Một góc Trường THPT Châu Văn Liêm - Ảnh: Chí Quốc |
Sự phá hủy các di sản kiến trúc sẽ làm thiệt hại, đôi khi nguy hiểm đến mức làm lụi tàn đô thị do đánh mất bản sắc văn hóa. Việc đập bỏ các di sản không đơn giản là phá một ngôi nhà nát mà là đập bể chén cơm của cộng đồng dân cư địa phương |
Bảo tồn di sản kiến trúc là vấn đề chung và rất xưa của thế giới, các ví dụ thực tế bảo tồn di sản như Hội An, Venice còn đó. Vậy mà việc bảo tồn di sản kiến trúc như ở Trường Châu Văn Liêm vẫn còn lúng túng khi lý luận đã được đúc kết rõ ràng từ lâu.
Không phải hết niên hạn là đập bỏ
Ngay từ thời kỳ đế chế La Mã đã có luật định về bảo tồn di sản văn hóa. Lý luận về bảo tồn di sản kiến trúc cũng đã được hoàn thiện và được trình bày trong nhiều văn kiện quốc tế như Hiến chương quốc tế Athens về trùng tu di tích lịch sử (1931).
Nước ta cũng ban hành Luật di sản văn hóa số 28/2001/QH10. Các văn kiện của ICOMOS là cơ quan chuyên về bảo tồn di sản văn hóa (của UNESCO) đã được Công ty cổ phần Tu bổ di tích trung ương - Vinaremon của Bộ Văn hóa - thông tin dịch ra tiếng Việt. Tất cả văn kiện nói trên có thể truy cập dễ dàng trên mạng, có lẽ đã có đủ cơ sở để nghiên cứu vấn đề Trường Châu Văn Liêm.
Không có quy định nào nói công trình hết niên hạn sử dụng đều phải đập bỏ. Nếu phải đập bỏ thì biết bao nhiêu công trình xưa như chùa cổ hay kiến trúc thời Pháp thuộc đều phải bị hủy, trong khi nhà càng xưa, tuy có nguy cơ sụp đổ hơn nhưng lại càng có giá trị văn hóa, đập bỏ là không thể tái tạo. Ngược lại có thể trùng tu để tiếp tục sử dụng vì nó đem lại những lợi ích rất lớn.
Lợi ích của việc bảo tồn các di sản kiến trúc là quá rõ ràng. Đó là lợi ích về văn hóa - tinh thần, di sản có giá trị giáo dục lòng tự hào cho dân cư và đạt các mục tiêu văn hóa, chính trị. Đó còn là lợi ích về kinh tế khi một khu vực có nhiều bản sắc văn hóa sẽ tạo được sức hấp dẫn cho các hoạt động kinh tế, bản thân di sản như các cơ sở du lịch sẽ trực tiếp sinh ra các nguồn lợi.
Các văn kiện về bảo tồn di sản văn hóa đã xác định: “Bảo tồn di sản kiến trúc là duy trì sự tồn tại của di tích với các đặc điểm nguyên gốc của nó”. Vì vậy quan điểm cho rằng phá bỏ Trường Châu Văn Liêm rồi xây lại theo hình thức cũ bằng công nghệ mới là trái tinh thần các văn kiện trên.
Ngay cả khi bất khả kháng, buộc phải áp dụng các cấu kiện công nghệ mới để gia cố di tích thì cũng phải để phân biệt rõ, để thế hệ sau không bị lầm về tính nguyên gốc. Vì vậy không nên nghĩ đến việc xây mới kiểu “giả cổ”.
Giải pháp “siêu mặt tiền: superficial” nghĩa là chỉ còn giữ lại một mặt tiền để lưu niệm tượng trưng mà phần phía sau của công trình đã bị phá để xây công trình mới, bị coi là có hiệu quả thấp nhất bởi lý do là bảo tồn một mặt tiền chết chứ không phải một công trình đang sống. Vì vậy không nên nghĩ đến chỉ giữ lại vài công trình tượng trưng.
Có thể hoán đổi công năng
UBND TP Cần Thơ rất có trách nhiệm với dân khi cho rằng trường hết hạn sử dụng, phải đặt lợi ích an toàn của học sinh trên hết và chủ trương xây trường mới hoặc giao cho cơ quan chuyên ngành thực hiện giải pháp trùng tu làm sao cho an toàn thì thôi. Trường hợp Trường Châu Văn Liêm không có nhiều trang trí phức tạp như các cung điện Pháp, Nga, lại xây chủ yếu bằng vật liệu thô như gạch đá, gỗ, vì vậy khả năng các chuyên gia trong nước đủ kiến thức, kinh nghiệm để trùng tu, gia cố là rất lớn.
Đặt ra khả năng xấu: nếu sau khi trùng tu, ngôi trường không thể bảo đảm an toàn cho hơn 1.700 thầy trò hoạt động, do không dám dùng quá nhiều giải pháp gia cố công nghệ mới vì phải cố giữ các đặc điểm nguyên gốc của di sản thì làm sao? Cũng như con người, ngôi nhà phải có công ăn việc làm (công năng) thích đáng để có thu nhập mà tồn tại.
Một công trình tồn tại vài trăm năm có thể từng có nhiều cách dùng khác nhau. Vì vậy khi bảo tồn di sản, không nhất thiết phải duy trì công năng cũ mà có thể hoán đổi công năng mới thích hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội và công nghệ hiện tại cũng như nhu cầu bảo tồn và tình trạng kiến trúc của nó.
Vì vậy, ngôi trường có thể hoán đổi công năng cho công trình khác như dùng làm nhà bảo tàng, văn phòng hay trụ sở có ít người hoạt động hơn (sẽ gia cố dễ hơn) và đổi lấy địa điểm khác, kinh phí cho việc xây mới trường. Các doanh nghiệp sẽ rất có lợi khi có trụ sở đặt tại một công trình cổ danh giá. Cơ quan có đủ quyền lực hoán đổi công năng này chính là chính quyền địa phương.
Cung điện hoàng gia các nước Âu, Á - nơi nền quân chủ đang tồn tại - vẫn phải làm công năng mới là nơi cho tham quan, thu phí để có tiền bảo quản trùng tu. Tòa thị chính Rotterdam (Hà Lan) cũ quá nhỏ nên đổi thành nhà bưu điện. Ở nước ta, nhiều trường học thời Pháp thuộc ở Hà Nội hiện đã chuyển đổi công năng thành trụ sở cơ quan, thậm chí cơ quan ngoại giao.
Trụ sở hải quan ở Q.1, TP.HCM đẹp là vậy mà ban đầu là khách sạn Metropolitan, sau chuyển thành tòa thị chính, rồi mới thành trụ sở hải quan. Nhà công tử Bạc Liêu nay chuyển thành nơi cho tham quan du lịch lại có hiệu quả hơn là để làm nơi ở như cũ.
Sự phá hủy các di sản kiến trúc sẽ làm thiệt hại, đôi khi nguy hiểm đến mức làm lụi tàn đô thị do đánh mất bản sắc văn hóa, coi như "tự sát về văn hóa” (cultural-suicide). Các quan điểm thiển cận cho rằng phá di sản đi để xây nhà kiểu hiện đại sẽ có hiệu quả kinh tế lớn hơn, bị coi như không biết “chơi” đồ cổ.
Việc đập bỏ các di sản không đơn giản là phá một ngôi nhà nát mà là đập bể chén cơm của cộng đồng dân cư địa phương từ em bé bán hàng rong đến các doanh nghiệp, kể cả hãng hàng không bị giảm sút doanh thu khi khách du lịch và kinh doanh không còn mặn mà đến vùng đó nữa.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận