27/05/2014 06:17 GMT+7

Nhộn nhạo và tan hoang

VŨ VIẾT TUÂN
VŨ VIẾT TUÂN

TT - Di tích lịch sử được công nhận xong nhưng không có ban quản lý, bị bỏ hoang. Nhiều di tích đang chờ ngày đổ sụp vì không có kinh phí để trùng tu. Và nhiều di tích “bỏ thì thương, vương thì tội”. Đó là thực trạng ở nhiều tỉnh thành và ngay tại thủ đô.

zbDs0SSM.jpgPhóng to
Thành cổ Luy Lâu bây giờ chỉ còn lại như thế này vì xung quanh đã biến thành làng xóm, nghĩa trang hay nơi họp chợ - Ảnh: V.V.T.
v4DYG913.jpgPhóng to
Người dân lập chuồng trại, chăn thả gà vịt trong quần thể di tích lăng Dinh Hương - Ảnh: V.V.Tuân

Gọi là di tích nhưng nơi thì nhà dân xâm chiếm trái phép, nơi hoang phế cỏ mọc... cho trâu bò ghé lại, nơi được dùng làm chỗ họp chợ, xây cả nghĩa trang, nơi được cho thuê để thả gà, nuôi cá... Và ở đâu, câu trả lời từ phía người quản lý cũng đều là... đợi chờ trong bế tắc.

Xâm chiếm di tích làm nhà ở

Ở Hà Nội, chùa Thanh Nhàn (số 68, ngõ 318, đường La Thành, P.Ô Chợ Dừa, Q.Đống Đa) là di tích lịch sử đã được Nhà nước xếp hạng năm 1990. Nhưng hiện nay có hơn 20 hộ dân đã tự ý vào trong khuôn viên nhà chùa xây nhà làm nơi ở.

Sư thầy Thích Đàm Nguyên cho biết: “Hiện tại có 22 hộ dân sống trên đất của nhà chùa, trong đó có 13 hộ dân sống trong nội tự, cạnh nhà thờ Mẫu. Tôi không biết có di tích lịch sử nào mà lại bị dân lấn chiếm đất làm nhà ở hàng chục năm nay như vậy không?”.

Hiện nhà thờ Mẫu của chùa đã hư hỏng, mái ngói sắp sập từ mấy năm nay nhưng chùa không dám tu sửa. Vì sửa nhà thờ Mẫu sẽ làm đổ nhà dân trong chùa. Sư thầy Thích Đàm Nguyên lo lắng: “Bốn năm nay, nhà thờ Mẫu của chùa không dám mở cửa vì mái ngói và cột gỗ đã mục nát, có thể sập bất cứ lúc nào. Những hôm trời mưa, trong chùa cũng ướt như ngoài sân. Tôi phải lấy nón che mưa cho Phật. Năm trước, tôi đã xin phép UBND phường lấy mái tôn lợp lên trên mái ngói chùa để che mưa nắng cho tượng Phật”.

Mới đây, một hộ dân còn ngang nhiên căng dây thép gai trong vườn chùa, nhận đó là đất của mình. Người này còn đồng ý bán mảnh vườn của nhà chùa cho một công ty nhà đất. Đến khi công ty này gặp sư Thích Đàm Nguyên mới vỡ lẽ đó là đất nhà chùa. Sư thầy Nguyên cho biết đã nhiều lần làm đơn, đến gặp trực tiếp lãnh đạo P.Ô Chợ Dừa, lãnh đạo Q.Hai Bà Trưng, lãnh đạo TP Hà Nội: “Cấp nào cũng hứa sẽ cho người về chùa xem xét tình hình và hứa giải quyết sớm. Nhưng đến nay đã mấy năm tôi làm đơn, đi kiến nghị, sự việc vẫn chưa được giải quyết. Tôi giữ đất nhà chùa không phải là giữ cho tôi, mà giữ cho di sản lịch sử của Nhà nước”. Thầy Nguyên thở dài nói thêm: “Nếu nhà thờ Mẫu có sụp, gây tai nạn cho người dân sống ở đó thì chính quyền phải chịu trách nhiệm”.

Di tích thành phế tích

"Người dân xâm lấn di tích quá nhiều nên chính quyền xã không thể bảo vệ đủ diện tích của di tích được!"

Ông TRẦN BÀ KHÚC (phó chủ tịch UBND xã Thanh Khương)

Thành cổ Luy Lâu (xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) là công trình được xây dựng từ hàng nghìn năm trước. Đây là di tích lịch sử quốc gia được công nhận từ năm 1964 và cần bảo vệ nguyên trạng. Nhưng hiện nay thành cổ Luy Lâu chỉ còn là phế tích. Những dấu tích xưa để lại của thành Luy Lâu từ thời Bắc thuộc bây giờ chẳng còn gì cả. Người dân địa phương không chỉ làm nhà mà còn họp chợ ngay trong khu di tích. Thậm chí một nghĩa trang với hàng trăm ngôi mộ đã hình thành trong khu di tích không biết từ bao giờ.

Năm 1999, Ban quản lý di tích tỉnh Bắc Ninh lập hồ sơ “Báo cáo khảo sát thực địa khu di tích thành cổ Luy Lâu” gửi Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh, trong đó nêu rõ diện tích thành cổ Luy Lâu cần bảo tồn nguyên trạng bao gồm 104.000m2 đất. Nhưng đến năm 2013, UBND xã Thanh Khương khảo sát và công bố số liệu về thành cổ Luy Lâu thì diện tích thành cần bảo tồn chỉ còn lại 77.000m2. Gần 30.000m2 đi đâu? Ông Trần Bá Khúc - phó chủ tịch UBND xã Thanh Khương - nói: “Do từ lâu người dân đã tự ý vào trong khu vực thành cổ phá thành, xây nhà rồi sinh sống luôn ở đó, nên diện tích thành bị thu hẹp lại. Người dân xâm lấn di tích quá nhiều nên chính quyền xã không thể bảo vệ đủ diện tích của di tích được!”.

Nói về hiện trạng này, ông Khúc cho biết: “Phải nói thật là chúng tôi không có kinh phí để trùng tu, tôn tạo. Chúng tôi chỉ có trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích. Chính quyền xã đã nhiều lần kiến nghị Sở VH-TT&DL và UBND tỉnh Bắc Ninh về việc trùng tu, tôn tạo khu di tích này, nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được câu trả lời từ cấp trên”. Ông Khúc cũng cho biết để lấy lại phần đất đã bị các hộ dân lấn chiếm, trả lại nguyên trạng diện tích khu thành cổ từ xưa thì phải di dời cả làng Lũng Khê và một phần làng khác. “Việc di dời hàng trăm hộ dân đi nơi khác, trả lại nguyên trạng di tích thành cổ là rất khó khăn” - ông Khúc nói.

Cho thuê di tích làm đất chăn nuôi

"Tôi giữ đất nhà chùa không phải là giữ cho tôi, mà giữ cho di sản lịch sử của nhà nước"

Sư thầy THÍCH ĐÀM NGUYÊN(chùa Thanh Nhàn)

Một di tích lịch sử quốc gia khác là lăng Dinh Hương (xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) cũng trở thành phế tích từ nhiều năm nay. Lăng được xây dựng từ năm 1727, là nơi lưu giữ thi hài của quận công La Quý Hầu - một viên quan giỏi nhiều lần đi sứ phương Bắc thời Hậu Lê.

Nhưng đã từ lâu không còn ai đến thăm lăng Dinh Hương nữa.

Không người trông coi, cỏ mọc kín chân tượng, người dân tự ý chăn thả trâu bò quanh lăng. Khắp lăng là phân trâu, phân bò bốc mùi hôi thối. Điều kỳ lạ là từ năm 1997, UBND xã Đức Thắng cho người dân đấu thầu quần thể lăng Dinh Hương với giá 20 triệu đồng trong vòng mười năm để làm đất trồng trọt, chăn nuôi. Hiện tại, quần thể lăng (bao gồm quả đồi và diện tích ao trước mặt quả đồi này) được anh Nguyễn Văn Lương thuê. Anh Lương cho biết đến năm 2003, dù chưa hết hạn 10 năm nhưng vì cần tiền nên xã lại gia hạn hợp đồng cho anh thuê lăng thêm 10 năm nữa. Nay, anh Lương làm vườn trong lăng để trồng vải. Còn bờ ao, anh chăn thả gà, vịt và nuôi cá.

Giải thích việc di tích trở thành nơi trồng trọt, chăn nuôi, ông Phạm Ngọc Ban - chủ tịch UBND xã Đức Thắng - nói: “Chính quyền cho dân thuê để họ vừa sản xuất vừa trông nom, bảo vệ di tích lăng Dinh Hương!”.

Di tích nghìn tuổi sắp trôi sông

Đền Phấn Động và đền Miễu (xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) là cụm di tích lịch sử cấp quốc gia được công nhận từ năm 1980. Đây là phòng tuyến mà Lý Thường Kiệt xây dựng để chống quân Tống trên sông Như Nguyệt (sông Cầu ngày nay) năm 1075-1077. Nhưng do nạn khai thác cát lậu hoành hành trên sông Cầu đã mười năm nay, cụm di tích này hiện đang có nguy cơ bị... trôi sông. Vấn đề này đã được báo Tuổi Trẻ phản ánh từ năm 2011 nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

9Cp68ujj.jpgPhóng to

Một số lô đất trên tuyến hào phía tây còn trống cũng đang được người dân tập kết vật liệu xây dựng, chuẩn bị làm nhà - Ảnh: Trần Mai

Bà Nguyễn Thị Tái (78 tuổi) - người quét dọn, trông coi đền Phấn Động mấy chục năm nay - cho biết trước kia dưới chân đền có rất nhiều khóm tre lớn giúp chống sạt lở. Nhưng do nạn hút cát lậu nên những bờ tre đó bây giờ đều bị cuốn xuống sông. Ông Trần Đình Hoa - chi hội trưởng Hội người cao tuổi thôn Đại Lâm, thành viên của ban quản lý di tích đền Phấn Động - cho hay: “Mỗi ngày thấy tàu bè qua lại ngang nhiên hút cát trên sông, tôi đứng ở đền mà xót ruột lắm. Nhưng không biết làm thế nào được”.

Đứng trên thuyền, từ dòng sông Cầu nhìn lên, ngôi đền Phấn Động rất chênh vênh. Dù xã đã xây tường bao quanh chân đền bằng gạch, nhưng không ngăn được nước sông ngày càng khoét sâu vào chân đền. “Ước mong của chúng tôi bây giờ là chính quyền cấp kinh phí để chúng tôi bỏ công lao động, làm một hàng kè đá dưới chân đền. Như vậy mới có thể yên tâm về di tích lịch sử này” - ông Hoa nói.

Trả lời về việc bảo vệ di tích đền Phấn Động trước nguy cơ trôi sông, ông Nguyễn Văn Hùng - phó chủ tịch UBND xã Tam Đa - nói: “Nạn khai thác cát lậu đã có từ nhiều năm, xã cùng với huyện Yên Phong nhiều lần tổ chức truy đuổi nhưng do phương tiện và lực lượng hạn chế nên mới chỉ hạn chế chứ chưa chấm dứt được tình trạng này. Xã cũng đề nghị với Sở VH-TT&DL Bắc Ninh cấp kinh phí để làm hàng kè, tu sửa lại chân đền Phấn Động nhưng vẫn chưa được trả lời”.

Xót xa thành cổ Châu Sa

Thành cổ Châu Sa (thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) là di tích kiến trúc có niên đại từ thế kỷ thứ 9 thuộc vương triều Indrapura (875-982). Thành cổ được Bộ Văn hóa thông tin (cũ) xếp hạng di tích quốc gia năm 1994.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi, thành Châu Sa là thành đất duy nhất của người Champa, có giá trị hết sức quan trọng. Về kinh tế, đây là nơi thông thương, án ngữ hai cửa biển Sa Kỳ và cửa Đại. Về quân sự, đây là nơi bảo vệ hai kinh đô của vương quốc Champa là Đồng Dương (Quảng Nam) và Trà Bàn (Bình Định). Năm 1993, tiến hành khảo cổ phát hiện nhiều cổ vật có giá trị. Năm 2009 tiến hành khảo cổ lần nữa và phát hiện lò nung. “Điều này chứng tỏ tòa thành này còn chứa nhiều giá trị vô giá chưa được tìm thấy” - ông Khôi nói.

Thành cổ có hình chữ nhật, chạy theo hướng bắc - nam, dài 580m, rộng 540m bao gồm bốn cửa mở giữa bốn phía tường thành. Thành đắp bằng đất, cao 4-6m, chân thành rộng 20-25m, mặt thành rộng 5-8m. Bốn góc thành hiện giờ có bốn ụ đất là dấu tích của bốn tháp canh. Quanh thành có hào nước rộng 20-25m. Cách thành 500m là khu tháp cổ Gò Phố.

Thành cổ Châu Sa không có người trông coi nên người dân tự ý trồng bạch đàn, tre... khắp bờ thành. Nhiều hộ dân tự ý đào thành lấy đất đắp nền nhà. Ở bờ thành phía nam và phía bắc, người dân tự ý làm công trình kiến trúc lấn vào bờ thành, nhiều đoạn bị biến dạng, Ông Bốn Tân (70 tuổi, thôn Phú Bình, xã Tịnh Châu) chua chát: “Thành cổ Châu Sa giờ cổ gì nữa, người ta đào đất đắp nền, phá rộng bốn cửa thành nên giờ hết cổ rồi. Xâm hại thế mà sao chẳng thấy cơ quan nào can thiệp”.

Bờ thành phía đông cũng bị nhiều người đào bới, tìm kiếm do tin có kim loại quý. Gần đây, tuyến hào phía tây rộng chừng 25m, dài khoảng 1km được chính quyền xã Tịnh Châu san lấp, phân lô bán nền. Đây cũng là khu vực thành cổ bị xâm hại nghiêm trọng nhất với hơn 10.300m2 tuyến hào bị lấp. Ông Đào Dương Minh - chủ tịch UBND xã Tịnh Châu - cho biết: “Thấy đất để hoang hóa lâu ngày nên xã xin chủ trương của huyện và UBND tỉnh Quảng Ngãi để san lấp tuyến hào làm khu tái định cư các hộ dân giải tỏa nhường đất cho quốc lộ 24B”. Xã đã san lấp 10.300m2 chia làm 77 lô đất bán cho dân làm nhà. Hiện 30 lô đất đã có người dân xây nhà.

Ông Minh cho biết thêm: “Khi bàn giao di tích cho địa phương quản lý, Bảo tàng Quảng Ngãi không bàn giao hồ sơ di tích hay ranh giới nên không biết phạm vi di tích rộng như thế nào. Chính quyền xã thấy đất hoang hóa quá lâu, trở thành nơi để một số người dân bỏ rác nên đã gửi đơn xin phép san lấp để làm khu tái định cư”. Cũng theo ông Minh: “Hiện tại, bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia đã lưu lạc không tìm thấy”.

Ông Nguyễn Đăng Vũ - giám đốc Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi - cho biết: “Tháng 9-2013, sở có đi kiểm tra khi nghe thông tin tuyến hào bị san lấp và đề nghị xã dừng việc san lấp tuyến hào. Thành Châu Sa bị xâm hại, trách nhiệm thuộc về chính quyền xã Tịnh Châu”. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - phó giám đốc Bảo tàng Quảng Ngãi - cũng cho biết: “Sau khi nhận được thông báo của Sở VH-TT&DL Quảng Ngãi, Bảo tàng tỉnh đã làm việc với xã Tịnh Châu, đề nghị dừng việc san lấp bờ thành phía tây đối với phần còn lại của tuyến hào còn nguyên trạng. Riêng đối với khu vực bờ hào đã được san lấp, bảo tàng đề nghị thu hồi. Sắp tới sẽ tìm cách khôi phục, bảo tồn, phục dựng nguyên hiện trạng tuyến hào phía tây nói riêng và cả thành cổ Châu Sa nói chung”. Tuy vậy, ông Khôi cũng lo ngại việc trùng tu phải giữ sự hài hòa giữa cuộc sống của người dân và công trình kiến trúc này vì trong thành cổ Châu Sa đang có hơn 200 hộ dân sinh sống với khoảng 800 nhân khẩu.

TRẦN MAI

__________

Kỳ 2: Rệu rã... chờ sụp

VŨ VIẾT TUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên