Nhà văn Nhật Tuấn. Ảnh chụp tháng 9-2015 - Ảnh: FB Hoàng Linh |
Hiếm có sự vĩnh biệt nào nhẹ nhàng như vậy, bạn bè thương tiếc một tài hoa nhưng không bi lụy vì đời nhà văn được biết chỉ với những chuyện vui. Và cũng bởi Nhật Tuấn chưa bao giờ bộc lộ sự buồn phiền với ai!
Tếu táo, hóm hỉnh trong giao tiếp, kể cả ngoài đời hay trên mạng xã hội là dấu ấn đọng lại không phai về ông - một người tài hoa đã từ giã cõi đời lúc 18g ngày 6-10 tại TP.HCM.
Mấy năm gần đây Nhật Tuấn hay khoe cuộc sống điền viên "hoa vàng trên cỏ xanh" nơi nhà vườn ở Bình Dương… Như một chú bé, Nhật Tuấn hồn nhiên tự hào kể cả khi làm xong một việc mà ông không hề thông thạo: lắp ráp giàn máy bơm cho cái hồ bơi “tự chế”.
Trên mạng xã hội, Nhật Tuấn là người bạn dễ mến, siêng chia sẻ, siêng bình luận với tất cả mọi người. Khi đọc status về điều nào đó chưa ổn của xã hội, ông giả bộ ngạc nhiên “Làm gì có?”, “Có thật không vậy?”. Rất dễ thương.
Có vẻ như khi chạy trốn khỏi thành phố về nơi “hoang dã”, nhà văn đã tìm được sự bình yên?
Nhưng chưa hẳn thế. Khi gà đã lên chuồng, con vạc bay ngang trời, Nhật Tuấn lại điên cuồng gõ vào bàn phím máy tính những điều thật dữ dội, trái ngược với bút pháp xưa nay. Những trang văn của ông trần trụi, đau buồn, đôi khi hơi méo mó nhưng rất thật bụng. Ông viết về chuyện "cò phong bì" như thế này:
“Còn chức còn quyền còn đệ tử. Hết ký hết “mộc” hết ông tôi…”. Chị Gái hủ tiếu bưng cà phê tới thắc mắc: “Cò nhà, cò đất, cò bệnh viện còn nghe được. Còn “cò phong bì” là sao ?”.
Gã Ký Quèn giải thích: “Là ai muốn đút lót ông lớn nhờ cậy việc gì đó nhưng không được giáp mặt, phải nhờ ông đại tá hưu trung gian đưa phong bì…”.
(trích Hẻm buôn chuyện).
Trong một hoài niệm mang tính tiên niệm, truyện ngắn gần như cuối cùng của ông được mang tên Vĩnh biệt chim én kể về giấc mơ tuyệt đẹp về thời thơ ấu bị cắt ngang thô bạo bởi... cái gác chân của người chung chăn gối.
***
Trong những lời tiễn đưa một người đi, có sự chia sẻ thật đặc biệt của một người đàn bà đi qua đời ông. Bà viết: "Sinh thời, Nhật Tuấn là người lạc quan và cực kỳ ghét những lời sến sẩm. Nhật Tuấn có thói quen viết gần xong mới đặt tựa sách. Đặt tựa trước, ông sẽ khởi động chương đầu cực kỳ khó khăn. Đi về nơi hoang dã là trường hợp gần như xuất thần đặc biệt... Tất cả các chi tiết trong sách, buồn đốt rừng ngắm chơi, ông cán bộ ăn vụng bánh, móc thịt chôn đã mấy ngày lên ăn… đều có thật, không có bất cứ tình tiết hư cấu nào".
Nhật Tuấn đã thỏa nguyện, phía sau ngọn núi mang tên sinh tử là nơi hoang dã tuyệt đối, chúng ta chưa ai biết những gì xảy ra nơi ấy. Nhật Tuấn không thể cho chúng ta biết. Mãi mãi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận