04/11/2007 08:08 GMT+7

Một người lính đặc biệt trên đường mòn huyền thoại

NGUYỄN QUANG THIỀU
NGUYỄN QUANG THIỀU

TT - Khi ông vẫn đi như mộng du trên mặt đất này với thơ, rượu, bạn bè... thì một "kẻ lạ mặt" bước đến và chặn đường ông... Bây giờ, trong một phòng bệnh của khoa quốc tế, Quân y viện 108, ông đang ngày đêm đối chọi với sự nghiệt ngã của số phận.

tOmt5dbu.jpgPhóng to
Nhà thơ Phạm Tiến Duật. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN
Nghe đọc nội dung toàn bài:

1.

Tôi trở thành một trong những người thân của gia đình nhà thơ Phạm Tiến Duật từ những ngày anh chị còn ở trong ngôi nhà, hay có thể gọi là căn phòng nằm trong ngõ Yên Thế, Hà Nội. Ngày ấy tôi chưa lấy vợ. Chính vì thế tôi thường xuyên đến đó. Chị Vân coi tôi như một đứa em trong nhà. Chị thường đi chợ muộn để có thể mua được thực phẩm với giá rẻ.

Tôi nhớ mãi món bò kho chị nấu lúc nào cũng nhiều nước. Vì sao chị lại nấu thịt bò kho nhiều nước? Vì thịt ít nên nấu nhiều nước để ăn. Đó là những năm đầu của thập niên 1980. Đó là thời gian khó khăn nhất sau chiến tranh. Hồi ấy, tôi thi thoảng đi công tác TP.HCM.

Một lần mấy người bạn rủ tôi buôn chanh từ TP.HCM ra Hà Nội. Chanh ở trong đó rất rẻ, còn Hà Nội lại quá đắt. Chúng tôi mua mấy chục kilogam chanh từ TP.HCM ra. Nhưng đến Hà Nội thì hầu hết chanh bắt đầu bị vàng vỏ. Tiền mua chanh lúc đó là một số tiền lớn so với lương của chúng tôi. Vợ chồng nhà thơ Phạm Tiến Duật thương mấy đứa em quá. Thế là hai người hì hục xếp từng quả chanh xuống gầm giường cho mát để giữ chanh khỏi nhanh bị vàng vỏ. Và chiều chiều, sau khi chị Vân đi dạy học về, nhà thơ Phạm Tiến Duật lại giục vợ trộn những quả chanh đã vàng vỏ lẫn với những quả chanh còn xanh mang ra chợ Sinh Từ gần đó bán gỡ vốn cho chúng tôi.

Cuộc sống của mọi người trong đó có tôi giờ đã quá khác xưa. Nhưng mỗi lần đi qua ngõ Yên Thế, tôi lại muốn dừng lại để hồi tưởng về những ngày xưa ấy. Tôi sẽ chẳng bao giờ lý giải cho ra ngọn ngành vì sao một nhà thơ danh tiếng đến như thế lại có thể sống trong một căn phòng như thế, và có thể làm những việc quá ư bình dân như thế.

2.

Công dân danh dự của làng

Lần đầu tiên tôi gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật là khi tôi vừa mới tập làm thơ (1981). Mấy năm sau, biết tôi quen thân với ông, những nông dân làng tôi nhờ tôi mời ông về nói chuyện thơ cho dân làng nghe.

Ngày đó phương tiện giao thông vô cùng khó. Chúng tôi phải đi bộ 6km từ bến xe về làng. Dân làng tôi đã mổ một con lợn đón ông. Tối đó, ông đã đứng trước cửa đình nói về thơ trước hàng trăm người nông dân làng tôi. Ngày ấy làng tôi chưa có điện nên mỗi nông dân đến nghe thơ đều mang theo một ngọn đèn dầu.

Tôi nhớ mãi đêm đó. Một đêm đẹp như một giấc mộng. Sáng hôm sau, Phạm Tiến Duật lại đi bộ 6km đến bến xe để trở về Hà Nội. Những người nông dân tiễn ông đến đầu làng. Và từ đó, người làng tôi coi ông là một công dân danh dự của làng.

Trong khoảng mười năm cuối cùng của cuộc chiến tranh, Phạm Tiến Duật là một người lính đặc biệt trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Ông được những người lính chiến đấu dọc con đường huyền thoại này chu cấp và bảo vệ đặc biệt để viết ra những bài thơ. Sau chiến tranh trở về, nhiều người lính nói họ đã vịn vào những câu thơ của Phạm Tiến Duật để ra trận.

Tôi nhớ mãi một câu chuyện về những người lính giữ chốt trên một quả đồi ven đường mòn Hồ Chí Minh trong chiến tranh. Họ bị bao vây. Những đơn vị ở bên ngoài không thể nào tìm cách tiếp cận được họ ngoài hệ thống liên lạc bằng điện đài. Khi cấp trên hỏi họ cần gì thì họ trả lời: "Chúng tôi cần thơ Phạm Tiến Duật".

Những người lính trên điểm chốt ấy biết rằng có thể tất cả họ sẽ hi sinh. Cái cần nhất lúc đó đối với họ không phải là thức ăn, nước uống. Cái cần nhất đối với họ trước cái chết là một bài ca của sự sống vang lên đôi lúc như một bản thánh kinh. Thơ của Phạm Tiến Duật không phải là một bản thánh kinh, nhưng là một điều gì đó kỳ lạ của thời điểm ấy.

Một bộ phận được phân công chuyển thơ của Phạm Tiến Duật lên điểm chốt đó. Bộ phận này đã tháo thuốc nổ trong một đầu đạn súng cối và cho thơ Phạm Tiến Duật vào đó rồi bắn lên chốt. Đây là một câu chuyện có thật. Nhưng khi được kể lại nó đã trở thành huyền thoại. Câu chuyện đó là một hiện thực huyền thoại. Đấy là một hiện thực chứa đựng sự kỳ diệu lộng lẫy của thi ca và đời sống tinh thần của con người ở bất cứ nơi nào trên thế gian này.

3.

Trong những ngày này bạn bè đến thăm ông rất nhiều. Mỗi khi có người đến là Phạm Tiến Duật lại vội vàng ngồi dậy và sai con trai mình chụp ảnh chung ông với bạn bè. Hai con trai Phạm Tiến Duật là cháu Hải và Lâm ngày đêm thay nhau chăm sóc bố. Chị Vân, vợ ông, bị tai nạn phải ngồi một chỗ trong thời gian ông bị bệnh. Khoảng nửa tháng trước đây, bạn bè nhà thơ ở Công ty Dầu khí Việt Xô đã in một tập thơ nhỏ cho ông. Họ là những bạn đọc mến mộ thơ ông từ thời chiến tranh.

Khi tôi đến, ông lấy tập thơ tặng tôi và mở tập thơ ra chỉ cho tôi xem một bài thơ và nói đó không phải là bài thơ của ông. Nhưng vì yêu quí mà những người làm sách đã đưa bài thơ đó vào. Đó là bài Lính mà em. Phạm Tiến Duật nói đây là bài thơ của một nhà thơ nào đó của Sài Gòn viết trước 1975. Nhưng ông rất hạnh phúc với tập thơ mà bạn bè hâm mộ thơ đã in cho mình.

Trong thời gian ông nằm viện có một nhà văn chiều nào cũng đến thăm ông. Và mỗi lần đến thăm đều mua cho ông một chiếc áo mới. Lần nào cũng vậy, khi nhận được áo mới đó Phạm Tiến Duật đều cởi chiếc áo đang mặc và thay vào đó là một chiếc áo còn nguyên mùi vải. Người đó chính là nhà văn Nguyễn Khắc Phục.

Không phải Phạm Tiến Duật thiếu áo và cũng không phải Nguyễn Khắc Phục không biết mua quà gì cho bạn. Họ là những người lính cùng một thời với nhau. Hơn ai hết cả hai đều thấu hiểu cái sống cái chết trong cuộc đời này. Họ đã viết những câu thơ, câu văn đầy khát vọng hòa bình trong cuộc chiến tranh tàn khốc ấy. Bây giờ họ lại thanh thản làm một việc thật lãng mạn và nhân văn trong một cuộc đấu tranh khác không kèm phần tàn khốc - cuộc đấu tranh với số phận mà cụ thể là cái chết.

4.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật, ông đã đi qua vinh quang và cay đắng, qua hạnh phúc và khổ đau. Và giờ đây ông đang đứng trước thử thách lớn nhất của số phận. Và lúc này, hình ảnh ấn tượng nhất của tôi về ông là hình ảnh ông cùng vợ xếp cẩn thận những quả chanh đang bắt đầu vàng vỏ xuống gầm giường, và hình ảnh ông đang đọc thơ trước hàng trăm người nông dân cùng hàng trăm ngọn đèn dầu ở một vùng quê nghèo đói. Đó là hình ảnh của một nhà thơ và là hình ảnh của thi ca. Nếu không thì tôi biết nói gì lúc này.

Thơ Phạm Tiến Duật

Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Không có kính không phải vì xe không có kínhBom giật, bom rung kính vỡ đi rồiUng dung buồng lái ta ngồi, Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắngNhìn thấy con đường chạy thẳng vào timThấy sao trời và đột ngột cánh chimNhư sa, như ùa vào buồng lái

Không có kính, ừ thì có bụi,Bụi phun tóc trắng như người giàChưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốcNhìn nhau mặt lấm cười ha ha.

Không có kính, ừ thì ướt áo Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trờiChưa cần thay, lái trăm cây số nữaMưa ngừng, gió lùa khô mau thôi.

Những chiếc xe từ trong bom rơiÐã về đây họp thành tiểu độiGặp bè bạn suốt dọc đường đi tớiBắt tay qua cửa kính vỡ rồi.

Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấyVõng mắc chông chênh đường xe chạyLại đi, lại đi trời xanh thêm.

Không có kính, rồi xe không có đèn,Không có mui xe, thùng xe có xước, Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Khúc hát thanh xuân

Sẽ đến lúc ta trở thành cụ giàNhưng tới đó hãy hay, giờ ta còn trẻ chán,Bắt chước cụ già không khó lắmCụ già bắt chước mình mới khó làm sao.

Tuổi trẻ ra biển dễ hơn cụ già xuống aoTa lội rừng không chồn chân, mà các cụ già ra thăm vườn mỏi gốiVới tuổi trẻ không có đêm nào gọilà đêm tốiNắng đã là bạn ta, mưa cũng là bạn ta.

Ta cày mặt đất lên trong ánh nắng chói lòaTa gieo mạ theo đường chân trờicho lúa mọcCười cái cần câu, ta huơ cần trụcLấy cân tạ ta cân và thước cây số ta đo.

Nhưng ta lấy từng sát-na để tính thì giờ (1)Tình yêu chứa trong ta bồn chồn biết mấyThân thể ta là tòa lầu lộng lẫyÁnh sáng chứa bên trongvà tiếng hát tràn đầy.

Ta nguyện là đầu rễ, còn nguyệnlà ngọn câyNơi ta tựa ấy thân cành vững chãiTuổi già vui cùng ta mà trẻ lạiTrẻ em nhìn sức vóc ta mà lớn lên.

Nhưng có điều xin bè bạn đừng quênChính khúc hát thanh xuân này cáccụ già mách bảoTa nhẩm lại bỗng thấy mình kiêu ngạoNên lại hát tuổi mình ở chính bàn tay.

1978

(1) Chữ của kinh Phật: khái niệm về thời gian nhỏ nhất không thể phân chia được nữa.

NGUYỄN QUANG THIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên