19/06/2013 10:24 GMT+7

Đồng tiền công đức đi đâu?

HÀ HƯƠNG - NAM AN
HÀ HƯƠNG - NAM AN

TT - Vụ việc di tích lịch sử văn hóa đền Hoàng Mười chở tiền công đức đi thuê công ty đếm một lần nữa làm dấy lên những lo ngại xung quanh câu chuyện minh bạch hóa tiền công đức ở các di tích, danh lam thắng cảnh. Số tiền công đức vào đền chùa bao nhiêu, sử dụng như thế nào?

Chở tiền công đức đi đâu?Kiểm điểm vụ "chở tiền công đức đi đâu?"

Kỳ 1: Tiền lẻ thành... tiền tỉ

“Tiền công đức thật sự là khó hiểu, không biết đâu là con số thực, đâu là ảo” - một nhà nghiên cứu văn hóa chia sẻ.

I1L4VUea.jpgPhóng to
Tiền công đức tại các đền chùa, khu di tích lên đến hàng chục tỉ đồng và đền chùa càng lớn thì càng khó biết. Trong ảnh: tiền công đức của khách thập phương tại chùa Hương được gom đổ vào hòm - Ảnh: CHÂU ANH
Jc8ivC46.jpgPhóng to
Tiền lẻ rải khắp gốc cây, nhét đầy các tượng thờ trong đền Phủ Giầy, huyện Vụ Bản, Nam Định - Ảnh: THUẬN THẮNG
993FIj51.jpgPhóng to
Tiền lẻ rải khắp gốc cây, nhét đầy các tượng thờ trong đền Phủ Giầy, huyện Vụ Bản, Nam Định - Ảnh: THUẬN THẮNG

Cũng theo ghi nhận của nhà nghiên cứu này, “mỗi đền chùa một kiểu quản lý, đền chùa càng lớn càng khó tiếp cận. Ngay đến cả những mô hình quản lý tiền công đức được coi là tốt nhất hiện nay cũng đầy lỗ hổng”. Thứ hiện hữu và may ra có thể đếm được là số lượng hòm công đức đặt khá dày đặc tại các đền, chùa, miếu phủ thuộc di tích nhà nước.

Giật mình nhưng là chuyện có thật ở các đền chùa hiện nay. Tiền giọt dầu đặt trên các đĩa ở bệ thờ, nhét vào các địa điểm được coi là linh thiêng trong chùa dù chỉ có mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, ít khi vượt quá 5.000 đồng nhưng khi “tập kết” lại không hề là con số nhỏ.

Không thể đếm xuể

Khu vực được người đi lễ chuộng ném tiền nhiều nhất là hậu cung - nơi vốn ít người được vào. Đền Cửa Ông (Quảng Ninh) mấy năm trước để tránh việc người dân ném tiền bừa bãi trên sàn hậu cung đã đặt hàng dãy rổ nhựa để... hứng tiền.

Ở chùa Hương (Hà Nội) dịp lễ đầu năm, người nhà chùa cứ cách giờ lại phải mang bao tải đi thu nhặt tiền lẻ được đặt trên các mâm cúng, voi chầu, bệ thờ...

Hay suối Giải Oan (Yên Tử, Quảng Ninh), giếng Ngọc (đền Hùng, Phú Thọ)... đều lâm vào tình cảnh bị tắc nghẽn vì tiền lẻ. Đến nỗi nhiều năm nay, ban quản lý di tích đền Hùng đã phải làm một tấm lưới chặn tránh việc tiền lẻ rơi xuống giếng nước.

Kể từ khi đền Trần (Nam Định) phục hồi nghi lễ rước kiệu ấn quanh hồ thì quan khách cũng có thói quen mới là ném tiền lẻ vào kiệu ấn lấy may. Cứ đến giờ kiệu ấn đi qua, hàng trăm khách mời có thẻ - chủ yếu là quan chức và người nhà - chen lấn để ném tiền.

Thậm chí lực lượng an ninh bảo vệ cũng sẵn sàng giúp đỡ bằng cách tập hợp tiền lại rồi vò thành nắm lớn ném vào kiệu ấn. Tại chùa Bái Đính (Ninh Bình), khách hành hương không chỉ nhét tiền lẻ vào tay, vào nếp áo mà còn nhét vào tai tượng Phật. Bất cứ chỗ nào có thể nhét tiền đều được tận dụng tối đa. Ngay tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng phải chứng kiến cảnh du khách rải tiền lẻ cầu may trắng cả mái nhà Thái học.

Biến cơ sở tín ngưỡng thành doanh nghiệp

Không thể kiểm soát nổi sự rối rắm tiền công đức, nhiều nơi đã nảy ra “sáng kiến” khoán hẳn cho tư nhân. Ban quản lý HB (Lào Cai) sau ba tháng thành lập đã phải giải tán, đành khoán lại cho một cá nhân trông coi với mức khoán hơn 5 tỉ đồng. Số tiền này được đưa vào ngân sách để bảo tồn di tích. Hay đền S (Thanh Hóa) cũng chọn cách khoán 13 tỉ đồng cho một cá nhân. Cách làm này tuy thu về cho ngân sách một số tiền không nhỏ dành để trùng tu di tích nhưng lại biến cơ sở thờ tự, tín ngưỡng tôn giáo thành một doanh nghiệp có lợi nhuận, thuê khoán. Thế nhưng, sau khi đã nộp đủ tiền cho ngân sách, số tiền công đức còn lại đi đâu, dùng vào việc gì và bao nhiêu thì không ai được biết.

Với lượng hàng triệu khách mỗi dịp, ai cũng lăm lăm xấp tiền lẻ để rải khắp đền chùa, con số thu về đáng để giật mình.

Ông Đào Minh Tú (phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cho biết chỉ tính ở dịp lễ đầu năm, một ngôi chùa nhỏ trong khuôn viên chùa Hương đã thu được 6 tỉ đồng tiền lẻ.

Với số tiền khổng lồ đó, nhà chùa không có khả năng kiểm đếm, buộc phải nhờ đến một chi nhánh ngân hàng ở đó đếm suốt một ngày mới xong.

Chuyện nhà chùa, nhà đền phải nhờ đến ngân hàng hay các công ty kiểm đếm tiền lẻ như vụ việc ở đền Hoàng Mười vừa qua không còn là chuyện lạ.

Bởi với những ngân hàng, công ty có nghiệp vụ, có máy đếm tiền hỗ trợ cũng phải làm liên tục 1-3 ngày mới xong, nếu đếm thủ công tại chỗ chẳng biết mất bao nhiêu ngày.

Công đức thật, số liệu ảo

Ngoài tiền lẻ (tức tiền giọt dầu), còn có tiền công đức trong các hòm, tiền thu về từ bàn ghi công đức và những khoản không nhỏ mà cả người công đức và người nhận đều không muốn nói ra. Riêng tiền giọt dầu dù nhiều dù ít thông thường được dùng cho các hoạt động nội bộ trong đền chùa.

Đền Trần (Nam Định) có hẳn hai cơ chế quản lý tiền, tiền công đức - theo như công bố của UBND TP Nam Định là hơn 14 tỉ đồng - được nộp vào kho bạc nhà nước.

Riêng tiền giọt dầu do nhà đền tự kiểm đếm, sử dụng và báo lại chính quyền địa phương. Còn chùa Đồng Kỵ (Bắc Ninh) có quy định tiền giọt dầu do sư thầy trụ trì sử dụng. Có chùa lại phân ra ba hòm công đức, sư thầy trụ trì sử dụng một hòm, ban quản lý sử dụng một hòm, hòm còn lại dùng vào việc tu sửa chùa.

Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh có hẳn một quy trình khép kín về việc sử dụng tiền công đức. Tuy nhiên, từ “những người trong cuộc”, còn lại không ai biết được số tiền thu về bao nhiêu, giữ trong ngân hàng bao nhiêu và chi vào những mục đích gì.

Nhiều chuyên gia khi khảo sát việc sử dụng công đức ở đền này đều lắc đầu cho biết: “Đền Bà Chúa Kho dường như đã trở thành cơ sở riêng của một cộng đồng nhỏ, tiền vào tiền ra thế nào chẳng ai biết”. Chỉ biết sân đền Bà Chúa Kho chi chít các bia ghi công đức.

Chỉ một chiếc ghế đá thôi nhưng ghi đủ tên tuổi chức danh, thậm chí cả danh hiệu trong một cuộc thi hoa hậu quý bà của người cung tiến. Đền Bà Chúa Kho cũng dành hẳn một khu vực để treo các tấm bia đá, ghi tên những người công đức với số tiền từ 200.000-300.000 đồng trở lên.

Không chỉ riêng đền Bà Chúa Kho, việc quản lý, sử dụng tiền công đức trong các đền chùa đều lâm vào tình trạng “bế quan tỏa cảng”. Để tìm hiểu lượng tiền công đức trong một tổ đình nổi tiếng của Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã phải tra từ các dịch vụ tại đình, tổng hợp lại rồi nhân với mệnh giá tiền.

Dĩ nhiên, con số không thể chính xác bởi mỗi người một kiểu công đức, có những người công đức hàng tỉ đồng nhưng chẳng sổ sách nào nhắc đến cả. Bởi vậy, cũng có chuyện số liệu trong sổ sách nhà chùa với số liệu báo cho cơ quan nhà nước khác nhau một trời một vực.

Chỉ một ngôi chùa nhỏ trong tổng thể khuôn viên khu danh thắng cách Hà Nội hơn 60km thu được số tiền hơn 21 tỉ đồng theo danh sách của nhà chùa.

Đó là chưa kể chùa chính và các khu vực vệ tinh khác. Tuy nhiên, số liệu nhà chùa báo cho ban quản lý di tích lại chỉ có 20 tỉ đồng cho toàn bộ khu danh thắng. Dĩ nhiên, số tiền này cũng được giữ lại với lý do phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo chùa.

(còn tiếp)

HÀ HƯƠNG - NAM AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    di t\u00edch l\u1ecbch s\u1eed v\u0103n h\u00f3a \u0111\u1ec1n Ho\u00e0ng M\u01b0\u1eddi ch\u1edf ti\u1ec1n c\u00f4ng \u0111\u1ee9c \u0111i thu\u00ea c\u00f4ng ty \u0111\u1ebfm m\u1ed9t l\u1ea7n n\u1eefa l\u00e0m d\u1ea5y l\u00ean nh\u1eefng lo ng\u1ea1i xung quanh c\u00e2u chuy\u1ec7n minh b\u1ea1ch h\u00f3a ti\u1ec1n c\u00f4ng \u0111\u1ee9c \u1edf c\u00e1c di t\u00edch, danh lam th\u1eafng c\u1ea3nh. S\u1ed1 ti\u1ec1n c\u00f4ng \u0111\u1ee9c v\u00e0o \u0111\u1ec1n ch\u00f9a bao nhi\u00eau, s\u1eed d\u1ee5ng nh\u01b0 th\u1ebf n\u00e0o?" />