lại đời lính của mình trong Hồi ức lính của Vũ Công Chiến?

- Không phải đời tôi, không phải đơn vị tôi, vậy mà đây cũng chính là cuộc đời tôi, là tổ ba người của tôi, là tiểu đội, trung đội, đại đội tôi. Tác phẩm làm sống dậy trước mắt tôi từng ngày tháng, từng chặng đường của thế hệ chúng tôi, của tuổi trẻ “đất thánh” Hà thành năm xưa lên đường ra trận.

Thao trường Bãi Nai, nỗi niềm chia ly nơi ga Hàng Cỏ, cuộc hành quân xe hỏa tới kịch đường tàu, ngàn dặm đường Trường Sơn xuyên Lào, các trạm giao liên T... và chiến trường C, và chiến trường Tây nguyên. Và cuộc chiến của lính bộ binh! Đã từng có ai diễn tả lại được về cuộc đời và cuộc chiến của người lính chiến bộ binh quân giải phóng được như tác phẩm này?

* Ông hỏi vậy, tức là đã khen nhiều lắm, ông có lý do nào không?

- Tôi không biết bình luận thế nào về tác phẩm này cho thật thỏa lòng mình. Những tụng ca văn chương kiểu như: chân thực, giản dị, giàu tính hiện thực, chất liệu vốn sống dồi dào... và nhiều nữa, nhiều nữa, vô số mỹ từ, người ta bao năm qua đã dùng cạn cả rồi để tặng nhau, tới mức nhàm, khiến tôi nghĩ sẽ thật vớ vẩn nếu cũng viết như thế về Hồi ức lính.

Cũng như vậy, những từ ngữ đầy ước lệ ngợi ca chiến công chiến thắng đầy chật trong sách, trong phim, trên tivi mấy chục năm qua, thật không thích hợp chút nào để vận vào tác phẩm văn học đích thực văn chương và đích thực là viết về chiến tranh và người lính bộ binh hay như cuốn này.

* Tác phẩm của ông - Nỗi buồn chiến tranh cũng đích thực viết về chiến tranh, cũng khuấy động đời sống văn chương một thời đó thôi!

- Chuyện đó xưa rồi. Bây giờ, tôi chỉ nhân đây mà xin mạo muội đề đạt một nguyện vọng: Trước khi bắt tay vào viết một cuốn tiểu thuyết hoặc làm một bộ phim về cuộc kháng chiến và về anh bộ đội, bạn nên trước nhất là đọc kỹ Hồi ức lính.

Dù thích hay không thích tác phẩm này, đọc nó, bạn sẽ thấy anh lính bộ binh thật sự trông như thế nào, không chỉ họ đánh trận thế nào, mà họ ăn họ ngủ, họ nói năng, trò chuyện thế nào, thậm chí họ mắc võng căng tăng, họ ca cóng thế nào, thậm chí họ đeo AK thế nào nữa...

Đọc kỹ Hồi ức lính trước khi sáng tác tác phẩm của mình, bạn có thể sẽ tránh được tình trạng sách của bạn in ra không người đọc, phim của bạn chiếu trong rạp chỉ lèo tèo dăm ba người xem, để rồi bạn mặc cảm đổ tại rằng thế hệ trẻ ngày nay xoay lưng lại với quá khứ chiến trận của thế hệ cha anh.

Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: T.T.D.
Sách do NXB Trẻ ấn hành - Ảnh: T.T.D.

Tác giả Vũ Công Chiến là sinh viên bách khoa, chưa kịp nhập trường thì được lệnh tổng động viên ra mặt trận vào năm 1971.

Những hồi ức của tác giả khi được đưa lên Facebook đã nhận hàng trăm bình luận của không chỉ bạn đồng ngũ thân thiết, các cựu chiến binh mà còn của rất nhiều người trẻ. “Rất hay”, “rất thật”, “cuốn hút”, “không tô vẽ”, “không cầm được nước mắt”... ; rất nhiều nhận định và cảm xúc như thế gặp nhau ở người đọc.

Còn PGS.TS Lưu Khánh Thơ, trong “Thay lời giới thiệu” cho tập sách, viết: “Những suy nghĩ mộc mạc nhưng không kém phần sâu sắc và những kỷ niệm của một thời trận mạc máu lửa được kể lại bằng một giọng chân thành, sôi nổi, pha trộn vẻ tinh nghịch [...].

Tất cả những trạng thái tâm lý rất thật của người lính đã được phơi trải đến tận cùng, không né tránh [...]. Anh tái hiện bộ mặt của chiến tranh không chỉ bằng khả năng ghi nhớ mà bằng sự cảm nhận của tất cả các giác quan và điều quan trọng hơn là bằng sự từng trải của người lính”.

LÂM BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên