23/11/2006 15:50 GMT+7

GS. Phan Huy Lê: Vẫn còn giải pháp hay cho Cấm Thành

Theo VietNamNet
Theo VietNamNet

Cho đến thời điểm này các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được các phương án bảo tồn di tích 18 Hoàng Diệu, Hoàng Thành Thăng Long nhưng đã có ý tưởng áp dụng các công nghệ bảo tồn tiên tiến nhất để xây dựng một công trình lớn tại đây...

4W1r0F1F.jpgPhóng to
Giáo sư sử học Phan Huy Lê
Cho đến thời điểm này các nhà khoa học vẫn chưa đưa ra được các phương án bảo tồn di tích 18 Hoàng Diệu, Hoàng Thành Thăng Long nhưng đã có ý tưởng áp dụng các công nghệ bảo tồn tiên tiến nhất để xây dựng một công trình lớn tại đây...

GS. Phan Huy Lê: Đã xác định được Cấm Thành Thăng Long

* Sau 3 năm phát hiện, công tác bảo quản khu tích này vẫn chưa có phương án cụ thể và lâu dài. Giả sử chúng ta xây dựng những công trình lớn trên đó và áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để bảo tồn thì mức độ ảnh hưởng sẽ như thế nào?

- Tôi nghĩ rằng sự kế tục truyền thống văn hiến của trung tâm quyền lực là ý tưởng hay, nhưng không nên quan niệm không gian lịch sử văn hoá truyền thống này chỉ trên mảnh đất 18 Hoàng Diệu và chỉ xây dựng trên khu vực này mới thể hiện được tính kế thừa truyền thống của cơ quan quyền lực.

"Chỉ cần một tư duy cởi mở hơn thì sẽ giải quyết được một cách trọn vẹn mọi vấn đề. Giữa thủ đô Hà Nội có một Di sản văn hóa thế giới sẽ nâng vị thế của Hà Nội, là điều mọi người dân Hà Nội và cả nước đều mong chờ. Đó sẽ là sự kết hợp hoàn hảo của truyền thống và hiện đại, là bài tính trọn vẹn, được mọi mặt."

GS sử học Phan Huy Lê

Đúng Cấm Thành là vùng trung tâm nhất, nhưng nói "địa linh", "thắng địa" của kinh thành thì cần hiểu bao gồm cả Hoàng Thành Thăng Long và rộng ra là cả vùng kinh sư như vua Lý Thái Tổ đã xác định "ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước", "chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư của muôn đời".

Thậm chí có người cho rằng nhà Quốc hội cần xây dựng trong khu trung tâm của Cấm Thành, phía trước nền điện Kính Thiên, giữa Đoan Môn và Cột Cờ vì núi Nùng là "Rốn Rồng", là trung tâm theo quan niệm phong thủy và tâm linh, mọi long mạch của non sông đất nước đều từ đây tỏa ra.

Chúng ta không bàn về thuyết phong thủy, nhưng xin lưu ý là nếu theo phong thuỷ thì xây dựng một công trình hiện đại với móng đào và đóng cọc sâu đến vài ba chục mét là tự ta đã cắt đứt long mạch rồi.

Hơn nữa, về phương diện lịch sử thì dù đất thiêng đến đâu cũng phải trải qua những bước thăng trầm lúc thịnh lúc suy của lịch sử. Như thời Lê mạt thì Cấm Thành dành cho các vua Lê danh nghĩa, còn đâu là vượng khí nữa? Chúa Trịnh thời đó không ở trong Cấm Thành mà dựng Phủ chúa bên khu hồ Hoàn Kiếm. Cơ quan quyền lực thực sự đã chuyển ra ngoài Cấm Thành.

Tôi rất ủng hộ chủ trương trong khu trung tâm chính trị Ba Đình cần có Nhà Quốc hội. Công trình kiến trúc này phải có vị trí, cảnh quan và qui mô xứng đáng với vai trò Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Rõ ràng Hội trường Ba Đình quá nhỏ và nên bảo tồn như một di tích lịch sử văn hoá hiện đại vì tại đây đã diễn ra nhiều sự kiện trọng đại trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nếu xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu tức trong không gian của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long vừa phát lộ thì theo tôi, gặp rất nhiều hạn chế. Chiều cao sẽ bị khống chế bởi gần Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Diện tích xây dựng bị thu hẹp vì phải bảo tồn di tích Hoàng Thành, chí ít là khu A, B (theo sơ đồ khai quật khảo cổ học).

Trên phần còn lại là khu C, D, qua những hố khai quật cũng tìm thấy nhiều di tích, di vật không kém gì khu A, B và vì thế phải tìm những giải pháp bảo tồn trong nền Nhà Quốc hội không đơn giản, lại bị khống chế về chiều sâu. Theo tính toán sơ bộ thì diện tích xây dựng chỉ còn khoảng 7000-8000 mét vuông. Đó là chưa nói tới việc xây dựng Nhà Quốc hội ở đây sẽ được gì, mất gì. Trong thư kiến nghị của Hội Khoa học lịch sử, chúng tôi cũng đã bước đầu cảnh báo những hệ quả có thể xảy ra.

Điều cần quan tâm nhất là xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu, dù với phương án nào, qui mô nào cũng phá vỡ không gian lịch sử văn hoá của khu di tích và không bảo đảm được tính toàn vẹn của di tích, tức tự làm mất khả năng được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Tôi cũng muốn nói rõ là tính toàn vẹn của khu di tích ở đây không phải là sự toàn vẹn của Cấm Thành hay Hoàng Thành mà thực tế là đã bị thu hẹp và xáo trộn, một phần bị huỷ hoại.

9E2ZLR4k.jpgPhóng to

Dấu vết nền cung điện thời Lý ở Hố A20 - Di tích Hoàng Thành Thăng Long. Chụp lại từ cuốn Hoàng Thành Thăng Long, quà tặng cho các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị APEC 2006.

Nhưng khu di tích đã phát lộ và cả phần còn lại của di tích Hoàng Thành hay Cấm Thành chưa bị các kiến trúc hiện đại phá huỷ, thì cần được bảo vệ nghiêm ngặt trong một qui hoạch do chúng ta đề xuất theo đúng tiêu chí Di sản văn hoá thế giới của UNESCO. Nếu xây Nhà Quốc hội ở đây thì theo tôi hiểu, chắc chắn UNESCO sẽ không chấp nhận hồ sơ đăng ký Di sản văn hoá thế giới của chúng ta.

* Nhiều người cho rằng chỉ cần bảo tồn khu A, B trong di tích Hoàng Thành Thăng Long (18 Hoàng Diệu) thôi, còn khu C, D thì có thể xây dựng Nhà Quốc hội trên đó, và bảo tồn phía dưới được. Giáo sư nghĩ sao về lập luận này?

- Khu C thì ta chưa khai quật bao nhiêu nên tôi không dám khẳng định, còn khu D dù chỉ mới khai quật mấy hố, nhưng đã thấy dày đặc di tích. Như Hoàng Môn Thự ở đây, Tiên Quang điện ở đây, rồi nhiều gạch của thời Lý, Trần và cả của thời thành Đại La cũng thấy ở đây. Nếu xây nhà Quốc hội thì sẽ phải dành thời gian khai quật, mà khai quật thì sẽ phát hiện thêm rất nhiều di tích.

Khi xây Nhà Quốc hội ở đây, cũng đã nghĩ đến giải pháp là các di tích phát hiện sẽ bảo tồn tại chỗ ngay dưới nền nhà Quốc hội, có kính để nhìn xuống, có đường hầm xuống để tham quan. Còn nếu di tích dày đặc quá thì sau khi khai quật và nghiên cứu, sẽ dùng các giải pháp làm cứng hóa các di tích-di vật rồi lấy ra và xây dựng xong lại đưa vào vị trí cũ.

Với công nghệ hiện đại thì trên lý thuyết có thể xây nhà ở trên mà bảo tồn di tích ở dưới, và nhiều nơi đã thực hiện. Gần đây tôi thăm Osaka ở Nhật Bản, có một di tích khảo cổ học phát hiện bên cạnh thành cổ Osaka, bộ phận di tích lớn thì họ bảo vệ toàn bộ, còn bộ phận nhỏ tách ra thì họ xây dựng một tòa nhà cao tầng lên trên, bảo tồn nguyên trạng bên dưới (không phải lấy ra rồi chuyển vào), có kính để xem, có đường xuống tham quan bên dưới.

Nhưng các chuyên gia Nhật có nói với tôi là làm thế vẫn là chuyện vạn bất đắc dĩ, và với công nghệ xây dựng hiện đại, họ cũng chỉ có thể làm dầm thép dài tối đa là 80m, nhiều lắm cũng chỉ 100m, nghĩa là chỉ có thể bảo tồn nguyên vẹn dưới nhà di tích nhỏ mà không phải đào móng phá huỷ di tích. Tuy cố gắng như vậy, công trình vẫn bị dư luận Nhật lên án. Còn khu D của ta lớn hơn nhiều và công việc bảo tồn nguyên trạng dưới nền nhà không đơn giản và rất tốn kém.

Dù đó là giải pháp tối ưu trong trường hợp quyết định xây dựng Nhà Quốc hội ở đây, nhưng sẽ không tránh khỏi những hệ quả. Thứ nhất, về mặt cảnh quan thì Nhà Quốc hội rất hiện đại bên cạnh di tích cổ xưa rất đơn sơ nhưng rất quý giá và linh thiêng của tổ tiên để lại, đó sẽ là sự đối chọi mang tính phản cảm, phá vỡ không gian lịch sử văn hóa, kiến trúc hiện đại sẽ che khuất các di tích lịch sử ngàn năm.

Thứ hai, việc bảo tồn bên dưới trên lý thuyết thì dễ, nhưng trên thực tế thì không đơn giản chút nào. Bảo tồn y nguyên đã khó, đưa ra khỏi tầng văn hoá rồi chuyển vào chỗ cũ lại còn khó hơn nhiều, có làm được thì di tích cũng mất đi phần quan trọng giá trị của nó, đâu còn tính nguyên trạng. Cái giá ta phải trả đắt nhất khi xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu là làm mất khả năng được công nhận khu di tích là Di sản văn hóa thế giới.

Hội Khoa học lịch sử cũng như cá nhân tôi, tự xác định trách nhiệm của mình là phải cảnh báo tất cả những hệ quả có thể xảy ra và cung cấp những ý kiến tư vấn cho lãnh đạo. Đây là một quyết định rất hệ trọng và nhạy cảm, dĩ nhiên người ra quyết định xây dựng sẽ phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước công luận trong nước và thế giới, và chịu trách nhiệm trước sự phán xét của lịch sử. Trong trường hợp cấp trên vẫn quyết định xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu thì tôi phải chấp hành nhưng cá nhân tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình vì tôi cho rằng quyết định như thế là sai lầm.

* Giáo sư sẽ lập luận thế nào với những lý do được đưa ra để khẳng định không còn vị trí nào khác để xây nhà Quốc hội trong khu chính trị Ba Đình?

- Tôi và giáo sư Phan Khanh đã từng suy nghĩ về địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội trong khu Trung tâm chính trị Ba Đình. Sau đó một số cơ quan có trách nhiệm cũng đã đề xuất những vị trí có thể lựa chọn như lô H6, H7 nằm hai bên đường Hùng Vương, giữa phố Trần Phú và Lê Hồng Phong, có diện tích gần 4 hecta hay lô A7 nằm đối diện với Bảo tàng Hồ Chí Minh có diện tích khoảng 3,5 hecta. Lô H6, H7 chỉ có những kiến trúc của nhà nước, có thể nghiên cứu một qui hoạch vừa giữ một số công trình làm cơ quan của Quốc hội, vừa phá dỡ một số nhà để làm diện tích xây dựng Nhà Quốc hội.

Lô A7 nếu chọn làm địa điểm xây Nhà Quốc hội thì phải giải tỏa một số nhà dân, tôi tin rằng người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ nếu biết vận động và đền bù thỏa đáng. Quốc hội vận động giải toả thành công có khi còn tạo ra mô hình mẫu mực trong công việc giải phóng mặt bằng đang gặp nhiều khó khăn hiện nay.

Còn việc phá một số nhà đã xây dựng hay chi phí một khoản đền bù cho dân, để xây dựng Nhà Quốc hội theo tôi không nên coi là lý do để biện hộ cho việc xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu làm xâm hại đến một di sản vô giá có tầm cỡ thế giới của cả dân tộc. Trong trường hợp cần thiết, có thể nghĩ đến khả năng xây dựng Nhà Quốc hội trên qui mô lớn gồm cả lô H6, H7, A7 và mở một con đường hầm trang hoàng đẹp dưới đường Hùng Vương.

Theo tôi xây dựng Nhà Quốc hội tại lô H6, H7, A7 sẽ tạo nên một cấu trúc rất đẹp cho Trung tâm chính trị Ba Đình. Chúng ta hình dung, ở giữa là Lăng Bác Hồ, nhà sàn Bác Hồ, Bảo tàng Hồ Chí Minh, bên phải tức phía bắc là Đảng (Nguyễn Cảnh Chân), Nhà nước (Chủ tịch phủ), Chính phủ (Thủ tướng phủ), bên trái tức phía nam là Nhà Quốc hội, mặt trước tức phía đông là Nghìn năm Thăng long-Hà Nội.

Một qui hoạch và mô hình như vậy là vừa bảo tồn được toàn bộ khu di tích Hoàng Thành Thăng Long gắn kết với thành cổ Hà Nội và phần còn lại của Cấm Thành, lập thành Công viên lịch sử-văn hoá Thăng Long-Hà Nội rồi đây sẽ được tôn vinh là Di sản văn hoá thế giới, vừa có một toà Nhà Quốc hội bề thế xứng đáng với vai trò cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân.

Còn cách suy nghĩ xây dựng Nhà Quốc hội ở 18 Hoàng Diệu là tự đặt mình vào thế bí, vào bài toán mà đáp số sẽ loại trừ lẫn nhau, được cái toàn vẹn của khu di tích thì không có nhà Quốc hội, còn có nhà Quốc hội thì xâm hại di tích, tước đi khả năng có một Di sản văn hoá thế giới trong lòng Hà Nội.

Chỉ cần một tư duy cởi mở hơn thì sẽ giải quyết được một cách trọn vẹn mọi vấn đề. Giữa thủ đô Hà Nội có một Di sản văn hóa thế giới sẽ nâng vị thế của Hà Nội, là điều mọi người dân Hà Nội và cả nước đều mong chờ. Đó sẽ là sự kết hợp hoàn hảo của truyền thống và hiện đại, là bài tính trọn vẹn, được mọi mặt.

Xem tất cả những tin bài về Di tích Thăng Long

Theo VietNamNet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên