06/08/2015 09:28 GMT+7

Nhà thơ Triệu Từ Truyền và “cảm hứng vũ trụ”…

NGUYÊN TRỰC
NGUYÊN TRỰC

TT - Nhân dịp ra mắt tập thơ mới Hạt sứ giả tâm linh (NXB Hội Nhà Văn), nhà thơ Triệu Từ Truyền vừa có cuộc hội ngộ với đồng nghiệp và bạn yêu thơ thật ý nghĩa tại trụ sở Hội Nhà văn TP.HCM sáng 5-8.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (bìa trái) đang giới thiệu “cái mê diệu” trong thơ Triệu Từ Truyền - Ảnh: L.Điền
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu (bìa trái) đang giới thiệu “cái mê diệu” trong thơ Triệu Từ Truyền - Ảnh: L.Điền

Từ không gian một cuộc ra mắt thơ, những bạn hữu nhiều năm tháng và nhiều sắc độ của Triệu Từ Truyền đã tự mỗi người làm một cuộc vượt thoát, vượt thoát khỏi những sáo ngữ thường tình để đến với thơ anh sâu, hào hứng hơn và cũng có trách nhiệm hơn. Nhà thơ Đoàn Vị Thượng sau khi gợi lại cái thời Triệu Từ Truyền hòa mình vào cuộc đấu tranh trong lòng đô thị miền Nam, đã đưa ra cụm từ “cảm hứng vũ trụ” để nói về thiên hướng thơ Triệu Từ Truyền trong những năm gần đây.

Ở điểm này, chính Triệu Từ Truyền cũng thừa nhận anh có cảm hứng từ những phát kiến của khoa học như hạt cơ bản, thuyết lượng tử và thuyết tương đối của A. Einstein. Nắm bắt từ một ý của Goethe - hạt tâm linh - Triệu Từ Truyền cho biết anh quan niệm thơ bao gồm hai mạch chính: tri thức và tâm thức. Ở đó, “tôi muốn mình là hạt hạ nguyên tử. Tôi muốn mọi người nhận ra bản chất của vật chất - vũ trụ, thoát khỏi những cái “duy” (duy vật và duy tâm - PV) và như vậy mới không còn xung đột, không còn đấu tranh...”.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu cho rằng “Triệu Từ Truyền muốn làm một cuộc hôn phối giữa vũ trụ với thơ, vật lý với thơ...”. Điều này có sự tham gia của khoa học và cách “xử lý” của người làm nghệ thuật.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu dẫn lại ý của nhà phê bình văn học Adorno, rằng khoa học giúp con người được khai minh, nhưng đồng thời nó lại tạo ra nguy cơ làm mất đi cái “mê diệu” của vũ trụ. Tức là khi ta biết rõ vầng trăng, cầu vồng là gì, thì có nguy cơ ta không còn nhìn thấy sự kỳ diệu của nó.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đọc bài thơ Con cá bảy màu bơi trong mưa phùn và nhận định Triệu Từ Truyền viết về khoa học mà không có một thuật ngữ khoa học nào, cho thấy “cái mê diệu” vẫn còn trong thơ anh...

Không những thế, khi viết về hình ảnh con cá bảy màu “dừng lại ven bờ con cá rỉa rún trẻ sơ sinh/ ai đem chôn làm rơi vãi/ trộn vào phù sa một ít tương lai/ phân phối vào hạt lúa châu thổ...”, thì ý nghĩa nhân sinh trong thơ anh đã có những tầng nấc mới, đầy sức sống!

NGUYÊN TRỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên