19/01/2016 16:35 GMT+7

Những "nàng thơ" của Todd Haynes: Cate Blanchett, Kate Winslet, Julianne Moore

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TTO - Cate Blanchett, Kate Winslet, Julianne Moore đều tham gia phim được biên kịch và đạo diễn bởi Todd Haynes, một trong những đạo diễn tinh tế nhất của Hollywood.

Carol (Cate Blanchett - trái) trong Carol.

Điểm chung nào giữa 3 người đàn bà này: Cate Blanchett, Kate Winslet và Julianne Moore?

Điểm chung trong sự nghiệp điện ảnh thì khá nhiều: họ đều là 3 diễn viên từng đoạt giải Oscar (về lượng đề cửa Oacar thì Cate Blanchett & Kate Winslet đều 7 lần được đề cử Oscar, Julianne Moore 5 lần). Họ đều có thể trở thành những gương mặt kinh điển bất hủ như Katherine Hepburn hay Meryl Streep. Và cả ba vẫn đang rất nổi bật trong hiện tại.

Vậy thì cả ba có liên quan gì đến Todd Haynes? 

Câu trả lời: Cate Blanchett, Kate Winslet, Julianne Moore đều tham gia phim được biên kịch và đạo diễn bởi Todd Haynes, một trong những đạo diễn tinh tế nhất của Hollywood.

Trong 3 poster phim: Mildred Pierce với Kate Winslet, Carol với Cate Blanchett và Far From Heaven với Julianne Moore, cả ba nữ diễn viên đều rất đẹp. Một vẻ đẹp rất cổ điển và trang nhã. Cả ba đều xuất hiện ở trung tâm của poster và đều với đôi mắt nhìn nghiêng hoặc nhìn về phía trước, nhưng với vẻ mông lung vô định.

Kate Winslet trong mini series Mildred Pierce

Trừ Kate Winslet trong mini series Mildred Pierce có bối cạnh sau thời kỳ đại suy thoái (những năm 20 của thế kỷ 19), hai bộ phim điện ảnh còn lại đều có câu chuyện xảy ra trong những năm 50.

Mildred Pierce ít nhiều khác với 2 bộ phim còn lại, bởi nó vẫn nặng về kịch tính (có lẽ do tính chất của một mini series truyền hình), kể về cuộc đấu tranh của một người phụ nữ đơn thân, một nách nuôi dạy 2 con sau thời đại suy thoái (series này nổi bật với cuộc xung đột mẹ con với diễn xuất rất dữ dội của Evan Rachel Wood vai đứa con gái mới lớn nổi loạn và luôn chống lại mẹ mình), nhưng nó vẫn là hình mẫu người phụ nữ "nàng thơ" mà Todd Haynes theo đuổi: những người phụ nữ tự chủ và đi tìm hạnh phúc của mình.

Far From HeavenCarol thì như 2 tập phim trong một "trilogy" chưa hoàn thiện của Todd Haynes, kể về những người phụ nữ của thập niên 50.

Tại sao Todd lại yêu thích những người phụ nữ của thập niên 50 và miêu tả về họ qua ngôn ngữ điện ảnh tinh tế đến vậy?

Theo người viết, có lẽ đó là giai đoạn có tính cột mốc giữa hai thời đại (cũng như có thể gọi những năm 90 là giai đoạn cột mốc giữa hai thời đại: trước khi có internet và sau khi có internet).

Những năm 50, phụ nữ Mỹ vẫn khá truyền thống, ăn mặc cổ điển và đa phần vẫn là những người phụ nữ nội trợ chăm lo chồng con ở nhà chứ chưa tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội như sau này (Kate Winslet cũng có một vai rất hay trong Revolutionary Road cũng về giai đoạn này, nhưng do Sam Mendes đạo diễn với phong cách khác hẳn).

Cuối thập niên 60, mà điển hình là sự xuất hiện của Woodstock và phong trào hippie gần như thay đổi hoàn toàn lối sống và văn hóa của nước Mỹ mà phụ nữ cũng không ngoại lệ. Nên có thể nói những năm 50 là những năm cuối cùng của vẻ đẹp cổ điển và trang nhã của phụ nữ Mỹ.

Có lẽ vì vậy mà Todd Haynes thích kể về những người phụ nữ thời đại này, và không có ai hoàn hảo hơn Julianne Moore và Cate Blanchett tái hiện lại hình mẫu của vẻ đẹp cổ điển và tao nhã, nhưng lại rất quyết liệt và mạnh mẽ qua hai bộ phim Far From Heaven (2002) và Carol (2015).

Điều khác biệt với những bộ phim có vẻ nữ quyền khác, phim của Todd Haynes rất hiếm khi phải để cho nhân vật của ông phải truyền thông điệp, phải gồng lên để chứng tỏ hay thách thức xã hội.

Những người đàn bà của Todd không khác bao nhiêu những người phụ nữ cùng thời, nhưng cái họ khác là tinh thần tự do, cởi mở trước một xã hội còn nhiều định kiến, nhiều trói buộc, đặt biệt là giới tính và màu da.

Cái hay của Todd Haynes là các nhân vật phụ nữ của ông phải trải qua một tiến trình tự nhận thức để thoát ra khỏi các trói buộc hay định kiến xã hội, thậm chí cả định kiến của chính bản thân mình.

Julianne Moore trong poster phim Far From Heaven
Julianne Moore trong poster phim Far From Heaven

Cathy Whitaker (Julianne Moore) trong Far From Heaven khi mang thức ăn đến văn phòng của chồng và chứng kiến chồng mình đang hôn một người đàn ông khác, cô bàng hoàng đánh rơi cả cặp lồng và chạy về nhà.

Nhưng Cathy vẫn là một người phụ nữ nội trợ truyền thống của thập niên 50. Sau cú sốc, cô vẫn một hai là người vợ, người mẹ của gia đình. Cô đưa chồng đi khám bác sỹ để "chữa bệnh", cô vẫn không lơ là bổn phận và trách nhiệm của mình.

Cho đến khi người chồng không thể... hoàn lương và rời bỏ cô để sống với một người đàn ông khác, Cathy mới nhận ra tình yêu và bổn phận của cô không đủ để kéo một người đàn ông đồng tính về phía mình.

Far From Heaven còn xây dựng một vế khác cũng rất đặc sắc là phân biệt chủng tộc, về mối quan hệ giữa cô và người làm vườn da đen bị đám đàn bà trong khu phố dèm pha đặt điều, và quá trình để Cathy vượt qua được định kiến xã hội ấy, nhưng thôi để dành một dịp khác bàn về chủ đề này.

Với Carol, chủ đề đồng tính và nhân vật phụ nữ trung tâm của Todd Haynes là một sự phát triển đi lên từ Far From Heaven.

Vẫn là vẻ đẹp cổ điển, trang nhã và thanh lịch của phụ nữ thập niên 50, nhưng Carol Aird của Cate Blanchett dường như chủ động hơn rất nhiều.

Trước khi gặp và chinh phục Therese Belivet (Rooney Mara), ta biết Carol từng có một mối quan hệ đặc biệt với Abby (Sarah Paulson), một người bạn, người tình từ thời thiếu nữ và dù họ không mối quan hệ luyến ái, cả hai vẫn là bạn của nhau.

Carol lấy chồng và sinh con, và chính cô chủ động chia tay chồng dù chồng cô tìm mọi cách, thậm chí tạo áp lực đưa cô ra tòa và giành quyền nuôi con để ép buộc cô. Trong tình yêu với Therese, Carol là người chủ động hoàn toàn, cô tung ra một thỏi nam châm và hút cô gái trẻ non nớt tình trường và đang hoang mang giới tính về phía mình.

Therese hầu như chưa dám từ chối bất cứ một lời đề nghị nào từ Carol, như cô nói: "I don't know what I want. How could I know what I want if I say yes to everything?". Đó là một mối quan hệ giữa người buông câu và kẻ ngoan ngoãn cắn câu, giữa người chinh phục và bị chinh phục tuyệt đối, răm rắp thuận theo.

Nhưng tất nhiên, chất men của mối tình này cứ nồng đượm dần lên là vì vẻ đẹp của hai tâm hồn cô đơn đồng điệu chứ không phải của vẻ đẹp cuốn hút của xác thịt (như khởi đầu của Brokeback Mountain hay Blue is Warmest Color).

Cate Blanchett trong poster Carol.

Hãy quan sát đôi mắt của Carol và Therese khi họ ở bên người đàn ông họ không yêu và đôi mắt vừa thăm dò vừa hút lấy nhau khi họ nhìn nhau. Và hãy nhìn cách họ lưu luyến rời nhau.

Dĩ nhiên như đã nói, Todd vẫn không đi trật đường ray khi mô tả hình ảnh người phụ nữ của thập niên 50. Carol dù mạnh mẽ và là kẻ chinh phục trong tình yêu, vẫn là một người đàn bà yếu đuối trong tình mẫu tử và phần nào là định kiến xã hội.

Khi gã chồng lôi đứa con ra làm vũ khí cuối cùng để bắn vào tình mẫu tử của Carol, cô thua cuộc. Carol trở về nhà, chấp nhận hi sinh tình yêu của mình (khiến Therese chới với), để được ở bên con, và cũng giống như Far From Heaven, cũng đến bác sĩ để... chữa bệnh đồng tính.

Để rồi cuối cùng, Carol rời bỏ tất cả để đến với tình yêu.

Ta chưa biết Cathy trong Far From Heaven hay Carol Aird trong Carol sẽ như thế nào ở chặng đường đời kế tiếp, vì Todd Haynes luôn để ngỏ đoạn kết, nhưng ta biết một điều cả Cathy và Carol đều lựa chọn điều mà trái tim họ lựa chọn chứ không phải lý trí hay những định kiến, quy ước của xã hội. 

Họ báo hiệu một sự thay đổi lớn lao trong những thập niên tiếp theo của xã hội Mỹ, tất nhiên, chẳng sự thay đổi nào mà không đánh mất một điều đẹp đẽ nào đó. Đó là vẻ đẹp cổ điển và trang nhã của những người phụ nữ thập niên 50...

Xem loạt bài ĐƯỜNG ĐẾN OSCAR 2016 trên Tuổi Trẻ Online:

-​ Giới phê bình Mỹ tôn vinh phim về sức mạnh báo chí

Leonardo DiCaprio: các vai diễn hay nhất và dở nhất

Màu da tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi về Oscar

Danh sách đề cử Oscar 2016

- ​Oscar lần thứ 88: Bản năng sinh tồn có lên ngôi?

 

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên