30/08/2015 10:39 GMT+7

Chuyện họ hàng xưa và nay

NGUYỄN KHẮC PHÊ
NGUYỄN KHẮC PHÊ

TT -   Lâu rồi tôi đã viết về chuyện họ hàng, trong đó có nêu vấn đề con người sinh ra ít nhất có 50% “tinh cha” và 50% “huyết mẹ”, nên xu hướng đặt tên kèm cả hai họ nội ngoại kiểu như Lê Nguyễn Nhật Minh là công bằng, hợp lý.

Mới đây ,trên báo chí lại có tranh luận về việc họ tên một người chỉ được phép gồm bao nhiêu từ, rồi một bài nêu ra những cái tên rất chi là... kỳ khôi!

Hôm nay, nhân khắp nơi đang rộn ràng gặp gỡ, thăm viếng nhau nhân kỷ niệm 70 năm lập quốc, tôi lật mở xem lại cuốn Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân (NXB Quân Đội Nhân Dân & Thaihabooks, 2015), vì cuốn sách có rất nhiều chuyện lý thú về các tướng lĩnh trưởng thành từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong đó có chi tiết về “họ hàng” của trung tướng Cao Văn Khánh.

Ông từng tham gia chỉ huy nhiều chiến dịch lớn, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt tin cậy, nhưng thường chỉ làm cấp “phó” và cuối đời là “phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam”.

Lý giải điều này, trong hồi ức của Cao Bảo Vân (con gái tướng Cao Văn Khánh) có đoạn viết: “Thời chiến tranh, ở miền Bắc có tin đồn ba tôi là anh ruột Cao Văn Viên, đại tướng tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn...

Những câu chuyện kiểu vậy rất thu hút và được truyền miệng rộng rãi, vì tô đậm bi kịch của đất nước mà cuộc chiến kéo dài đã xé toạc biết bao gia đình.

Khi tôi còn học cấp I Trường Lê Ngọc Hân ở phố Lò Đúc (Hà Nội), trên mặt bàn học thường có dòng chữ nguệch ngoạc tô đậm bằng mực tím: “Cháu của chó săn Cao Văn Viên!”, mặc dù hai ông tướng không có mối liên quan họ hàng gì, nhưng tin đồn dai dẳng vẫn làm nhiều người nghi hoặc. Vì vậy mà “đại tá thư ký” của ông có lần đã mỉm cười buồn, giọng trầm ngâm nói: “Anh Cao Văn Khánh văn võ song toàn, vào sinh ra tử gian khổ không biết bao nhiêu mà kể, nhưng bị cái này... là lúc nào cũng chỉ được làm phó thôi!...”.

Một chuyện “họ hàng” nữa thì tôi là người trong cuộc. Cũng nhân đọc hồi ký của Lê Công Cơ - một thủ lĩnh nổi tiếng trong phong trào sinh viên học sinh đô thị trước năm 1975, người sáng lập Đại học Duy Tân - Đà Nẵng (Năm tháng tình người - NXB Hội Nhà Văn, 2015), trong sách có nhắc chuyện cuốn tiểu thuyết Học phí trả bằng máu (NXB Thanh Niên, 1984) của Nguyễn Khắc Phục, nhiều người nghĩ là anh em với tôi!

Tai hại thay, lúc đó tôi đang làm phó cho tổng biên tập tạp chí Sông Hương - Nguyễn Khoa Điềm, mà Huế lúc đó thì một số người đang sôi sùng sục phản đối cuốn sách, thậm chí có cuốn bị đốt trước Trường đại học Sư phạm Huế! Cũng may trong khi không ít anh em nhìn tôi e dè vì nghĩ tôi có họ hàng với kẻ viết cuốn sách “xúc phạm đến Huế” thì Nguyễn Khoa Điềm biết tôi và Phục nên vẫn tỏ ra trọng thị, đạp xe đến nhà tôi để bàn nên đăng bài phê phán Học phí trả bằng máu trên Sông Hương như thế nào cho có văn hóa...

Hơn 30 năm đã qua từ ngày đó... Để khỏi lạc đề, chỉ xin nói tóm tắt rằng cuốn sách từng có lệnh thu hồi đó về sau được tái bản hai lần (NXB Thanh Niên, 1999 và NXB Công An Nhân Dân, 2005), và đến nay người bạn đồng nghiệp với tôi là Nguyễn Khắc Phục vì căn bệnh hiểm nghèo đang sống những ngày khó nhọc của một cuộc đời lao động bền bỉ đáng khâm phục!

Chuyện “họ hàng” qua những trang sách là thế. Còn trong cuộc sống bề bộn và phức tạp hôm nay, công chúng thường quan tâm đến họ hàng của các nhân vật “nổi tiếng”. Có hai loại “nổi tiếng” như chuyện bên...

Tàu thì đó là chuyện mấy “con hổ” bự tham nhũng luôn kéo theo người họ hàng chính hiệu bị còng tay là con hoặc em ruột...; loại “nổi tiếng” khác là nhân vật mới được đề bạt. Ví như cái anh Nguyễn Văn A đó vừa được cử làm bí thư hay phó ban nơi này nơi kia có phải là con ông Nguyễn Văn B không?...

Thiết nghĩ sao các nhà “tổ chức” không công khai ra nhỉ? Như ai cũng rõ ông Lý Hiển Long là con trai ông Lý Quang Diệu. Và chính ông Lý Quang Diệu đã thẳng thắn nói rõ tầm quan trọng của gen trong việc hình thành một con người.

“Người Israel rất khôn ngoan... đem những nguồn gen tốt vào gia đình mình. Đó là cách học tăng nguồn gen tốt, gen trội...” (trang 191, sách Lý Quang Diệu bàn về Trung Quốc, Hoa Kỳ và thế giới - NXB Thế Giới và Thaihabooks, 2015).

Tất nhiên là không ai chọn đề bạt người họ hàng, có gen tham nhũng hay dối trá. Còn có gen là kiên cường, trung thực, học hành, làm việc giỏi giang thì cứ công khai ra, dân chúng càng hoan hô, khi bầu cử càng có phiếu cao!

Cũng tất nhiên, chuyện “họ hàng”, chuyện gen có lẽ nhiều lắm chỉ chiếm 50% của sự thành bại. Còn nữa là nhiều yếu tố khác, có thể bàn vào dịp khác...

NGUYỄN KHẮC PHÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên