28/12/2014 12:07 GMT+7

​Chàng trai năm ấy: tuổi trẻ để dành

LÂM LÊ
LÂM LÊ

TT - Không chỉ tạo được sự đồng cảm với cuộc đời ngắn ngủi của một “chiến binh”, bộ phimChàng trai năm ấy còn truyền cảm hứng về một câu chuyện đẹp của tình yêu, tình bạn, tình chiến hữu trong showbiz.

Các diễn viên trong phim Chàng trai năm ấy: Hari Won, Sơn Tùng M-TP, Hứa Vĩ Văn (hàng đứng) và Ngô Kiến Huy, Phạm Quỳnh Anh (hàng ngồi). Phim sẽ công chiếu từ ngày 31-12 - Ảnh: ĐPCC
Các diễn viên trong phim Chàng trai năm ấy: Hari Won, Sơn Tùng M-TP, Hứa Vĩ Văn (hàng đứng) và Ngô Kiến Huy, Phạm Quỳnh Anh (hàng ngồi). Phim sẽ công chiếu từ ngày 31-12 - Ảnh: ĐPCC

Bạn chờ đợi gì ở một bộ phim mà ta đã biết cái kết của nó, không những thế, nhân vật trong phim dựa theo nguyên mẫu có thật (ca sĩ Wanbi Tuấn Anh) ngoài đời? Cái kết không còn bất ngờ, rõ rồi. Nhân vật cũng dễ bị xoi mói theo kiểu đúng bao nhiêu phần trăm so với nguyên mẫu.

Ngay từ khi bắt tay viết kịch bản, Quang Huy đã tỏ ra là một nhà biên kịch khôn ngoan khi không cố để chuyển thể một câu chuyện có thật mà lấy chất liệu và cảm hứng từ đó để xây dựng một câu chuyện của riêng mình.

Bạn chờ đợi gì ở một bộ phim về đề tài một bệnh nhân trẻ tuổi mắc căn bệnh hiểm nghèo và ra đi từ khi còn rất trẻ? Nước mắt - chắc rồi. Nhưng không chỉ vậy...

Hóa thân trọn vẹn của Sơn Tùng

Một năm trước, Thần tượng gây nên một ngạc nhiên thú vị cho khán giả, và hơn thế, giới thiệu được chân dung một nhà làm phim tay ngang đầy triển vọng. Chàng trai năm ấy vừa ra mắt không còn là một ẩn số có thể gây bất ngờ như Thần tượng năm ngoái, và những vụ lùm xùm ngoài lề còn khiến nó chịu nhiều thách thức và xoi mói hơn.

Nhưng xem xong phim, tôi tin đạo diễn Quang Huy đã vượt qua được “thử thách ở bộ phim thứ hai” để có thể đi được đường dài trong cái nghề mà nhiều người đã “ngã ngựa” này. Bởi không chỉ là tay nghề mà còn bởi Huy đã một lần nữa làm đậm thêm phong cách riêng của mình: đạo diễn của dòng phim cảm xúc...

Chàng trai năm ấy có khá nhiều “voice-over” (tiếng ngoài hình) qua những dòng tự sự của Đình Phong (Sơn Tùng), xen kẽ suốt từ đầu đến cuối phim và của nhiều nhân vật khác, tay quản lý Lâm (Hứa Vĩ Văn), thậm chí là cả những nhân vật rất phụ như anh chàng fan cuồng “pêđê bóng gió” Quang Huy (Don Nguyễn) hay một cô bé câm bán trà sữa.

Mạch phim mở đầu khá nhí nhố và đôi lúc ồn ào, với bộ đôi anh chàng MC “phi công trẻ” Hà (Ngô Kiến Huy) và bà chị “máy bay bà già” dẫn chương trình trên radio Băng (Phạm Quỳnh Anh). Cùng với họ là anh chàng ca sĩ trẻ Đình Phong có phần nhắng nhít đang mơ ước làm một live show để đời, cô người yêu đến từ Hàn Quốc đáng yêu tên Sky (Hari Won) và một anh chàng quản lý Lâm tham tiền có phần bí ẩn.

Bọn họ làm nên hình ảnh của một nhóm “Entourage” (chiến hữu), một người vì mọi người, mọi người vì một người - những hình ảnh lý tưởng và lãng mạn mà Huy đã từng xây dựng thành công trong Thần tượng.

Và cũng giống phim trước, Huy luôn gặp khó khăn ở phần “opening” (dẫn chuyện) với những cảnh cắt dựng quá nhanh, hơi bối rối trong cách mô tả tâm lý nhân vật hoặc lạm dụng cách kể chuyện ước lệ. Nhưng khi đã vào được mạch phim, đạo diễn chứng tỏ là một người làm chủ được câu chuyện, đẩy mạch cảm xúc đi lên và cuốn khán giả vào câu chuyện của mình.

Sự làm chủ trong cách kể chuyện của đạo diễn thể hiện rất rõ khi xen kẽ hiệu quả giữa những trường đoạn bi và hài ở nửa cuối phim. Khi bộ phim có dấu hiệu “bi lụy”, tiếng cười lại vang lên ở những đoạn không ai ngờ. Nhưng rõ ràng bộ phim không cố gắng gượng để lạc quan tếu, không cố gồng mình để chứng tỏ “tinh thần chiến binh”.

Đình Phong luôn tỏ ra là một người lạc quan và cố giấu tình trạng bệnh tật của mình, ngoại trừ Lâm, nhưng cậu ta cũng đối mặt với không ít nỗi sợ hãi, đau đớn cả thể xác và tinh thần. Chính sự mâu thuẫn và nỗi sợ hãi phải che giấu đó làm nhân vật có một đời sống nội tâm đầy đặn và Sơn Tùng đã có một sự hóa thân trọn vẹn ở vai diễn đầu tay này.

Đoạn độc thoại dài hơn 10 phút ở cuối phim của Đình Phong trên sân khấu đã ít nhiều lấy được nước mắt của người xem, cho thấy chàng ca sĩ nổi tiếng sớm và lắm xìcăngđan này có thể đi xa trong nghề diễn xuất.

Hứa Vĩ Văn, với bộ phim thứ hai cộng tác cùng đạo diễn Quang Huy, cũng gần như có một sự lột xác ở những cảnh diễn nội tâm, đặc biệt là bằng đôi mắt nhiều tâm trạng của mình.

Đường còn dài của Huy

Đạo diễn Quang Huy, trong bộ phim thứ hai ở một vài trường đoạn đã cho thấy anh có thể đi xa hơn là một đạo diễn của dòng phim giải trí. Huy có thế mạnh của một gã đàn ông nhiều trải nghiệm trong showbiz để thuyết phục được khán giả tin vào cái đẹp (dù hơi lý tưởng) của nó, sự tinh ranh và đôi lúc hơi “láu cá” để nắm bắt được tâm lý người xem, “bắt” họ cười ở những chỗ cần phải cười...

Cách hợp tác ăn ý và hiệu quả với những cộng sự của mình - những người rất trẻ - để làm nên một bộ phim của dòng phim thần tượng cũng cho thấy Huy là một chỉ huy rất biết sử dụng “quân”, từ quay phim, thiết kế mỹ thuật, dựng phim chỉn chu và đặc biệt là âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Hà, anh trai của Huy, luôn đến đúng lúc với cảm xúc của khán giả vừa chín tới.

Ở một vài cảnh cần nuôi cảm xúc, cần lấy được sự suy ngẫm sâu hơn, Huy đã cho thấy ít nhiều dấu hiệu của một đạo diễn của dòng phim nghệ thuật. Điển hình nhất là cảnh lúc sang Singapore chữa bệnh, Đình Phong thức dậy sớm trong căn phòng trọ chật chội, với đôi mắt tâm trạng đang lắng nghe một bài kinh buổi sáng ở một nhà thờ Hồi giáo gần đó.

Bộ phim của Huy tất nhiên không nói về đức tin tôn giáo hay sự cứu rỗi và Đình Phong cũng không cho thấy là một người theo đạo, nhưng rõ ràng ở cảnh này, không biết vô tình hay hữu ý, cách sử dụng âm nhạc của Huy đã khiến nhân vật trong cơn tuyệt vọng của mình tìm thấy được một sự nương tựa và sự xoa dịu về mặt tôn giáo, dù chắc chắn cậu ta không hiểu gì về nó.

Trường đoạn đó là một trong những cảnh ám ảnh và xúc động nhất với cá nhân người viết!

Chàng trai năm ấy không đơn thuần là câu chuyện của một chàng ca sĩ trẻ gặp bạo bệnh chờ chết. Bởi nếu thế, nó chỉ là một câu chuyện thương tâm lấy nước mắt của khán giả. Bộ phim là câu chuyện về một tinh thần chiến binh đấu tranh đến cùng để sống từng giây phút ngắn ngủi với tuổi trẻ của mình, tuổi trẻ mà anh muốn để dành.

Và bộ phim cũng là “tuổi trẻ để dành” của đạo diễn Quang Huy và để dành cho tuổi trẻ.

LÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên