22/03/2016 10:27 GMT+7

Tiễn biệt Thanh Tùng: khu vườn yêu sống động cho đời

DANH ANH
DANH ANH

TTO - Trong cuộc đời sáng tác ca khúc, Thanh Tùng ươm trồng cho đời một khu vườn xanh tốt bằng những hạt giống ca từ, giai điệu thanh tao mà ông tích tụ. Đó là khu “vườn yêu” có các loài cây giàu sức sống như ca khúc của ông.

Tang lễ nhạc sĩ Thanh Tùng ngày 22-3. Ảnh: Nam Trần.

1. Trong khu vườn yêu ấy của nhạc sĩ dứt khoát có loài cây tên là Ngây Thơ. Cây Ngây Thơ hiện diện qua những bài hát hồn nhiên, trong sáng, tươi tắn như Hát với chú ve con, Mưa ngâu, Giọt sương trên mi mắt…

“Đừng mang trong lời ca những nỗi ưu phiền/ Và đừng mang cho tình yêu những tiếng ca buồn/ Này chú ve bé con…” Từ khi còn trẻ, nhạc sĩ Thanh Tùng muốn nhắn nhủ với loài ve sầu như thế. Đó là lời nhắn nhủ của người có tâm hồn trẻ thơ, tin vào “tình yêu trong sáng cũng sẽ đến với em…”

Ở tuổi học trò, có thể nhiều bạn trẻ hay nghe và hát nhạc Thanh Tùng chưa hiểu hết ý tứ trong bài Mưa ngâu mà một thời ca sĩ Ngọc Ánh khuấy đảo các sân khấu ca nhạc. Nhưng khi đã biết yêu, đã nếm vị nước mắt chia ly, người yêu những giai điệu tuổi trẻ của Thanh Tùng sẽ thấy vô cùng thích thú với ước muốn trong trẻo mà nhạc sĩ dùng để gắn kết hai người yêu nhau.

Đó là “mong sao mưa rơi thật lâu, để cho đôi lứa bên nhau”, bởi cơn mưa ngâu và “chiếc ô xoe tròn” là cái cớ cho chuyện của hai người!

Không chỉ hóa thân trong tình yêu tuổi học trò, trong khu vườn âm nhạc của Thanh Tùng còn có những lời ca như “Nhớ mãi, nhớ mãi những con đường/ Yêu sau, yêu quá những hàng cây…”. Bài Chim sơn ca đó thể hiện sự mẫu mực về xử lý ngôn ngữ, khúc thức cho một ca khúc dành thiếu nhi, bởi các em nhỏ dễ dàng có thể bắt theo vần nhịp của ca khúc.

Vợ chồng gia đình nhạc sĩ Thanh Tùng và ba con trong một lần đi nghỉ mát ở Đà Lạt. -Ảnh tư liệu gia đình.

2. Cùng với loài cây Ngây Thơ thì trong khu vườn âm nhạc của Thanh Tùng có loài cây là cội rễ của tình yêu, là Niềm Tin. Điều này có thể thấy ngay qua một số ca khúc nổi tiếng nhất của nhạc sĩ như Hoa tím ngoài sân, Giọt nắng bên thềm, Trái tim không ngủ yên...

Chính bởi niềm tin chân thành, thánh thiện cùng tư duy về ca từ ở trình độ cao như thế, mà Thanh Tùng giúp nhạc nhẹ Việt Nam những năm cuối thế kỷ trước thêm sức sống và sự ý vị.

Người ta yêu nhạc Thanh Tùng chính là vì nhạc sĩ mang đến sự thấm thía về một trái tim si tình trong tình yêu đến mức thấy được “Ngày ngày mặt trời hôn lên bước chân/ Và hoa tím vẫn rơi đầy sân…” quá đỗi rung động.

Với kiểu si tình ấy, nếu không khéo léo xử lý, ca khúc sẽ rất dễ rơi vào sến súa, ủy mị, gượng gạo. Còn ở đây, Thanh Tùng mang đến một thứ “pop ballad” mượt mà, thanh tao, không dễ bị lỗi thời.

Như thế, dẫu khi mưa hay lúc nắng thì tình yêu trong nhạc Thanh Tùng vẫn chân thành, khắc khoải, không chút tuyệt vọng.

Trong ca khúc Trái tim không ngủ yên vốn quen thuộc qua giọng hát Bằng Kiều – Mỹ Linh, ở đó, người Thanh Tùng viết về một người đang yêu như thể một… kẻ thất tình, với những giả thiết về chuyện “dối mình”, “dối em”…

Xem ra, đây là ca khúc sầu bi của nhạc Thanh Tùng. Nhưng không phải vậy, đến phần “out-tro”, loài cây Niềm Tin trong câu chuyện tình yêu ấy mới vụt vươn lên, cất tiếng: “Nếu anh nói anh muốn xa em/ Là thật ra anh mong rất gần/ Còn anh nói đã muốn quên em rồi/ Là trong tim anh luôn nhớ em…”

3. Trong những sáng luôn đầy ắp hoa lá, cỏ cây, sướng sớm, nắng trong của mình, Thanh Tùng không chỉ mang đến Niềm Tin hay sự Ngây Thơ mà còn gieo một loài cây trầm lặng là Cô Đơn.

Lối cũ ta về, Một mình… là những ca khúc giàu cảm xúc nhất mà Thanh Tùng viết cho người vợ đã khuất. Ở đó, có nỗi nhớ thương, hoang hoải thấm vào từng câu từng chữ trong bài hát, để từ đó cảm xúc của người viết truyền đến người nghe.

Chính Thanh Tùng từng lý giải rất hay khi gieo lên loài cây Cô Đơn. Ông bảo: “Trước hết phải là người biết yêu mới thật sự cảm nhận được nỗi cô đơn trong lòng mình. Nhưng sự cô đơn sống động lại là sự sống. Còn có những sự cô đơn nghĩa là tự làm mình rơi vào sự lãng quên, vào cô lập, thì điều đó dễ dẫn đến cái chết”.

Cùng với nỗi cô đơn, những sáng tác về sau này của Thanh Tùng mang đầy tính chiêm nghiệm, càng nghe kỹ càng ngấm, càng hay.

Cho dù một số bài được phổ từ lời thơ của người khác thì vẫn thấy không khí chung trong từng nét nhạc là nỗi nhớ thương lên đến mức da diết, quặn thắt.

Trong khu “vườn yêu” ngập nỗi cô đơn của mình, Thanh Tùng có khi “Ngồi đếm lá rơi, đếm xem bao lần em qua…” (Đếm lá ngoài sân), có lúc thấy “Cơn bão nghiêng đêm, cây gẫy, cành bay lá/ Anh nắm tay em qua đường cho khỏi ngã…” và có lần tự hỏi: “Ai mang cho tôi một tình yêu?/ Một tình yêu thật là nhỏ thôi/ Như ban mai trên đầu ngọn cỏ/ Lung linh, lung linh một giọt sương rơi…” (Lời chim đỗ quyên).

Những cơn tai biến về sau này, có thể do nhạc sĩ thường xuyên uống quá nhiều rượu và do những xáo trộn khác trong đời sống, Thanh Tùng ít công bố tác phẩm mới. Theo lời kể của con trai trưởng của nhạc sĩ thì Hoa cúc vàng được coi là sáng tác cuối cùng, ông viết năm 2008, trước khi phải nằm liệt một chỗ.

Ca khúc này vẫn gửi đi nỗi thương nhớ, cô đơn mênh mang của Thanh Tùng, với những ca từ như: “Đêm qua em vừa đến, sao chưa ghé qua nhà, sao chưa về thăm anh/ Anh nhớ em nhiều lắm đấy/ Bâng khuâng trong vườn nắng, cô đơn khóm cúc vàng, đang chờ mùa thu sang, chờ cho đến lúc phai tàn…”

Cố nhạc sĩ Văn Cao và nhạc sĩ Thanh Tùng. Ảnh tư liệu của Nguyễn Đình Toán.

4. Với khoảng 30 đến 40 ca khúc được công bố thì gần như bài hát nào của Thanh Tùng cũng được công chúng yêu thích. Ít ai biết, không chỉ sáng tác ca khúc, Thanh Tùng còn soạn nhạc, đã từng chỉ huy hợp xướng và chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như Con kênh xanh xanh của Ngô Huỳnh, Cánh chim báo tin vui của Đàm Thanh…

Với cảm xúc yêu dào dạt, lại là người có vốn kiến thức âm nhạc dày dặn qua những năm tháng được đào tạo âm nhạc bài bản, lẽ dễ hiểu để giải thích tại sao Thanh Tùng có thể viết nên những bản nhạc pop mượt mà, tinh tế, với lời ca và giai điệu hòa quyện tự nhiên đến vậy.

Cho dù đã một thời Thanh Tùng còn nổi tiếng khi làm doanh nhân, thành công và thất bại ở nhiều lĩnh vực đầu tư khác nhau thì những bài hát của ông vẫn chân thành, với nhiều khắc khoải.

Loài cây Ngây Thơ sau này có thể ẩn sâu đâu đó để thay bằng sự chiêm nghiệm, day dứt, nhưng suy tư về nỗi Cô Đơn đi cùng Niềm Tin vẫn còn nguyên đó. Cho đến khi ông rời xa khu vườn dương thế để đến với “một tình yêu cuối cùng”...

*Tiễn đưa nhạc sĩ Thanh Tùng: niềm tiếc thương lớn

DANH ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên