16/02/2016 11:05 GMT+7

Đảo lửa: nỗi đau của kẻ lập dị và cô gái điếm

NHƯ KHANH
NHƯ KHANH

TTO - Một cô gái điếm được thuê ra một hòn đảo để "làm quà" cho một người đàn ông đơn độc, lập dị, có tài đoán thời tiết giúp cứu nạn ngư dân. Cô trải đời, xinh đẹp, lời lẽ thấu tâm can. Anh cộc cằn, ít nói và bị mù.

Hiểu và thực sự đặt mình vào nhân vật, Anh Thơ đã giúp câu chuyện chạm đến trái tim khán giả - Ảnh: Hồng Hạc

Lâu lắm rồi tôi mới lại đi xem kịch, trước hết vì lòng quý mến người chủ trì sân khấu kịch Hồng Hạc. Tôi đã xem Đảo lửa trong tâm trạng vội vã vì công việc còn trì kéo, vậy mà khi xem xong, tôi thật lòng khó quên vở diễn.

Vở kịch là khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau của hai con người hoàn toàn xa lạ, khác biệt "trống - mái", trên một hòn đảo giữa biển chỉ có độc nhất một cái chòi.

Cô gái điếm trải đời, xinh đẹp, lời lẽ thấu tâm can. Anh cộc cằn, ít nói, tên Sáng và bị mù.

Chuyện cũng diễn ra theo lẽ bình thường: Họ thăm dò nhau, nói chuyện, làm tình, san sẻ quá khứ và nhận ra sự gắn kết nội tâm. Nhưng cái "lẽ bình thường" ấy đôi khi chứa đựng những giá trị nhuần nhụỵ và thiết tha quá, khiến tôi vài lần rơi nước mắt.

Vở Đảo lửa  (tác giả: Việt Linh, đạo diễn: Lê Thụy) phỏng theo hai truyện ngắn Đảo và Tro tàn rực rỡ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư sẽ tiếp tục công diễn vào 20g tối nay - 16-2 tại sân khấu Hồng Hạc (155 Bis Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM).

Vở có sự tham gia của các diễn viên Anh Thơ, Đinh Mạnh Phúc, Bảo Trí, Hữu Thạch và nhạc sĩ Vũ Phúc Ân.

Mà đây chẳng hề là một vở kịch cố tình lấy nước mắt của người xem, tôi cảm thấy rất rõ điều đó. Một vở kịch đã được biên kịch và dàn dựng với sự tỉnh táo và tiết chế.

Một vở kịch có nhiều điều để người xem nghĩ ngợi và cảm thấy khó phai mờ.

Khi cô gái điếm ra đến đảo, cô đói. Anh Sáng trong cơn bối rối trước món quà "hổn hển mùi người" đã lục tung căn chòi lấy ra niêu cơm khô cứng để cô ăn.

Cô cũng chê bai, nhưng khi ăn xong, cô gái đã nhẹ nhàng nhặt lại cái mâm, đặt lại niêu cơm lên cái rế, đậy lại cái lồng bàn.

Những hành động đó cô làm chỉ để mình cô biết, anh Sáng có thấy đâu. Nhưng chi tiết đó khiến tôi rơi nước mắt.

Tôi đã trong phút chốc thấy yêu cô - một người đàn bà vẫn còn đó tâm thức đàng hoàng. Cô chẳng phải chỉ là một cô gái điếm. Cô vẫn vô thức làm lộ ra cái ước mơ vun vén hạnh phúc gia đình. Cô cũng như tôi và hàng vạn người phụ nữ khác.

Rồi họ nói chuyện với nhau. Anh Sáng chẳng nói gì nhiều, anh không quen việc nói. Anh chỉ lắng nghe, đôi khi chêm vào những câu thoại vô thưởng vô phạt nhưng lại cho thấy rõ tính cách của anh: Một người rất đàn ông!

Và quan trọng hơn, giá trị toát ra từ những câu đáp rời rạc của anh Sáng đó là anh vẫn luôn nghe cô gái nói. Anh không xem cô chỉ là cô gái điếm, anh chú ý tới cô và muốn giúp cô duy trì câu chuyện.

Khi một người đàn bà thiết tha nói với ai đó, còn hạnh phúc nào hơn là cái người ấy cũng chú tâm lắng nghe và đáp lại. Thế thôi.

Ngay cả cái cách đáp lại có cục cằn hay đôi lúc "vô duyên" như mấy câu của anh Sáng thì vẫn chẳng hề gì. Tấm lòng chân thành của anh vẫn sáng rõ.

Vai Sáng của Đinh Mạnh Phúc cũng rất tròn vai, một người đàn ông có thể khiến ta tin rằng anh được yêu, dù anh mù, đơn độc, nghèo nàn - Ảnh: Hồng Hạc

Thế là cô gái cứ nói, cô kể những câu chuyện cuộc đời mình, không phải một mà tới năm, ba câu chuyện. Khi thì cô là Đào, là Diễm, là tiểu thư, là người vợ... chuyện nọ nối tiếp chuyện kia.

Ai mà biết được đâu là chuyện thật? Anh Sáng có hỏi rằng "Sao cô cứ thích thêu dệt đời mình?". Cô nói một câu trong đó có đại ý là "nỗi đau thì đều là thật".

Khi xem toàn bộ đoạn độc thoại của cô gái kể những câu chuyện cuộc đời cô, tôi cảm thấy có thể hiểu được những nỗi đau của những cô gái ăn sương, hơn nữa còn thật tâm đồng cảm. 

Người diễn viên làm người xem "cảm" ấy là một diễn viên lạ (ít ra là với tôi). Khi người giám đốc nhà hát cho biết cô tên Anh Thơ, là một MC, tôi đã rất ngỡ ngàng.

MC có thể là người rất linh hoạt và giỏi giao đãi, thường duyên dáng hay vui tính hay lịch sự... có khi "thái quá", nhưng trong cách diễn của Anh Thơ, tôi chẳng thấy chút gì là giao đãi hay thái quá cả. Hiểu và thực sự đặt mình vào nhân vật, Anh Thơ đã giúp câu chuyện chạm đến trái tim khán giả.

Với bố cục khác loại kịch ba hồi thường thấy, với cấu trúc chồng lấp dữ liệu dày đặc trên một trường đoạn và hầu như sử dụng độc thoại của nhân vật cô gái điếm, Đảo lửa càng xem càng khiến tôi yêu thích.

Tôi thích những thể loại tác phẩm để cho người thưởng thức những khoảng trống tự suy nghĩ thay vì "minh hoạ hiện thực cuộc sống".  Với Đảo lửa có được sự khác biệt từ một cách làm kịch ...dám khác biệt.  Một vở kịch đáng để làm và để xem.

Anh Sáng và cô gái điếm có đến với nhau không? Họ đưa nhau về đất liền hay cùng ở lại đảo xây cuộc sống có đôi trên đống tro tàn quá khứ? Hay họ vẫn chia tay và anh Sáng lại vẫn một mình?... Mà nếu họ cùng nhau về lại đất liền, biết họ có thể hạnh phúc bên nhau...? Mỗi khán giả sẽ có những phỏng đoán của riêng mình. 

Nhưng có một điều chắc chắn rằng: Cô gái điếm ấy thật sự là một người kể chuyện hay ho và lay động lòng người. Bởi vì cô kể bằng "nỗi đau thì đều là thật".

NHƯ KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên