13/09/2013 06:30 GMT+7

Trường thanh niên tiền tuyến Huế thành công viên

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TT - Ngôi nhà tại địa điểm di tích Trường thanh niên tiền tuyến (TNTT) Huế 1945 vừa được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho tháo dỡ để xây dựng công viên, tạo ra sự xôn xao của dư luận ở Huế.

McbhPbXQ.jpgPhóng to
Địa điểm Trường thanh niên tiền tuyến Huế 1945 đang được chỉnh trang thành công viên - Ảnh: Thái Lộc

Trường TNTT Huế thành lập ngày 2-7-1945 theo sáng kiến của luật sư Phan Anh và giáo sư Tạ Quang Bửu. Việc thành lập trường được đánh giá là “hiện tượng độc đáo trong lịch sử cách mạng VN”, vì đây là ngôi trường của chính phủ thân Nhật Trần Trọng Kim, nhưng lại là nơi đào tạo lực lượng cho quân đội Việt minh. Xuất thân từ ngôi trường này có hai người sau này trở thành bộ trưởng Bộ Quốc phòng (Phan Anh và Tạ Quang Bửu), tám vị tướng quân đội và nhiều nhà khoa học, nhà quản lý cao cấp... Ngày 6-9-2010, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xếp hạng “Địa điểm Trường TNTT Huế 1945” là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ngôi trường này đặt tại địa điểm nằm ngay trước kinh thành Huế (gần cửa Quảng Đức), sau này là trụ sở của Trung tâm Công viên cây xanh Huế. Ông Phan Đình Ngôn - giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế - cho biết địa điểm này đã thay đổi qua nhiều thời kỳ. Sau năm 1945, ngôi nhà của Trường TNTT bị hỏng và được sửa chữa lại trở thành chốt gác của cảnh sát. Đến thập niên 1960, nhà tiếp tục được cải tạo làm nhà ở công vụ của một vị cảnh sát, sau đó trở thành trụ sở Hiệp hội Nông dân. Đến năm 1975, chính quyền cách mạng tiếp quản và giao cho Phòng nông lâm ngư TP Huế làm trụ sở. Từ năm 1991 đến nay, ngôi nhà trở thành nơi làm việc của Trung tâm Công viên cây xanh Huế. Ông Ngôn cho biết khi hạ giải mới thấy công trình được xây bằng bờlô ximăng. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An cho biết từ trước năm 1945, các công trình xây dựng ở Huế chưa thấy xuất hiện vật liệu bờlô ximăng.

Một số vị lão thành cách mạng cho rằng ngôi nhà này là dấu tích của Trường TNTT Huế. Khi lập hồ sơ di tích này, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế cũng xác định ngôi nhà nói trên là di tích gốc. Vì vậy, việc ngôi nhà bị tháo dỡ đã tạo nên sự phản ứng của dư luận.

Ông Ngô Hòa, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho hay bảo tàng đã trình nội dung như vậy, nhưng hội đồng xét duyệt hồ sơ công nhận di tích chỉ xác nhận đây là “địa điểm di tích”, không công nhận ngôi nhà này là di tích gốc. Vì vậy, tỉnh có phương án dựng tại địa điểm này một tấm bia di tích và chỉnh trang cả khu vực (rộng 3.300m2) thành công viên. Toàn bộ những gì liên quan đến ngôi trường này được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế.

Thầy giáo Thân Trọng Ninh, người tham gia nghiên cứu về “hiện tượng lịch sử độc đáo” này, cũng cho rằng chỉnh trang nơi này thành một công viên thật đẹp là việc nên làm, nhưng khi hoàn thành nên đặt tên là “Công viên Trường TNTT Huế”!

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên