26/03/2016 11:16 GMT+7

Phim về Hoàng Sa - Trường Sa xúc động, đẫm chất sử thi

​​​​​​ĐOÀN KHẮC XUYÊN
​​​​​​ĐOÀN KHẮC XUYÊN

TTO - Bọt biển và sóng ngầm - bốn tập phim với nhiều tư liệu quý giá và câu chuyện đầy cảm xúc về Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa vừa được phát sóng trên VTV1.

Trích lời bình trong phim Bọt biển và sóng ngầm
Đoàn làm phim thực hiện một cảnh quay trong phim Bọt biển và sóng ngầm - Ảnh: VTL

“Năm 1473, vua Lê Thánh Tông dụ cho thượng thư bộ binh Lê Cảnh Uy khi xuất hiện tranh chấp biên giới với nhà Minh:

“Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào nên vứt bỏ? Nếu ngươi dám đem một tấc đất của thái tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”

Trích lời bình trong phim Bọt biển và sóng ngầm

Ngoài kia, Biển Đông đang dậy sóng với việc Trung Quốc cấp tập bồi đắp các đảo chiếm của Việt Nam, biến chúng thành những hòn đảo nhân tạo và từng bước quân sự hóa với việc bố trí tên lửa và rađa trên một số đảo; với việc tàu Trung Quốc cướp phá, đánh đập ngư dân Việt Nam đang hành nghề ngay trên vùng biển của mình với một nhịp độ ngày càng dày hơn, thường xuyên hơn.

Trong bối cảnh đó, bốn tập đầu của bộ phim tài liệu sử thi Bọt biển và sóng ngầm đã được phát trên kênh truyền hình VTV1.

Một lịch sử bi tráng, với những tư liệu từ cổ sử, những hiện vật được tìm thấy, những nghiên cứu của các nhà sử học trong nước và thế giới... càng là những minh chứng hùng hồn và sống động cho câu chuyện chủ quyền đang mỗi ngày làm nhức nhối người dân Việt hôm nay.

“Khác với một số bộ phim đã thực hiện về đề tài này (Biển Đông), Bọt biển và sóng ngầm là một tác phẩm mang tính bảo tồn giá trị lịch sử văn hóa Việt Nam, khắc họa những yếu tố cốt lõi tạo nên lãnh thổ, cương vực và chủ quyền của dân tộc ngay từ thuở bình minh của lịch sử, trong bối cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc đang leo thang các chiến lược bành trướng lãnh thổ của họ ở Biển Đông”, đó là ý tưởng xuyên suốt của những người thực hiện bộ phim tài liệu sử thi này.

Đạo diễn kiêm người viết kịch bản, nhà báo Nông Thanh Vân cho biết tựa của bộ phim lấy cảm hứng từ cuốn sách Bọt biển và sóng ngầm xuất bản trước năm 1975 của cố giáo sư Lý Chánh Trung, cái tựa gợi cho người xem liên tưởng tới cuộc đấu tranh chưa bao giờ ngưng nghỉ của người Việt nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc mà có lúc thoạt trông như bọt biển nhưng ở trong tầng thâm sâu là những cơn sóng ngầm không bao giờ thôi vận động.

Sau năm năm ấp ủ, cưu mang đề tài, phim được bấm máy cuối tháng 12-2013, hoàn thành và tiếp tục chỉnh sửa đến tháng 11-2015. Đoàn làm phim đã công phu đi đến nhiều quốc gia, gặp gỡ các chuyên gia, các nhà nghiên cứu về lịch sử Đông Nam Á, lịch sử Biển Đông để phỏng vấn, thu thập tài liệu.

Quá trình quay phim Bọt biển và sóng ngầm - Ảnh: VTL

 

Bốn tập đầu của phim bao quát một không gian và thời gian rộng lớn, đi từ Những nhà nước cổ đại ở Biển Đông (tập 1), qua Đại Việt và hành trình tiến ra biển lớn (tập 2) đến Chủ quyền Biển Đông (tập 3) và Đội Hoàng Sa Bắc Hải (tập 4).

Có thể nói đây là một bộ phim đầu tư lớn, cả về chất xám, trí tuệ công sức của hàng trăm người, một bộ phim vừa nghiêm túc, công phu và giàu chất điện ảnh với việc tái hiện, phục dựng nhiều thời khắc, sự kiện lịch sử khiến bộ phim không mang dáng dấp khô khan của một bộ phim tài liệu mà đẫm chất sử thi làm xúc động lòng người mang trong mình dòng máu Việt.

Phải có một tấm lòng, một sự thôi thúc lớn lao và một nỗ lực ghê gớm mới có thể bỏ ra bốn năm trời để thực hiện một bộ phim công phu như vậy.

Xem phim rồi, bỗng ước giá như mỗi lớp học sinh trên khắp cả nước có một bộ đĩa phim Bọt biển và sóng ngầm thì những "buổi học sử chay" trong nhà trường sẽ đỡ nhàm chán biết bao.

Rồi lại quẩn quanh nghĩ sao việc thực hiện một bộ phim có giá trị giáo dục và nghệ thuật như vậy lại không được thực hiện bởi một trung tâm học liệu của Bộ Giáo dục - đào tạo mà phải đợi đến sự góp sức của một công ty tư nhân?

Bộ phim Bọt biển và sóng ngầm do nhà báo Nông Thanh Vân viết kịch bản và đạo diễn, VTL Comunication Group - đơn vị đầu tiên hợp tác với VTV theo chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa truyền thông của Nhà nước - phối hợp với VTV sản xuất.

Phim được thực hiện với sự cố vấn của nhiều vị lãnh đạo nhà nước, sự giúp đỡ của nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học trong và ngoài nước, giáo sư Phan Huy Lê hiệu đính lịch sử. Người viết lời bình là Lê Phong (Lý Tiến Dũng) - con trai của giáo sư Lý Chánh Trung.

Phim phát sóng bốn tập phần 1 vào 20g trên VTV1 các ngày 11, 16, 18, 25-3. Khán giả có thể xem lại trên website của VTV.

Theo nhà sản xuất, phần 2 cũng gồm bốn tập (Hoàng Sa - Trường Sa và những âm mưu từ Trung Nam Hải) đang trong giai đoạn hoàn tất.

​​​​​​ĐOÀN KHẮC XUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên