09/07/2015 08:25 GMT+7

Không việc gì phải “tuyên án tử” ​Trường THPT Châu Văn Liêm!

THÁI LỘC thực hiện
THÁI LỘC thực hiện

TT - Về Trường THPT Châu Văn Liêm, GS.TS.KTS HOÀNG ĐẠO KÍNH nói: Không việc gì phải “tuyên án tử”!

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Một kiến trúc trường học ngấp nghé 100 năm, hiếm lắm, quý lắm. Việt Nam hiện còn vài ngôi trường như thế thôi!”. Trong ảnh: UBND TP Cần Thơ tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại Trường THPT Châu Văn Liêm chiều 8-7 - Ảnh: Chí Quốc
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính: “Một kiến trúc trường học ngấp nghé 100 năm, hiếm lắm, quý lắm. Việt Nam hiện còn vài ngôi trường như thế thôi!”. Trong ảnh: UBND TP Cần Thơ tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại Trường THPT Châu Văn Liêm chiều 8-7 - Ảnh: Chí Quốc

Xung quanh câu chuyện bảo tồn hay xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), từ góc nhìn của một chuyên gia hàng đầu về bảo tồn kiến trúc cổ của VN, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính vừa góp thêm một ý kiến đáng quan tâm:

“Các nước có nền giáo dục lâu đời bao giờ cũng tự hào về các trường học có niên đại xa xưa, dù là trung học hay đại học, kèm theo là kiến trúc cổ xưa. Các trường đại học như Sorbonne (Pháp), Cambridge (Anh), Harvard (Mỹ) hay Lomonosov (Nga)... đều là những cơ sở giáo dục lâu đời và người ta đều giữ lại những công trình kiến trúc cũ. Cho dù những kiến trúc này đã “quá thời hạn sử dụng”, không còn đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của thời nay.

Việc giữ lại không chỉ vì đó là những kiến trúc cổ xưa, mà nó là hiện thân của một lò đào tạo có truyền thống lâu dài. Đó là cả niềm tự hào của các thế hệ người dạy lẫn người học. Những tòa kiến trúc lâu đời trở thành biểu tượng cho một thương hiệu, biểu tượng cho một uy tín, biểu tượng cho niềm tự hào và biểu tượng cho một tinh thần phải kế tiếp truyền thống của trường ấy...

Nói đến Cambridge người ta nghĩ ngay đến kiến trúc cũ của nó, nói đến Trường Sorbonne hay Trường ĐH Tổng hợp ở Saint Petersburg, người ta nghĩ ngay đến ngôi nhà gạch hai tầng...”.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Ảnh: Thái Lộc
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính - Ảnh: Thái Lộc
Về phương diện kỹ thuật, trình độ Việt Nam hiện nay để duy trì lâu dài một kiến trúc gạch như Trường Châu Văn Liêm hoàn toàn có thể làm được

* Trường hợp tương tự ở VN thì sao, thưa ông?

- Nền giáo dục Tây học nước ta xuất hiện từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 có những ngôi trường tiêu biểu như Trường Bưởi ở Hà Nội, Trường Quốc Học ở Huế, Trường Pétrus Ký ở TP.HCM hay Trường Châu Văn Liêm ở Cần Thơ... vốn dĩ đã rất ít.

Những ngôi trường như vậy ngày nay còn lại rất ít, cho nên chúng ta cần phải giữ gìn chúng. Giữ gìn không chỉ với tư cách là những kiến trúc xưa, mà còn là hiện thân của những truyền thống đào tạo và thương hiệu đào tạo. Điều này vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng cho công tác giáo dục.

Chúng ta hiện nay có thể xây dựng hàng nghìn, hàng vạn ngôi trường mới. Nhưng phải đến hàng trăm năm sau, số ít trong những kiến trúc ấy mới trở thành hiện thân của những thương hiệu, uy tín của những lò đào tạo.

Trường hợp đối với Cần Thơ, quỹ di sản kiến trúc đô thị, quỹ công trình văn hóa, giáo dục có bề dày lịch sử, có “bộ nhớ dài lâu” là không nhiều, cho nên những kiến trúc di sản như Trường Châu Văn Liêm càng cần phải giữ lại, đồng thời với nhiều kiến trúc cũ có giá trị khác nữa.

* Ông đánh giá như thế nào về ý kiến của một nhà quản lý cho rằng có thể xây lại Trường Châu Văn Liêm theo kiểu cũ nhưng bằng vật liệu mới?

- Việc xây mới nhưng theo hình dáng cũ, coi như tạo ra mô hình tỉ lệ 1-1, tương tự một bệnh nhân ốm đau thay vì chữa bệnh, ta nhân bản bằng đổ khuôn thạch cao vậy. Chúng ta sẽ có một hình hài mới, nhưng hồn cũ thì không còn.

Tất nhiên phương án đó có thể tốt hơn là phá đi hoàn toàn. Nhưng ở đây nên xem xét việc trùng tu, vì nó hoàn toàn khả thi. Một kiến trúc trường học ngấp nghé 100 năm, hiếm lắm, quý lắm. Việt Nam hiện còn vài ngôi trường như thế thôi!

* Khả thi như thế nào thưa ông, nhất là về phương diện kỹ thuật, liệu có đảm bảo khi đã có cảnh báo “hết thời hạn sử dụng”?

- Tôi chắc rằng hầu hết công trình thời Pháp ở Hà Nội, TP.HCM hay nhiều thành phố khác đều nhận được thông báo đã “hết hạn sử dụng” như trường hợp Trường Châu Văn Liêm. Tuy nhiên, nếu có giá trị thì không việc gì phải “tuyên án tử hình” nó, mà phải trùng tu, gìn giữ. Nhiều kiến trúc gỗ “hạn sử dụng” còn ngắn hơn cả kiến trúc gạch, chỉ 50 - 70 năm, mà chúng ta cũng duy trì được hàng trăm năm rồi đấy thôi.

Riêng đối với Trường Châu Văn Liêm, nếu đã hết hạn sử dụng, có nghĩa đã đến lúc cần phải đại tu thì phải ngừng ngay việc sử dụng. Kèm theo là khảo sát kỹ hiện trạng và đưa ra phương án kỹ thuật để duy trì công trình lâu dài.

Về phương diện kỹ thuật, trình độ Việt Nam hiện nay để duy trì lâu dài một kiến trúc gạch như Trường Châu Văn Liêm hoàn toàn có thể làm được. Thực trạng trường này cần phải trùng tu lớn. Ở đây, phải bằng một loạt biện pháp: gia cố hệ thống chịu lực gồm nền, móng, tường, tu sửa lại hệ mái, thay thế các vật liệu hư hại bằng những vật liệu tương ứng...

Công việc trùng tu phải trên cơ sở duy trì, giữ lại những yếu tố gốc, có thể kết hợp với việc cải tạo thích ứng với nhu cầu sử dụng mới... Vấn đề chính ở đây là sự quan tâm đến mức nào, nguồn kinh phí bao nhiêu mà thôi.

Các chuyên gia về trùng tu sẵn sàng ngồi lại cùng các nhà kỹ thuật xây dựng thì đảm bảo công việc trùng tu phục hồi. Riêng tôi sẵn sàng tham gia tư vấn không công, nhằm đưa ra các giải pháp cứu chữa và duy trì kiến trúc Trường Châu Văn Liêm để tồn tại thêm 100 năm nữa.

Xem xét khả năng trùng tu trường

Liên quan vụ xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, Tuổi Trẻ ngày 7 và 8-7), ngày 8-7, trả lời Tuổi Trẻ, ông Trần Thanh Mẫn - bí thư Thành ủy Cần Thơ - cho biết mấy ngày qua ông theo dõi rất sát báo chí và sẵn sàng lắng nghe ý kiến góp ý của các kiến trúc sư, chuyên gia và người dân về công trình này.

“Với quan điểm là thận trọng với những công trình có kiến trúc lâu đời nên tôi đã yêu cầu UBND TP và các cơ quan tham mưu mời các kiến trúc sư có kinh nghiệm nghiên cứu khảo sát kỹ, xem xét lại xem có cách nào không cần đập bỏ xây mới mà có thể trùng tu để sử dụng thêm vài ba chục năm nữa không, kinh phí như thế nào, sử dụng công nghệ thế nào để an toàn hiệu quả” - ông Mẫn nói.

Theo ông Mẫn, trước đây đã có một tổ chức của Pháp nhã ý tài trợ dự án khoảng 150.000 USD để trùng tu lại ngôi trường cổ này, họ cam kết sử dụng chuyên gia và công nghệ của Pháp nhưng sau đó họ rút chưa thực hiện. “Bây giờ ngôi trường đã xuống cấp hơn trước, nếu trùng tu chắc cũng phải nhờ chuyên gia Pháp hỗ trợ” - ông Mẫn nói.

Chiều cùng ngày, UBND TP Cần Thơ đã tổ chức đoàn khảo sát thực tế tại ngôi trường này. Đoàn do ông Lê Văn Tâm - phó chủ tịch thường trực - và bà Võ Thị Hồng Ánh - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - dẫn đầu.

Ông Tâm cho biết quá trình xin ý kiến, phê duyệt dự án xây mới Trường THPT Châu Văn Liêm và các thủ tục khác liên quan đều cơ bản hoàn thành (chờ mở thầu) và Thành ủy, UBND TP Cần Thơ đã chỉ đạo xây mới trường dựa trên nguyên bản của Pháp.

Tuy nhiên, khi bắt đầu triển khai thực hiện dự án thì có nhiều ý kiến băn khoăn, đề nghị TP thận trọng xem xét. Ông Tâm đề nghị các thành viên có liên quan (Hội Kiến trúc sư, UBND quận Ninh Kiều, Sở Giáo dục - đào tạo, Sở Kế hoạch - đầu tư TP Cần Thơ...) nắm vấn đề, sắp tới sẽ có cuộc họp để lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Cần Thơ nghe ý kiến của những đơn vị này, từ đó có cơ sở xem xét, quyết định về “số phận” của trường.

H.T.DŨNG - C.QUỐC

THÁI LỘC thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên