Cảnh trong phim Thời đại của sự ngu ngốc - Ảnh: kim.lv |
Bộ phim tài liệu của Anh về môi trường mang tên Thời đại của sự ngu ngốc (đạo diễn Franny Armstrong) được chiếu nhân Ngày ngoại giao châu Âu (17-6) đã bắt đầu như thế tại Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace), Hà Nội.
Khán giả đến khá đông đã trầm lặng dõi theo những thước phim tài liệu gọn ghẽ mà vẫn đạt đến từng câu chuyện chân thực gắn với hoàn cảnh của từng nhân vật.
Đấy là doanh nhân hãng hàng không giá rẻ Ấn Độ - Jeh - cứ khăng khăng khí thải của máy bay chỉ là một phần của sự ô nhiễm. Rồi đến Shell - ông chủ của các dự án dầu mỏ đồ sộ trên thế giới - nói rằng ở đâu có những giếng dầu được khoan thì ở đó có sự giàu có.
Thế nhưng cô Malin Layefa ở Nigeria thì phủ nhận bằng chính cuộc sống của người dân nơi đây ngày càng lâm vào đói nghèo vì mất đi nghề đánh bắt cá trên đầm khi cá chết trong nguồn nước bị ô nhiễm từ dầu.
Và câu chuyện về dầu mỏ lan sang tâm điểm là đất nước Iraq với hai đứa trẻ mồ côi cha sau cuộc chiến về dầu mỏ năm 2003, khi ánh nhìn của chúng chỉ là nỗi hận thù...
Từ những nguồn cơn cơ bản ấy, bộ phim nhắc lại thảm họa của cơn bão Katrina và những dòng sông băng dần biến mất...
Con người ứng xử với thực tế ấy như thế nào? Chẳng có ai làm gì để thay đổi tình hình. Lời hứa của các chính trị gia chẳng những không giữ được mà còn có thể biến thành chiến tranh vì những thùng dầu...
Bởi vậy, cô độc giữa địa cầu ở năm 2055, người đàn ông kể chuyện (Pete Poslethwaite thủ vai) trong bảo tàng Na Uy chua chát hỏi: Tại sao chúng ta không tự cứu chúng ta khi còn có thể? Thật là một kỷ nguyên của sự thờ ơ!
Tiếp tục với mạch nối về đề tài môi trường, sau buổi chiếu phim Thời đại của sự ngu ngốc, lúc 14g ngày 27-6 tại L’Espace sẽ tiếp tục công chiếu bộ phim Câu chuyện năng lượng trong khuôn khổ buổi chiếu phim và thảo luận mang tên Ánh sáng cuối đường hầm với diễn giả là TS Đào Trọng Tứ - giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC).
Đây là bộ phim tài liệu do nhóm học viên trẻ tại Trung tâm sống và học tập vì môi trường và cộng đồng (Live & Learn) xây dựng dưới sự hợp tác của Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và chương trình Sáng kiến trợ giá toàn cầu (IISD-GSI).
Bộ phim này tiếp tục dẫn dắt người xem qua các vấn đề an ninh năng lượng, tiềm năng năng lượng tái tạo và trợ giá nhiên liệu hóa thạch để rồi gieo lại thông điệp mà Thomas Edison từng đưa ra cách đây gần một thế kỷ: “Chúng ta cứ như những người nông dân chặt từng mảnh hàng rào để lấy củi đun, trong khi có thể sử dụng các nguồn năng lượng vô tận: mặt trời, gió và thủy triều. Tôi sẽ đầu tư vào mặt trời và năng lượng mặt trời. Một nguồn năng lượng tuyệt vời! Tôi hi vọng con người sẽ không đợi tới khi hết dầu và than mới đi giải quyết việc này” (Thomas Edison - 1931).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận