13/11/2004 15:05 GMT+7

Sài Gòn mộ cổ

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTCN - “Họ có thể là công hầu hay dân đen, là anh hùng hay giặc cướp, nhưng tất cả đều là một phần của lịch sử. Dòng chảy thời gian có thể làm nhiều thứ trên mặt đất đổi thay nhưng những nắm xương tàn đó sẽ kể lại bao câu chuyện trung thực cho mai sau”.

v1XqqwSB.jpgPhóng to
Mộ cổ ấp Bến Đò, phường Long Bình, quận 9

Nhà khảo cổ học già trầm ngâm rồi lặng lẽ nhìn những nấm mộ cổ đang ngả màu vàng vọt trong chiều muộn. Có chạm tay vào bia mòn, đá vỡ, hít ngửi hơi mốc rêu phong, mới nhận ra bao nỗi niềm của người xưa…

Bí ẩn những ngôi mộ cổ

Đất Sài Gòn - TP.HCM có bao nhiêu ngôi mộ cổ? Lần giở lại lịch sử, lang thang thực địa nhiều nơi và hầu chuyện với các nhà khảo cổ, quản lý văn hóa nhưng tôi vẫn không thể tìm được câu trả lời xác quyết. Song tất cả những người có trách nhiệm đều khẳng định rằng mảnh đất này, với bề dày mấy trăm năm mở cõi, xây dựng và phát triển, đã là nơi yên nghỉ của bao thân phận khác thường.

Dưới bóng cổ thụ ở một góc công viên Tao Đàn là hai nấm mồ cô quạnh. Theo một khảo sát của Ban quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa – thông tin TP.HCM, đây là phần mộ của ông bà Lâm Tam Lang, được xây dựng vào “thời Đại Nam, năm 1820 về sau”. Nhưng theo nhà khảo cổ học lão thành Đỗ Đình Truật thì nó có thể là nơi yên nghỉ một vị tướng chết trận của Trương Minh Giảng. Lý do để ông đưa giả thuyết này: đây là một nấm mồ lớn, được chôn cất ngay trong đất thành Gia Định xưa, hẳn phải là thi hài một người có công chứ không thể là “ngụy quân, tạo phản” với triều đình được. Còn nấm mồ thứ hai nhỏ hơn có thể là của bà vợ vị tướng nọ. Bề ngoài mộ dù không còn như buổi ban đầu nhưng vẫn là một bằng chứng về kiểu mộ độc đáo của người Gia Định xưa.

7rFLyfOS.jpgPhóng to
Những gì còn lại trong một ngôi mộ cổ ở gần Thảo cầm viên TP.HCM
Cách đường Nguyễn Thị Minh Khai khoảng 300m, hai ngôi mộ nằm trên khu đất có chiều ngang khoảng 7m, dài 12m; bao bọc xung quanh là một vòng tường thấp khoảng 0,6m, nhưng dày cả 0,5m. Lối vào mộ có hai bệ đá lớn tạo hình hoa sen, và phải qua một tàng phong với bức tường ngang nữa mới vào được đến mộ. Hình như người xưa làm vậy nhằm che chắn bớt tầm mắt tò mò của kẻ xấu.

Những chữ khắc trên bài vị quá mờ và chữ còn, chữ mất theo thời gian. Điểm đặc biệt của hai ngôi mộ này là đều được xây dựng bằng hợp chất vôi, mật… Phần mộ chính quay đầu về hướng tây bắc, rộng 3,5m, dài 3,7m, được chia thành hai phần với hai bài vị riêng. Ngôi mộ thứ hai nhỏ hơn nằm nép bên trái có hình khối chữ nhật, không có bài vị. Các nhà khảo cổ cho biết khu mộ này may mắn là nằm trong công viên đã được xây dựng từ lâu, nếu không thì chưa biết… đã ra sao!

TP.HCM còn một khu mộ đặc biệt nữa là “Võ Tánh 2” ở đường Nguyễn Thái Bình, quận Tân Bình. Bên cạnh lăng mộ Võ Tánh ở quận Phú Nhuận đã được sử sách ghi nhận, bỗng dưng lại có một lăng mộ Võ Tánh nữa nằm cách xa hàng ngàn mét! Mặc dù không rõ người ta dựng bia ngụy tạo như vậy vì lý do gì, nhưng các nhà sử học và khảo cổ đều khẳng định đây là một khu mộ đặc biệt, được xây dựng theo chiều ngang và ngắn về chiều sâu.

22hlxSwx.jpgPhóng to
Mộ cổ trong công viên Tao Đàn
Với qui mô lớn như vậy chứng tỏ nó phải là mộ của một vị quan quyền hoặc người có thế lực, giàu có nào đó. Tiếc rằng bây giờ nó đã quá hoang tàn, đổ nát mà nguyên nhân lớn nhất là bàn tay con người. Các trụ mộ chỉ còn là phế tích, tấm bia chính giữa cũng bị gỡ đi, thay vào đó là một tấm bia bằng… tiếng Việt, thật chệch choạc với những bia nhỏ bằng chữ Hán.

Khu mộ được xây bằng hợp chất khá chắc chắn gắn liền với nhiều đồn đại của người dân. Theo họ kể, từ trước giải phóng khu mộ này đã từng là mục tiêu của bọn đào mồ trộm, săn tìm cổ vật. Bọn chúng ít nhất đã ba lần mang cuốc, đục tới nhưng rồi đều phải van vái rồi bỏ về “vì cứ chạm cuốc vào là gãy ngay”. Chuyện xưa thực hư chưa biết thế nào nhưng ngày nay khu mộ này chẳng hề được trân trọng, thậm chí nhiều người còn vào đó để xả rác và… tiểu tiện.

Khi các nhà khảo cổ tìm đến quần thể mộ Phạm Quang Triệt, Phạm Duy Trinh… ở Gò Quéo, quận 2, hầu hết đều không còn bia mộ. Chúng đã bị hư hại nặng và sạt lở vì bọn đào trộm mộ cổ. Riêng ngôi mộ cổ đẹp như một tác phẩm kiến trúc ở phường Long Bình, quận 9, mặc dù được cỏ cây um tùm che lấp cũng không thoát khỏi lòng tham của kẻ gian. Không thể phá nổi ngôi mộ to như căn nhà này, chúng đào hang bên hông để chui vào. Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Đức Mạnh kể: khi ông và các đồng nghiệp tiến hành khai quật hai ngôi mộ cổ bằng hợp chất ô dước ở Trung tâm bưu chính liên tỉnh và quốc tế khu vực II thì phát hiện bọn đào mồ đã đi một bước trước từ lúc nào!

gNGbMYm5.jpgPhóng to
Ngôi mộ ông bà tri huyện Nguyễn Hiền Hào, ấp 3, xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè
Người không hiểu bọn xấu đã lấy được gì từ mộ cổ và một phần bí ẩn chỉ sáng tỏ khi lòng ngôi mộ thứ hai được mở ra. Đây là mộ nằm ở phía nam, được đắp thành hình mai rùa. Mặt trong của quách có bài vị và bệ rộng còn bút tích của một bài thơ Đường luật với nội dung “Người này mất lúc còn trẻ, là người có tài mà mệnh yểu, thật đáng bi thương”.

Sau khi bóc hết vòm nổi, kẻ gian đào đến áo quan gỗ đã bị hủy hoại gần hết. Di cốt gồm một phần hộp sọ với gần đủ hai hàm răng nằm giữa nền mộ. Chỏm đầu quay về hướng nam với các phần cốt cổ, lồng ngực, cánh tay và cẳng chân. Một số di vật được phát hiện bên trái ngực gồm tiền đồng, khuy đồng, thẻ ngà và một số mảnh vàng vụn. Ngoài ra, trong lòng mộ và bên ngoài còn có một số vật dụng như nồi đồng, đồ sứ hoa lam, đồ sành, gốm tráng men và ấm trà bằng đất nung.

“Một số đồ có giá trị cổ vật nhất định như đồ gốm, sứ, nhưng có lẽ bọn đào mồ thực dụng đã không tìm thấy nhiều vàng bạc như chúng mong muốn. Nếu không bọn chúng đã không tha cả ngôi mộ thứ hai…” - ông Mạnh nói. Nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật cũng cho rằng trong hầu hết ngôi mộ, kể cả của giới quan quyền, không chôn theo nhiều tài sản quí giá.

Ngoài lý do xã hội VN lúc ấy còn nghèo, còn có một nguyên nhân khác gắn liền với tôn giáo, tâm linh. Phần lớn người Việt theo Phật giáo và chịu nhiều ảnh hưởng Lão, Trang; họ muốn khi ra đi được “nhẹ nhàng” nên thường không mang theo nhiều của cải quí giá. Thậm chí, ngay bộ phận giàu có nhất là hoàng gia, giới quí tộc khi chết ngoài những đồ đại liệm, tiểu liệm như minh tinh, thất tinh, chăn gấm, gối chèn, phẩm phục, váy lụa, áo thụng… thì những di vật mang theo thường giản dị như túi trầu cau, chiếc quạt, quyển kinh, hộp thuốc lào…

Những trang sử đất

“Theo chúng tôi, những ngôi mộ cổ quí giá ở chỗ chúng là những trang sử đất trung thực và chi tiết nhất…” - nhà khảo cổ học Đỗ Đình Truật nói. Ngay cả cái phần ngoài cùng của mộ là hợp chất ô dước cũng là một nét đặc biệt cần phải khám phá, gìn giữ. Sự chắc chắn của hợp chất này đã được minh chứng trong vụ khai quật “ngôi mộ cổ” ở đường Nguyễn Tri Phương đang được dư luận quan tâm. Để làm ra hợp chất này, người xưa đã phải ra bờ biển nhặt nhạnh vỏ sò, vỏ ốc giã thành vôi nhuyễn trong cối đá, sau đó họ còn làm chất “phụ gia” gồm mật ong, nhớt cây bời lời, dây tơ hồng, dâm bụt để kết dính. Khi trộn “phụ gia” này với vôi sống, họ cho thêm vào cát và than gỗ tốt để tăng độ kết dính. Những mảnh than vụn có chức năng như miếng chêm, hút ẩm, làm hợp chất xây mộ cứng chắc hơn.

Đến thời điểm hiện nay, các nhà khảo cổ học ở TP.HCM đã khai quật khoảng 500 mộ cổ ở khắp địa bàn thành phố. Trong đó tập trung nhiều nhất là khu “mả hầu” ở Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình và “cánh đồng mộ” ở quận 10, quận 6, quận 5… Có mộ khi mở ra sau mấy trăm năm vẫn còn nguyên thân xác người, có cái chỉ còn nắm xương tàn, thậm chí là mùn đất, nhưng cùng với mộ là biết bao nỗi niềm, câu chuyện lịch sử mà không mấy người đời sau được biết.

Ông Truật kể lại đợt khai quật mộ cổ ở chung cư Xóm Cải, quận 5, 15 công nhân đã phải đục ròng rã suốt 40 ngày liền để xuyên thủng lớp hợp chất đặc cứng sâu đến 7m. Mọi người kiệt sức nhưng tất cả đã sững sờ khi nhìn thấy bí ẩn cuối cùng lộ diện: trong chiếc quan tài gỗ tốt, xác người đàn bà khoảng 60 tuổi như đang ngủ, thi thể vẫn còn nguyên vẹn, các khớp mềm mại, màu da nâu đỏ tươi, thậm chí cả lục phủ ngũ tạng cũng còn… Dưới chín lớp quần áo gấm, tơ, lụa và vải sô, xác nằm trong một dung dịch màu nâu đỏ, cay nồng, không giống bất kỳ chất ướp hiện đại nào. Trong quan có phủ một lớp chiếu, dưới là lá phướn đề “Hoàng gia khâm liệm”.

Ở túi áo ngực còn nguyên vẹn tấm pháp danh “Minh Trường, chùa phái Lâm Tế, đời 23” với hai ấn son. Theo ông Truật, trong mộ cổ này là “bà Nguyễn Thị Hiệu, cô của Thuận Thiên Cao hoàng hậu, vợ vua Gia Long”, nhưng điều đặc biệt là việc phát hiện dung dịch ướp xác độc đáo của người xưa. Bà mất từ năm 1806 mà còn lưu được xác thân như vậy rất đáng để người nay nghiên cứu, học hỏi…

Những bí ẩn trong lòng mộ cổ khi lộ diện cũng làm sáng tỏ bao nghi vấn lịch sử. Trong lần khai quật mộ cổ đơn táng ở Vườn Chuối, quận 3, các nhà khảo cổ đã bất ngờ tìm thấy hài cốt và di vật mang theo của Huỳnh Công Lý, phó tổng trấn Gia Định thành. Vào năm Tân Tỵ đời Minh Mạng (1821), Lý ỷ thế “con gái làm cung phi vua” nên ức hiếp, vơ vét tài sản của dân chúng. Khi Tả quân tổng trấn Lê Văn Duyệt trở về, tra xét đơn kiện với tang vật đến hai vạn quan tiền, đã chiếu theo luật Gia Long, kết án tử hình Lý, đưa ra pháp trường giữa chợ Gia Định xử trảm, tịch thu tài sản trả lại cho dân, rồi đưa đầu Lý về trình vua. Xét là hoàng thân, đầu Lý được cho về chôn cùng với xác. Khi nắp quan tài mở ra, di cốt nằm ngửa, quay đầu về hướng tây nam, mặt ngoảnh về bên trái, não trong sọ chưa tiêu hết cùng các vết tích chiếu cói, hạt cườm mã não, cúc áo dát vàng…

Ông Truật còn kể ấn tượng khó quên nhất trong đời khảo cổ của mình là lần khai quật mộ cổ lớn như ngôi nhà ở đường Hoàng Văn Thụ. Trong lúc đang dò đục lỗ ngang để thăm dò lòng huyệt thì một luồng khí độc phụt ra làm ông bất tỉnh tại chỗ, may là có giáo sư, bác sĩ Phan Bảo Khánh cấp cứu kịp. Dù biết đây là “nấm mồ của hoàng tử Cảnh, bị bệnh đậu mùa chết năm 26 tuổi”, ông vẫn bất ngờ khi áo quan mở ra chỉ thấy nắm xương tàn với quần áo sơ sài, không có tư trang, vật dụng mang theo.

Điều đó giúp ông hiểu sâu thêm “Nội tình triều đình đầy những chuyện thâm cung bí sử. Khi hoàng tử Cảnh bị thất sủng, gia quyến ông bị ghép tội phải chết thảm”. Khi khai quật mộ của chưởng cơ Lê Văn Phong, thượng thư Nguyễn Văn Học, các nhà khảo cổ còn tìm thấy gần như nguyên vẹn trang phục đại thần triều Nguyễn với mão miện, đai lưng, quần áo và nhiều vật dụng bằng ngọc và kim loại quí… Những đồ dùng này cho họ biết rõ hơn cách dệt may, trang phục của người xưa.

Dưới lòng những ngôi mộ cổ còn lưu giữ nhiều bí ẩn về tầng lớp thương buôn, phú hộ của thời đầu mở cõi. Trong huyệt song táng bá hộ Hạ Quang Quới, các nhà khảo cổ đã biết thêm về cuộc sống không quá phô trương của những người giàu có một thời. Hài cốt đã tiêu hủy gần hết. Di vật mang theo không có vàng bạc, châu báu mà chỉ là những vật dụng thường ngày như nồi đồng, chén đĩa, ống nhổ, tẩu thuốc, ống ngoáy trầu, lư hương...Một nét đặc sắc nữa của mộ cổ là thường có ghi nhiều thơ văn bên trong. Ngoài những lời khóc thương, nhiều bia ký đã để lại không ít câu thơ rất đáng để người đời sau suy ngẫm: “Núi không vì cao, bởi không hoại nên có tên. Nước không vì sâu, bởi tùy thuận mà linh. Dẫu ở chỗ chật hẹp mà đức độ vẫn điều hòa được buồn khổ cho kẻ khác… Rằng người quân tử như vậy có gì thua thiệt đâu …”.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên