13/10/2014 08:35 GMT+7

​Bỏ hoang làng nghề, khu du lịch tiền tỉ

TRUNG TÂN - ĐỨC LẬP
TRUNG TÂN - ĐỨC LẬP

TT - Hai công trình tại tỉnh Đắk Nông được đầu tư nhiều tỉ đồng để phát triển, lưu giữ các ngành nghề truyền thống, tạo không gian du lịch văn hóa đặc trưng của Tây nguyên.

Khu nhà đón tiếp khách của khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thác Trinh Nữ đổ sụp phần mái ở giữa - Ảnh: Trung Tân
Khu nhà đón tiếp khách của khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thác Trinh Nữ đổ sụp phần mái ở giữa - Ảnh: Trung Tân

Nhưng những mục tiêu được vẽ ra ấy không đạt, các công trình đều hoang tàn, không một bóng người...

“Từ khi hoàn thành, làng nghề này bị bỏ hoang, nhiều hạng mục hư hỏng, không thể sử dụng sáu năm nay. Người duy nhất gần đây ở lại là bác bảo vệ được thuê canh giữ, ngăn người dân đưa gia súc chăn thả” - một người dân chỉ tay về làng nghề truyền thống Liêng Nung tại buôn N’Jriêng, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) trước mặt, nói.

Thiếu đầu ra, làng nghề chết yểu

Cách đây sáu năm, chính quyền địa phương long trọng tổ chức khánh thành làng nghề truyền thống Liêng Nung rộng hơn 5ha, kinh phí 6,5 tỉ đồng (thời điểm năm 2008) với các mục tiêu rất to tát như: góp phần bảo tồn nghề dệt thổ cẩm, tạo việc làm cho người dân tộc Mạ tại xã Đắk Nia.

Ngoài ra, làng nghề cũng sẽ kết hợp tham quan du lịch, bán hàng lưu niệm để gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương...

Tuy nhiên, nhiều hạng mục của công trình như: khu nhà sản xuất các mặt hàng truyền thống, nhà trưng bày, sân khấu biểu diễn nghệ thuật ngoài trời, công viên... hiện nay đều bị bỏ hoang.

Lối đi xuống thác Liêng Nung cạnh làng nghề cũng bị cây cối che khuất. Phía trong làng nghề, các khung cửa kính, cửa ra vào, nhà vệ sinh, hệ thống điện... bị hư hỏng nặng.

Theo người dân, làng nghề gần như xây xong chỉ để bỏ không, nhiều hạng mục xuống cấp nên UBND thị xã Gia Nghĩa đã phải nhiều lần sửa chữa với kinh phí hàng trăm triệu đồng.

Lần mới đây nhất năm 2011, UBND thị xã Gia Nghĩa định chi 300 triệu đồng tu sửa, nâng cấp hệ thống nhà xưởng để cho thuê làm kho chứa thức ăn nuôi cá công nghiệp. Tuy nhiên, UBND tỉnh Đắk Nông đã không đồng ý nên nơi này tiếp tục “trùm mền” đến nay.

Theo các nghệ nhân chuyên dệt thổ cẩm tại địa phương, lý do làng nghề khánh thành rồi bỏ hoang vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. 

Đó cũng là lý do được ông Nguyễn Tiến Tùng - chủ tịch UBND xã Đắk Nia - chỉ ra: “Cả xã chỉ có khoảng 10 nghệ nhân thường xuyên dệt thổ cẩm, phần lớn tận dụng thời gian nhàn rỗi và làm tại nhà để kết hợp lo việc gia đình.

Dự án này được triển khai với mục đích làm ra sản phẩm để bán, trình diễn để khách du lịch tham quan, nghiên cứu, qua đó cũng lưu giữ những giá trị văn hóa trong nghề dệt thổ cẩm của người bản địa.

Nhưng làng nghề chưa tạo được đầu ra, không có kinh phí hỗ trợ để những nghệ nhân này đảm bảo cuộc sống nên không ai mặn mà. Dự án thất bại là vì vậy”.

Ngoài ra, dự án khu du lịch sinh thái văn hóa Liêng Nung nằm cạnh làng nghề để kết hợp tham quan, du lịch, bán hàng lại bị đình trệ nên làng nghề cũng vắng khách.

Tháng 7-2014, UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức Tuần lễ văn hóa - du lịch Đắk Nông nhưng chẳng mấy khách du lịch ghé thăm, ai đến cũng vội đi vì “chẳng có gì để tham quan, tìm hiểu”.

Một dãy nhà sản xuất của làng nghề truyền thống Liêng Nung bị nứt phần nền chạy dọc gần như từ đầu đến cuối dãy - Ảnh: Đức Lập
Một dãy nhà sản xuất của làng nghề truyền thống Liêng Nung bị nứt phần nền chạy dọc gần như từ đầu đến cuối dãy - Ảnh: Đức Lập

Thác “chết” vì chủ cũ còn “thoi thóp”

Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thác Trinh Nữ trên dòng Sêrêpốk (tại thị trấn Ea T’Ling, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) nổi tiếng là dòng thác đẹp nhất của tỉnh Đắk Nông một thời giờ đây cũng chịu cảnh hoang phế, điêu tàn.

Cổng vào khu du lịch đóng im ỉm, phía trước ghi nguệch ngoạc dòng chữ “khu du lịch đóng cửa”, trong phòng bảo vệ còn dán một tờ giấy khuyến cáo “khách du lịch không vào trong tham quan để tránh gặp nguy hiểm”.

Đi sâu vào khu du lịch này, cây cỏ mọc um tùm, bít hết lối đi. Các kiến trúc như nhà hàng, nhà đón tiếp khách, nhà nghỉ dưỡng được thiết kế theo mẫu nhà của đồng bào Ê Đê đã sập đổ, xuống cấp. Hệ thống nhà chòi cho khách dừng chân cũng trong cảnh đổ nát, nhiều nơi cỏ cây đã trùm lên mái.

Đường đi xuống thác, bãi đỗ xe, sân lễ hội, khu ẩm thực, khu tham quan thác nước đều đã bong tróc, hư hỏng phần lớn.

Một lãnh đạo Phòng văn hóa - thông tin huyện Cư Jút cho biết: khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa này thuộc cụm thác Gia Long, Dray Sáp, Trinh Nữ do UBND tỉnh Đắk Lắk đầu tư xây dựng với kinh phí hàng chục tỉ đồng.

Từ khi tách tỉnh vào năm 2004, thác Trinh Nữ thuộc huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông). Sau khi tiếp nhận khu du lịch này, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Công ty TNHH Thương mại và du lịch Đắk Nông quản lý, khai thác.

Tỉnh Đắk Nông sau đó cũng đầu tư thêm nhiều tỉ đồng để xây dựng một con đường nhựa, có hệ thống đèn cao áp chạy dọc dòng sông Sêrêpốk dẫn vào khu du lịch này để thu hút thêm du khách.

“Sau khi tách tỉnh, UBND tỉnh Đắk Nông đã giao Công ty TNHH Thương mại và du lịch Đắk Nông quản lý, khai thác ba thác Gia Long, Dray Sáp, Trinh Nữ.

Tuy nhiên công ty này liên tục làm ăn thua lỗ (năm 2011 công ty nợ 3,6 tỉ đồng, năm 2012 khu du lịch chính thức đóng cửa - PV) nên tỉnh Đắk Nông đã thu hồi và giao thác Gia Long và Dray Sáp cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Liên Thành (TP.HCM).

Hiện hai thác nước này đã được sửa chữa, nâng cấp và hoạt động, khai thác hiệu quả” - một phó giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông cho biết.

Lãnh đạo này nói thêm: khu du lịch thác Trinh Nữ được tỉnh Đắk Nông tạm giao Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê (Đắk Lắk) quản lý. Tỉnh Đắk Nông cũng đồng ý cho Công ty TNHH Thương mại và du lịch Đắk Nông làm thủ tục phá sản theo Luật phá sản.

“Tuy nhiên do tài sản manh mún, chưa thể thống kê xong để hoàn tất việc “khai tử” Công ty TNHH Thương mại và du lịch Đắk Nông nên Công ty TNHH đầu tư du lịch Đặng Lê chưa thể tiếp quản, đầu tư, khai thác” - lãnh đạo này cho biết.

Bên “kêu gọi đầu tư”, bên chờ “được phá sản”

Về làng nghề truyền thống Liêng Nung, ông Ngô Văn Linh - chủ tịch UBND thị xã Gia Nghĩa - cho biết làng nghề hoạt động không hiệu quả là do dự án đầu tư không đồng bộ giữa thác Liêng Nung và khu làng nghề truyền thống, dẫn đến việc sử dụng không hiệu quả.

“Sắp tới UBND thị xã sẽ triển khai một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cấp đường giao thông xuống thác Liêng Nung. Đồng thời thị xã sẽ kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thêm vào làng nghề để phát huy hiệu quả công trình đã xây dựng, tránh lãng phí” - ông Linh cho biết.

Còn trước thực trạng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng thác Trinh Nữ bị bỏ hoang, xuống cấp, ông Trần Quốc Huy - bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông - đã chỉ đạo các ngành chức năng phải gấp rút hoàn thiện thủ tục để đơn vị quản lý cũ (Công ty TNHH Thương mại và du lịch Đắk Nông) “được phá sản”, sau đó bàn giao thác cho đơn vị mới tiếp quản, khai thác.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Nông yêu cầu mọi việc phải hoàn tất trước tháng 12-2014.

TRUNG TÂN - ĐỨC LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên