11/10/2014 11:00 GMT+7

Lãng phí hàng trăm nhà văn hóa

TRUNG TÂN - ĐỨC LẬP
TRUNG TÂN - ĐỨC LẬP

TT - Tại các tỉnh Tây nguyên, hiện có hàng trăm nhà văn hóa cộng đồng (NVHCĐ) đã được xây dựng (kinh phí từ 100-150 triệu đồng/nhà) để nhân dân hội họp, vui chơi.

Nhà văn hóa cộng đồng bon Đắk Mâm (xã Đắk Sắk, Đắk Mil, Đắk Nông) bỏ hoang khi xây dựng ít lâu, nay chỉ còn trơ khối bêtông - Ảnh: Đ.Lập
Nhà văn hóa cộng đồng bon Đắk Mâm (xã Đắk Sắk, Đắk Mil, Đắk Nông) bỏ hoang khi xây dựng ít lâu, nay chỉ còn trơ khối bêtông - Ảnh: Đ.Lập

Thế nhưng một thực trạng đáng buồn là phần lớn những nhà văn hóa ấy đang trong tình trạng xuống cấp, bỏ hoang.

“Trừ khi phải họp buôn, còn không chẳng ai trong buôn muốn vào NVHCĐ này vì nó chật chội, ngột ngạt quá. Nhà lại xây theo hướng đông - tây, “sai ý Giàng” của người Ê Đê nên ai cũng ngại lui tới” - ông Y Đức Êban, buôn trưởng buôn Sút M’Grư (xã Cư Suê, Cư M’Gar, Đắk Lắk), cho biết về việc sử dụng NVHCĐ của buôn mình.

Tình trạng các nhà văn hóa cộng đồng, nhà rông xuống cấp, bỏ hoang hay sử dụng kém hiệu quả là tình trạng chung của cả Tây nguyên (và cả các huyện giáp Tây nguyên thuộc các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi).

Nguyên nhân chủ yếu cũng là do chủ đầu tư không tham khảo ý kiến trước dẫn đến việc nhà xây xong nhưng người dân rất thờ ơ bởi không phù hợp tập quán, chật chội

Bà Linh Nga Niê Kdăm

Nhiều nhà văn hóa bỏ hoang

NVHCĐ buôn Sút M’Grư nằm giữa buôn, bên con đường đất rộng rãi, dễ đi. Bên cạnh nhà văn hóa còn có một phân hiệu của trường mẫu giáo sạch sẽ, luôn có người ra vào - ngược lại với khung cảnh của nhà văn hóa này.

Ông Y Đức Êban cho biết mỗi tháng buôn dành vài giờ cho những buổi họp buôn và phần lớn người dân chỉ... đứng ngoài nghe. Vì không có người quản lý, các cánh cửa tại đây cũng bị hư hại rất nhiều, xung quanh đầy cỏ dại.

NVHCĐ buôn Sút M’Luốt cũng tại xã Cư Suê (Cư M’Gar) lại còn chưa từng được sử dụng cho hoạt động “sinh hoạt văn hóa” từ khi xây dựng đến nay.

Toàn bộ hệ thống cửa của nhà văn hóa này đã tan hoang, màu đất đỏ bazan đặc trưng phủ kín các bức tường. Sàn gỗ phía trong nhà rung lên bần bật mỗi khi có tiếng chân người.

Ông Ama Tình - trưởng buôn - cho biết thỉnh thoảng buôn có tổ chức họp buôn tại đây khoảng một giờ/lần, phần lớn thời gian bỏ không. Gần đây, các thầy cô giáo tại phân hiệu Trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm đã “tận dụng” nhà văn hóa này để làm phòng học tạm cho học sinh.

Việc tìm đến NVHCĐ bon (cách gọi buôn của người M’Nông) R’Lông, xã Đắk Môl (Đắk Song, Đắk Nông) còn khó khăn hơn gấp bội vì nhà nằm xa khu dân cư, trơ trọi giữa cánh đồng. Xung quanh um tùm cỏ dại, các cửa chính, cửa sổ đã bị tháo gỡ, chỉ còn trơ lại khung bêtông. Phía trong nhà phân bò và rác ngập ngụa, mùi hôi thối nồng nặc.

“Nhà văn hóa này được xây dựng khoảng 10 năm trước và cũng bỏ hoang chừng ấy thời gian. Vì nó nằm giữa đồng, không ai sử dụng nên trẻ chăn trâu bò thường dắt bò vào trong nằm nghỉ ngơi mỗi buổi trưa” - một người dân làm đồng gần nhà văn hóa cho biết.

Tương tự, NVHCĐ bon Đắk Mâm, xã Đắk Sắk (Đắk Mil, Đắk Nông) xây dựng từ năm 2003 cũng đang bị hoang tàn, đổ nát dù nằm giữa khu dân cư.

Theo Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông, toàn tỉnh có 136 NVHCĐ thì có 9 nhà không hoạt động, 88 nhà hoạt động kém hiệu quả.

Phần lớn các công trình NVHCĐ đã xuống cấp, hư hại, cần sửa chữa, đặc biệt tại các huyện Tuy Đức (27/27 nhà), Đắk G’Long (20/36 nhà),Đắk R’Lấp (11/11 nhà), Krông Nô (20/20 nhà)...

Còn tại tỉnh Đắk Lắk có 570 nhà văn hóa được đầu tư phông màn, tivi, loa, ampli để nhân dân tổ chức hội họp. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng tặng 128 bộ cồng chiêng cho một số buôn để phục vụ các hoạt động văn hóa.

“Tuy nhiên đến nay chỉ có khoảng 30% NVHCĐ hoạt động tốt, số còn lại hoạt động trung bình hoặc không hoạt động” - ông Bùi Đình Khối, trưởng phòng nghiệp vụ văn hóa Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk, cho biết.

Nhà văn hóa cộng đồng buôn Sút M’Grư (xã Cư Suê, Cư M’Gar, Đắk Lắk) xây dựng sai hướng bắc - nam, quá nhỏ nên người dân rất ít khi đến sinh hoạt cộng đồng - Ảnh: Trung Tân
Nhà văn hóa cộng đồng buôn Sút M’Grư (xã Cư Suê, Cư M’Gar, Đắk Lắk) xây dựng sai hướng bắc - nam, quá nhỏ nên người dân rất ít khi đến sinh hoạt cộng đồng - Ảnh: Trung Tân
Nhà văn hóa cộng đồng bon R’Lông, xã Đắk Môl (Đắk Song, Đắk Nông) bị bỏ hoang nhiều năm - Ảnh: Đức Lập
Nhà văn hóa cộng đồng bon R’Lông, xã Đắk Môl (Đắk Song, Đắk Nông) bị bỏ hoang nhiều năm - Ảnh: Đức Lập

Bỏ quên tiếng nói người dân

“Chủ đầu tư xây dựng nhà cho đồng bào (cách người Ê Đê tự xưng về mình) nhưng không trao đổi với cộng đồng buôn để tìm hiểu phong tục, tập quán, chỉ làm theo ý chủ quan của mình” - ông Y Đức Êban cho biết.

Trong quan niệm của người Ê Đê thì có Giàng bắc, Giàng nam nên khi làm nhà phải làm cửa theo hai hướng này để đón Giàng. Tuy nhiên NVHCĐ tại buôn Sút M’Grư này lại làm hướng đông - tây.

Kết cấu một ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê phải có gian Gah, phía cửa chính (nơi dành để tiếp khách là người lớn tuổi, khách nam), phần còn lại gọi là Ôk (nơi dành cho phụ nữ) để tiếp khách khi nhà có việc.

Gian Gah là nơi gia chủ còn dùng để cúng thần linh, nơi đặt ghế k’pan để diễn tấu cồng chiêng...

“Với người Ê Đê, phụ nữ và đàn ông, người già không ngồi chung hay ngồi xen kẽ mà phải theo đúng vai vế (về độ tuổi, giới tính), vị trí trong gian Gah, gian Ôk. Tuy nhiên, các NVHCĐ hiện nay lại mang hình thức của những phòng họp nên người dân ngại đến là vì vậy” - ông Y Đức Êban nói.

“Phần lớn NVHCĐ tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay thiếu yếu tố “sinh hoạt văn hóa”, nhà chỉ dành cho hội họp 1-2 lần/tháng, có nơi còn không hoạt động. Mục đích xây dựng nơi để người dân sinh hoạt văn hóa, truyền dạy, bảo tồn các giá trị văn hóa như cồng chiêng, các điệu múa... không đạt được mong muốn ban đầu” - trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-10, ông Bùi Đình Khối nhìn nhận như vậy.

Theo ông Khối, nhiều NVHCĐ còn bị xây dựng tùy tiện, không đúng quy cách, sai hướng nên người dân kiêng kị, không đến.

Có nơi còn lấy mẫu nhà dân tộc này xây dựng cho dân tộc kia như ở buôn Cư Ðrăng, xã Ea Yiêng (huyện Krông Pắk, Đắk Lắk), dân cư chủ yếu là người Xê Đăng (văn hóa nhà rông) nhưng chủ đầu tư lại xây dựng kiểu nhà dài của người Ê Đê (!?).

Còn ông Tô Đình Tuấn - giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Nông - cho biết: “Nhiều NVHCĐ hoạt động không hiệu quả vì thiếu công trình phụ, tường rào đi kèm, xây dựng rập khuôn nên không phù hợp với phong tục tập quán người dân”.

Người làm công tác bảo tồn không tham khảo cộng đồng

Bà Linh Nga Niê Kdăm - phó hiệu trưởng Trường trung cấp Đam San Đắk Lắk, một người chuyên nghiên cứu về văn hóa Tây nguyên - cho rằng khi xây dựng nhà văn hóa cộng đồng, đơn vị xây dựng lại xem đó là nơi để tổ chức các buổi họp thôn buôn, nó hoàn toàn sai khác với văn hóa bản địa.

Có thể khẳng định ngay điều đó là vì một số nơi ở Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai khi Nhà nước giao tiền cho cộng đồng buôn, làng tự làm nhà rông thì người dân rất phấn khởi và làm nên những ngôi nhà cộng đồng đẹp, có bản sắc và là nơi sinh hoạt thường xuyên của cộng đồng.

Bà Linh Nga Niê Kdăm nói thêm: tình trạng áp đặt trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa Tây nguyên không chỉ thể hiện ở việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng mà còn ở bảo tồn trang phục, lễ hội, cồng chiêng dẫn đến việc nhiều hoạt động bị sân khấu hóa.

Cho đến nay, những người làm công tác bảo tồn gần như chưa có bất cứ một tham khảo nào thật sự từ cộng đồng các dân tộc Tây nguyên khi đưa ra những chính sách hỗ trợ phát triển, bảo tồn văn hóa, dẫn đến sự lãng phí rất lớn cho Nhà nước.

Lãng phí vì áp đặt

* Ông Y Ring Adơng (trưởng Ban dân tộc tỉnh Đắk Lắk):

Trong truyền thống của người Ê Đê không có nhà sinh hoạt tại nhà cộng đồng, nhà rông như một số dân tộc khác. Mọi việc sinh hoạt đều diễn ra tại nhà dài của gia đình, dòng họ, già làng nên việc xây dựng một nhà dài chung là điều khá mới mẻ, xa lạ.

Các sinh hoạt cộng đồng của người bản địa đều phải có lý do như mừng lúa mới, mừng con cái trưởng thành, mừng sức khỏe... và đều phải làm thịt gà, heo, bò, có đánh trống, diễn tấu cồng chiêng. Trong các cuộc vui ấy, tôn ti trật tự rất được coi trọng.

Việc Nhà nước xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho các buôn là điều rất đáng hoan nghênh nhưng khi xây dựng lại quá áp đặt nên tạo ra thực trạng lãng phí hiện nay.

Không chỉ trong việc xây dựng nhà văn hóa cộng đồng mà trong nhiều hoạt động bảo tồn khác, nhà nước nên lắng nghe ý kiến của người dân trước khi triển khai các dự án, công trình phục vụ cộng đồng.

* Ông K’Bốt (trưởng Ban dân tộc tỉnh Đắk Nông):

Tập tục người M’Nông di cư theo từng mùa rẫy nên không có nhà kiên cố, các hoạt động cộng đồng của buôn làng tập trung ở nhà già làng. Khi tập quán du canh du cư thay đổi, đồng bào định cư làm ăn thì “nhà cộng đồng” bắt đầu xuất hiện, đó là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa của người dân.

Nhà văn hóa cộng đồng lãng phí vì khi xây dựng chủ đầu tư không lấy ý kiến cộng đồng buôn về vị trí xây dựng, các quan niệm văn hóa trong nhà văn hóa cộng đồng nên không được người dân chấp nhận.

TRUNG TÂN - ĐỨC LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên