24/05/2015 14:58 GMT+7

Kéo khán giả truyền hình... ra rạp xem phim điện ảnh

CÁT KHUÊ - HOÀNG LÊ
CÁT KHUÊ - HOÀNG LÊ

TT - Những cái tên quen với truyền hình có làm nên chuyện ở ngoài rạp? Câu trả lời không dễ đoán, nhưng chắc chắn nhiều người làm phim muốn kéo khán giả màn ảnh nhỏ ra rạp lớn là một thực tế

Bộ ba rắc rối được làm bởi một đạo diễn quen tên với khán giả truyền hình là Võ Tấn Bình - Ảnh: ĐPCC
Bộ ba rắc rối được làm bởi một đạo diễn quen tên với khán giả truyền hình là Võ Tấn Bình - Ảnh: ĐPCC

Ngày 22-5, Bộ ba rắc rối - một phim hài quy tụ ba gương mặt diễn viên “không phải dạng vừa” như Kathy Uyên, Thúy Nga và á hậu Hoàng Oanh... - ra rạp.

Ðạo diễn phim này là Võ Tấn Bình - một đạo diễn quen thuộc với khán giả truyền hình hơn điện ảnh. Theo một số tin hành lang thì lẽ ra Bộ ba rắc rối đã ra rạp từ một vài tuần trước, nhưng vì sự xuất hiện của Lật mặt với ngôi sao hài đang lên từ phim truyền hình là Trường Giang nên Bộ ba rắc rối đành dời lịch, ngậm ngùi xếp hàng sau Lật mặt.

Thành danh nhờ truyền hình, ra rạp có thành công?

Bộ ba rắc rối ngay từ khi công bố dự án và trailer, khán giả đã có thể hình dung một kiểu phim The hangover phiên bản nữ (The hangover là phim Mỹ về những chàng trai độc thân, sau một bữa tiệc túy lúy nhân chia tay đời độc thân đi lấy vợ đã làm những chuyện hài hước điên rồ đến khó tưởng tượng được). Nghĩa là ai cũng chờ đợi một phim hài hành trình vui vẻ, đậm chất hài (dù có thể... nhảm) từ đầu đến cuối.

Ba gương mặt được lựa chọn cho các nhân vật có cá tính khác nhau như Mỹ (Kathy Uyên) - một cô gái hiện đại, phóng khoáng, Dung (Thúy Nga) - một cô gái chân chất phục tùng chồng và Vy (á hậu Hoàng Oanh) - một nhà báo trẻ ngơ ngác và... “còn zin”!

Một cái cớ rất tuyệt với một dàn diễn viên không dở, một Võ Tấn Bình đạo diễn của Hương phù sa, Thiên sứ lông bông từng làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ, một bối cảnh đẹp là Hội An với con sông, cù lao, một nhà sản xuất của những phim từng rất ăn khách là Chánh Phương (Tèo Em, Ðể Mai tính 2...), có vẻ như Bộ ba rắc rối được “bọc điều” trước khi ra rạp.

Thế nhưng có bột chưa chắc đã gột nên hồ lại có vẻ như đúng với chất lượng của Bộ ba rắc rối. Một kịch bản khiên cưỡng, tình tiết không thuyết phục, diễn viên diễn phô và chênh (đặc biệt là Thúy Nga, Hiếu Nguyễn) là những nhược điểm chính khiến Bộ ba rắc rối trở nên nhạt và thiếu hấp dẫn. Ngay cả Kathy Uyên từng khá duyên dáng trong Ðể Mai tính hay Âm mưu giày gót nhọn thì vai Mỹ ở phim này lại lấy đi không ít điểm cộng mà cô diễn viên Việt kiều ngày nào đã có được trong lòng khán giả Việt... Sau Nàng men chàng bóng, Võ Tấn Bình một lần nữa mất điểm với khán giả phim chiếu rạp, mà không ít số đó có lẽ cũng chính là khán giả của anh trên màn ảnh nhỏ truyền hình.

Trước Bộ ba rắc rối, Lật mặt của đạo diễn Lý Hải với “át chủ bài” là cây hài Trường Giang quen mặt trên truyền hình đã đến với khán giả. Lật mặt khá yếu về câu chuyện, các chi tiết rối rắm và dễ dãi. Nhưng Trường Giang với vai diễn hài hước, thậm chí quá lố, lại khá được lòng khán giả.

Hơn một tuần công chiếu, theo thông tin của nhà sản xuất, phim đã thu về hơn 20 tỉ đồng, một con số đáng mơ ước của các phim chiếu rạp kinh phí nhỏ, dù với nhiều khán giả điện ảnh khó tính đòi hỏi cao về ngôn ngữ điện ảnh thì Lật mặt không phải là một lựa chọn...

Trường Giang và Lý Hải trong Lật mặt.

Mối tương tác truyền hình - điện ảnh

Nếu nhìn ở yếu tố truyền hình, Lật mặt khá tiêu biểu cho việc gom diễn viên hài trên truyền hình vào phim chiếu rạp. Trường Giang tham gia khá nhiều chương trình truyền hình thực tế có yếu tố hài, cũng là MC chương trình Chung sức, trước Lật mặt anh cũng là gương mặt được chú ý khi diễn một vai thứ chính cùng Bằng Kiều trong phim Sơn đẹp trai.

Bên cạnh Trường Giang, trong Lật mặt còn có các gương mặt hài khác cũng quen mặt trên truyền hình như Cát Phượng, Phi Phụng, Hoàng Sơn, Long "đẹp trai"... Một số khán giả nhận xét việc “câu khách” bằng diễn viên hài khiến Lật mặt giống như sự tổng hợp của những màn tấu hài mà họ vẫn xem trên màn ảnh nhỏ.

Nhưng cũng không thể phủ nhận chính nhờ thế mà Lật mặt vẫn lấy được tiếng cười từ hàng ghế khán giả. Cát Phượng, Hoàng Sơn cũng có mặt trong Bộ ba rắc rối và tất nhiên mục đích vai diễn của họ nhắm đến việc lấy tiếng cười.

Nhưng diễn viên chỉ là một yếu tố. Có không ít dự án phim truyền hình nhà sản xuất đã lấy chất liệu quay được để “dựng thêm” thành một phim mang ra rạp chiếu. Một ví dụ có thể thấy khi Yêu thuê phát sóng trên kênh Let’s Việt (tháng

8-2014), nhiều khán giả ngỡ ngàng vì đây là phiên bản truyền hình của phim Cưới chạy đã ra rạp từ tháng 1. Thật ra ngay từ lúc 31 tập phim truyền hình Yêu thuê đang quay, Hãng phim Hoàng Thần Tài đã có kế hoạch dựng Cưới chạy, một kế hoạch mà nhiều người thạo tin đã cho là liều lĩnh.

Nên không ngạc nhiên khi Cưới chạy bị khán giả xếp diện thảm họa vì nhạt nhẽo và nhảm nhí, tình tiết phim khiên cưỡng vô lý. Dù thế, có vẻ như Hoàng Thần Tài vẫn có lời vì đầu tư kiểu truyền hình nhưng bán kiểu “hai mang” nên vẫn “ngon ăn”.

Một kiểu tương tác khác ngược lại là sản xuất phim chiếu rạp nhưng chiếu rạp xong lại dựng thêm thành phim truyền hình. Nhà có 5 nàng tiên sau khi thắng lớn mùa Tết 2013 đã tiếp tục “ăn dày” khi phát sóng phiên bản phim truyền hình năm tập vào mùa hè 2013 trên VTV9 (chiếu tới ba lần trong thời gian ngắn và sau đó được khá nhiều đài truyền hình tỉnh mua bản quyền).

Tương tự, phim Năm sau con lại về cũng được làm thành phiên bản truyền hình bốn tập phát sóng Tết 2015. Người đi tiên phong trong xu hướng này chính là Hãng Phước Sang.

Một số phim rạp chiếu tết như Công chúa teen và ngũ hổ tướng, Hello Cô Ba... đều được thực hiện thêm phiên bản truyền hình. Chia sẻ về xu hướng này, phía Sóng Vàng lý giải cách làm đó giúp một số khán giả không có điều kiện đến rạp sẽ được thưởng thức phim và nhà sản xuất cũng cảm thấy đỡ phí một số cảnh quay chưa được đưa lên màn ảnh rộng.

Tất nhiên, sẽ có nhiều người cho rằng sự khác nhau của điện ảnh và truyền hình nằm ở... màn ảnh. Nhưng bây giờ màn ảnh truyền hình cũng không còn nhỏ nữa, đặc biệt với chất lượng hình ảnh HD, các tivi màn ảnh lớn đến hàng trăm inch thì rõ ràng yếu tố này không còn đúng.

Nên cốt lõi cuối cùng vẫn nằm ở tài năng người làm phim. Và nếu khán giả truyền hình có thể tắt hoặc chuyển kênh tivi với một chiếc điều khiển thì khán giả điện ảnh cũng có thể coi lần đến rạp vì một tên tuổi nào đó là lần chót và đứng dậy ra về!

Ðiện ảnh bánh vẽ, truyền hình bánh thật!

Ðạo diễn Phan Ðăng Di có cách lý giải riêng về sự lấn sân từ truyền hình qua điện ảnh đang phổ biến ở VN khi cho rằng lỗi tại thiếu người tài là lý do chính, thiếu người tài ở cả lĩnh vực truyền hình và điện ảnh.

Anh cũng cho rằng: “Ðã thế lại có một tư duy khá tai hại là làm điện ảnh sang hơn truyền hình nên anh nào làm phim truyền hình một thời gian cũng nhảy sang làm phim điện ảnh. Thông thường trên thế giới thì điện ảnh là thứ để nổi tiếng trên phạm vi quốc tế, còn truyền hình dành riêng cho khu vực nội địa. Nhưng truyền hình là cái bánh thật, còn điện ảnh là cái bánh vẽ. Truyền hình dễ kiếm tiền và phổ biến hơn!”.

Thật ra sự tương tác truyền hình - điện ảnh không phải là cá biệt ở VN. Loạt phim truyền hình Sex and the city từng rất được yêu thích trên truyền hình Mỹ đã được dựng thành phim chiếu rạp với cũng chính các diễn viên từng đóng trên màn ảnh nhỏ phim này.

Phiên bản điện ảnh dù doanh thu không tệ nhưng vẫn bị coi là thảm họa khi nhận về nhiều giải Mâm xôi vàng.

Một phim truyền hình khác đang làm khán giả phát sốt là Trò chơi vương quyền, nhiều khán giả yêu phim này cho rằng cách làm, diễn xuất, chi tiết, sự khốc liệt của Trò chơi vương quyền không “thua kém” các phim điện ảnh có chủ đề tương tự.

Thế nên truyền hình hay điện ảnh thật sự xét đến cùng cũng chỉ là một cách lựa chọn của người làm phim...

C.K. ghi

CÁT KHUÊ - HOÀNG LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên