Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân nhận giải Phan Châu Trinh từ bà Nguyễn Thị Bình - chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh - Ảnh: L.Điền |
Nhiều nhân sĩ trí thức, người quan tâm đến tinh thần canh tân đất nước của nhà cách mạng Phan Châu Trinh đã đến dự.
Cụm công trình nghiên cứu về chủ quyền Việt Nam ở biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân trong nhiều năm qua là ghi nhận mới của giải. Ông Phạm Hoàng Quân là nhà nghiên cứu độc lập, nhưng hoạt động “học thuật tư nhân” của ông trong thời gian qua là một phần quan trọng trên mặt trận học thuật trong tổng thể công cuộc đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam về biển đảo.
Trong diễn từ nhận giải, ông Quân thuật lại những khó khăn và trở ngại trong quá trình “nghiên cứu tư” mà đem lại “tác dụng công” trong việc truy tìm tài liệu, giao lưu quốc tế, dành thời gian nghiên cứu và cả một vài so sánh có tính cảnh báo về tầm mức nghiên cứu của học giới Việt Nam với học giới Trung Quốc và khu vực. Theo đó, nghiên cứu sử học của Việt Nam còn chưa theo kịp bên ngoài, do vậy nghiên cứu chủ quyền về biển đảo về phương diện lịch sử là công việc còn rất nặng nề phía trước mà học giới trong nước phải cáng đáng.
Dịch giả Nguyễn Nghị nhận giải Phan Châu Trinh - Ảnh: L.Điền |
Dịch giả Nguyễn Nghị lần này được trao giải dịch thuật. Ông tâm sự trong diễn từ nhận giải về công việc của mình rằng dịch thuật có yêu cầu sâu xa về vốn hiểu biết về văn hóa. Ngay trong từng cộng đồng dân tộc của một đất nước cũng cần phải có sự am hiểu nhất định mới đảm đương được việc dịch thuật cho thông hiểu nhau, huống hồ dịch thuật giữa các ngôn ngữ khác nhau giữa các nước.
Giáo sư Keith Weller Taylor vì lý do sức khỏe nên không đến Việt Nam nhận giải, nhưng ông đã gửi đến một diễn từ do ông tự viết bằng tiếng Việt, trong đó nêu rõ bốn yếu tố quan trọng trong tư tưởng Phan Châu Trinh: giáo dục đi vào tương lai chứ không quá khứ; giáo dục phải gắn với cải cách để kịp thời; đề nghị chủ nghĩa dân chủ, và người dân phải được tham gia các hoạt động công cộng; không đồng ý với bất kỳ con đường bạo lực nào. Ông cũng bày tỏ niềm tin rằng nhờ tư tưởng của Phan Châu Trinh mà Việt Nam có được những tiến bộ về tư tưởng trong ngày nay.
Nhà giáo Phạm Toàn đã thay mặt nhóm Cánh Buồm nhận giải vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục và thông báo về quá trình hoạt động của nhóm trong thời gian qua, những triết lý và giá trị giáo dục mà nhóm đang theo đuổi, cũng như những nội dung dự tính sẽ làm trong chặng đường sắp tới.
Nhạc sư Vĩnh Bảo đờn minh họa cho sự độc đáo của nhạc tài tử Việt Nam - Ảnh: L.Điền |
Giải vì sự nghiệp văn hóa - giáo dục lần này còn trao cho nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo - người có hơn 80 năm đóng góp cho hoạt động của nhạc tài tử Nam bộ, được GS Trần Văn Khê mệnh danh là “đệ nhất danh cầm”.
Ở tuổi 98, nhạc sư lên sân khấu xin phép được ngồi để nói mấy lời, và ông cho biết “tôi năm nay 98 tuổi, vẫn còn đờn. Đó là câu trả lời cho câu hỏi rằng nhạc tài tử Việt Nam có cái gì hay”. Mọi người ồ lên, và quả thật hành trạng của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là cả một lời nhắn gửi sâu sắc cho những ai có ý định buông xuôi, lười biếng trong công việc.
Không những thế, nhạc sư Vĩnh Bảo còn đưa ra những lời tâm huyết rằng nếu không làm cho giới trẻ yêu mến văn hóa dân tộc thì mất nước [là chuyện] e rằng khó tránh. Nói về giáo dục âm nhạc cho giới trẻ, nhạc sư Vĩnh Bảo còn minh họa bằng cách dạo một đoạn nhạc đàn tranh, phân tích các chữ đờn và cách ký âm độc đáo của nhạc Việt.
Một nội dung mới trong hoạt động của Quỹ Phan Châu Trinh được công bố nhân dịp này là dự án “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại” vừa được khởi động.
Đây là “ngôi đền” hiểu theo nghĩa bóng, tức là một hoạt động online, nằm trong sứ mệnh của Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh, bao gồm: Du nhập, Phục hưng, Khởi phát, Gìn giữ & Lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa nhằm góp phần canh tân văn hóa Việt Nam trong thế kỷ 21.
Theo đó, những nhân vật đã trở thành danh nhân bởi những đóng góp cho văn hóa Việt Nam, tính từ giữa thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20 sẽ được hội đồng đề xuất, bình chọn và quyết định đưa vào vinh danh ở đền.
Cở sở của việc bình chọn này là mỗi danh nhân trước khi bình chọn đều được một chuyên gia nghiên cứu sâu lập hồ sơ văn hóa, bao gồm một tập hợp sâu rộng những tư liệu về cuộc đời của danh nhân, các tác phẩm và thành tựu tiêu biểu của danh nhân, những bài viết và nghiên cứu đặc sắc về danh nhân cũng như một số đề xuất nghiên cứu thêm về từng vị danh nhân… Hồ sơ này được lưu trong thư mục của từng danh nhân tại địa chỉ ngôi đền này.
Theo ban lãnh đạo Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh, “Ngôi đền tinh hoa văn hóa Việt Nam thời hiện đại” có hai mục đích: để tưởng nhớ, tri ân và tôn vinh các danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam thời hiện đại; thứ hai là để góp phần phục hưng, gìn giữ và lan tỏa những giá trị tinh hoa văn hóa của các danh nhân văn hóa này thông qua các tư liệu/tài liệu mà họ để lại và các tư liệu/tài liệu viết/nghiên cứu về họ.
Theo đó, ba danh nhân đầu tiên được vinh danh tại ngôi đền văn hóa này là: Trương Vĩnh Ký (do nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu lập hồ sơ), Phan Châu Trinh (do nhà văn Nguyên Ngọc lập hồ sơ) và Phan Bội Châu (do PGS Chương Thâu lập hồ sơ). Những danh nhân tiếp sau sẽ được vinh danh trong mỗi lần trao giải Phan Châu Trinh kế tiếp.
Giải Phan Châu Trinh lần 8 được trao cho các cá nhân gồm 4 hạng mục: Giải Vì sự nghiệp văn hóa giáo dục: Nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm, vì những hoạt động canh tân giáo dục; và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, vì những đóng góp đặc biệt trong việc sưu tầm, sáng tạo và truyền bá âm nhạc truyền thống Nam bộ. Giải Nghiên cứu: Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân, vì những công trình nghiên cứu xuất sắc về biển Đông. Giải Dịch thuật: Dịch giả Nguyễn Nghị, vì những thành công trong việc chuyển ngữ nhiều tác phẩm kinh điển. Giải Việt Nam học: Giáo sư Keith Weller Taylor (Mỹ - cựu binh tại chiến trường Việt Nam), vì những thành tựu đã đạt được trong nghiên cứu và truyền bá lịch sử - văn hóa Việt Nam. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận