Câu chuyện không mới, nhưng mối nghi ngại giữa người viết sách và người làm sách vẫn cần được trở lại để tìm một lối ra |
Là người từng rất vất vả đòi nhuận bút cho cha mình - dịch giả Huỳnh Lý, tôi nghĩ vấn đề nằm ở văn hóa xuất bản. Nếu không phải là cơ quan chủ quản thì đâu dễ kiểm soát được số bản in và người cầm bút cũng khó được trả nhuận bút đúng số bản in.
Nhắc đến văn hóa xuất bản, NXB Kim Đồng thật đáng khâm phục. Với các nhà văn tiền bối như Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Thắng Vu, Tô Hoài... đã có công lớn với NXB và ngay cả các dịch giả Huỳnh Lý, Đỗ Đức Hiểu, Phan Võ... dù đóng góp không nhiều nhưng Kim Đồng vẫn luôn trân trọng. Nhân ngày giỗ hay ngày sinh đối với những người đóng góp nhiều thì NXB in một loạt sách khi sinh thời tác giả đã sáng tác. Khi tái bản sách NXB Kim Đồng luôn xin ý kiến gia đình.
Trong khi đó, một vài NXB liên kết với nhà sách thì không được như vậy. Đôi khi sách in lỗi, lời giới thiệu có đoạn không hợp với hiện nay, gia đình đã chỉnh sửa (như đối với bản dịch Ơgiêni Grăngđê của Honoré de Balzac) nhưng có NXB chỉ lo cấp giấy phép chứ không chú ý đến nội dung. Điều ấy khiến gia đình rất phiền lòng.
Một số NXB còn không thực hiện bản quyền với tác giả. Khi thấy sách bán trên thị trường, gia đình gọi điện nhắc nhiều lần mới chịu trả. Các nhà sách viện đủ lý do để tránh bản quyền.
Nhà sách HTH luôn tự ý nối bản, dù giá sách năm sau cao hơn năm trước nhưng vẫn cứ ghi năm 2006 để khỏi trả nhuận bút. Nhà sách ML, HT trả nhuận bút rất chậm và không đúng số bản in ghi trên bìa, ngay cả sách biếu cũng không gửi đầy đủ. Có NXB thay đổi tên dịch giả (dù đó là dịch phẩm danh tiếng đã tồn tại hàng mấy chục năm) để tránh trả tiền bản quyền.
Rất may còn có những người làm sách biết giữ uy tín, rất có trách nhiệm với bản quyền: không thay đổi tên người dịch và đảm bảo quyền lợi của dịch giả. NXB Kim Đồng đã ký hợp đồng lâu dài với rất nhiều tác giả, gia đình dịch giả và tôn trọng họ khi hợp tác. Công ty sách Đông A đã trao đổi với gia đình chúng tôi về các tác phẩm: Không gia đình, Trong gia đình, Những người khốn khổ... trước khi xuất bản.
Còn Công ty sách Đinh Tị giữa năm 2015 mới liên hệ được với gia đình tác giả nhưng cũng không ngần ngại trả nhuận bút và sách biếu từ đầu năm 2014 đến nay, dù số bản in Không gia đình của cả ba lần phát hành không nhỏ (6.000 bản).
Nhu cầu độc giả hiện nay là muốn hưởng thụ các văn hóa phẩm có chất lượng nhất cả về nội dung lẫn hình thức. Không gia đình của Hector Malot do giáo sư Huỳnh Lý dịch năm 1965, riêng năm 1972 khi miền Bắc còn chiến tranh ác liệt, đất nước chưa thống nhất (dân số không đông) mà NXB Kim Đồng đã in 70.300 bản.
Hiện nay, vẫn có nhiều người đọc nên quyển sách này có mặt trên thị trường sách do các NXB liên kết với nhiều nhà sách khác thực hiện. Các nhà sách vẫn tiếp tục in Không gia đình, Trong gia đình, Những người khốn khổ... nhưng không mấy nơi nghĩ đến dịch giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận